|
Hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tình hình hiện nay.
|
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, việc ban hành thể chế, chính sách của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định Mặt trận có quyền và trách nhiệm: “Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”, đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của Mặt trận trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên luôn xác định tham gia hoàn thiện thể chế, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng để tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật xuyên suốt trong 5 chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 392/KH-MTTW-BTT ngày 10/1/2022 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham gia hòa giải ở cơ sở; phối hợp đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2022 trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến khu dân cư.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, nỗ lực của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đạt những kết quả quan trọng, đó là:
Thứ nhất, gắn các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường hoạt động tuyên truyền để Nhân dân phấn khởi trước thành công Đại hội XIII của Đảng và việc triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mang tính lịch sử, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội và tiếp tục góp phần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm xây dựng Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Thứ hai, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tích cực tham gia và góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thông qua đó đã thể hiện vai trò hiệp thương bầu cử; tổ chức cho các ứng cử viên tranh cử đúng pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân đi bầu cử. Thông qua các hoạt động thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, ngày bầu cử thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân, với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất từ trước tới nay.
Thứ ba, thông qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam. Hoạt động của tổ Covid cộng đồng, hình ảnh lãnh đạo, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp nơi tuyến đầu, trách nhiệm, tận tuỵ, không ngại khó, luôn sẵn sàng, nhiệt huyết, gần dân, sát dân, vì dân, đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh.
Thứ tư, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) gắn với Ngày pháp luật Việt Nam (9/11) với những hình thức sáng tạo, ý nghĩa, phù hợp, có sức lan toả, qua đó tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức được 262.998 hội nghị với 12.166.005 lượt người tham dự. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan chức năng cùng cấp duy trì và thành lập được 35.981 nhóm nòng cốt; 10.617 câu lạc bộ pháp luật; 6.126 các mô hình khác... Nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai thực hiện các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với "Ngôi nhà bình yên", "Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp"; Hội Nông dân Việt Nam với mô hình "Nông dân với pháp luật", "Trung tâm tư vấn pháp luật"; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với "Tổ tuyên truyền pháp luật khu nhà trọ”… Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động tổ chức “Ngày Pháp luật" gắn với "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân" hàng năm tại các khu dân cư nhân ngày 18/11 hàng năm, Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận phát huy vai trò, hiệu quả của các câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt, kết hợp giữa phổ biến pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.
Thứ năm, phối hợp với cơ quan chức năng cùng cấp nhân rộng các mô hình, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả. Thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, nhiều nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ công chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân. Đây là một trong những hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang lại hiệu quả thực chất nhất.
Trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 21.728 cuộc giám sát. Trong đó, cấp tỉnh chủ trì giám sát 454 cuộc; cấp huyện giám sát 3.327 cuộc; cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Tổng số hoạt động giám sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.027 cuộc. Trong đó có 3 chuyên đề giám sát (tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên, giám sát Luật Đất đai) được triển khai trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đã kiến nghị nhiều nội dung xác đáng; đã phản biện được 11.256 văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình này trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp Nhân dân.
Thứ sáu, củng cố kiện toàn hòa giải viên, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong những trọng tâm trong công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấc cấp ở cơ sở. Chất lượng nhân sự tham gia các ban ở cơ sở quyết định đến hiệu quả triển khai các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay cả nước có 60.059 tổ hoà giải với 353.768 hòa giải viên, trong đó có 81.541 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận chiếm hơn 23,4% tổng số hòa giải viên của cả nước, ngoài ra đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Luật sư, người cao tuổi, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu… tham gia làm hòa giải viên. Thông qua hoạt động của hòa giải viên, thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đến địa bàn khu dân cư góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sâu rộng trong Nhân dân thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần thống nhất trong nhận thức tạo đồng thuận xã hội. Vận động Nhân dân tham gia tuyên truyền pháp luật; nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật và hương ước, quy ước tại thôn, làng, ấp bản, tổ dân phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện hòa giải ở cơ sở; tham gia xây dựng địa phương đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật; phát hiện và nhân rộng các mô hình, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả phù hợp với từng đối tượng, địa bàn dân cư; phát huy tinh thần, trách nhiệm tự học tập, tự tìm hiểu pháp luật của công dân.
Một là, tiếp tục triển khai toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân bằng các kế hoạch cụ thể, góp phần tạo nên hiệu ứng tốt trong xã hội, chú trọng sử dụng triệt để, hiệu quả hệ thống kênh thông tin, truyền thông của hệ thống Mặt trận, đoàn thể, phối hợp với thông tin đại chúng, thông tin điện tử phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch ở các cấp, đặc biệt là cơ sở và khu dân cư. Thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị; các buổi sinh hoạt ở các chi, tổ hội, điểm sáng chấp hành pháp luật ở khu dân cư; các hình thức tuyên truyền từ việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" đến tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin... để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng phát huy hiệu quả.
Hai là, tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp hoạt động của các thành viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể, vận động toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ba là, tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động “Ngày Pháp luật" gắn với "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân" hàng năm, phát huy đa dạng các hình thức phổ biến pháp luật, tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tuyên truyền thông qua họp dân, hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Bốn là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các nội dung hình thức phù hợp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động. Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, từng bước tạo chuyển động rõ rệt trong xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “Nông thôn mới”, “Khu phố, làng văn hóa”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"... tuyên truyền, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng dân cư. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung, chương trình hoạt động tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, đội thông tin lưu động, câu lạc bộ pháp luật.
Năm là, chú trọng công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội và góp ý tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, gắn liền với việc tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận xã hội. Qua đó, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Sáu là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các thành viên đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật. Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể, khuyến khích các tổ chức thành viên của Mặt trận hình thành trung tâm tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai tuyên truyền pháp luật. Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tám là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, kịp thời tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Ngô Sách Thực
Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam