Hội thảo “Đổi mới phương pháp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay”.
Công tác bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cán bộ được hiểu theo Luật Cán bộ, công chức là những người được tuyển dụng làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội thông qua bầu cử hoặc hiệp thương cử.
Hiện nay, cán bộ chuyên trách thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trên 300 người, các thành viên trong các Hội đồng tư vấn có khoảng 125 người. Ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện, mỗi tỉnh có khoảng 90 người, mỗi huyện có khoảng 60 người và mỗi xã có khoảng 40 người. Ở cấp thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận là người hoạt động không chuyên trách (có tài liệu còn gọi là cán bộ bán chuyên trách), nhưng được hưởng phụ cấp từ 0,3-1,3 (cả nước có khoảng 110 nghìn người); ngoài ra có các thành viên của Ban Công tác Mặt trận (mỗi Ban có từ 7-15 người làm việc kiêm nhiệm không được hưởng phụ cấp).
Việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận cần chia thành 2 đối tượng: cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách. Trong cán bộ không chuyên trách cần tách đối tượng Trưởng Ban Công tác Mặt trận (bán chuyên trách) là một đối tượng riêng để bồi dưỡng. Tùy theo đối tượng để lựa chọn: kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, thời lượng, phương thức, tài liệu, giảng viên… để tổ chức bồi dưỡng cho phù hợp.
Cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đào tào, bồi dưỡng theo hai hướng: Một là, được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, quản lý và lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo của Đảng, Nhà nước. Hai là, được bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
Hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao nhiệm vụ triển khai tổ chức từ 2-3 lớp bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp (khoảng 300 học viên). Tại các lớp bồi dưỡng, học viên sử dụng tài liệu là Tập bài giảng được soạn từ năm 2015. Trên cơ sở tài liệu này, các giảng viên đã soạn thành bài giảng, trong đó có bổ sung kiến thức cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng cụ thể cho từng đối tượng phù hợp với thực tiễn công tác của địa phương.
Công tác bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ, bao gồm các nội dung, như: Xây dựng các quy chế, quy định về công tác bồi dưỡng (quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, quy định về chế độ phân cấp công tác bồi dưỡng cán bộ, quy chế về công tác tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ); Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng nguồn lực bồi dưỡng cán bộ, tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ).
Giải pháp đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ chuyên trách Mặt trận
Công tác thống kê, đánh giá phân loại đối tượng bồi dưỡng
Khi tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có thông báo sớm cho cán bộ Mặt trận đăng ký nhu cầu bồi dưỡng. Trong đó có biểu mẫu đăng ký để cán bộ Mặt trận kê khai trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hiện có, đăng ký nhu cầu cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể. Thống kê được các đối tượng bồi dưỡng theo các tiêu chí, như: theo chức vụ, theo chuyên môn công tác, theo trình độ, theo nhu cầu kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cần bồi dưỡng để thiết kế nội dung chương trình bồi dưỡng phù hợp.
Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng
Khi tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng được kế hoạch tổ chức bồi dưỡng. Trong đó đã nêu được mục đích, yêu cầu, nội dung chương trình, thời gian, báo cáo viên, đối tượng bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để triển khai thực hiện. Khi tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có kế hoạch chi tiết về công tác bồi dưỡng; phân biệt giữa công tác bồi dưỡng và công tác tập huấn cán bộ hàng năm. Trong kế hoạch cần chi tiết hơn về việc phân loại các đối tượng bồi dưỡng. Từ đó, thiết kế nội dung chương trình cho phù hợp, như: hình thức tổ chức học tập trung để thuyết trình hay chia nhóm thảo luận, hay đi tham quan thực tế cho phù hợp; chọn giảng viên phù hợp….
Nội dung chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu đối tượng bồi dưỡng
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng được chương trình bồi dưỡng. Tuy nhiên, do khâu khảo sát thống kê nhu cầu đăng ký ban đầu của cán bộ đi bồi dưỡng không rõ, nên việc thiết kế nội dung chương trình còn chung chung, chưa thật sự sát với tất cả các đối tượng đi bồi dưỡng. Nội dung chương trình còn nặng về thuyết trình, ít trao đổi thảo luận, ít đi tham quan học tập kinh nghiệm thực tiễn; nặng về kiến thức, nhẹ về nghiệp vụ. Do đó, khi tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thiết kế chương trình phù hợp với đối tượng bồi dưỡng, phù hợp với nhu cầu về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng do họ đăng ký và phù hợp về chức vụ, phù hợp về trình độ chuyên môn, phù hợp theo vị trí việc làm. Nội dung chương trình cần tăng phần nghiệp vụ, kỹ năng. Nội dung chương trình cần tăng giờ thảo luận trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, địa phương. Tăng tiết tham quan học tập, trao đổi mô hình mới trong thực tiễn…
Công tác chuẩn bị đội ngũ giảng viên
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chuẩn bị đội ngũ giảng viên theo các hướng sau:
+ Một chuyên đề cần ít nhất 3 giảng viên để chủ động trong việc bố trí khi tổ chức bồi dưỡng;
+ Khi bố trí giảng viên phải phù hợp với đối tượng bồi dưỡng; phù hợp với nhu cầu về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng do họ đăng ký; phù hợp về chức vụ, phù hợp về trình độ chuyên môn, phù hợp theo vị trí việc làm;
+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên là cán bộ Mặt trận;
+ Cần tăng cường thông tin, thực tiễn cho giảng viên không phải là cán bộ Mặt trận, nhất là phần nghiệp vụ, kỹ năng;
+ Khi tổ chức các lớp bồi dưỡng phải chủ động mời và đặt hàng với các giảng viên về nội dung kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng và hình thức tổ chức bồi dưỡng cụ thể để các giảng viên có sự chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện bài giảng của mình (cần tăng giờ thảo luận trao đổi kinh nghiệm giữa đơn vị, địa phương; tăng cường lấy ví dụ về mô hình mới trong thực tiễn…).
Công tác chuẩn bị tài liệu, cơ sở vật chất
Về cơ sở vật chất, ở trung ương cần sớm hoàn thiện giai đoạn 2 (về các công trình phụ trợ), để sớm có địa điểm bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận chu đáo, có chỗ ăn ở tại chỗ, giảng đường học lý thuyết, toạ đàm theo nhóm phù hợp, có đầy đủ phương tiện giảng dạy cho giảng viên (âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, …); có nơi thể thao, sinh hoạt ngoài giờ…
Về tài liệu, cần sớm hoàn chỉnh các tập tài liệu theo từng đối tượng để bồi dưỡng phù hợp. Ngoài ra, cần chuẩn bị các tài liệu chuyên đề chuyên sâu trên các lĩnh vực để bồi dưỡng theo vị trí việc làm và nhu cầu công việc. Ngoài những tài liệu chính thức được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt, cần bổ sung các tài liệu tham khảo khác ở thư viện cho học viên; những tài liệu bổ sung của giảng viên chuẩn bị trong bài giảng cũng cần in cho học sinh để dễ theo dõi và tiếp thu bài giảng.
Tổ chức đánh giá kết quả lớp bồi dưỡng
Việc đánh giá kết quả khoá bồi dưỡng cần được tổ chức triển khai theo quy định tại Thông tư 01 của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, cần thiết kế lại cho phù hợp với đặc thù của Mặt trận. Đánh giá khoá bồi dưỡng cần triển khai đầy đủ theo các nội dung: Nội dung chương trình khoá bồi dưỡng; kết quả học tập của học viên; chất lượng giảng dạy của giảng viên; cơ sở vật chất; công tác tổ chức khoá bồi dưỡng… Phương pháp đánh giá bằng bảng hỏi vừa có định tính vừa có định lượng, hỏi đầy đủ các đối tượng: Học viên, giảng viên, cơ sở đào tạo, cơ quan cử người đi học. Tuy nhiên, cần phải làm từng bước để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cứng nhắc như các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đánh giá học viên nên dựa vào 3 tiêu chí: Kết quả bài kiểm tra, thu hoạch của học viên; ý thức chấp hành nội quy khoá học của học viên do chủ nhiệm lớp phối hợp với Ban Cán sự và các tổ đánh giá; kết quả tham gia vào các hoạt động của lớp như: tham gia trao đổi, thảo luận tại giảng đường hoặc theo nhóm, các hoạt động văn nghệ, tham quan thực tiễn. Cần có cơ chế động viên, khích lệ người học cụ thể, như tỉnh nào có 100% học viên đạt từ 8 trở lên sẽ được Ban Tổ chức lớp học gửi thư khen về cơ quan; nâng mức thưởng cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động chung của lớp, tích cực tương tác trong các giờ học.
Khi tổ chức xong các khoá bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận, Trung tâm đã tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm. Đánh giá sự phù hợp với đối tượng bồi dưỡng theo các tiêu chí: Phù hợp với nhu cầu về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng của học viên; phù hợp về chức vụ, phù hợp về trình độ chuyên môn, phù hợp theo vị trí việc làm.
TS, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam