Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải và đại diện các cơ quan liên quan gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, nhà thầu, đại diện chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, xã Nậm Khắt và đại diện Tập đoàn Viettel.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghi thức khởi công.
Cầu Cáng Dông dự kiến sẽ được hoàn thành sau 3 tháng, có chiều dài 32m rộng 4m, tức là gấp gần 4 lần so với cây cầu thô sơ hiện tại, tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242m; thay thế hoàn toàn cho cầu trước đó làm bằng gỗ dài 10m rộng 1,5m, chỉ lưu thông được xe thô sơ. Qua đó, cây cầu này sẽ chấm dứt cảnh gần 1.200 người dân sống tại hai bên cầu thường xuyên phải qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại trong nhiều năm qua; các cháu học sinh đi lại qua song an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. Vị trí cầu nằm tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cũng một trong những địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trước đó, trong năm 2016, Viettel cũng phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng 5 chiếc cầu dân sinh khác tại các xã, huyện nghèo: Cầu Mới (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An); Ngòi Hút (xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái); Na Cho (xã Căm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An); Cầu 603 (Thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng); Bản Mới (Xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải hy vọng cầu Cáng Dông sau khi hoàn thành sẽ giúp thay đổi cuộc sống của họ.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Tập đoàn Viễn thông Quân đội là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ Giao thông vận tải phát động, với số tiền để xây 6 cây cầu là 25 tỷ đồng”.
Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Cầu cũ hiện nay do bà con tự dựng bằng gỗ đã nhiều lần bị lũ cuốn trôi trong mùa mưa. Chỉ tính riêng năm 2016 đến nay cầu đã bị cuốn trôi 3 lần. Khi trời mưa lũ, việc đi lại của người dân, đặc biệt các cháu học sinh gần như bị gián đoạn. Cầu Cáng Dông mới do Tập đoàn Viettel tài trợ khi đi vào sử dụng sẽ đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn, tạo tiền đề để giảm bớt khó khăn trong đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho người dân nơi đây, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ đến trường”.
Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Viettel khẳng định: “Viettel đã xây dựng hạ tầng viễn thông 4G lớn nhất và được đánh giá là hiện đại nhất thế giới nhằm giúp bà con ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể kết nối thông tin, mở ra cơ hội về học tập, kinh doanh, nâng cao tri thức. Viettel còn đóng góp xây dựng những cây cầu để việc kết nối cả về mặt thông tin và địa lý sẽ phát huy hiệu quả thực sự. Đây là tấm lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên Viettel gửi tới bà con nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn”.
Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đang phải đi lại trên những cầu tạm rất nguy hiểm.
Những năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã tích cực chủ động tham gia nhiều hoạt động chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tri ân và an sinh xã hội có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực như:
- Lĩnh vực Giáo dục: Chương trình “Kết nối miễn phí Internet giáo dục”, cho gần 40.000 trường và cơ sở giáo dục trên toàn quốc; Chương trình “Vì em hiếu học” trao học bổng bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho các cháu học sinh dưới 14 tuổi có học lực khá trở lên, hoàn cảnh khó khăn tại 51 Chi nhánh Viettel tỉnh/thành phố trên cả nước. Chỉ riêng trong 03 năm từ 2014 - 2016, chương trình đã trao 78.326 suất học bổng, tổng giá trị 78,326 tỷ đồng cho 2.639 xã nghèo 135 của 51 tỉnh. Đây là lần đầu tiên có một Doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai một chương trình khuyến học quy mô, dài hơi trên toàn quốc đến tận cấp xã, giúp khích lệ và tạo động lực phấn đấu học tập cho các trẻ em nghèo tại các xã khó khăn 135.
- Lĩnh vực Y tế: Chương trình từ thiện “Trái tim cho em” hỗ trợ kinh phí phẫu thuật chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Việt Nam. Nguồn kinh phí huy động đóng góp cho chương trình từ 2008 đến nay là 108.921.000.000 VNĐ, trong đó kinh phí Viettel đóng góp: 40.780.000.000 VNĐ (chiếm 37,4% số tiền ủng hộ). Chương trình đã phẫu thuật cứu sống 3.313 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ nâng cao năng lực cho 6 bệnh viện tim mạch với kinh phí lên tới 15,15 tỷ đồng; Thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh cho 32.000 trẻ em tại 25 tỉnh thành trên cả nước; Là chương trình từ thiện do doanh nghiệp triển khai nhưng thành công trong việc kêu gọi các Tổ chức, cá nhân, kiều bào, Doanh nghiệp khác cùng chung tay giúp đỡ các bệnh nhi nghèo bị bệnh tim bẩm sinh.
- Hỗ trợ người nghèo: Chương trình hỗ trợ “theo NQ30a của Chính phủ”, đã hỗ trợ giúp địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói, giảm nghèo tại 3 huyện (Bá Thước, Mường Lát - Thanh Hóa và ĐăkRông - Quảng Trị); Chương trình hỗ trợ xây dựng 10 cầu dân sinh thuộc các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Long An; Chương trình “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”; Chương trình “Tặng 24.000 con bò giống” giúp hộ nghèo vùng biên giới 11 tỉnh biên giới Phía Bắc.
Riêng tại Yên Bái, trước khi khởi công xây dựng cầu dân sinh Cái Dông tại huyện Mù Căng Chải, kể từ năm 2014 đến 2016, Tập đoàn Viettel đã thực hiện nhiều chương trình xã hội có ý nghĩa, giúp đỡ người dân tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, hỗ trợ phát triển giáo dục… Một số chương trình xã hội quan trọng như: tặng 2.166 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo thuộc 2 huyện Mù Căng Chải và Trạm Tấu; xây dựng cầu treo dân sinh Ngòi Hút tại thôn Gai, xã Đông An, huyện Văn Yên; tặng 2.000 tấn xi măng láng nền, xây chuồng bò trong chương trình“Bò giống giúp người nghèo biên giới”; xây dựng trường học cho xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải; tặng 2.160 suất học bổng “Vì em hiếu học” cho học sinh nghèo vượt khó…. |
Mai Lê