"Đoàn kết thống nhất là sức mạnh của chúng ta"

“Không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy. Đây là truyền thống rất tốt đẹp, là sức mạnh của Đảng, quốc gia, vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi, mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

Cán bộ, đảng viên nêu gương trong đoàn kết

Phát biểu tại buổi Họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 3-8-2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ rất nhiều, rất bề bộn, cần có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết thống nhất và sự chung tay, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. Không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy. Đây là truyền thống rất tốt đẹp, là sức mạnh của Đảng, quốc gia, vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi, mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra”.

Mới đây, dư luận xôn xao, bất bình khi một học sinh Trường Phổ thông Trung học chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái) bày tỏ quan điểm phiến diện về Đảng trên mạng xã hội. Tuy đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng là học sinh trường chuyên, từng tham gia và đạt giải thưởng khá cao ở một cuộc thi uy tín dành cho học sinh, nên quan điểm của em khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều người đặt câu hỏi về kiến thức lịch sử của em và học sinh nói chung. Liệu rằng trên ghế nhà trường, học sinh đã hiểu sâu sắc về ý nghĩa của các sự kiện lịch sử đất nước chưa, hay mới chỉ dừng lại ở các dữ kiện? Và với sức ảnh hưởng của mạng xã hội đến giới trẻ như hiện nay, liệu những hiểu biết về Đảng của em học sinh này có bị ảnh hưởng bởi luồng thông tin trái chiều, phiến diện trên in-tơ-nét như em tường trình?!

Qua vụ việc này cho thấy, cần chú trọng hơn nữa công tác giảng dạy lịch sử trong nhà trường và kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ hơn nữa, nhất là với giới trẻ. Đặc biệt, rất cần vai trò nêu gương của những cán bộ, đảng viên, bởi “một tấm gương sáng còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong công việc hay trong đời sống xã hội, bất kỳ ở đâu, nơi nào, mỗi hành vi, việc làm, ứng xử của những cán bộ, đảng viên đều được nhân dân nhìn nhận và đánh giá. Cán bộ, đảng viên trong sáng, gương mẫu sẽ tăng cường niềm tin của nhân dân, nhất là giới trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, có niềm tin vào chế độ, không để bị dụ dỗ, lôi kéo bởi các thông tin sai trái, phiến diện. Khi Đảng được Nhân dân tin tưởng sẽ tạo được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là cội nguồn sức mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Nhiệm vụ và giải pháp

Để việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong xã hội đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Lê-nin, sự đoàn kết có được nhờ huấn luyện và giác ngộ: “Sự đoàn kết đó, chỉ có các công xưởng, các nhà máy, chỉ có giai cấp vô sản được huấn luyện và được thức tỉnh sau một giấc ngủ dài trước kia, mới có thể tạo ra được”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết lại bài học từ lịch sử dân tộc: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[2].

Vì vậy, các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cần chú trọng xây dựng truyền thống đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, chi bộ, đảng bộ hướng tới đoàn kết toàn Đảng, toàn Dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đồng chí là một đoàn thể, một gia đình thì phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh”[3].

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng học tập môn lịch sử Việt Nam trong hệ thống giáo dục quốc dân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. Tăng giờ giảng môn Lịch sử Việt Nam trong các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cần theo hướng phân tích kỹ những bài học thành công trong các phong trào cách mạng, các cuộc kháng chiến của dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đã được cả thế giới ca ngợi, đó là sự đánh giá khách quan để thế hệ trẻ Việt Nam tự hào và tiếp tục phát huy.

Sau thất bại tại chiến dịch Điện Biên phủ, tướng Navarre (Pháp) phân tích nguyên nhân Pháp thất bại: “Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch… Phía Việt Minh là một cuộc chiến tranh được dân chúng tham gia một cách toàn diện”[4]

Các học giả Mỹ cũng như sỹ quan Mỹ cũng đã có nhiều tranh luận về nguyên nhân Mỹ thất bại tại Việt Nam. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm: Mỹ không thể thắng Việt Nam vì chiến tranh Việt Nam là chiến tranh nhân dân. Toàn dân tập hợp sức người, sức của và đồng lòng chiến đấu cùng quân đội Việt Nam để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

Sức mạnh đại đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam ngày càng được lan tỏa nhanh, mạnh mẽ trên truyền thông quốc tế sau thành công chống dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trong thời gian qua. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo chống siêu bão Yagi; động viên bà con ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… là hình ảnh đẹp, phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Chính phủ với Nhân dân. Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cầm tay động viên người già, bế các em nhỏ vùng bị thiên tai… đã truyền tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tới mỗi trái tim công dân Việt Nam, cùng nhau vượt qua thiên tai khắc nghiệt. Hay hình ảnh từng đoàn xe treo cờ Tổ quốc, từ khắp mọi miền đất nước mang thực phẩm, đồ dùng và tình thương, tấm lòng sẻ chia đến các vùng bị bão lũ đã gây xúc động cho nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế. Những hình ảnh đẹp đó đã giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Tình cảm gắn bó đoàn kết toàn dân cần được truyền lửa vào các bài giảng lịch sử bởi đội ngũ nhà giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên tâm huyết và có nghiệp vụ sư phạm tốt. Do vậy, chọn lựa đội ngũ giảng viên, giáo viên lịch sử là vấn đề cần được quan tâm, đồng thời cũng cần vinh danh đúng mức để đội ngũ này thêm tâm huyết với công việc của mình.

Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi tình cảm yêu thương, gắn bó, cuộc sống hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ sẽ được nuôi dưỡng, phát triển thành tình yêu quê hương, đất nước, từ đó sẵn sàng chia sẻ, đoàn kết, tương trợ nhau để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quy định đảm bảo bình đẳng cho tất cả các thành phần trong xã hội.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024 có sự chênh lệch rõ rệt về số lượng lao động có việc làm, về thu nhập, về cơ hội được học tập, đào tạo giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ. Số lượng lao động có việc làm khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492,2 nghìn người. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng; cao hơn 40% so với khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 11,3%; cao hơn 2,8% so với tỷ lệ này ở  khu vực thành thị. Thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng; cao hơn 34,92% so với mức thu nhập bình quân của lao động nữ…

Các số liệu trên cho thấy vẫn cần rà soát và tiếp tục thể chế hóa để ngày càng xóa dần khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị; bảo đảm nữ giới có cơ hội học tập, phát triển, cống hiến và hưởng thụ như nam giới.

Cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 23-6-2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030; chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; các dự án hỗ trợ khắc phục thiên tai… để đảm bảo người yếu thế trong xã hội thực sự được tiếp cận các nguồn lực phát triển bình đẳng.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng dễ bị sạt lở đất do thói quen sinh hoạt, do ở rải rác nên khó tiếp cận các gói cứu trợ khẩn cấp. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền đời sống mới, hỗ trợ đồng bào có thói quen sinh hoạt mới, ở tập trung khu tái định cư để có chất lượng cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn.

Dù qua nhiều lần kiểm tra, giám sát nhưng vẫn có hiện tượng vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc trẻ gần đây mới bị phát hiện như ở Mái ấm Hoa Hồng (TP.  Hồ Chí Minh), cơ sở bảo trợ bà mẹ và trẻ em Mái ấm Chúc Từ (TP. Hồ Chí Minh)… Như vậy, cần tiếp tục rà soát các cơ sở bảo trợ xã hội, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với nhân dân để sớm phát hiện và khắc phục sai phạm, đảm bảo trẻ em được thực sự an toàn và phát triển tốt.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật Đảng, xây dựng Đảng cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, được quần chúng tin tưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với tư cách của Đảng chân chính cách mạng là: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”[5]. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương”[6]; “Luôn giữ gìn kỷ luật. Luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên”[7]. 

Bài học rút ra sau khi hàng loạt đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí chủ chốt bị xử lý kỷ luật vừa qua cho thấy, mỗi đảng viên phải luôn luôn tự giác chấp hành kỷ luật, thường xuyên rèn luyện tính kỷ luật, tuân thủ kỷ luật Đảng. Càng ở vị trí cao càng phải luôn tự kiểm điểm bản thân, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện đúng; giữ gìn kỷ luật Đảng và bảo vệ sự đoàn kết trong nội bộ Đảng; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với đảng viên, với Đảng.

Việc xử lý các vụ đại án vừa qua cho thấy tính chất bè phái, lợi ích nhóm trong các sai phạm có sự tham gia của nhiều đảng viên, cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao: 89 tổ chức đảng, 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty AIC; 6 tổ chức đảng, 14 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng); có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 bí thư, 1 nguyên bí thư, 1 phó bí thư thường trực tỉnh ủy, 2 chủ tịch, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh bị khởi tố liên quan vụ án Phúc Sơn…

Sai phạm trên diện rộng trong thời gian dài cho thấy hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát; trong phê bình và đấu tranh nội bộ. Vì vậy, các cấp ủy cần lựa chọn đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có bản lĩnh, đủ năng lực phát hiện sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên để có biện pháp cảnh báo và xử lý từ sớm, từ xa trước khi cơ quan điều tra phát hiện và xử lý pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Cần xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm của các đoàn kiểm tra, giám sát nếu không kịp thời phát hiện sai phạm, để đảng viên vi phạm kéo dài, gây hậu quả nặng nề đến mức phải xử lý bằng pháp luật.

Mỗi đảng viên luôn nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”[8]. Các cấp ủy cần làm tốt công tác nhân sự, lựa chọn người đứng đầu, đội ngũ cán bộ lãnh đạo thực sự có bản lĩnh chính trị, tinh thần thật thà phê bình và tính chiến đấu; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; “nhất quyết không để một dấu vết nào của óc bè phái tồn tại. Chỉ trong điều kiện đó, chúng ta mới hoàn thành được những nhiệm vụ vĩ đại đang đặt ra trước mắt chúng ta”[9]. 

Thứ tư, kiểm soát tốt hơn nữa an ninh mạng; tận dụng tối đa vai trò nhanh chóng, kịp thời đưa tin của truyền thông, của mạng xã hội trong giảng dạy lịch sử dân tộc, giáo dục tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tung những tin xuyên tạc, không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước ta (Ảnh minh họa: TL)

 Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng in-tơ-nét (chiếm 79,1% dân số); 73,3% người dân sử dụng mạng xã hội; 92,7% tổng số người dùng in-tơ-nét đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội. Tốc độ in-tơ-nét Việt Nam thăng hạng nhanh chóng kể từ đầu năm, hiện đứng vị trí 32 trên toàn cầu. Định hướng, kiểm soát tốt việc sử dụng in-tơ-nét, mạng xã hội sẽ góp phần định hướng tuyên truyền theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu để mỗi công dân mạng đồng thời là một chiến sỹ an ninh mạng phản bác các thông tin sai lệch, bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ các giá trị lịch sử của dân tộc và tuyên truyền, giáo dục sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Cùng với việc tổ chức các cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có thể trao các giải thưởng cho các bài viết nhanh nhất, truyền cảm hứng nhất trên các mạng xã hội để phát huy tính tích cực của cộng đồng mạng xã hội Việt Nam trong tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương điển hình, sẵn sàng vì đồng bào, vì dân tộc, yêu nước thương dân…

Mỗi tổ chức, đơn vị cần tăng tính hấp dẫn trong truyền thông chính thống, phát huy tối đa trang mạng của tổ chức, đơn vị mình để tạo diễn đàn sinh hoạt thường xuyên, xây dựng truyền thống văn hóa nói chung, truyền thống đoàn kết nói riêng, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đời sống của người dân Việt Nam đã và đang không ngừng đi lên cả về vật chất và tinh thần. Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng liên tiếp qua từng năm, về mặt này, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra và tiến dần đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”.

Đảng ta đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Với việc tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bình đẳng, kỷ luật của Đảng, Nhà nước ta, chắc chắn toàn Đảng, toàn dân ta sẽ phát huy được sức mạnh, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển như Đảng ta hướng tới.


[1] Lê-nin toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2005, tập 24, tr. 367.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tập 3, tr.256.

[3] Sách đã dẫn, tập 5, tr.260.

[4]https://vtv.vn/truyen-hinh/dien-bien-phu-nhin-tu-nuoc-phap-70-nam-sau-chien-thang-lich-su-20240508051912559.htm

[5,6,7,8]Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia. H.2011, tập 5, tr.290, 308, 293-294, 305. 

[9] Lê-nin toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2005, tập 43, tr. 6.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều