Các thế hệ diễn viên có nhiều đóng góp cho Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Có thể nói, Nhà hát Múa rối Thăng Long, một điểm văn hóa lý tưởng dành cho du khách nhiều năm qua, đặc biệt là khách quốc tế, với các chương trình rối nước đặc sắc, hấp dẫn. Đây cũng là một điểm đến được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế ưa thích.
Những năm gần đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm mang tính đột phá, mới lạ. Điều này không chỉ được ghi nhận bằng sự hưởng ứng của khán giả trong và ngoài nước, mà còn qua các giải thưởng lớn đạt được trong các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Vở rối cạn “Mèo và Chuột” chuẩn bị ra mắt dịp 1/6 tới đây là một thể nghiệm mới và cũng là sản phẩm mang nhiều kỳ vọng về một giai đoạn mới, bước phát triển mới của Nhà hát.
“Mèo và Chuột” - vở diễn mở màn sau đại dịch
Mặc dù vẫn chưa mở cửa trở lại do dịch Covid-19, các cán bộ, diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn tích cực tập luyện vở rối phục vụ thiếu nhi mang tên “Mèo và Chuột” để chuẩn bị cho dịp ra mắt chính thức.
Các diễn viên đang tập luyện biểu diễn vở rối “Mèo và Chuột”.
Vở rối “Mèo và Chuột” do đạo diễn trẻ Hà Bình Minh dàn dựng. Đây là vở rối đầu tay và anh cũng đồng thời là tác giả kịch bản. Với mong muốn gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống, đạo diễn đưa lên sân khấu những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam như liếp rơm, đống thóc, cây cối...
Đạo diễn trẻ Hà Bình Minh.
Đạo diễn trẻ Hà Bình Minh tâm sự, “vở diễn sẽ là món quà ý nghĩa cho các cháu thiếu nhi dịp 1/6 năm nay. Ban đầu tôi định hình là làm một cái gì đó lấy cảm hứng từ làng quê Việt. Ví dụ như việc dựng bối cảnh chúng tôi dùng các liếp rơm và đống thóc, những hình ảnh quen thuộc với làng quê Việt Nam nhưng giờ trẻ em, nhất là trẻ em thành thị ít có điều kiện tiếp cận. Rồi hạt thóc, trẻ em có thể chỉ nhìn thấy hạt gạo, còn thóc thì không”.
Thứ nữa, theo đạo diễn Hà Bình Minh, âm nhạc nhạc truyền thống Việt Nam cũng đang có nhiều mai một, nên anh đã kết hợp với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và nhạc sĩ Trần Đức Minh để làm sao vẫn trên nền nhạc truyền thống, được phối trên thiết bị điện tử, để truyền tải những nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam đến các em thiếu nhi. Hà Bình Minh kỳ vọng với sự kết hợp của hai nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Trần Đức Minh, vở diễn sẽ thêm lôi cuốn nhờ những sáng tác đậm chất dân gian đương đại của các nhạc sĩ, tạo ra những tiết tấu dễ thương, vui nhộn mà vẫn sâu lắng, nhẹ nhàng.
Mèo và chuột, những nhân vật chính của vở diễn.
“Nhân vật chính là mèo và chuột, nhưng cốt truyện tôi làm khác so với những thứ mà trẻ con đang được xem, được đọc hiện nay. Thông điệp tôi muốn gửi gắm là chúng ta đừng chê bai, ỉ lại vào người khác; hãy làm việc, hãy yêu thương nhau. Trong kịch bản này, cả mèo và chuột đều chê nhau là lười và ngu, nhưng lại không chịu làm, chỉ thích chê nhau thôi”. Đạo diễn Hà Bình Minh bộc bạch.
Khai thác hình ảnh quen thuộc là mèo và chuột, nhưng nét mới vở diễn là sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ của rối, với việc sử dụng mấy hình thức của rối là rối bóng, rối tay và rối dây, và kết hợp một chút rối que. Theo các nhà chuyên môn, đây là hình thức rối mà thao tác khá khó.
Diễn viên Nguyễn Văn Phức chia sẻ về vở diễn.
Diễn viên trẻ Nguyễn Văn Phức, một thành viên tham gia diễn xuất hồ hởi chia sẻ: “Sau thời gian dài nghỉ tránh dịch Covid-19, chúng tôi rất háo hức được trở lại sân khấu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham gia một vở liên quan đến rối dây, lại là loại hình khó nhất trong múa rối. Rất nhiều thao thác phức tạp, sự phối hợp tập thể cũng khá khó khăn nên đòi hỏi các diễn viên phải hết sức tập trung khi diễn”.
Về nội dung thì vở diễn khai thác hình tượng quen thuộc là mèo và chuột, với các nét tính cách là lười biếng, ăn sẵn nhưng lại hay chê bai nhau. “Chúng tôi muốn thông qua vở diễn để các bạn nhỏ hiểu được những thói hư tật xấu, thể hiện qua 2 hình tượng mèo và chuột, có hại như thế nào để tránh mắc phải trong cuộc sống”. Diễn viên Nguyễn Văn Phức tâm sự.
Rơm, một trong những chất liệu làm nên nét đặc trưng đồng quê của vở diễn.
Với những chú rối dây, rối tay ngộ nghĩnh, các nghệ sĩ của Nhà hát đem đến cho các em nhỏ câu chuyện xoay quanh chú Mèo lười và đàn Chuột tinh ranh. Tuy nhiên, diễn biến và cái kết của vở kịch không nằm ở mâu thuẫn muôn đời giữa hai loài vật mà lại ở thông điệp: Không nên lười biếng, chê bai nhau mà phải chăm chỉ, đoàn kết. Giá trị giáo dục nhẹ nhàng được truyền tải qua các màn biểu diễn khéo léo, đẹp mắt, sinh động chắc chắn sẽ làm các em thiếu nhi yêu thích. Chắc chắn rằng, vở rối “Mèo và Chuột” sẽ đem tới những giây phút thú vị, vui vẻ nhưng cũng hết sức ý nghĩa cho các em thiếu nhi trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay.
Tìm hướng đi mới
Là một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, những năm qua Nhà hát Múa rối Thăng Long đã có nhiều nỗ lực để đổi mới cùng với quá trình đổi mới đất nước. Sự ra đời của các vở diễn với nhiều hình thức, thể loại khác nhau đã góp phần tôn vinh nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, xứng đáng là tinh hoa văn hóa Việt. Nhưng đợt dịch Covid-19 vừa rồi thực sự là một thách thức với sự phát triển của Nhà hát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ, diễn viên Nhà hát.
Nghệ sĩ Chu Lượng - Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Nghệ sĩ Chu Lượng - Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: Đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung, cũng như Nhà hát nói riêng. Với đặc thù là đơn vị tự chủ hoàn toàn nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Phải dừng hoạt động biểu diễn trong mấy tháng, trong khi quá trình hơn 20 năm lịch sử chúng tôi chưa phải dừng một buổi diễn nào. “Qua đợt dịch này, cùng với định hướng trước đó, Nhà hát chúng tôi đã có những sắp xếp, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài”.
Theo nghệ sĩ Chu Lượng, trước đây Nhà hát chủ yếu phục vụ khác du lịch quốc tế, thì bối cảnh dịch hiện nay xoay sang hướng nội là chính. Như việc hiện nay Nhà hát đang xây dựng vở rối “Mèo và Chuột” phục vụ cho các cháu thiếu nhi Thủ đô dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Sau này Nhà hát sẽ mở rộng hoạt động biểu diễn sang các địa phương, địa điểm khác… “Do là đơn vị tự chủ hoàn toàn nên chắc chắn sẽ có những khó khăn ban đầu. Nhưng với lòng quyết tâm, Ban lãnh đạo và các cán bộ, diễn viên đang cùng nhau vạch ra hướng mới, với từng lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn”. Nghệ sĩ Chu Lượng chia sẻ.
Dù thời gian qua nguồn thu chính đến từ khách du lịch, với loại hình rối nước, nhưng Nhà hát xác định lâu lài phải đi bằng hai chân. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, minh chứng bằng nhiều sáng tạo nghệ thuật được ghi nhận bằng các giải thưởng lớn tại các hội diễn trong nước và quốc tế.
Với thế mạnh sẵn có của một đơn vị nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Thăng Long, luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn của Hà Nội. “Hy vọng tới đây Nhà hát sẽ được du khách trong, ngoài nước biết đến nhiều hơn, thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá những vẻ đẹp mộc mạc và ý nghĩa biểu tượng phong phú của nghệ thuật múa rối Việt Nam”. Nghệ sĩ Chu Lượng nói.
Một số hình ảnh luyện tập của các diễn viên cho vở rối “Mèo và Chuột”:
Tuấn Đông