|
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh HV |
Xin đồng chí chia sẻ với bạn đọc Báo Lao Động về ý nghĩa bài viết đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh hiện nay?
- Bài viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh cả tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn, ở đây tôi chỉ xin đề cập đến thời điểm công bố. Được công bố vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, chuẩn bị và tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, bài viết có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và nhân dân.
Tiêu đề của bài báo đề cập đến những chủ đề rất lớn, hệ trọng của Đảng, của dân tộc ta - về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bài báo có ý nghĩa rất quan trọng giúp các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn đường chúng ta đi, đích chúng ta đến để làm tròn trách nhiệm cao nhất, tuyệt đối không được dao động, ngả nghiêng.
Chứng kiến một thế giới đầy biến động, bất an, đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp hành tinh, nhưng nhân dân ta vẫn được sống, lao động và học tập trong môi trường an toàn, an ninh, tự do, hạnh phúc, chúng ta càng thấm thía hơn về giá trị của chủ nghĩa xã hội và niềm tin sâu sắc vào đường tới tương lai của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn.
Đồng chí có thể đưa ra vài bình luận về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được khẳng định bằng lý lẽ sâu sắc, luận chứng thuyết phục trong bài viết?
- Bài viết dù đặt tiêu đề rất khiêm tốn là “Một số vấn đề” nhưng thực ra đề cập những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc ở tầm tư tưởng - lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó vừa là tiền đồ, tương lai phải định hướng để đạt được, vừa là hiện thực phải từng bước định hình trong mỗi bước đi của công cuộc đổi mới.
|
PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. |
Một trong những điểm nhấn của bài viết là đưa ra những lý lẽ sâu sắc, luận cứ thuyết phục về tính tất yếu thay thế của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản. Lựa chọn con đường lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, là giải pháp đúng đắn để mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Phải đặt trong bối cảnh chúng ta đang quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII để hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn những nội dung này. Đại hội XIII nêu cao tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xác định tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp đổi mới phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bởi chủ nghĩa xã hội không chỉ mang lại độc lập cho dân tộc, mà còn là con đường duy nhất đúng đắn để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, của các nền dân chủ đa nguyên, khiến cho bất công xã hội ngày càng gia tăng, xung đột xã hội bùng nổ ở nhiều nước, suy thoái môi trường diễn ra nghiêm trọng.
Chủ nghĩa tư bản tự bản thân nó không thể giải quyết được các vấn nạn, các khuyết tật nêu trên - bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sâu sắc điều này - mà đó là vấn đề phi chủ nghĩa tư bản, tức là vấn đề của chủ nghĩa xã hội.
Không ít người đã từng say sưa với chủ nghĩa tự do, nhưng sự thật trần trụi được phơi bày đã làm phản tỉnh họ, nhất là trong cuộc khủng hoảng y tế lần này hay các cuộc bầu cử gây chia rẽ xã hội, đánh mất lòng tin của cử tri trong nền dân chủ đa đảng hay lưỡng đảng, gây nên các xung đột làm rạn nứt các kết cấu xã hội, đánh rơi mặt nạ “dân chủ” luôn được rêu rao và tìm cách “xuất khẩu dân chủ”.
Bản chất của chủ nghĩa xã hội được nhấn mạnh như thế nào trong bài viết, xin đồng chí cho một số ý kiến bình luận?
- Trong bài viết này, đồng chí Tổng Bí thư đã làm rõ những vấn đề cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta kiên định trong quá trình đổi mới. Có thể ở các văn kiện, tài liệu khác đã đề cập những nội dung này, nhưng tiếp cận dưới góc độ một bài báo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích các vấn đề cốt lõi đó bằng lập luận khoa học, thuyết phục, kể cả phản bác sắc bén những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa là một chế độ xã hội mang bản chất tốt đẹp, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm, dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa cá nhân và phe nhóm.
Bài viết nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế thị trường phải gắn liền với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi kinh tế thị trường có vai trò trong phân bổ hiệu quả nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường là phân hóa giàu nghèo, gây nên các bất công xã hội, bỏ rơi những người kém may mắn, chạy theo lối sống sùng bái vật chất, hình thành “nhóm trục lợi” xem đồng tiền là tối thượng mà bất chấp đạo lý, sẵn sàng hy sinh lợi ích công cộng.
Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là phát huy mặt tích cực và hóa giải, giảm thiểu mặt tiêu cực của thị trường, gắn với phát huy đầy đủ vai trò nhà nước và xã hội. Đây là cơ sở rất quan trọng cho phân tích, đánh giá tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn phát triển trong thời kỳ quá độ, tránh các biểu hiện chủ quan, nóng vội, duy ý chí, đốt cháy giai đoạn hoặc xa rời, chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển.
Một trong những điểm nhấn của bài viết là những lý giải về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng chí có thể cho chia xẻ ý kiến với bạn đọc về điểm nhấn này?
- Trên quan điểm duy vật biện chứng, bài viết đã làm rõ đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn với yêu cầu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, được phân biệt với đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở dạng hoàn chỉnh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp không ít người khắc phục những nhầm lẫn giữa mục tiêu hướng tới và các biện pháp trung gian quá độ, nhất là khắc phục các biểu hiện nóng vội, chủ quan, duy ý chí lấy các đặc trưng chế độ xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh trong tương lai bắt hiện thực phải khuôn theo.
Thời kỳ quá độ là thời kỳ mà “nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực” và sự đan xen, cạnh tranh ngày càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ quá độ, do xuất phát điểm thấp, chúng ta “bỏ qua” chủ nghĩa tư bản nhưng phải xác định “bỏ qua” cái gì, cái gì phải kế thừa, phát triển. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Phải kế thừa những thành tựu này có chọn lọc, có phê phán, trên quan điểm khoa học và phát triển.
Bài viết lưu ý rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, hoàn thiện không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hoàn chỉnh.
Có thể nói, phải hiểu đầy đủ khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cơ chế thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa là làm cho mục tiêu xã hội chủ nghĩa luôn được quản trị, giữ vững trong quá trình đổi mới đất nước; làm cho nhân tố xã hội chủ nghĩa, những cái tốt đẹp luôn giữ vai trò chủ đạo, lớn dần lên trong quá trình cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa.
Cùng với vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa là định hình chủ nghĩa xã hội, tức phải làm cho bản chất tốt đẹp, giá trị của chủ nghĩa xã hội được hiện thực hóa trong đời sống hằng ngày mà người dân được thụ hưởng gắn với điều kiện, lộ trình cụ thể. Đó chính là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tăng trưởng kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.
Để tránh rơi vào chủ quan duy ý chí, bài viết lưu ý rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội.
Thưa đồng chí, tổ chức Công đoàn cần làm gì để quán triệt sâu sắc tinh thần bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bài viết tiếp tục khẳng định, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý rằng, khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, mà thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, vì giai cấp công nhân là giai cấp có lợi ích thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Với bản chất của mình, Đảng có nhiệm vụ chăm lo cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Bài viết đã nêu lên những con số, ví dụ sinh động thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước cho phát triển con người, phát triển xã hội, không ngừng mở mang phúc lợi xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Ai là đối tượng được thụ hưởng các chính sách bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội? Xin thưa rằng, trước hết chính là giai cấp công nhân, nông dân, người lao động, người có thu nhập thấp.
Đại hội XIII của Đảng nêu phương hướng tiến tới xây dựng nền giáo dục phổ thông miễn phí, trước hết là giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Điều này khác hẳn với nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã biến giáo dục thành hàng hóa kinh doanh kiếm lời, con em các gia đình có thu nhập thấp không được đến trường, không có cơ hội phát triển. Đối với chế độ ta, khi con em của công nhân, nông dân, người lao động, người có thu nhập thấp được hưởng nền giáo dục miễn học phí (bản chất là nhà nước trả hộ học phí thay) thì các gia đình mới có điều kiện dành nguồn tài chính eo hẹp của mình mua sắm các hàng hóa, dịch vụ khác để cải thiện đời sống.
Ngay trong những ngày này, nhiều quốc gia còn chìm đắm trong cơn bão của đại dịch COVID-19, mà có một nguyên nhân được chỉ ra là do tư nhân hóa, thị trường hóa các dịch vụ y tế, thiếu đầu tư cho hệ thống y tế công cộng. Còn đối với chúng ta, dù chưa phải là nước phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã dành một phần rất quan trọng ngân sách chi cho phát triển mạng lưới y tế công cộng, đầu tư phát triển bệnh viện rộng khắp, hỗ trợ ngân sách cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số mua bảo hiểm y tế, phấn đấu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, chi ngân sách mua vaccine phòng, chống COVID-19, tăng cường quản lý giá thuốc, giá dịch vụ y tế, không thả nổi theo thị trường, kể cả xử lý bằng biện pháp hình sự những ai nâng khống giá thiết bị y tế, giá thuốc. Hệ thống y tế công cộng được chăm lo đầu tư của nhà nước đã tham gia đắc lực, góp phần cực kỳ quan trọng vào phòng ngừa hiệu quả đại dịch COVID-19 thời gian qua. Bảo hiểm y tế cho người dân gắn với kiểm soát giá thuốc, giá dịch vụ y tế, không thả nổi theo thị trường có ý nghĩa bảo đảm quyền khám và chữa bệnh của người dân, nhưng không làm “nghèo hóa” người có thu nhập thấp.
Đại hội XIII rất nhấn mạnh đến mở mang phúc lợi, phát triển thiết chế văn hóa, dịch vụ xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động với trách nhiệm của cả nhà nước, công đoàn, chủ sử dụng lao động. Để các mục tiêu, định hướng đó được hiện thực hóa có rất nhiều việc phải làm, trong đó Công đoàn các cấp với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động phải quán triệt sâu sắc tinh thần bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục đổi mới hoạt động, tạo sức hấp dẫn mới trong thu hút, tập hợp, vận động, đoàn kết công nhân, người lao động.
- Xin cảm ơn PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản!
Theo Báo Lao động