(Hình minh họa)
TÁC ĐỘNG HAI MẶT CỦA TOÀN CẦU HÓA VÀ CÁCH MẠNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
Toàn cầu hóa tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia dân tộc, đến đời sống xã hội, cũng như đến cuộc sống của từng người. Ngoài những cơ hội, toàn cầu hoá tạo ra cho Việt Nam những thách thức to lớn, như nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nạn thất nghiệp và thiếu việc làm, sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm có xu hướng tăng, sự lo ngại về mất bản sắc, sự đồng hoá văn hoá và sự huỷ hoại văn hoá dân tộc. Con đường để vượt qua những thách thức đó không phải là đóng cửa lại để sống biệt lập với thế giới; mà trái lại, phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Vì vậy, một trong những nội dung về công tác tư tưởng cần quan tâm là giáo dục và phát huy truyền thống của dân tộc, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc nhằm phát huy và khơi dậy tinh thần dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta đã phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó. Song, trong những năm qua, chúng ta làm chưa đúng mức. Đây chính là trách nhiệm và cũng là sứ mệnh lịch sử của công tác tư tưởng.
Cùng với toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) với những thành tựu rực rỡ của nó cũng tác động rõ nét đến bản chất, nội dung và phương thức thực hiện công tác tư tưởng. Cách mạng KH&CN hiện đại là bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, phương thức tổ chức, quản lý, phân công lao động xã hội và tăng năng suất lao động dựa trên những tiến bộ của hệ thống tri thức KH&CN tiên tiến. Nhờ đó, xã hội loài người đang trong quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền kinh tế dựa vào các nguồn lực tự nhiên sang nền kinh tế dựa vào tri thức, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với việc thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, cách mạng KH&CN góp phần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, làm tăng hiệu quả việc tổ chức, quản lý phân công lao động xã hội và phân phối sản phẩm, hoạch định kế hoạch đầu tư, phát triển cơ cấu ngành nghề… một cách hợp lý. Từ đó đặt ra yêu cầu tất yếu phải đổi mới KH&CN của mọi quốc gia trên thế giới và theo đó, công tác tư tưởng phải đi trước, mở đường cho KH&CN phát triển.
Như vậy, rõ ràng, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ đã có những tác động mạnh mẽ đòi hỏi phải đổi mới công tác tư tưởng. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng toàn cầu hóa và những thành tựu KH&CN để tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, do đó, việc hiểu rõ bối cảnh toàn cầu hóa, nắm bắt và vận dụng thành tựu KH&CN trong nhận thức, vạch trần mưu đồ của các thế lực thù địch, nâng cao hiệu quả của công tác tư tưởng là yêu cầu đòi hỏi lớn và khó đối với hệ thống chính trị nói chung và ngành Tuyên giáo nói riêng.
XÃ HỘI THÔNG TIN VÀ SỰ BÙNG NỔ THÔNG TIN KHÓA KIỂM SOÁT HIỆN NAY
Bùng nổ thông tin là thuật ngữ chỉ sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thông tin tư liệu trên thế giới những năm gần đây. Với sự phát triển vũ bão của KH&CN, những sản phẩm công nghệ mới phát triển rầm rộ đã đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống, được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực; đặc biệt là lĩnh vực thông tin truyền thông. Hệ thống thông tin điện tử, trực tuyến , các website của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần mở rộng mối quan hệ, giao lưu, hợp tác phát triển ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, giải trí.
Con người ngày nay có trong tay nhiều công cụ để chia sẻ thông tin của mình qua blog, website, facebook, youtube, twister... với công nghệ tiên tiến, đặc biệt là Internet, các phương tiện thông tin hiện đại đã đưa thế giới xích lại gần nhau một cách nhanh chóng hơn, tạo nên những siêu lộ thông tin có dung lượng lớn và tốc độ cao, chuyển tải mọi thông tin một cách nhanh chóng. Đây vừa là điều kiện vừa là thách thức tác động mạnh mẽ đến công tác tư tưởng.
|
Điều đó, đặt ra yêu cầu đối với những người làm công tác tuyên giáo phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng về chính trị và tư tưởng trong đời sống xã hội; thông tin được cung cấp đầy đủ, trung thực và kịp thời. Muốn làm được điều này, trước hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải có trình độ ngang tầm, có kiến thức tổng hợp và sự hiểu biết sâu, rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội để tăng sức thuyết phục trong công tác tư tưởng; không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà cần đổi mới phương pháp thông tin nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao tính thuyết phục người nghe trong bối cảnh “ngập lụt” thông tin.
TÁC ĐỘNG HAI MẶT CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TỚI HỆ GIÁ TRỊ VÀ NHẬN THỨC CHÍNH TRỊ CỦA NGƯỜI DÂN
Cũng như toàn cầu hóa và cách mạng KH&CN, kinh tế thị trường có tính hai mặt, bên cạnh những tác động tích cực là những mặt trái không mong muốn, thậm chí là những thất bại của nó mà một trong những tác động đáng quan tâm là sự thay đổi hệ giá trị và nhận thức chính trị của người dân: Một là, tính cá nhân được đề cao: Từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành đổi mới, chấp nhận các giá trị mới, mang tính cá nhân hơn với cả tác động tích cực (như đề cao tính tự chịu trách nhiệm) và cả khía cạnh tiêu cực (như chấp nhận phân hóa giàu nghèo). Hai là, nhận thức về vai trò nhà nước biến đổi mạnh mẽ: Với sự phát triển kinh tế thị trường, xã hội có thêm một kênh thông tin về nhu cầu của người dân. Tư cách dẫn dắt về tri thức và thông tin cũng như tính đúng đắn của Nhà nước không còn được coi là mặc định. Ba là, nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng có các thay đổi lớn: Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chấp nhận cơ chế cạnh tranh và tự hạch toán dẫn tới sự tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh. Kinh tế thị trường tác động đến nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi những năng lực mới (trong đó có năng lực về kinh doanh), tốc độ ra quyết định mới, sự nhạy bén mới.
Có thể thấy, những nhận thức và các thay đổi giá trị sẽ dẫn đến các thách thức chính trị rộng khắp hệ thống, trong đó, thách thức lớn nhất đối với Đảng cầm quyền là sự dung hoà giữa các giá trị và chuẩn mực mới từ thực tiễn với các giá trị và chuẩn mực cũ mang đậm tính hệ tư tưởng. Vấn đề cốt lõi là điều chỉnh thể chế để hệ tư tưởng không bị xáo trộn, trong đó thể chế Đảng lãnh đạo vẫn là trọng tâm nhất. Đặc biệt, cần thiết lập thể chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu hơn, cả trong Đảng và Nhà nước, tinh giản bộ máy và biên chế hành chính, tách biệt chức năng chính trị và kỹ trị rõ ràng hơn, xác định rõ các lĩnh vực, các vấn đề mà Đảng cần lãnh đạo.
NHỮNG BIẾN ĐỔI CĂN BẢN CỦA CỤC DIỆN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI
Đại hội XII của Đảng nhận định, tình hình chính trị, an ninh, cục diện chung của thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Những vấn đề toàn cầu, như an ninh năng lượng, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố ngày càng phức tạp. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế ngày càng nổi lên. Cạnh tranh thương mại, tranh đoạt nguồn tài nguyên giữa các quốc gia ngày càng gay gắt...
Chính sự biến đổi mạnh mẽ của cục diện thế giới và khu vực đã là một tác nhân làm thay đổi mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền. Đặc biệt, trước những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã phải thận trọng hơn trong nhận thức bạn thù, trong nhận thức về lợi ích quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi trong quan điểm và nhận thức này đương nhiên là yếu tố quan trọng tác động đến toàn bộ nội dung, mục tiêu và phương thức tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
SỰ SUY GIẢM LÒNG TIN CỦA MỘT BỘ PHẬN NGƯỜI DÂN VÀO SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Sự suy giảm lòng tin của một bộ phận người dân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào định hướng xã hội chủ nghĩa là một yếu tố tác động đến công tác tư tưởng hiện nay, đồng thời cũng được xem như một hệ quả của các tác động trước đó. Sự suy giảm lòng tin được lý giải bởi sự thay đổi niềm tin vào hệ giá trị chủ nghĩa xã hội. Theo đó, có hai quá trình thực tế tạo ra các nan giải lớn đối với Đảng cầm quyền: 1) Sự không hiệu quả của mô hình kinh tế tập trung dẫn đến giảm sút niềm tin về các giá trị lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, 2) Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực tại Liên Xô và các nước Đông Âu, gây nên những xói mòn giá trị vốn đã mặc định trong một thời gian dài. Thêm vào đó là những hiện tượng tiêu cực trong công tác của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng khiến người dân phân tâm, hoài nghi, suy giảm lòng tin.
Đại hội XII của Đảng đã đưa ra nhận định, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra. Bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, của dân tộc, đó là: Tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng và “diễn biến hòa bình” vẫn chưa thể nhanh chóng khắc phục. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, cửa quyền, mất dân chủ còn diễn biến phức tạp, chưa thể giải quyết triệt để chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng... Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng.
Trước những tác động rất mạnh mẽ đó, yêu cầu đổi mới cả nội dung và phương thức công tác tư tưởng, lý luận của Đảng càng trở nên bức thiết. Tình hình thực tiễn đang đòi hỏi công tác tư tưởng phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình một cách mau lẹ, kịp thời, sáng tạo và kiên định trong mọi hoàn cảnh để tạo ra “chất” và “lượng” mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới mà thực tiễn đặt ra.
Theo TS. Phạm Thị Hoa/Tạp chí Tuyên giáo