Giải pháp bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay

(Mặt trận) - Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2030. Việc đảm bảo an ninh tài chính có ý nghĩa quan trọng, là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế an toàn, ổn định và bền vững trong trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ảnh minh họa.Nguồn: VGP 

Kết quả đạt được trong bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia giai đoạn vừa qua

An ninh, an toàn tài chính quốc gia là khái niệm cơ bản để chỉ tình trạng ổn định và vững mạnh của nền tài chính quốc gia, được xem xét và nhìn nhận trên các góc độ vĩ mô (tài chính công) và góc độ vi mô (thị trường tài chính, doanh nghiệp, định chế tài chính...).

Ở Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, an ninh, an toàn tài chính quốc gia được đảm bảo trên hầu hết các trụ cột như ngân sách nhà nước (quy mô thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ thu nội địa, quy mô chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước); nợ công (quy mô và cơ cấu nợ) và thị trường tài chính (các cấu phần của thị trường tài chính, quy mô tài sản và năng lực tài chính của các định chế tài chính).

Đảm bảo an toàn, bền vững tài chính công

Vấn đề an ninh, an toàn tài chính công thể hiện ở góc độ bền vững tài khóa, trong đó đề cập đến các vấn đề bền vững liên quan đến thu chi ngân sách và kiểm soát nợ công, cũng như các yếu tố khác liên quan đến nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Hoàn thiện quản lý tài chính - ngân sách nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ nguồn lực

Về thể chế quản lý tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên nhiều phương diện, động viên hợp lý, phân phối và sử dụng tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công.

Theo đó, hệ thống chính sách thuế tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo thống nhất, minh bạch, rõ ràng, đảm bảo công bằng, mở rộng cơ sở thu phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhờ đó đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.Quy mô thu ngân sách nhà nước ngày càng được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi ngân sách nhà nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước của giai đoạn 2016 - 2022 đạt khoảng 10,3 triệu tỷ đồng. Năm 2023, dự toán thu là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 8,2%) so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 17,2%GDP, riêng từ thuế và phí đạt 13,3%GDP.

Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn trong bối cảnh dịch bệnh từ đầu năm 2020. Thực hiện chi ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 1,6%) so dự toán.

Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước hợp lý, an toàn, bền vững

Trong giai đoạn vừa qua, thu ngân sách nhà nước được cơ cấu lại theo định hướng cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất - nhập khẩu giảm, do thực hiện các cam kết quốc tế và nguồn thu từ dầu do sự biến động của giá dầu thế giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn ngân sách nhà nước.

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững hơn, thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước ở mức bình quân 76,7% giai đoạn 2011 - 2020 lên mức 79,5% năm 2022 và mức 83,9% trong năm 2023. Thu ngân sách tăng cao, nhờ đó đã đảm bảo thực hiện đầy đủ nhu cầu chi ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch sát với chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi cho con người, chi phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đảm bảo ổn định an sinh xã hội cho người dân.

Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng từ 27,51% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 lên mức 34,4% thực hiện năm 2023, đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2023, chi đầu tư được tăng mạnh với vai trò là động lực thúc đẩy của nền kinh tế trước đại dịch, cao hơn mức mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước đến năm 2020 và chiến lược tài chính đến 2030; chi thường xuyên giảm từ 65,5% năm 2017 xuống mức 59,1% năm 2022 và 55,5% thực hiện năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 63% tổng chi ngân sách nhà nước.

Với việc thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tạo nên tính tích cực của nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tránh đầu tư dàn trải, giảm đứt gãy vốn của dự án đầu tư, tăng tính khả thi cho các dự án đầu tư, khắc phục tình trạng công trình xây dựng dở dang do thiếu vốn.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR đang dần được cải thiện, từ mức 6,08 năm 2017 giảm xuống còn 5,76 năm 2019; năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trường GDP giảm mạnh, tác động đến hệ số ICOR tăng cao ở mức tương ứng là 14,27 và 15,57. Năm 2022 - 2023, hiệu quả đầu tư đã được cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, hệ số ICOR tương ứng là 5,13 năm 2022 và 6 vào năm 2023. Hệ số ICOR giảm cho thấy những tín hiệu tích cực, khi lượng vốn đầu tư cần thực hiện ít hơn để tạo ra một đồng tăng trưởng tại Việt Nam.

Cân đối ngân sách nhà nước được duy trì theo các mục tiêu đề ra, các chỉ tiêu nợ công được đảm bảo trong phạm vi cho phép của Quốc hội

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng không ổn định, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như áp lực tăng chi ngân sách nhà nước để phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô và tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nên những năm qua, Việt Nam đã chủ động điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo hướng linh hoạt, chấp nhận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển và hỗ trợ tổng cầu1.

Đồng thời, Việt Nam đã chủ động thực hiện một số biện pháp để giảm mức bội chi tăng cao như ưu tiên sử dụng một số khoản tăng thu để giảm bội chi ngân sách nhà nước…, theo đó, mức bội chi thực tế thực hiện được giữ ở mức Quốc hội cho phép, bình quân bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 -2021 đạt 2,83% GDP, năm 2022 ở mức 3,07% GDP, năm  2023 bằng 3,5% GDP.

Công tác quản lý nợ công được thực hiện chặt chẽ, với nguyên tắc đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong từng thời kỳ; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

Trong giai đoạn 2017 - 2023, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu danh mục nợ công và nợ Chính phủ được cải thiện rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài. Ước thực hiện các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2023 như sau: dư nợ công/GDP khoảng 37%, dư nợ Chính phủ/GDP khoảng 34%, dư nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 33,5%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 15,7%. Huy động vốn đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển. Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ nợ theo cam kết. Giảm nợ công, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng, tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế trong quản lý nợ góp phần củng cố bền vững nợ và hồ sơ tín dụng quốc gia.

Trong giai đoạn từ 2017 đến nay, Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng. Năm 2018, Việt Nam được Moody’s nâng hạng từ B1 lên Ba3, Fitch nâng hạng từ BB- lên BB; năm 2019 S&P nâng hạng Việt Nam từ BB- lên BB. Năm 2022, hai tổ chức S&P nâng từ mức BB lên mức BB+, triển vọng ổn định, Moody’s nâng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Năm 2023, Moody’s và S&P tiếp tục giữ xếp hạng Việt Nam lần lượt ở mức Ba2 và BB+/B với triển vọng ổn định; trong khi Fitch nâng mức xếp hạng lên mức BB+ với triển vọng ổn định. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và là cơ hội cho Chính phủ đa dạng hóa kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính, thị trường chứng khoán

Các cấu phần của thị trường tài chính trở nên cân đối hơn, góp phần đa dạng hóa các kênh cung ứng, phân bổ vốn, phân bổ rủi ro, giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống tín dụng. Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu... đã góp phần khiến cơ cấu thị trường vốn trở nên cân đối hơn so với thị trường tín dụng.

Thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2011 - 2020 đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, gấp 8 lần so với giai đoạn 2000 - 2010, đóng góp bình quân 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Tính đến hết năm 2023, quy mô thị trường vốn đạt 78,1% GDP, trong đó: vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 58,1% GDP, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp khoảng 20% GDP ước tính của năm 20232. Thị trường vốn đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.

Các cấu phần của thị trường tài chính dần hoàn thiện và phát huy vai trò đa dạng hóa danh mục đầu tư, phòng vệ rủi ro đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư, góp phần ổn định thị trường tài chính - tiền tệ trong nước, và kinh tế vĩ mô nói chung. Khi thị trường chứng khoán cơ sở vào giai đoạn điều chỉnh, sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 ngày càng thu hút nhà đầu tư tham gia. Khối lượng giao dịch bình quân năm 2022 của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt trên 270 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 44% so với bình quân năm trước.

Năm 2023, thị trường cơ sở đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực khi chỉ số VN-index tăng 12,2%, hoạt động trên thị trường phái sinh giảm nhẹ, khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính từ đầu năm đến nay đạt trên 236 nghìn hợp đồng/phiên, giảm 13% so với năm 2022.

Quy mô tài sản và năng lực tài chính của các định chế tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước đã đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,43% so với năm 2022. Điều này không chỉ củng cố vị thế của các ngân hàng này trong hệ thống ngân hàng thương mại, nơi các ngân hàng này chiếm tới 48% tổng tài sản, mà còn phản ánh tính lành mạnh và khả năng phục hồi của các ngân hàng này trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Bên cạnh đó, tổng tài sản của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 20 triệu tỷ đồng, với các ngân hàng thương mại nhà nước đóng góp 41,5%.

Ngoài ra, tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 14,4% so với cuối năm 2022, đạt gần 1,003 triệu tỷ đồng, trong đó nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 217.882 tỷ đồng, tăng 14,41%. Các chỉ số này cho thấy sự gia tăng quy mô tài sản và khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước tại Việt Nam, đóng góp vào việc bảo đảm một nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Nhận diện rủi ro, thách thức trong đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia

Rủi ro từ thu ngân sách nhà nước

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước từ thuế còn dựa nhiều vào các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân còn thấp. Cơ cấu thu nội địa chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại, nguyên nhân là do trong những năm vừa qua, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là thách thức không nhỏ để hoàn thành mục tiêu tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt 85 - 86% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước so với nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Thách thức trong quản lý thuế đối với các mô hình kinh doanh mới và các giao dịch xuyên biên giới dựa trên nền tảng công nghệ số. Sự phát triển thương mại điện tử dẫn đến sự ra đời nhiều loại hình dịch vụ, đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định bản chất giao dịch, vai trò của từng bên tham gia giao dịch, doanh thu, chi phí, thu nhập, cơ sở thường trú để vừa quản lý thu thuế phát sinh với hoạt động này, vừa để tạo công bằng trong môi trường kinh doanh cũng như tạo thuận lợi cho loại hình kinh doanh này phát triển.

Rủi ro từ chi ngân sách nhà nước

Áp lực chi ngân sách nhà nước vẫn còn lớn cho các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống người dân. Trước những thách thức của nền kinh tế, Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, tăng cường đầu tư và tiêu dùng để duy trì đà tăng trưởng, khi đó sẽ buộc phải tăng chi ngân sách nhà nước nhiều hơn để thực hiện các biện pháp ổn định an sinh xã hội cho người dân. Ngoài ra, ngân sách cũng cần có dư địa nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp bất ngờ của kinh tế thế giới.

Giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện nhưng còn chậm làm giảm hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 đạt 93,12% kế hoạch vốn năm, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước rất thấp, chỉ khoảng 49,5% kế hoạch vốn năm.

Rủi ro của thị trường tài chính

Quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn nhỏ, chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động của tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu. Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 - 2023 cho thấy sự biến động của chỉ số, thanh khoản thị trường lớn hơn, khó dự báo hơn trước đây. So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ còn nhỏ (tổng dư nợ trái phiếu chính phủ cuối năm 2023 khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tương đương 17,6% GDP ước tính của năm 2023), mức độ phát triển chưa cao nên dễ bị ảnh hưởng từ những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại một số hạn chế liên quan đến hạ tầng, công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp,… ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, thiếu vắng nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư. Đặc điểm cơ cấu nhà đầu tư này làm gia tăng biến động trên thị trường khi gặp các cú sốc do các nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế về kiến thức, dòng tiền thiếu ổn định. Năng lực của các doanh nghiệp niêm yết còn thấp, các yêu cầu quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường chứng khoán phát triển.

Chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp đại chúng có những hạn chế nhất định. Chất lượng quản trị doanh nghiệp đã có cải thiện nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của một số nước trong khu vực. Một số yếu tố cũng có thể tác động tiêu cực đến khả năng chống chịu của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu kết hợp lạm phát cao, khoảng trống pháp lý đối với các dịch vụ tài chính số, sức ép về thay đổi mô hình quản lý, giám sát trong bối cảnh mới, rủi ro về bảo mật thông tin, an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính...

