|
Khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) là nơi có tốc độ đô thị cao. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN |
Theo các chuyên gia, cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị và những yêu cầu để bảo đảm quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; trong đó, phải lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Việc quy hoạch và phát triển đô thị kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế đô thị, đồng thời với quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong số đó, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.
Bàn về giải pháp cho việc lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức… Do đó, cần sớm tìm được giải pháp khắc phục và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái. Quản lý phát triển đô thị cần phải song hành cùng quy hoạch đô thị để quản lý các vấn đề của đô thị, phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập.
”Yêu cầu đặt ra là quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, có tính đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển”, ông Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Chính vì quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập nên tỷ lệ đô thị còn thấp; phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai; hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều.
“Việc chỉnh trang, cải tạo đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Ô nhiễm môi trường tại những đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực”, ông Chính dẫn chứng.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, phát triển đô thị và tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng gia tăng dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa lịch sử đô thị diễn ra gay gắt…
Hiện nay, việc sử dụng đất đai, dân số, lao động nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch còn có nhiều bất cập; quy hoạch quản lý sử dụng không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị chưa được chú trọng...
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Tiến sỹ Trần Thị Lan Anh - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, những chính sách quốc gia về phát triển đô thị đã và đang tạo lợi thế, thời cơ cho phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển đô thị bền vững, thịnh vượng, cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong xã hội trong việc thực thi đồng bộ các giải pháp…
Đang chú ý, việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có việc xây dựng thể chế và nguồn lực cho đô thị. Theo bà Lan Anh, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị quá và giải quyết những "điểm nghẽn", các thể chế, chính sách phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch trong triển khai, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển đô thị.
Hiện nay, các cơ chế, chính sách về phát triển đô thị đã có nhưng còn tản mát ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau gây cản trở nhất định trong việc thống nhất nhận thức, hành động. Do vậy, thời gian tới rất cần thống nhất các quy định quản lý phát triển đô thị, giải quyết các vướng mắc, chồng chéo hiện nay liên quan đến vấn đề đất đai, nguồn lực..., đặc biệt sớm ban hành Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị là một bước đột phá về thể chế.
Trong bối cảnh phát huy vai trò đổi mới, sáng tạo của đô thị, khai thác nguồn lực từ đô thị để trở thành nội lực phát triển buộc các đô thị phải chủ động hơn trong kế hoạch phát triển đô thị có hiệu quả. Tuy nhiên, thể chế, cơ chế hướng dẫn tạo nguồn lực cho đô thị còn khá hạn chế, nhất là đối với cơ chế tạo nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang tái thiết hạ tầng đô thị lớn.
Đơn cử như chính sách đổi đất lấy hạ tầng một thời gian dài đã tạo điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng quốc gia, đô thị đang được dừng lại gây khó khăn cho nhiều đô thị. Các đô thị vẫn chủ yếu dựa trên nguồn lực đất đai, kết quả vẫn thiếu nguồn lực trong đầu tư chỉnh trang, tái thiết.
Thời gian tới, cơ chế để tạo nguồn lực cho đô thị rất cần được khơi thông. Một trong những cơ chế đó là khai thác hiệu quả từ không gian đô thị, chuyển đổi không gian đô thị, định giá và nắm bắt được giá trị gia tăng của đất đai, giá trị của không gian đô thị trong quá trình đầu tư tái thiết, xây dựng thương hiệu đô thị.
Theo Thu Hằng (TTXVN/Báo Tin tức)