Quốc hội có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta. Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội khẳng định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Trong thời gian qua, kế thừa và phát huy thành tựu của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại, đồng thời đã thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã bầu ra được 499 đại biểu Quốc hội. Trong đó, cơ cấu thành phần: đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỷ lệ 2,81%); đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%).
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần có những giải pháp đồng bộ như sau:
Hoạt động lập pháp
Đối với hoạt động xây dựng pháp luật
Theo quy định tại Điều 31 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hàng năm”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại việc xây dựng Kế hoạch hàng năm và định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ toàn khóa của Quốc hội như hiện nay thì vẫn chưa chặt chẽ. Để hoạt động xây dựng pháp luật được thống nhất, chặt chẽ và bảo đảm tiến độ đề ra thì ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Quốc hội cần ban hành nghị quyết về chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật toàn khóa, trong đó giao trách nhiệm, tiến độ cụ thể cho các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch toàn khóa của Quốc hội, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, cần có quy định mở để Quốc hội có thể xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật toàn khóa và hàng năm.
Đối với hoạt động thẩm tra dự án Luật
Tiến độ và chất lượng một số dự án luật trình cơ quan Quốc hội thẩm tra trong thời gian qua chưa bảo đảm, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm tra. Do đó, cần có cơ chế để cơ quan thẩm tra dự án Luật, Pháp lệnh của Quốc hội được tham gia ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án Luật; thu hẹp các vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra phần nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách. Báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra cần tập trung phân tích, phản biện và đưa ra các kiến nghị thể hiện rõ chính kiến của mình về các chính sách được đề xuất trong dự án; nêu rõ những vấn đề tán thành, những vấn đề không tán thành, những vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh và đề xuất những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động phối hợp thẩm tra dự án luật nhằm góp phần nâng cao tính phản biện và chất lượng dự án Luật. Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cần lắng nghe, tham khảo ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, ý kiến phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, Quốc hội cần có cơ chế bảo đảm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn vào hoạt động thẩm tra các dự án Luật trước khi trình Quốc hội.
Về hoạt động thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật
Việc tổ chức họp tại tổ đại biểu đối với các dự án luật được tổ chức nhiều nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại các tổ đôi khi chưa được phản ánh đầy đủ, nhất là các ý kiến trái chiều của đại biểu tại tổ. Trên thực tế, Quốc hội chủ yếu tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, những vấn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật, chưa có điều kiện để xem xét cụ thể từng nội dung trong dự án Luật dẫn đến có dự án luật chất lượng chưa bảo đảm. Đề nghị Quốc hội đổi mới cách thức thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội theo hướng thông qua từng điều đối với dự thảo có số lượng dưới 100 điều; và thông qua từng Chương đối với dự thảo Luật có số lượng từ 100 điều trở lên.
Hoạt động giám sát
Về hoạt động chất vấn
Hoạt động chất vấn tại phiên họp toàn thể đã được đổi mới, tuy nhiên quyền tranh luận chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng chất vấn. Bên cạnh đó, thời lượng dành cho phiên chất vấn còn ngắn, dẫn đến số lượng thành viên được chất vấn tại mỗi phiên chưa nhiều, một số thành viên trả lời chất vấn chưa trọng tâm, trọng điểm của câu hỏi. Do đó, để đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, Quốc hội cần tăng số lượng thành viên Chính phủ được chất vấn trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, đồng thời tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày như hiện nay lên 3,5 ngày. Đồng thời, tăng thời lượng chấn vấn theo hướng "đại biểu Quốc hội nêu nêu vấn đề chất vấn không quá 3 phút. Người bị trả lời chất vấn không quá 7 phút, trường hợp nội dung chất vấn có nhiều ý kiến khác nhau thì Chủ tọa kỳ họp có thể kéo dài thời gian chất vấn".
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Tại Điều 7 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thời gian qua còn nhiều bất cập, số lần phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong mỗi nhiệm kỳ còn quá ít, dẫn đến chưa bảo đảm việc đánh giá kịp thời, đầy đủ trách nhiệm của các chức danh này trong cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, việc quy định tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm “tín nhiệm cao” “tín nhiệm thấp” như trong thời gian qua là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đề nghị nâng hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lên 2 lần trong một nhiệm kỳ và sửa tiêu chí đánh giá theo hướng “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và Nhân dân, Quốc hội cần cần tổ chức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nghiên cứu cơ chế để cử tri đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội ở tại địa bàn nơi đại biểu ứng cử. Thời gian đánh giá chất lượng hoạt động đại biểu Quốc hội 2 năm/lần. Để việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội được khả thi, khách quan và hiệu quả, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này theo các tiêu chí chấm điểm cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội
Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành giám sát được 07 chuyên đề, trung bình mỗi năm Quốc hội giám sát 1,5 chuyên đề. Với số lượng giám sát chuyên đề như vậy, được đánh giá còn ít so với kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Thực tế cho thấy, còn rất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước cần được Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát chuyên đề. Do vậy, Quốc hội khóa XV tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề lên ít nhất là 2 chuyên đề/năm.
Đồng thời, Quốc hội khóa XV cần ban hành Nghị quyết riêng hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, nhất là tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững sự ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tổ chức giám sát về những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần có cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước với hoạt động giám sát của nhân dân. Trong đó, chú trọng thể chế hoạt động giám sát của nhân dân bằng đạo luật cụ thể như Luật hoạt động giám sát của nhân dân.
Về việc Quyết định các vấn đề quan trọng
Hoạt động quyết định vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ qua của Quốc hội đã có nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo; khó đánh giá, xác định được trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra1... Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời gian tới, Quốc hội cần tiến hành tổng rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra; quy định rõ hơn việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng. Đồng thời, tăng cường việc cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định. Làm rõ vai trò, tính pháp lý và tính độc lập của Hội đồng thẩm định nhà nước trong việc thẩm định các dự án, công trình quan trọng quốc gia khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về việc tổ chức kỳ họp Quốc hội
Thời gian qua, kỳ họp của Quốc hội được diễn ra dân chủ, công khai, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian kỳ họp thường bố trí dài, lịch thay đổi, phần nào ảnh hưởng đến việc các cơ quan bố trí người tham gia các phiên họp. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp khoa học hơn nữa. Trong đó, giải pháp tối ưu là tăng cường các phiên họp trực tuyến, giảm thời lượng họp tập trung tại hội trường.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri
Thời gian qua, công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được thực hiện thường xuyên, bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, trong đó đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới như: Tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng; thông tin rộng rãi nội dung, thời gian, địa điểm tiếp xúc đến cử tri, tổ chức truyền thanh trực tiếp buổi tiếp xúc… Nghị quyết liên tịch cũng đã quy định rất nhiều hình thức tiếp xúc cử tri, tiếp xúc định kỳ theo Kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết đại biểu Quốc hội chủ yếu thực hiện tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo Kế hoạch cử Đoàn đại biểu Quốc hội. Vì vậy trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội cần tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Quốc hội khóa XV cần có quy định số cuộc tiếp xúc cử tri hàng năm ở nơi cư trú, nơi làm việc đối với đại biểu Quốc hội. Qua đó giúp đại biểu Quốc hội nâng cao hơn nữa trách nhiệm và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân. Đồng thời, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội khóa XV trong giai đoạn mới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đề nghị Quốc hội chỉ đạo tiến hành rà soát các quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để tiến hành sửa đổi, bổ sung tổng thể, phù hợp với tình hình mới.
Phùng Thị Thuận
Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Theo Báo cáo công tác Quốc hội khóa XIV (Báo cáo số 10/BC-QH14 ngày 8/4/2021).