Bên cạnh đó, thị trường tài chính vẫn phụ thuộc vào hoạt động của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại là các nhà đầu tư chủ yếu trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; do đó, phản ứng của ngân hàng thương mại trước các biến động ngắn hạn của thị trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn, dẫn đến việc có thể không huy động được đủ khối lượng theo nhu cầu hoặc phải huy động với chi phí cao.

Giải pháp đảm bảo an toàn, bền vững tài chính quốc gia góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay

Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, bắt nguồn từ những vấn đề như: chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài, xung đột Isreal - Hamas ảnh hưởng đến sự phục hồi của chuỗi cung ứng; hệ thống ngân hàng - tài chính tiềm ẩn nhiều bất ổn… Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được IMF (4/2024) dự báo duy trì ở mức 3,2% trong hai năm 2024 và 2025, trong đó, tại các nước phát triển là 1,6% và tại các nước mới nổi và đang phát triển là 4,3%.

Trong nước, kinh tế Việt Nam được đánh giá đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi khi có dư địa điều hành chính sách tiền tệ theo khả năng của nền kinh tế, không bị nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá như năm 2023; có khả năng duy trì mức lãi suất thấp. Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nước ta đã ký một số hiệp định FTAs thế hệ mới quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế có triển vọng phát triển tốt nhất thế giới và là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, tác động đến an toàn, bền vững tài chính quốc gia như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cũng là những lực cản cho phát triển kinh tế, tạo sức ép lớn về tài chính - ngân sách; khó khăn trong duy trì lợi thế cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư do áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 và khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, hạn chế về đơn hàng, đặc biệt thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất và lao động.

Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được các nguồn thu, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ lệ thu nội địa, từ đó góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Theo đó, hoàn thiện chính sách thu phù hợp với trình độ phát triển và mở cửa nền kinh tế, hướng đến thiết lập một cơ cấu thu ngân sách nhà nước hợp lý, bền vững. Ưu tiên các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Hai là, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với các định hướng phát triển. Rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước hướng đến việc xây dựng một cơ cấu chi ngân sách nhà nước phù hợp hơn, gắn chính sách chi ngân sách nhà nước với các định hướng phát triển trung và dài hạn, khắc phục tình trạng phân tán trong phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn; tái cơ cấu danh mục nợ để giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản… Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Bốn là, về thị trường tài chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tới gồm: (1) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với thị trường đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp; (2) Tái cơ cấu thị trường và tổ chức tài chính, tổ chức thị trường, bao gồm cả tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức tín dụng theo các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (3) Phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững; (4) Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán và phổ cập kiến thức đầu tư đối với nhà đầu tư, người dân.

Kiểm soát rủi ro, hạn chế các bất ổn trên thị trường gồm: (1) Thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên thị trường; (2) Nâng cao quy mô, chất lượng tài sản của các ngân hàng, định chế tài chính, doanh nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện; (3) Tăng cường thanh tra, giám sát thị trường tài chính, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán; hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán; hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản; chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường. Hoàn thiện các quy định về xử lý hành vi vi phạm. Tăng cường quản lý và giám sát thị trường, chuyển từ giám sát tuân thủ sang giám sát rủi ro để đảm bảo vừa phát hiện được sai sót, nhưng cũng tạo không gian riêng cho các chủ thể trên thị trường hoạt động. Xây dựng, ban hành các tiêu chí và chỉ tiêu quan trọng để kịp thời đưa ra các cảnh bảo với các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý để có giải pháp xử lý kịp thời.

Ứng dụng các mô hình giám sát mới, công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thị trường để đảm bảo phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm những quy định của thị trường. Đồng thời, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong vận hành, quản lý thị trường.

Chú thích:

1.            Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm (2022 và 2023) bình quân 1%-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó năm 2022 tăng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng).

2.            Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5,94 triệu tỷ đồng, Tổng giá trị niêm yết của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đạt 2,03 triệu tỷ đồng.

NGUYỄN NHƯ QUỲNH - Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược

và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều