Trao đổi với Dân Việt về vụ việc Công ty CP Ba Huân muốn hủy thỏa thuận hợp tác với VinaCapital vì hợp đồng tiếng Anh có nhiều điểm khác với văn bản tiếng Việt, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề hợp đồng kinh tế giữa các bên, dù là có pháp nhân Việt Nam hay không, đều không hạn chế việc ký bằng ngôn ngữ nào, bao nhiêu thứ tiếng…
Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng thường có ghi chú thêm là hợp đồng này được ký bằng bao nhiêu ngôn ngữ, có giá trị ngang nhau hay không, khi xảy ra tranh chấp sẽ ưu tiên sử dụng bản hợp đồng bằng ngôn ngữ nào…
Do đó, khi xảy ra tranh chấp, phải xem lại những thông tin ghi chú này để xác định giá trị của hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký bằng hai ngôn ngữ và có giá trị ngang nhau thì khi xảy ra tranh chấp, ngôn ngữ nào được ưu tiên hơn…
“Còn nếu hợp đồng kinh tế chỉ được ký bằng văn bản tiếng Anh thì sẽ có ghi chú là khi có tranh chấp sẽ sử dụng trung tâm trọng tài nào, ví dụ Tòa án Trọng tài thương mại quốc tế ở Singapore chẳng hạn”, luật sư Hưng giải thích thêm.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, Ba Huân phải dựa vào những ghi chú về ngôn ngữ trong bản hợp đồng ký giữa hai bên để giải quyết vụ việc.
Còn nếu hợp đồng được ký bằng hai thứ tiếng, mà hai thứ ngôn ngữ này khiến các thỏa thuận hợp tác không giống nhau thì sẽ phải đề nghị thỏa thuận lại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì doanh nghiệp có thể đề nghị hủy hợp đồng.
“Vì trong trường hợp này, phải xác định yếu tố nào dẫn đến việc có sự sai lệch trong hai bản ngôn ngữ này, ví dụ như dịch thuật chưa chính xác hoặc có một bên lừa dối bên còn lại”, luật sư Hưng nói.
Cũng theo luật sư Hưng, các doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế… bằng tiếng nước ngoài thì phải am hiểu tiếng nước ngoài đó. Do đó, phải lựa chọn một bộ phận dịch thuật uy tín, dịch chính xác các nội dung có trong hợp đồng.
Nếu bộ phận dịch thuật không “chuyên nghiệp”, dịch thuật không chính xác có thể dẫn đến trường hợp hiểu nhầm trong văn từ. Nhất là trong tiếng Anh có nhiều từ có định nghĩa khác với tiếng Việt.
“Nếu phần định nghĩa các từ ngữ sử dụng trong hợp đồng không rõ ràng, sau này doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sẽ… trật lất. Chưa kể, định nghĩa nhiều từ tiếng Anh khác tiếng Việt nên khi ra tòa, doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ bị thua thiệt”, luật sư Hưng nhấn mạnh thêm.
Cũng theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Thủ tướng Chính phủ khó có thể can thiệp vào những tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp như trong vụ việc của Ba Huân và VinaCapital.
Cũng theo một chuyên gia kinh tế, vụ việc xảy ra giữa Ba Huân và VinaCapital là rất đáng tiếc. Qua đó, cảnh báo nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc am hiểu ngôn ngữ khi ký hợp đồng kinh tế với các đối tác có yếu tố nước ngoài.
Cũng theo các chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ sẽ rất khó để can thiệp vào những tranh chấp thương mại như giữa Ba Huân và VinaCapital.
Thông thường, các bên phải có bộ phận dịch thuật chuyên nghiệp hoặc thuê văn phòng luật sư để tư vấn, giải thích các điều khoản trước khi ký những hợp đồng có giá trị lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc này và thường coi trọng “quan hệ cá nhân” với đối tác nên dễ dãi hơn trong việc ký hợp đồng.
“Có thể khi thỏa thuận miệng, doanh nghiệp nói rất tốt nhưng khi thể hiện các điều khoản bằng văn bản, các thỏa thuận ban đầu sẽ thay đổi. Do đó, phải thật cẩn trọng khi ký hợp đồng làm ăn”, vị này nhận định.
Trước đó, trong tháng 2.2018, quỹ VOF đã mua 9,48 triệu cổ phiếu, tương đương 33,77% cổ phần của Ba Huân. Tuy nhiên, sau chưa đầy nửa năm đầu tư, mối quan hệ giữa Ba Huân và VinaCapital bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn lớn.
Đến đầu tháng 7.2018, Ba Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng nhờ "hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital". Trong văn bản này, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho rằng, sau khi ký kết, khi đối chiếu thỏa thuận bằng tiếng Việt, công ty Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không có như trong trao đổi ban đầu của 2 bên.
Cụ thể, VinaCapital đã tự đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp 3 lần lãi suất vốn vay ngân hàng. Trong khi đó VinaCapital lại hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác.
VinaCapital cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22%/năm hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần của Ba Huân.
Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi điều lệ công ty, mặc dù chỉ là một cổ đông phổ thông nhưng VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.
Do đó, bà Ba Huân cho rằng thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân. Dù đã đề nghị chấm dứt hợp tác nhưng Ba Huân cho biết phía VinaCapital "có hành động trì hoãn, gây khó khăn", như yêu cầu phải thanh toán khoản phí phát sinh dựa trên mức lãi suất 22% cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm trong khi thực tế khoản tiền trên vẫn đang được giữ lại tài khoản do VinaCapital kiểm soát…
Cho rằng lãi suất và các yêu cầu ràng buộc Ba Huân quá cao, không hợp lý với thực tế sản xuất, kinh doanh của...
Theo Thuận Hải/Báo Dân Việt