Hồ Chủ tịch tới sân bay Le Bourget ở Paris ngày 22/6/1946 (ảnh tư liệu) - Nguồn: vov.vn
Ngược dòng lịch sử dân tộc, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, thiết lập nên chế độ thuộc địa. Các phong trào yêu nước nổ ra dưới sự lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước nhưng đều lần lượt thất bại. Lịch sử Việt Nam bước vào đầu thế kỷ XX được phác họa như một bức tranh màu ảm đạm. Trong bối cảnh đó, các sĩ phu yêu nước vẫn một lòng sắt son với sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Đấy chính là động cơ đặc biệt để họ nhanh chóng đón nhận những luồng tư tưởng mới, con đường mới cho dân tộc. Con đường mới ấy chính là xu hướng dân chủ từ các cuộc cách mạng tư sản phương Tây, từ công cuộc cải cách thành công ở Nhật Bản đang làm thức tỉnh các dân tộc châu Á. Và những người đi tiên phong trong trào lưu dân chủ chính là các sĩ phu cấp tiến mà đại diện là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
Thành công của nước Nhật trên con đường cải cách và công nghiệp hóa sau Minh Trị Duy Tân, rồi chiến thắng của người Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) đã cổ vũ các dân tộc phương Đông về khả năng khắc phục tình trạng lạc hậu và khả năng phục hưng của mỗi nước. Phan Bội Châu và một số sĩ phu cấp tiến Việt Nam mở đường Đông Du bởi sự thôi thúc và hấp dẫn của tấm gương phục hưng tự cường từ nước “đồng chủng, đồng văn” này.
Trái với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lại hướng con đường cứu nước của mình về phương trời Tây. Điều hấp dẫn Cụ chính là những tư tưởng tiến bộ của các nhà triết học khai sáng Pháp như Montesquieu, Rousseau, của đại cách mạng Pháp năm 1789, của thế giới văn minh Âu Mỹ với trình độ công nghệ hiện đại. Phan Châu Trinh cho rằng, để chấn hưng dân tộc phải dựa trên những thành tựu văn minh của Pháp để tranh thủ thực hiện canh tân. Ba mục tiêu đổi mới nhằm chấn chỉnh phong hóa nước nhà theo Phan Châu Trinh là: Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh.
Nhưng, con đường cứu nước, cứu dân của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh cuối cùng đều không thành công. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại là do hai cụ Phan đã không gắn con đường cứu nước với thời đại. Hai quốc gia mà các cụ hướng tới là Pháp và Nhật Bản là những nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, đang trực tiếp xâm lược Việt Nam, hay cấu kết với nhau để trục xuất những thanh niên Việt Nam trong phong trào Đông Du.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngay từ rất sớm đã nhận thức được những hạn chế trong con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước tiền bối, giúp Người vượt qua cái khung hạn hẹp đó và hướng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài rộng lớn hơn. Trước năm 1911, khi được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng tiến bộ bên ngoài du nhập vào nước ta: Tân thư, Tân văn… của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi; tư tưởng cách mạng Tam dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc của Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh đều có sự đánh giá, nhìn nhận sâu sắc. Quyết định sang phương Tây cho thấy tư chất, trí tuệ và sự nhạy cảm chính trị của Hồ Chí Minh, mặc dù chưa ra nước ngoài, nhưng Người đã có cảm nhận đúng về trung tâm văn minh thế giới là phương Tây - và điều mà người ta cần phải tìm hiểu học hỏi chính là ở đó. Với suy nghĩ ấy, ngày 05-6-1911, Người lần đầu tiên ra nước ngoài, có thể coi đó là một điểm mốc đầu tiên trong hành trình đưa Việt Nam hội nhập với thế giới.
Qua việc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các nước phương Tây, Âu, Mỹ, Hồ Chí Minh kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(1). Kết luận này cho thấy, nhận thức của Hồ Chí Minh về ý thức dân tộc và ý thức giai cấp đã từ tầm nhìn quốc gia tới tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế. Đặc biệt sự kiện năm 1919, sau khi gửi yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles và bị từ chối, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, những lời tuyên bố về tự do, bình đẳng bác ái của chủ nghĩa đế quốc chỉ là trò lừa bịp. Do đó, các dân tộc bị nô dịch muốn được giải phóng, thì phải đoàn kết lại, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại.
Với tư tưởng đó, năm 1921, Người đứng ra thành lập Hội liên hiệp thuộc địa - Cơ quan ngôn luận là tờ báo “Người cùng khổ” - thể hiện bước trưởng thành trong nhận thức và hành động của Hồ Chí Minh về tư tưởng quốc tế cách mạng. Hồ Chí Minh nói: “Mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các giống nòi bản xứ, và muốn cứu vãn những giống nòi này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc”(2). Đến đây, Người bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với khẩu hiệu “giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc thuộc địa liên hiệp lại”. Khẩu hiệu cách mạng đó càng khẳng định nhận thức của Người: phải gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh nói: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”(3). Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Chân lý ấy tưởng như đơn giản nhưng đã mở rộng cánh cửa tư duy gắn cuộc đấu tranh của dân tộc vào phong trào đấu tranh của thế giới.
Việc đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, sau đó trở thành một chi bộ trực thuộc Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Tư tưởng đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế đã được Người hiện thực hóa.
Có một sự thật lịch sử là trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những người lãnh đạo mà hạt nhân là những người cộng sản do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu đã sớm chủ động tự xếp mình trong hàng ngũ của các lực lượng đồng minh chống phát xít - lực lượng chiến thắng trong cuộc đại chiến thế giới lần hai. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” là một thông điệp rõ ràng nhất về tinh thần hội nhập của dân tộc Việt Nam. Tất cả các chính sách được ban hành và thực hiện ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã thể hiện một cách minh bạch và toàn diện chủ trương hội nhập.
Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước, với mục tiêu giải phóng dân tộc, khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vượt lên chủ nghĩa yêu nước truyền thống, tiến tới đoàn kết các dân tộc bị áp bức, không phân biệt màu da, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, hình thành được các tổ chức mang tính mặt trận của nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống đế quốc. Với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã hòa nhập vào xu thế chung của thời đại, cùng nhân loại tiến bộ trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nền hòa bình thế giới.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nước công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc. Trong Thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời” ngày 03-10-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký, đã khẳng định mục tiêu chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: Đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, góp phần cùng các nước đồng minh chống phát xít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận, xây đắp lại nền hòa bình thế giới.
Bằng những hoạt động tích cực của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho bạn bè thế giới biết đến khát vọng, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trong điều kiện thế giới đã bị phân chia thành hai hệ thống: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là: thêm bạn bớt thù, đoàn kết rộng rãi với nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung; kêu gọi sự đồng tình của dư luận tiến bộ và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh của Pháp; tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc. Thành công trong chuyến đi thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 là hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, qua đó củng cố quan hệ với lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới. Chính vì thế, một làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp ở Đông Dương đã nổ ra, đặc biệt mạnh mẽ là cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ Pháp. Đây là nguồn sức mạnh góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sự kiện năm 1950 đánh một dấu mốc quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tài ngoại giao của mình đã mở cánh cửa nước ta hội nhập với thế giới thành công, Việt Nam chính thức gia nhập vào thế giới các nước dân chủ tiến bộ. Từ đó, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự viện trợ vật chất lẫn tinh thần của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự vận động, kết hợp hài hòa giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng lực khả dĩ có thể thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, Mỹ và công cuộc tái thiết xây dựng đất nước. Một điều lạ mà hiếm dân tộc nào trên thế giới có được đó là qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ từ chính nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ. Họ đã đấu tranh đòi chính phủ của họ chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Dương, đòi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đưa lính Mỹ về nước. Những phản đối quyết liệt của chính nhân dân những nước đang xâm lược Việt Nam đã trở thành một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của nhân dân ta. Và đó cũng là thành công của chính sách mở cửa hội nhập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, làm cho thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam.
Như vậy, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã mở cánh cửa Việt Nam ra với bên ngoài, và hội nhập thành công. Đó cũng chính là những bài học đối ngoại đầu tiên để Đảng ta kế thừa, phát triển thành tư duy đối ngoại sau này. Với quá trình hội nhập thành công của Việt Nam như vậy, nó được đánh giá là một trong những nhân tố góp phần vào thắng lợi cuối cùng của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những thay đổi của cục diện thế giới, từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), nhận thức về hội nhập quốc tế của Đảng ta được hình thành. Đảng ta cho rằng, “muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế”(4). Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta trịnh trọng tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(5). Với tư duy đối ngoại đó, chúng ta đã giải tỏa tình trạng bao vây cô lập và bước đầu mở cửa hội nhập với thế giới. Có được thành công là do Việt Nam đã nắm bắt được sự chuyển động của tình hình trên bình diện thế giới đến phạm vi khu vực để từ đó hoạch định đối sách đúng đắn và thích hợp. Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo ra thời cơ và thách thức đan xen nhau. Hòa vào dòng chảy chung của thế giới, đòi hỏi Việt Nam phải biết tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế.
Vượt qua bao thách thức, quá trình hội nhập của Việt Nam đã giành được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Những thành tựu đó là cơ sở quan trọng để chúng ta vững tin tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường hội nhập với thế giới đã thành hiện thực: Một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, được hưởng hòa bình và hữu nghị với mọi quốc gia và có đủ cơ hội để hội nhập và phát triển.
---------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 287
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 371
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 1, tr. 441
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.81
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1991, tr.14
Theo Nguyễn Thị HằngTrường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng/Tạp chí Cộng sản