Nền hành chính nhà nước phải là công bộc của dân

(Mặt trận) - Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII nêu rõ: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch…”. Để xây dựng nền hành chính Việt Nam hiện đại như Báo cáo đã nêu cần nắm vững tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước nói chung và nền hành pháp - hành chính nhà nước nói riêng.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, tháng 11/2022.
ẢNH: THỐNG NHẤT 
Dân chủ và chuyên chính trong hoạt động hành chính nhà nước

Thực tiễn đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kiến trúc sư” lỗi lạc của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, của nền hành chính Nhà nước Việt Nam. Trong suốt cuộc đời mình, đặc biệt là 24 năm vừa giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, vừa là nguyên thủ quốc gia, trong đó 15 năm (1945-1960) trực tiếp đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định: Sự thống nhất giữa mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và của cơ quan hành chính Nhà nước Việt Nam là thực hành một chế độ dân chủ kiểu mới - dân chủ Nhân dân ở Việt Nam, một chế độ mà “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, đều của Nhân dân lao động và của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Chính phủ phải là công bộc của dân. Sự thống nhất giữa mục tiêu chính trị của Đảng và mục tiêu của việc thực thi quyền hành pháp của cơ quan hành chính các cấp (từ Chính phủ đến xã) là vì lợi ích của Nhân dân.

Dân chủ và chuyên chính là hai chức năng cơ bản của nhà nước, nó thể hiện bản chất của chế độ. Bản chất của nền hành chính phụ thuộc vào bản chất của nhà nước. Hồ Chủ tịch thường dùng khái niệm “tính chất” như là một từ đồng nghĩa với “bản chất”. Người khẳng định: “Tính chất của nó là Nhân dân dân chủ chuyên chính... trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của Nhân dân, tức là của các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp và các dân tộc trong nước để thực hành dân chủ chuyên chính”.

Nhân dân dân chủ chuyên chính là bản chất của nền hành chính Việt Nam. Nó đã được quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta do Hồ Chủ tịch chủ trì soạn thảo và đã được Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua. Nhân dân dân chủ chuyên chính là định hướng cho mọi hoạt động của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân các cấp. Hồ Chủ tịch đã dặn: Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải là đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, nghĩa là phải làm việc chung cho Nhân dân và phải làm thật tốt, “nó có nhiệm vụ thực hiện tự do, dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do, dân chủ đó”.

Phương thức, trách nhiệm trong hoạt động của hành chính nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ khi thành lập Chính phủ đầu tiên (năm 1946) phương thức hoạt động hành chính phải tuân theo Hiến pháp, luật và các quy phạm pháp luật khác. Với tư cách là Chủ tịch nước và Chủ tịch Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản pháp luật quy định về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Đây là những văn bản đặt nền móng cho việc xây dựng quy chế hoạt động hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong hoạt động hành chính: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, về mặt nhận thức phải toàn diện, đồng thời lại phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ từng bộ phận. Trong khi tiến hành công tác phải có sự “phân công rành mạch” nhưng lại phải có “phối hợp ăn khớp” và “chỉ đạo chặt chẽ và khéo léo”, mỗi Bộ, mỗi ngành phải chuẩn bị kế hoạch hoạt động và cán bộ để thực hiện kế hoạch đó”.

“Phân công rành mạch”, “Phối hợp ăn khớp”, “Chỉ đạo chặt chẽ khéo léo”, theo chúng tôi cần phải được coi là một triết lý hành động của hệ thống chính trị nói chung và của hoạt động hành chính nhà nước nói riêng.

Bất cứ một hoạt động xã hội nào mang tính hệ thống cũng phải có sự “phân công rành mạch” còn hoạt động của hệ thống chính trị, của Nhà nước và hoạt động hành chính nhà nước tuy nội dung và cách thức khác nhau song cùng thống nhất ở mục tiêu chính trị (định tính), thì tất nhiên phải có sự “phối hợp”. Phối hợp tới mức nào là “định lượng” của sự thống nhất… Nhưng phối hợp “ăn khớp” mà Hồ Chủ tịch đã dặn vừa cho ta một ý niệm rõ ràng dễ hiểu về định lượng, vừa cho thấy hiệu quả của sự phối hợp: “ăn khớp”. Hồ Chủ tịch đã cho ta một ví dụ cụ thể: Khi thiết kế và thi công một căn nhà gỗ, thì phải “phân công rành mạch” đâu là cột cái, cột con, đâu là ngoàm, là đố... nhưng tất cả đều phải có ý thức “phối hợp”, để lắp vào sao cho “ăn khớp”, nếu không sẽ vênh váo, khập khiễng, thậm chí làm hỏng cả cái nhà mà họ định thiết kế. Làm thế nào để cho sự “phối hợp” ấy “ăn khớp” với nhau? Đó chính là “chỉ đạo chặt chẽ và khéo léo” của bác “thợ cả” tài ba. Nói một cách cụ thể là trách nhiệm của các thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Bộ trưởng, Giám đốc là người phụ trách; phong trào phải làm từ trên xuống, dưới lên, dân chủ…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong chỉ đạo cũng giống như người thầy thuốc chữa bệnh, phải có thầy thuốc tài giỏi, công tâm, công minh, chỉ rõ căn nguyên của bệnh tật, tìm ra được căn nguyên rồi thì phải cắt thuốc đúng bệnh. Ngày 26/11/1962, dự Hội nghị bàn về thu chi tài chính năm 1963, Người đã phát biểu “mấy năm nay ta vừa làm, vừa học. Điều rất tốt là ta đã thấy được khuyết điểm, thấy được các mặt không cân đối, thấy được sự lãng phí sức người, sức của, nhưng thấy được bệnh rồi, mấy người thầy thuốc lại phải ngồi lại tìm đơn thuốc mà chữa, chứ cứ nói mãi mà cứ chắp chắp, vá vá thì không được. Cần có một số đồng chí cương quyết tìm ra bài thuốc cho bệnh, tìm ra được rồi thì phải cắt thuốc không thì năm nào cũng nói đi, nói lại mãi”.

Nền hành chính dân chủ, vì dân, trong hoạt động công vụ phải trả lời được 2 câu hỏi “Vì ai mà làm, đối ai mà phụ trách”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu trả lời chỉ có một: Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân là tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hi sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà làm”. Người đã yêu cầu các cơ quan Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính phải sửa đổi thói không phụ trách “quá hữu” và thói không phụ trách “quá tả”. “Thói không phụ trách “quá hữu” là thói làm việc giáo điều, máy móc, không dám sửa đổi lối làm việc cũ lỗi thời “chỉ khư khư giữ nếp cũ”. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới”. Thói không phụ trách “quá tả” là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang”. Thói không phụ trách cả “quá hữu” và “quá tả” là cứ làm theo ý muốn chủ quan của cơ quan hành chính rồi cột vào cho quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “khoét chân cho vừa giầy. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta”. Người chỉ ra một lẽ phải đương nhiên đơn giản mà các cơ quan, các nhà quản lý phải chú ý là: “Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là khuyết điểm lớn trong các Ủy ban hành chính cần phải khắc phục là: “thiếu óc tổ chức”. Trong các công sở hành chính, sự phân công, phân nhiệm không rõ ràng, không đặt tâm lực vào những việc cơ bản mà chỉ quanh quẩn vào ra với những công việc vụn vặt, không phải chỉ ở cấp chuyên viên, cán sự, nhân viên mà ngay cả công chức lãnh đạo cũng loanh quanh, không biết cách tổ chức công việc một cách khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét “... Nhiều ông Chủ tịch Ủy ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó mà chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ... Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra, chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu, rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc... Chia công việc không khéo thành ra bao biện... Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc dễ cũng đến hỏng”. Thiếu tinh thần chủ động cũng là một khuyết điểm cần phải phê phán. Chủ động không phải là tự tiện, ý mình sao thì làm vậy mà là năng động, sáng tạo theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nghĩa là trung thành với nguyên tắc: việc gì có lợi cho dân ta phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì ta phải hết sức tránh. Trong các cơ quan hành chính không ít nơi “khi có công tác thì đem thi hành một cách máy móc. Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra làm nữa cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại”. Các ủy viên Ủy ban hành chính, không biết chủ động suy nghĩ, phát huy sáng kiến để giải quyết công việc sao cho có hiệu quả. “Hễ gặp khó một tí là xin ý kiến cấp trên, là du đẩy cho người khác. Thấy khó thì tránh, thấy lợi cho cá nhân hay bộ phận mình thì tìm cách “xoay xỏa” thành ra rơi vào tình trạng có khi không làm đúng chức trách của mình, không dám quyết đáp việc gì dứt khoát, lại có khi lạm quyền, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi, thảo luận với ai, không theo pháp luật...”.

Tinh thần phụ trách công việc, ra sức hoàn thành nhiệm vụ với hiệu lực và hiệu quả cao là thước đo tư cách của các cán bộ, công chức và các cơ quan hành chính. Tệ hại nhất là không có người phụ trách cá nhân, việc gì cũng chung chung, không phân công người trực tiếp, để rơi vào tình trạng “ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có yêu cầu rất cao đối với việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước nhằm bảo đảm có một Chính phủ liêm khiết, một nền hành chính kiểu mới, mạnh mẽ, trong sạch, làm “công bộc” cho Nhân dân. Người đã lưu ý phải tôn vinh tài năng của công chức, viên chức và đòi hỏi họ phải có đủ yêu cầu về lòng trung thành với Tổ quốc, đạo đức và khả năng để hoàn thành các công vụ được giao. Họ cần có một địa vị xứng đáng với tài năng và đức độ của mình. Bất kỳ cán bộ, công chức nào cũng phải xác định mình là một người đứng trong hàng ngũ cách mạng, là làm cách mạng và phải có đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhân, nghĩa, trí, dũng, tín, trung với nước, hiếu với dân. Những tư tưởng trên của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của ta hiện nay.

Trần Đình Huỳnh 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều