Kiên định gắn liền với đổi mới, sáng tạo
Trong bài viết lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu hai vấn đề lớn: Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII; phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới. Khẳng định đại hội là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đồng chí nhấn mạnh phương châm của Đại hội là Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Đó cũng là bản chất làm nên truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Nhiều lần phân tích, chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Mỗi đại hội là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Đảng và đất nước, vừa có nhiệm vụ đánh giá kết quả của một nhiệm kỳ 5 năm, vừa thông qua đó để tổng kết, bổ sung, từng bước hoàn thiện về lý luận, làm sáng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường đã chọn. Kiên định nhưng không giáo điều, rập khuôn, cứng nhắc mà gắn liền với đổi mới và sáng tạo, phù hợp xu thế của thời đại; đổi mới trên nguyên tắc kiên định chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Kế thừa những thành tựu đã đạt được, nhưng cũng thường xuyên cập nhật tình hình biến đổi trong nước và quốc tế, nhất là những thành tựu của văn minh nhân loại, như sự phát triển của khoa học công nghệ, nhằm tạo đột phá mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đó là tầm tư duy chiến lược, là những điều tâm huyết mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi đến toàn Đảng, toàn dân, không chỉ trong ba bài viết của mình mà nhiều lần đồng chí đã phân tích, chỉ rõ tại các hội nghị của Đảng, của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.
Đánh giá dự thảo các văn kiện trình đại hội lần này được chuẩn bị công phu, bài bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đó là sự kết tinh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng và khát vọng vươn lên của dân tộc. Những kết quả đạt được mà các dự thảo văn kiện nêu là bức tranh trung thực, sinh động về hiện thực cuộc sống đất nước ta những năm qua; là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều ấy một lần nữa minh chứng cho đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Trên cơ sở nhìn lại nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phân tích, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đúc rút từ những nhiệm kỳ trước, trước hết là đẩy mạnh đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết; năng động, sáng tạo, tạo đột phá để phát triển; chú trọng tính đồng bộ giữa thực hiện mục tiêu cấp bách, giải quyết dứt điểm những yếu kém, đồng thời xây dựng đồng bộ thể chế để thực hiện các mục tiêu lâu dài,…
Trăn trở và khát vọng
Các bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không những cho thấy tinh thần, nội dung cốt lõi các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII mà còn gửi một thông điệp về nhiệm kỳ mới với tư tưởng chiến lược tổng thể; động lực, nguồn lực cho phát triển đất nước nhanh, bền vững và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng ta; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đó là cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đối ngoại,… Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh: “xử lý tốt hơn các mối quan hệ: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”; “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”,…
Các bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào ba thời điểm khác nhau. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35, đồng chí có bài Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo kịp thời, sâu sắc cả bốn nội dung của đại hội để các cấp ủy, tổ chức đảng từ cơ sở nắm chắc hơn ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội lần này. Đó là những quan điểm định hướng chung; vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy, từ chuẩn bị văn kiện, phương án nhân sự đến tổ chức đại hội; từ việc giải quyết những vấn đề nội bộ đến tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân, sớm có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội... Yêu cầu chung là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, đề cao tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh; tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và Đại hội XIII của Đảng; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.
Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 12, có nội dung bàn về nhân sự, khai mạc ngày 11-5-2020, bài viết Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hồ hởi đón nhận. Bài viết tập trung phân tích nêu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội và chứa đựng sự trăn trở về tình trạng suy thoái của một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, đồng thời mong muốn “Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới”. Từ trước đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn phê phán gay gắt và tìm mọi cách ngăn chặn, xử lý tình trạng chạy chức, chạy quyền. Một lần nữa trong bài viết này, đồng chí yêu cầu, kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; tuyệt đối không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; mị dân, chuyên quyền, độc đoán; trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị...
Mỗi bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nội dung, yêu cầu khác nhau, nhưng thống nhất một quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là tổ chức thành công đại hội. Bài viết lần này đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và chuẩn bị đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng như một lời nhắn nhủ các tổ chức đảng về trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”. Ba bài viết, một tầm nhìn chiến lược!
Theo BẮC VĂN/Báo Nhân dân