Công tác tư tưởng phải đạt mục tiêu: Được người, được việc, được tổ chức

“Công tác tư tưởng phải luôn phấn đấu đạt được mục tiêu hiện thực là: được người, được việc, được tổ chức” - những chỉ đạo về công tác tư tưởng - văn hóa của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là bài học chưa bao giờ cũ đối với mỗi cán bộ tư tưởng - văn hóa.

Năm 1997, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tư tưởng - văn hoá năm 1997 và bàn biện pháp nâng cao chất lượng công tác tư tưởng - văn hoá góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 1998, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: Những thành tựu quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã giành được trong thời gian qua có sự đóng góp rất xứng đáng của công tác tư tưởng - văn hoá, bao gồm việc vạch ra những phương hướng cơ bản, lâu dài đồng thời góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trước mắt, khẳng định sự trưởng thành mới của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, tuyên truyền, giáo dục, xuất bản, báo chí, văn hoá, văn nghệ của Đảng ta (1).

Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù sau 10 năm đổi mới (1986-1996), thành tựu hàng đầu của Đảng ta là nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã rõ hơn, nhưng “Hơn lúc nào hết công tác tư tưởng phải huy động, tổ chức được đội ngũ cán bộ nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý tích cực tham gia vào tổng kết thực tiễn hướng vào việc giải đáp cho được những vấn đề cấp bách của công cuộc đổi mới của chúng ta như: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề đổi mới kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác để nó phát triển có hiệu quả, giữ được vai trò chủ đạo và nền tảng trong nền kinh tế quốc dân; tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và sự bền vững của môi trường sinh thái; mở rộng hội nhập quốc tế với việc giữ vững độc lập về chính trị, tự chủ về kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; vấn đề đổi mới và chỉnh đốn đảng để Đảng ta luôn luôn là đảng của trí tuệ, đảng của đạo đức và gắn bó máu thịt với nhân dân; vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân... “.

 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trò chuyện với nhân dân làng Kim Bảng (Hà Nam) năm 2000. Nguồn: danviet.vn

Chỉ ra những yếu kém trong giai đoạn này để tìm cách khắc phục, đồng chí cho rằng, đó là tính chậm trễ và sự lạc hậu của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bệnh hình thức trong công tác tuyên truyền, giáo dục; khuynh hướng chệch tôn chỉ và thương mại hoá trong hoạt động báo chí, xuất bản; tình trạng trung bình trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; sự hạn chế trong việc nắm bắt và dự báo các khuynh hướng tư tưởng và sự hạn chế chất lượng công tác tư tưởng trong xây dựng Đảng, trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, v.v..

Nhắc nhở những cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa, đồng chí nhấn mạnh, mỗi cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa phải đánh giá đúng những khuyết điểm, yếu kém của mình, nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng mức những việc chúng ta đã làm và chỉ ra những việc phải làm, phân tích sâu sắc hơn và tìm ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục cho được những mặt yếu kém.

Đồng chí căn dặn các cán bộ, trước hết phải thực sự coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.

Toàn bộ hoạt động lý luận phải hướng tới mục tiêu: Luận chứng một cách sáng tỏ quan niệm cách mạng, khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam để trình Đại hội IX quyết định.

Phải thực sự nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm của chúng ta chính là sự yếu kém trong việc quán triệt và thực hiện nghị quyết. Chúng ta phải thực sự đổi mới nhiệm vụ này ngay từ việc tổ chức học tập thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Đổi mới theo hướng gắn học tập quán triệt nghị quyết với quá trình thể chế hoá, pháp lệnh hoá, nghị định hoá, chính sách hoá, chương trình hoá các quyết định của Đảng. Do đó, thời gian chủ yếu không chỉ để quán triệt các quan điểm mà còn là bàn biện pháp tổ chức học tập thực hiện các pháp lệnh, nghị định, chính sách, chương trình được thể chế hoá từ nghị quyết. Chỉ có thực hiện tốt phương châm, phương pháp này chúng ta mới đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Công tác tư tưởng phải luôn luôn phấn đấu đạt cho được những mục tiêu hiện thực là: được người, được việc, được tổ chức! Toàn bộ công tác tuyên truyền giáo dục, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ phải hướng vào nhiệm vụ xây dựng con người mới, xây dựng các tổ chức mạnh và hoàn thành thắng lợi từng nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng - văn hoá phải đổi mới để thực sự nâng cao chất lượng trong nhiệm vụ "xây". Phải đi vào xây dựng, bồi dưỡng từng con người, từng tổ chức trong hệ thống chính trị; đương nhiên muốn "xây" tốt phải gắn chặt với "chống", nhưng "xây" vẫn là chính. Để xây dựng được những con người mới, công tác tư tưởng phải rất coi trọng giáo dục toàn diện; gắn chặt giáo dục lý luận, giáo dục đường lối, giáo dục lịch sử, giáo dục đạo đức với nâng cao kiến thức, giáo dục kỹ năng lao động. Do đó công tác tư tưởng phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các ngành, nhất là với hệ thống giáo dục, đào tạo.

Trong chiến tranh, do chúng ta làm tốt việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức, xây dựng hậu phương tốt đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để chúng ta chiến thắng các thế lực xâm lược hung bạo nhất. Ngày nay để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vĩ đại, toàn bộ hoạt động tư tưởng phải hướng vào xây dựng thành công, phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người trong mọi lĩnh vực gắn chặt với xây dựng vững mạnh toàn bộ hệ thống chính trị.

Một trong những đổi mới quan trọng của công tác tư tưởng là phải hướng mạnh xuống cơ sở, bám sát thực tiễn, tăng cường đối thoại giữa cán bộ các cấp với nhân dân ở cơ sở.

Toàn bộ các binh chủng của công tác tư tưởng phải có kế hoạch, chương trình và xây dựng thành nền nếp gắn chặt với thực tiễn để nắm bắt cho được cuộc sống, phản ánh đúng cuộc sống, dự báo được những xu hướng vận động của cuộc sống, đề xuất được những giải pháp cho cuộc sống.

Cán bộ tư tưởng phải là những người đi đầu thực hiện tốt phương châm đối thoại với dân. Do đó phải rèn luyện toàn diện để có tấm lòng, có trách nhiệm, có tri thức, có nghệ thuật đối thoại với dân. Nếu chúng ta thực hiện tốt phương châm này thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi có hiệu quả tệ quan liêu; củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, Nhà nước với dân. Đó chính là nguồn gốc sức mạnh của chúng ta.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ cuộc vận động thi đua yêu nước.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đổi mới là sự nghiệp tự giác của hàng triệu quần chúng; Đảng ta thông qua công tác tư tưởng đem nhân tố tự giác đến từng quần chúng, giác ngộ quần chúng, tổ chức quần chúng, cổ vũ và động viên quần chúng thi đua thực hiện thắng lợi từng nhiệm vụ cách mạng.

Từ thành công sâu rộng của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Xoá đói, giảm nghèo", "ủng hộ đồng bào bị bão lụt"... chúng ta sẽ rút được những bài học quan trọng để đổi mới cuộc vận động thi đua yêu nước. Công tác tư tưởng phải nắm chắc từng nhiệm vụ chính trị, hiểu thấu đáo những nhu cầu bức xúc của nhân dân mới có thể đưa ra những nội dung và phát động được những phong trào cuốn hút quần chúng thi đua. Từ nhiệm vụ chung là tiếp tục đổi mới, phát huy nội lực, hợp tác quốc tế có hiệu quả, cần kiệm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2000, chúng ta phải tìm ra cho được những nội dung cụ thể, những khẩu hiệu hành động thôi thúc lòng người và những phong trào cuốn hút mạnh mẽ từng địa phương, từng ngành, từng đơn vị thi đua yêu nước. Phải tăng cường bồi dưỡng và nhân rộng những cá nhân và tập thể điển hình tốt làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng đẩy tới những đỉnh cao, làm xuất hiện nhiều con người và tập thể anh hùng trong sự nghiệp đổi mới.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, đã đến lúc phải tiêu chuẩn hoá, xây dựng quy hoạch, xây dựng chương trình và hệ thống trường lớp để đào tạo một cách cơ bản đội ngũ cán bộ, các binh chủng của công tác tư tưởng - văn hoá. Gắn liền với nhiệm vụ này phải từng bước kiện toàn các cơ quan tuyên giáo, giải quyết tốt hơn hệ thống chính sách với cán bộ và từng bước hiện đại hoá các phương tiện công tác tư tưởng - văn hoá, trước mắt cần củng cố, tăng cường bộ máy hoạt động tuyên giáo ở cơ sở.

Đến nay, công tác tư tưởng – văn hóa của ta có những tiến bộ quan trọng, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016) của Đảng khẳng định “Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường hơn, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã từng khẳng định “Mặt trận tư tưởng, thời kỳ nào cũng là mặt trận nóng bỏng”2. Hiện nay, công tác tư tưởng – văn hóa của ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do sự phát triển, hội nhập, mở cửa với thế giới. Điều này đặt ra những yêu cầu mới, thách thức mới đối với công tác tư tưởng – văn hóa. Tuy nhiên, khi đọc lại những yêu cầu của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với công tác tư tưởng - văn hóa và cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa, ta vẫn thấy trong đó những giá trị lý luận mà công tác tuyên giáo phải tiếp tục nghiên cứu và thực hiện, tạo nên một nền tảng tư tưởng vững chắc, thể hiện quyết tâm giữ vững mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta./.

-----------

1. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng – văn hóa trong tình hình mới, Lê Khả Phiêu tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.569.

2. Lê Khả Phiêu tuyển tập, trang 358.

Theo Nguyễn Hằng/Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều