Quy định về quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và tổ chức trong MTTQ Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra

(Mặt trận) - Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ lớn ở nước ta. Sau khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có hiệu lực đến nay, mối quan hệ này đã có những bước phát triển về chất. Bài viết nêu thực trạng mối quan hệ nêu trên và đề xuất những giải pháp để củng cố, phát triển mối quan hệ này trong thời gian tới.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà và động viên bà con vùng lũ Quảng Nam vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, tháng 11/2020.

Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân là một trong những mối quan hệ lớn ở nước ta. Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, mối quan hệ đó được quy định như sau:

Một là, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng là mối quan hệ mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức lãnh đạo Mặt trận vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 4 Điều 4). Mối quan hệ này chỉ rõ Đảng là tổ chức chính trị duy nhất trong “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” tạo thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Đảng là tổ chức lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là lực lượng hạt nhân trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành (khoản 1 Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).

Đây là mối quan hệ giữa một bên là Mặt trận Tổ quốc - là cơ sở chính trị của nhà nước, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà nước. Và bên kia là nhà nước nói chung và các cán bộ, công chức nhà nước nói riêng, có trách nhiệm và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ba là, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân là mối quan hệ:

+ Một mặt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết nhân dân; động viên hỗ trợ nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (khoản 1 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).

+ Mặt khác, nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tham gia hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động (khoản 2 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015). Đồng thời, nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những vấn đề nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước (khoản 3 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015). Nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đảm bảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).

Bốn là, quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên là quan hệ phối hợp và thống nhất hành động để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của Nhà nước và chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thực tiễn thực hiện mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 5 năm qua

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc hơn và đầy đủ hơn về nhân dân làm chủ trong mối quan hệ với Mặt trận nói riêng với Đảng và Nhà nước nói chung. Nhân dân làm chủ được xác định là mục tiêu cao nhất trong mối quan hệ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như Đảng và Nhà nước đều phấn đấu vì mục tiêu nhân dân làm chủ. Chính vì thế Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; động viên hỗ trợ nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, Đảng giữ vị trí, vai trò lãnh đạo Mặt trận bằng Cương lĩnh, chiến lược; các định hướng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước nói chung trong đó có công tác Mặt trận; Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên trong tổ chức Mặt trận; bằng công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt của Mặt trận… Thước đo hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận thể hiện ở kết quả Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Thực tiễn chỉ ra rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp càng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, về mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với Nhà nước, Nhà nước là công cụ thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân. Thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp với tư cách là những “sợi dây chuyền” nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân mà Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Vì thế, những năm qua mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc các cấp không ngừng được tăng cường. Ví dụ hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Được sự quan tâm kịp thời của Đảng, phối hợp của Chính phủ và chính quyền các địa phương, cuộc vận động nhanh chóng được tổ chức triển khai rộng đến tận cơ sở. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo đời sống nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai nhiệm vụ giám sát xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và chính quyền các địa phương. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để ban hành các nghị quyết liên tịch trong giám sát và phản biện xã hội.

Thứ tư, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các thành viên của Mặt trận Tổ quốc cũng ngày càng gắn bó, phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động. Ví dụ công tác giám sát xã hội trong 5 năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường…

Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức thành viên từ sau khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có hiệu lực đến nay đã có bước phát triển về chất, nhưng cũng còn một số hạn chế. Trong mối quan hệ với nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc ít được đổi mới, hiệu quả ở một số lĩnh vực chưa cao như trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông. Một số nơi, việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; một số vụ việc bức xúc của nhân dân chưa được quan tâm phản ánh hoặc đại diện nhân dân tham gia giải quyết.

Trong mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan nhà nước chưa có nhiều hình thức phối hợp. Pháp luật chưa thể chế đầy đủ mối quan hệ phối hợp này nên hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Trong mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, việc phối hợp và thống nhất hành động trong một số hoạt động còn có biểu hiện chồng chéo. Trong mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc, Đảng không những là người lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc; yếu tố Đảng là thành viên của Mặt trận chưa được thể hiện rõ trong mối quan hệ với Mặt trận Tổ quốc.

Những vấn đề đặt ra

Từ thực tiễn thực hiện mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức thành viên, có thể rút ra một số vấn đề sau đây cần tiếp tục hoàn thiện về phương diện pháp luật.

Một là, mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc là mối quan hệ hiến định. Một mặt Hiến pháp quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khoản 1 Điều 4) và mặt khác, quy định Đảng là tổ chức chính trị duy nhất trong liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 1 Điều 9). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 dường như thể hiện lại Hiến pháp dưới dạng một nguyên tắc: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (khoản 4 Điều 4). Như vậy, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 chưa thể chế hóa Hiến pháp mối quan hệ giữa Đảng với tư cách là một thành viên của Mặt trận. Đảng với tư cách là một thành viên của Mặt trận có gì khác với các thành viên khác trong quan hệ với Mặt trận hay không?

Hai là, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước theo Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Mối quan hệ này do Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp quy định. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 cũng đã thể chế mối quan hệ này trong nhiều điều luật, nhưng không dựa trên một nguyên tắc nào. Nhiều điều luật chỉ quy định phối hợp chung chung mà không chỉ rõ Nhà nước hay Mặt trận Tổ quốc là người chủ trì phối hợp. Thực tiễn chỉ ra rằng, trong quan hệ phối hợp thì việc xác định ai là người chủ trì phối hợp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của sự phối hợp. Vì vậy, ở Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc về mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với Nhà nước, làm căn cứ pháp lý để các luật chuyên ngành và các nghị quyết liên tịch quy định.

Ba là, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân một mặt là mối quan hệ đại diện và mặt khác nhân dân chính là những người làm chủ tham gia trong các tổ chức của Mặt trận. Trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành cũng như pháp luật nói chung ở nước ta hiện nay chưa quy định đầy đủ các quyền làm chủ của nhân dân. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có một số điều quy định về quyền và nghĩa vụ với tư cách là công dân tham gia công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân nhưng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành mới chỉ quy định đại diện trong phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tiếp công dân; tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân mà chưa quy định thủ tục và thẩm quyền đại diện và bảo vệ như thế nào, do vậy việc này trên thực tế còn lúng túng trong việc thực hiện.

Trần Ngọc Đường

GS, TS, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều