1. Trước hết, chúng tôi đánh giá cao tính kịp thời và thiết thực của bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đó ưu tiên trả lời cho 5 câu hỏi quan trọng là: Chủ nghĩa xã hội là gì? Tại sao Việt Nam chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì? và quá trình này đặt ra vấn đề gì? Bài viết đã giải thích đầy đủ và thẳng thắn từng câu hỏi liên quan.
2. Chủ nghĩa xã hội đã được Tổng Bí thư khẳng định rõ là “chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay”. Trong bối cảnh phong trào bình dân thế giới đang phải đối mặt với những đe dọa của chủ nghĩa cơ hội (các hệ tư tưởng dân chủ xã hội mang nhiều màu sắc khác nhau), chúng tôi cho rằng lập trường rõ ràng này rất có giá trị.
3. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ đến nay, nhiều người quan ngại về sự chân thực và tính thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Bằng lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bài viết góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay.
4. Chúng tôi rất đồng tình với những đánh giá xác đáng và toàn diện mà tác giả nêu trong bài viết khi phê phán sự bất lực của thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản trong việc giải quyết các vấn đề và các cuộc khủng hoảng nổi bật trên thế giới ngày nay.
5. Chúng tôi đặc biệt ghi nhận việc tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền đất nước. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
6. Tiếp theo, tác giả đã giải thích rất đúng đắn rằng khi Liên Xô sụp đổ và nhiều nhà nước xã hội chủ nghĩa không còn, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đã “quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chúng tôi cho rằng nhận định này rất có ý nghĩa, vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng sự tham gia của người dân để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chúng tôi đánh giá cao ý này.
7. Đồng chí Giáo sư Nguyễn Phú Trọng đã gây sự chú ý đặc biệt cho người đọc khi nêu rõ một số luận điểm mà mọi tổ chức cộng sản, xã hội chủ nghĩa và cánh tả trên thế giới đang phải phân tích và thảo luận sâu: “Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...”.
8. Tiếp theo, tác giả đề cập đến “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Chúng tôi mong muốn được tìm hiểu bản chất của các mối quan hệ sản xuất đã được đề cập trong cụm từ này.
9. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa thêm những quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi rất ngưỡng mộ quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng chế độ dân chủ mà không có sự trợ giúp và sức mạnh đáng kể của các nước cộng sản mạnh (như Lê-nin đã đề xuất). Tuy vậy, chúng tôi cũng mong muốn được hiểu thêm về sự điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nếu chỉ thông qua một chính quyền có đạo đức và quyền lực chính trị. Tác giả đã khẳng định mô hình kinh tế của Việt Nam rõ ràng khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Do đó, chúng tôi mong muốn được biết thêm là có thể có cơ chế kinh tế nào khác để điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này và những điểm khác biệt cơ bản của nền kinh tế đó với chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.
10. Chúng tôi rất đồng tình và đánh giá cao việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài viết rằng “không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Trên thế giới hiện nay có quan niệm rằng mọi người nên gồng mình gánh chịu khó khăn cho đến khi đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta cần gắn bản chất của tăng trưởng với lợi ích của nhân dân.
11. Tiếp theo, trong bài viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật được tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong việc xây dựng nền văn hóa dựa trên giá trị tiến bộ và nhân văn. Nhiều người cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không đề cập vấn đề phát triển các mặt tinh thần của đời sống nhưng chúng tôi rất nhất trí với ý kiến này của tác giả.
12. Tiếp theo, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến vấn đề “dân chủ” và việc Việt Nam đã xây dựng được cơ chế cho sự tham gia của xã hội trong đời sống chính trị để phát huy dân chủ, không như chế độ dân chủ trong chủ nghĩa tư bản trong đó các ranh giới được quyết định bởi quyền lực và đặc quyền.
13. Tác giả đã nêu rõ sự khác biệt về bản chất giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền tư sản. Chúng tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận mới về vấn đề này và mong muốn được thảo luận để hiểu rõ thêm về sự khác biệt này.
14. Chúng tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ trước việc Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo trong nước.
15. Tiếp theo, chúng tôi ghi nhận rằng Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội liên tục và hiện đạt được những chỉ số phát triển tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế trên thế giới. Chúng tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và công nghệ thông tin cũng như sự ổn định và an sinh xã hội.
16. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đưa đất nước phát triển như ngày nay. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này cho cả thế giới thấy rằng con đường phát triển của đất nước Việt Nam không phải là một con đường dễ dàng và suôn sẻ. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không thể đạt được những thành tựu này nếu không có sự quyết tâm và những quyết sách đúng đắn, nguyên tắc và nhìn xa trông rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
17. Tiếp theo, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu ra những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình phát triển đất nước cần phải chỉnh đốn ngay lập tức. Chúng tôi rất đồng tình với nhận thức này của các đồng chí và coi đây là một bước đi thực chất để tự hoàn thiện và tự chỉnh đốn. Việc xác định công khai và chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế là nền tảng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét rất sáng suốt rằng: “Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một nhận định mạnh mẽ, vạch ra khối ung thư vô hình và chậm rãi mưu toan nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi rất trân trọng nhận định này vì nó chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận ra và thấy cần triệt tiêu mối đe dọa này trong thời gian tới.
18. Xuyên suốt bài viết, tác giả thường sử dụng cụm từ “Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ” lên chủ nghĩa xã hội. Là những người theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chúng tôi coi chủ nghĩa xã hội là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi hiểu rằng những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong giai đoạn của chủ nghĩa tư bản phải được tiếp quản và hoàn thành trong giai đoạn của chủ nghĩa xã hội, trong quá trình quá độ. Chúng tôi mong muốn được tìm hiểu thêm về khái niệm “thời kỳ quá độ” được nêu ở đây.
19. Chúng tôi cũng mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chia sẻ với các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản, cánh tả và các tổ chức, phong trào xã hội chủ nghĩa, nhằm đóng góp cho phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế.
20. Chúng tôi hiểu rõ rằng với tư cách là một đảng cầm quyền có trách nhiệm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện đường lối rất thận trọng và sáng suốt trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”. Chúng tôi khẳng định rằng lập trường này của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phục vụ tốt, lâu dài cho con đường xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được chia sẻ quan điểm và suy nghĩ đồng tình của chúng tôi với Đảng Cộng sản Việt Nam - một trong những đảng cầm quyền cách mạng giàu kinh nghiệm nhất. Chúng tôi nhận thấy toàn bộ bài viết này là một tài liệu tập trung, có kết cấu tốt, nhiều thông tin và toàn diện. Tất cả đánh giá của chúng tôi trong bài bình luận này đều có mục đích tốt và chúng tôi hy vọng những đánh giá đó cũng sẽ được đồng tình đón nhận. Chúng tôi mong muốn được thảo luận thêm về một số vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra. Chúng tôi rất mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai đảng.
---------------
Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T)
BIMAL RATHNAYAKE - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Sri Lanka (JVP)