Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên tại nhà trường

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng những con người, đặc biệt là các thế hệ sinh viên phát triển toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, có lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), có đạo đức trong sáng, có nǎng lực tiếp thu tinh hoa vǎn hoá nhân loại, có tư duy sáng tạo, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có kỹ nǎng thực hành giỏi, có sức khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là không ngừng giáo dục lý tưởng cách mạng cho họ.

(Ảnh minh họa)

GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG ĐỂ NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG ĐÚNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”(1). Vì thế, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là làm cho lý luận khoa học tiên tiến nhất của thời đại xâm nhập vào lực lượng xã hội ưu tú, hình thành ở đội ngũ trí thức tương lai nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh vững vàng, phẩm chất chính trị góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học. Trong đó: 1) Sự hình thành và phát triển thế giới quan được coi là một trong những tiêu chí quan trọng của quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người; ở đó, có sự thống nhất của tri thức, niềm tin, lý trí và tình cảm. Song, tri thức chỉ gia nhập thế giới quan khi chuyển thành niềm tin và trên cơ sở có niềm tin, tri thức mới trở thành cơ sở cho hành động. 2) Nhân sinh quan cách mạng là hệ thống quan niệm về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích cuộc sống của con người biết phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì cái chung chân chính; được hình thành trên cơ sở thế giới quan khoa học Mác - Lênin. 3) Giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác là phương pháp, vì Ph. Ăngghen nói:  “Toàn bộ quan điểm của C.Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp”(2); V.I.Lênin nhấn mạnh, học thuyết Mác có “những phương pháp quý báu mà nếu không có thì không thể hiểu được những quan hệ xã hội”(3) và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận thấy điểm mạnh nhất của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng duy vật: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng”(4). Với ý nghĩa đó, giáo dục lý tưởng cách mạng tạo tiền đề cho sinh viên xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, phương pháp cách mạng; xây dựng niềm tin khoa học và định hướng chính trị đúng; lập trường giai cấp vững vàng và phương pháp biện chứng trong nhận thức và cải tạo thực tiễn.

Lý tưởng cách mạng không thể tự nó trở thành tiềm thức của con người mà là kết quả của công tác giáo dục có hệ thống, tích cực, bền bỉ; là kết quả quá trình đấu tranh gay go, phức tạp trên mặt trận tư tưởng.

Thông qua các hình thức giáo dục phong phú, đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tại các nhà trường, sinh viên được lĩnh hội và được trang bị những tri thức xã hội và nhân văn cơ bản, giúp họ nâng cao tình cảm, ý chí và đạo đức cách mạng, có ý thức tự giác tham gia các phong trào chính trị - xã hội, nỗ lực rèn luyện đạo đức, sống có niềm tin và hoài bão, chủ động phòng và tránh được những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học, học viện (các nhà trường) luôn được Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn), Hội Sinh viên Việt Nam (Hội), gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng. Thông qua các hình thức giáo dục tại các nhà trường, góp phần xây dựng những thế hệ sinh viên có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khoẻ, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên tại các nhà trường có nhiều phương pháp, hình thức và nội dung khác nhau; trong đó: 

Một là, học tập các môn khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), cốt lõi là các môn lý luận chính trị (LLCT), bao gồm: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và môn Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những hình thức nổi bật nhất, giữ vai trò quan trọng.

Với tư cách là hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh về các quy luật và mối liên hệ cơ bản của hiện thực và những bài học về sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, các môn LLCT góp phần xác lập những khát khao, nguyện vọng về lý tưởng, hoài bão, thái độ sống, lối sống đạo đức phù hợp với định hướng giá trị xã hội Việt Nam và vận dụng vào thực tiễn của mỗi sinh viên.

Thông qua học tập các môn LLCT; trong đó, nhà giáo dục (giảng viên) tác động vào đối tượng giáo dục (sinh viên) để truyền thụ, luận giải, phân tích một cách khoa học những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp sinh viên tiếp thu tri thức khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; có lý tưởng, tư duy khoa học, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lựa chọn và con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Với tư cách là những vũ khí lý luận để cải tạo tự nhiên, xã hội, cải tạo con người, xét về chiều sâu bản chất nhân văn, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học vun trồng lý tưởng, đạo đức cách mạng, trao cho sinh viên những phương tiện “học để làm người”, góp phần hình thành phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên. Cùng với những nội dung cơ bản, cần thiết được quy định bởi chương trình, giáo trình, khung chương trình, thông qua  các bài giảng có liên hệ với những vấn đề nóng bỏng của xã hội như chống “diễn biến hòa bình” trong tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, tự cường dân tộc…, môn LLCT góp phần xây dựng, bồi dưỡng những thế hệ sinh viên kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn trên cơ sở nắm vững, quán triệt, thấm sâu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

Hai là, công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt về tình hình thế giới và trong nước, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, định hướng và nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục… có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Cụ thể: 1) Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước có tính chất chung, phổ biến và có phổ rộng, bao quát nhiều nội dung của đời sống xã hội, tác động tích cực đối với sinh viên trong việc tiếp cận thông tin, trau dồi tri thức về những vấn đề tư tưởng - chính trị. 2) Thông tin, tuyên truyền được thực hiện qua website, facebook, bản tin nội bộ, tuyên truyền qua loa phóng thanh, các cuộc thi… trực tiếp, cụ thể và phù hợp điều kiện thực tế mỗi nhà trường. 3) Các đợt học tập chính trị sâu rộng trong các nhà trường như học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chính sách và hệ thống pháp luật của Nhà nước; các đợt học tập cảm tình Đảng, học chính trị đầu khóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…

Các hoạt động này về quy mô, mức độ tuy khác nhau, song đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho sinh viên và hỗ trợ hiệu quả cho nhau trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày kỷ niệm quan trọng của Đảng, Đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội; các thành tựu kinh tế - xã hội; hệ thống pháp luật như Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động; gương người tốt, việc tốt, điển hình rèn luyện, tu dưỡng của các thế hệ giáo viên, sinh viên; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc… đến với sinh viên. Thông qua đó, giúp sinh viên cập nhật thông tin kịp thời, nắm bắt được những diễn biến chính trị - xã hội, tránh được hiện tượng “mù” thông tin; đồng thời, nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng và rèn luyện bản lĩnh cho sinh viên.

Ba là, các phong trào hành động của Đoàn, Hội và hoạt động ngoại khóa trở thành đặc trưng của tuổi trẻ, là phương thức hữu hiệu để tập hợp và tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Các phong trào hành động cách mạng như “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tiếp sức mùa thi”, “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”; cuộc thi viết và sáng tác ca khúc “Sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp”, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; các phong trào bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo trật tự đô thị; các cuộc vận động quyên góp ủng hộ quần áo, sách vở cho gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai; các hoạt động tình nguyện dài ngày các trung tâm thương bệnh binh, các chương trình văn hoá hè cho thiếu niên, nhi đồng, xây dựng tủ sách tại các trường tiểu học, tổ chức các hoạt động thăm hỏi và trao quà cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ… thực sự là những hoạt động truyền cảm hứng, không chỉ vun đắp những tình cảm cao đẹp, đậm tính nhân văn, cảm thông, sẻ chia của sinh viên mà còn tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội.

Cùng với đó, hoạt động ngoại khóa có vai trò quan trọng trong việc trau dồi, hoàn thiện bản thân, nhân cách và tính năng động thông qua việc bổ trợ kiến thức, bổ sung các kỹ năng và kinh nghiệm sống. Đây là những hoạt động được thực hiện ngoài giờ học, tuỳ thuộc vào hứng thú, sở thích, nguyện vọng của mỗi sinh viên trong khuôn khổ và điều kiện tổ chức của mỗi nhà trường. Thông qua các phong trào thi đua, các chương trình ngoại khóa, diễn đàn, các câu lạc bộ, với từng nội dung cụ thể, sinh viên không chỉ phát huy khả năng học hỏi, dễ thích ứng với thực tế mà còn góp phần rèn luyện các kỹ năng cơ bản về phối hợp tổ chức nhóm, thực hành nhóm, giúp họ trở thành những con người toàn diện.

Cùng với học tập, việc tích cực tham gia các hoạt động này chính là thể hiện một cách đầy đủ nhất, đậm nét nhất vai trò xung kích, những việc làm thiết thực của sinh viên hướng đến cộng đồng, vì cộng đồng, vì mái nhà chung; không chỉ đáp ứng nguyện vọng yêu nước, đòi hỏi đích thực và mong muốn cống hiến của tuổi trẻ mà còn tạo sức sống lâu bền trong sinh viên, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho họ.

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

Bên cạnh những thành tích nêu trên, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là, việc học tập các môn KHXH&NV; trong đó, môn Tâm lý học, Giáo dục học, Luật học, Lịch sử Nhà nước và pháp luật… và cốt lõi là các môn LLCT còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển hiện đại của xã hội. Đặc biệt, các môn LLCT cần phải điều chỉnh gọn, nhẹ và tăng cường nội dung ứng dụng thực tiễn, để tạo sự yêu thích, hứng thú cho sinh viên khi học các môn này.

Cùng với đó, nội dung, hình thức, phương tiện thông tin, tuyên truyền cổ động, các hình thức quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng… dù đã được đổi mới theo hướng phong phú, sáng tạo, có tính thuyết phục và tính chiến đấu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, với tâm lý và điều kiện hoạt động của sinh viên các trường, song vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, các chương trình ngoại khóa tuy diễn ra sôi nổi, đều khắp, nhưng có nơi, có lúc, cách thức tổ chức yếu, thiếu tính hiệu quả, nặng hình thức. Cùng với đó, tính bền vững và chất lượng của một số phong trào hành động chưa cao; ở một số nơi, hoạt động còn mang tính hình thức, còn những bất cập trong công tác tổ chức và triển khai…

Trong bối cảnh những biến động lớn về chính trị - xã hội đang tác động không nhỏ đến sinh viên; nhất là, những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống chạy theo lợi ích vật chất, sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị... đang diễn ra trong một bộ phận sinh viên, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Để sinh viên không chỉ có ý thức và động cơ học tập đúng đắn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, từng bước vươn lên trở thành những người lao động có bản lĩnh và trình độ chuyên môn vững vàng, làm chủ các tri thức khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn sống có lý tưởng và hoài bão, có bản lĩnh chính trị và có đạo đức cách mạng, tỉnh táo và không rơi vào các vòng xoáy chính trị trước các biến động của tình hình thế giới và trong nước, các cơ quan bộ, ban, ngành chức năng cần tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, cùng với việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ban giám hiệu, tổ chức Đoàn, Hội tại các nhà trường về yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là việc tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy các môn KHXH&NV nói chung, LLCT nói riêng gắn với nâng cao chất lượng các hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các diễn đàn giới thiệu phương pháp học tốt các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, chú trọng thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 31/CT-TTg về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên”.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, các hình thức tổ chức quán triệt nghị quyết, chỉ thị  của Đảng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Lồng ghép nội dung thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Sinh viên 5 tốt” với giáo dục lý tưởng cách mạng, lịch sử, văn hóa trong các chương trình ngoại khóa, biểu diễn nghệ thuật, tác phẩm văn học, sân khấu có đề tài lịch sử, biển, đảo của Tổ quốc; trong các cuộc vận động và phong trào thi đua do Đoàn và Hội phát động. Kết hợp nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua đó thu hút, tập hợp, vận động, giáo dục sinh viên thi đua học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống, thể hiện nhiệt huyết sức trẻ, gắn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống đời thường, góp phần khơi dậy, hun đúc ý thức, trách nhiệm của sinh viên đối với Tổ quốc; tạo sức “đề kháng” và cảnh giác tốt cho sinh viên trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Thứ ba, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và phát huy vai trò, sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức đó trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, các bí thư Đoàn trong các nhà trường đủ tâm - tầm - tài và hoạt động hiệu quả trên tinh thần coi chất lượng cán bộ Đoàn, Hội là trọng tâm và nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn, Hội là đột phá.

Thứ tư, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh tại các nhà trường; ở đó, sinh viên không chỉ được bảo vệ, tôn trọng, đối xử công bằng, dân chủ và nhân văn mà còn được tạo điều kiện phát triển phẩm chất và năng lực, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; mọi đối tượng từ sinh viên đến cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên đều có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Đồng thời, xây dựng các tập thể sinh viên trong sạch, vững mạnh, các gương sinh viên 5 tốt tiêu biểu và nhân rộng các gương điển hình đó, để tạo sự lan tỏa trong tổ chức Đoàn, Hội và trong cộng đồng.

____________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.15, tr.113.

(2) C.Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, t.39, tr.545.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.1, tr.239.

(4) Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1996, tr.152.

Theo TS. Văn Thị Thanh Mai/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều