|
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh minh họa
|
Điểm chung giữa báo chí và doanh nghiệp - Sứ mệnh phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân
Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều coi doanh nghiệp là nòng cốt làm tăng thêm của cải vật chất cho xã hội, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, làm cho xã hội giàu mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do vậy, việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ hàng đầu ở mỗi quốc gia. Thậm chí, việc doanh nghiệp thành công hay thất bại đều tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng khu vực, địa phương và rộng ra là cả nước. Nơi nào có nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, kinh tế nơi đó chắc chắn phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện.
Còn với báo chí, trong lịch sử 97 năm báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí luôn giương cao “lá cờ tiên phong”, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong muôn vàn mục tiêu, báo chí và doanh nghiệp có chung một cái đích lớn nhất, cũng là nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả - phụng sự Nhân dân, đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, thời gian qua báo chí và các doanh nghiệp trong nước đã cùng phối hợp, đồng hành để cùng phát triển.
Báo chí vừa cung cấp thông tin, vừa giới thiệu, quảng bá cho doanh nghiệp, chuyển tải những thông điệp, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp với công chúng, với cơ quan chức năng, nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, báo chí cũng phát hiện, biểu dương, cổ vũ các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu về sản xuất kinh doanh. Báo chí chính là “cầu nối” giúp công chúng tìm được những thông tin cần thiết về doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp. Về phần mình, doanh nhân, doanh nghiệp chính là nguồn đề tài phong phú, đa dạng; là nguồn cảm hứng để các tác phẩm báo chí thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống, có tính thực tiễn cao. Thông qua báo chí, doanh nghiệp có thể xây dựng và phát triển thương hiệu; quảng cáo sản phẩm; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; cập nhật kịp thời các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Với vai trò vô cùng quan trọng, cùng ý nghĩa lớn lao của mối quan hệ bền chặt giữa báo chí và doanh nghiệp - Việc cùng bắt tay, nhìn về một hướng, giúp nhau phát triển là mục tiêu mà báo chí và doanh nghiệp cùng hướng tới. Để thực hiện mục tiêu này, báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở, tin cậy và tôn trọng nhau, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thực tế khoảng cách vô hình giữa báo chí và doanh nghiệp
Mặc dù ở trong mối quan hệ tương hỗ như vậy nhưng trong thời gian qua, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đôi khi vẫn còn nhiều điều trắc trở. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không hợp tác với báo chí, hoặc báo chí thông tin chưa chính xác, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp…
Thực tế, báo chí vẫn còn những sai sót như thông tin sai sự thật, có sự nhầm lẫn do nghiệp vụ của nhà báo. Những điều này đôi khi dẫn đến hệ quả làm cho doanh nghiệp lao đao, khó khăn, nhất là trong việc tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường, thậm chí không cẩn thận dẫn đến “giết chết” doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận, trong quá trình tìm hiểu và viết bài về doanh nghiệp, đã có những nhà báo tìm đến doanh nghiệp với động cơ, ý đồ riêng. Điều này vô hình chung khiến cho doanh nghiệp có cách nhìn khác về báo chí, nghi ngờ về đạo đức và nghiệp vụ của một số nhà báo.
Còn về phía doanh nghiệp, việc tiếp cận được với doanh nghiệp để khai thác thông tin không hề đơn giản. Nguyên nhân vừa có yếu tố khách quan và chủ quan. Khi viết theo hướng tích cực, nhà báo thường là được tạo điều kiện, dễ dàng tiếp cận hơn, còn viết về những tiêu cực thì khai thác thông tin khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, nhà báo luôn sẵn sàng lắng nghe, chuyển tải lên mặt báo tiếng nói của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về những thông tin đăng tải, nhưng họ gặp phải sự “lạnh nhạt” của doanh nghiệp, có trường hợp doanh nghiệp từ chối thẳng thừng…
Như thế có thể thấy, dường như giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn đang tồn tại một khoảng cách vô hình - hố sâu ngăn cách mà không phải lúc nào cũng có thể khỏa lấp được, khi báo chí chưa thể hài hòa giữa trách nhiệm vạch trần sự thật và hướng tới việc thỏa mãn thị hiếu độc giả làm trọng trách bản thân - và đảm bảo “tình nghĩa”, “xây dựng mối quan hệ tốt đẹp” của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp thì e ngại, chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ chế phát ngôn chưa định hình, thống nhất, đặc biệt khi doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng… Sự xuất hiện, tồn tại của khoảng trống trong mối quan hệ này đã vô hình chung làm suy giảm tính hiệu quả trong sự hợp tác giữa hai bên. Báo chí xa doanh nghiệp là xa một tầng lớp năng động nhất, đó là chưa nói đến việc xa một khách hàng tiềm năng, có sức mua, có khả năng thanh toán. Còn doanh nghiệp xa báo chí chính là đang hạn chế tiếng nói của mình, đồng thời xa công chúng, dư luận, ra xa khỏi chính những khách hàng tiềm năng, xa rời thị trường.
Giải pháp duy trì mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp
Cần phải nhấn mạnh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ tương hỗ hai chiều: doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp chứ không phải là sự xin - cho. Do đó để tháo gỡ, giải quyết những khúc mắc, đồng thời lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa báo chí và doanh nghiệp, không giải pháp nào quan trọng bằng việc báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở, tin cậy, tôn trọng và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung - lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đảm bảo tính chính xác và nhân văn trong thông tin báo chí về doanh nghiệp
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin. Đó là thái độ hợp tác tích cực, thậm chí khi xảy ra trường hợp thông tin bất lợi đối với mình. Trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp rất cần tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, cung cấp cho công chúng cái nhìn chính xác nhất, loại bỏ những tin đồn, tin không chính xác xuất hiện. Cơ quan báo chí phải cố gắng tiếp cận, không vì cạnh tranh thông tin mà lôi kéo độc giả để thương mại hoá tờ báo; càng không vì lợi nhuận dẫn đến hậu quả thông tin thiếu trung thực hoặc chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau, làm suy giảm lòng tin của người đọc nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
Bên cạnh tính chính xác của thông tin, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây chính là thước đo giá trị của việc hành nghề chân chính. Điều này không chỉ thể hiện ở việc đảm bảo tính hài hòa, nhân văn trong thông tin (tức là cân bằng giữa thông tin tốt - xấu, vừa phân tích những điểm chưa được, vừa gợi ý các giải pháp, vừa khích lệ, động viên,…). Mà quan trọng nhất là phải hướng đến sự tích cực, đảm bảo lợi ích hài hòa, không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí.
Đảm bảo tính bình đẳng - bền vững trong hợp tác
Báo chí và doanh nghiệp, suy cho cùng là mối quan hệ hợp tác chứ không phải đối đầu. Cả hai cần có nhau để cùng phát triển.
Một mối quan hệ hợp tác, bền vững chính là điều kiện lý tưởng cho báo chí và doanh nghiệp. Bằng việc thiết lập quan hệ bình đẳng, báo chí đã góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh và là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, giữa doanh nghiệp với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thông qua báo chí, doanh nghiệp cũng nói lên được tiếng nói của mình về những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; từ đó gửi đến cơ quan chức năng những đề xuất về chính sách, cải cách thể chế, đóng góp vào sự phát triển chung. Điều này cũng giúp tạo ra môi trường bình đẳng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Để làm được điều này, chính doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trên lĩnh vực truyền thông, chủ động cung cấp những thông tin kịp thời cho báo chí; hạn chế những biểu hiện tiêu cực, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo cơ hội cho những người làm báo thiếu đạo đức trục lợi. Đây không chỉ là cách để làm “trong sạch” đội ngũ phóng viên, nhà báo mà còn là cơ sở để các doanh nghiệp thực sự có được môi trường thuận lợi để sản xuất, kinh doanh phát triển.
Xây dựng văn hóa hợp tác văn minh giữa báo chí và doanh nghiệp
Dù trong thời đại nào, báo chí luôn là kênh truyền thông quan trọng không thể thiếu trong quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Báo chí là kênh truyền thông quan trọng trong quảng bá, nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi đưa sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh đến với công chúng. Mặt khác, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước. Những khó khăn trong quá trình phát triển thương hiệu cạnh tranh của các doanh nghiệp được báo chí phản ánh rất đậm nét, từ đó tạo tiền đề, cơ sở để Chính phủ có những chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Có thể nói, một phần văn hóa doanh nghiệp được hình thành và tồn tại thông qua việc sử dụng báo chí. Báo chí là kênh thông tin tuyên truyền hữu hiệu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, có giá trị bền vững và tạo ra điểm nhấn khác biệt cho các doanh nghiệp. Nhiều tin, bài tuyên truyền về nét đẹp văn hóa doanh nghiệp đã tác động tích cực và làm lan tỏa văn hóa ứng xử chuẩn mực không chỉ trong công việc thường ngày mà còn trong cả đời sống sinh hoạt của tất cả mọi người. Báo chí góp phần giúp nhân viên hiểu hơn về các giá trị cốt lõi, văn hóa của doanh nghiệp mình, từ đó có thể đưa ra các ứng xử, quyết định đúng đắn, phù hợp trong quá trình làm việc; giúp ban lãnh đạo, nhà quản lý trong công tác điều hành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Điều này càng chứng tỏ việc xây dựng văn hóa hợp tác văn minh, hiện đại giữa báo chí và doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Để làm được điều ấy, báo chí cần đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời mang đến cho độc giả những tin tức nóng hổi nhất về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý.
Nói cách khác, báo chí cần xây dựng - kiến tạo nên một diễn đàn để doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm, góp phần tạo sự đồng thuận, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân. Nhờ vậy, vị trí của doanh nghiệp được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng được nhiều người biết đến. Và như thế, báo chí đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với doanh nghiệp, có ảnh hưởng, tác động thật sự trong cộng đồng doanh nghiệp.
Từ chủ đề của Hội Báo toàn quốc năm 2022: “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”, mỗi người làm báo trong bối cảnh hiện nay đều cần có lý tưởng, mục đích cao quý: phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Và trong môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt hiện nay, báo chí và doanh nghiệp càng cần phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng hành, cùng nhau phát triển. Chỉ có như vậy, báo chí và doanh nghiệp mới có thể hoàn thành mục tiêu chung, là hướng đến sự phát triển toàn diện của đất nước trong quá trình hội nhập.
Trương Thành Trung
ThS, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Mặt trận, UBTW MTTQ Việt Nam