Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và ý nghĩa thời đại

Cách đây 173 năm, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đánh dấu bước phát triển trong lịch sử hình thành chủ nghĩa Mác. Một trong những quan điểm nổi bật của tác phẩm là C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách thuyết phục sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đây là “vũ khí lý luận” sắc bén để giai cấp công nhân có thể bước lên vũ đài chính trị và khẳng định vai trò to lớn của mình trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản. Cho đến nay, quan điểm này vẫn có ý nghĩa to lớn, nhất là cung cấp cơ sở lý luận vững chắc để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
 C.Mác và Ph.Ăngghen (Ảnh minh họa)
1. Ngày 24/2/1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (gọi tắt là Tuyên ngôn) - một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử quan trọng do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản (một tổ chức công nhân quốc tế) lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn (Anh). Trong phần mở đầu, khi nói về bối cảnh ra đời của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ nỗi sợ hãi và sự căm thù của các thế lực trong thế giới tư bản chủ nghĩa (TBCN) đối với phong trào cộng sản đang hình thành và ngày một phát triển sâu rộng bằng một lời khẳng định rất cô đọng: Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu. “Bóng ma” ấy đã khiến cho các thế lực trong thế giới tư bản phải “liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử”. Chính vì vậy, “hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản” (1) .

Trong bối cảnh đó, để giúp cho giai cấp vô sản toàn thế giới và các chính đảng nhận thức rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử và mục đích cao cả trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản (CNTB), đồng thời thiết lập địa vị thống trị của mình và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phác họa nên một bức tranh sinh động về quá trình hình thành và phát triển của CNTB, bóc trần những mâu thuẫn nội tại, vốn có của nó, chỉ rõ mức độ đối kháng giai cấp ngày càng sâu sắc giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Không chỉ vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen còn khẳng định: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”; ở bất cứ nơi nào mà giai cấp tư sản thiết lập được quyền thống trị chính trị của mình, nó đều “đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên”, làm tiêu tan “tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn xưa đi kèm những quan hệ ấy”. Nó “làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”, những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc “trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc” và “lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh”. Hơn nữa, giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ, “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(2).

Đánh giá cao những thành tựu và đóng góp ấy của CNTB và giai cấp tư sản, song với cái nhìn biện chứng khách quan về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã khẳng định rằng, giờ đây, giống như những gì đã xảy ra với các phương thức sản xuất trước kia, quan hệ sản xuất TBCN đã không còn phù hợp với lực lượng sản xuất hùng mạnh do nó tạo ra nữa, nó bắt đầu kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất này. Trong Tuyên ngôn, khi chứng minh sự tất yếu phải diệt vong của CNTB và khẳng định “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng, điều đó sẽ không tự động diễn ra. Vai trò kẻ đào huyệt chôn chế độ tư bản đã trở nên lỗi thời đó sẽ phải do một giai cấp nhất định thực hiện - giai cấp vô sản, giai cấp do chính xã hội tư bản sản sinh ra: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản(3). Theo các ông, không một giai cấp thống trị đã lỗi thời nào lại tự nguyện rút lui khỏi vũ đài lịch sử và do vậy, việc lật đổ giai cấp tư sản với tư cách một giai cấp thống trị đã hết vai trò lịch sử chỉ có thể thành công bởi một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt - cuộc cách mạng vô sản do chính giai cấp vô sản cách mạng và chính đảng của nó thực hiện.

Một trong những điểm nhấn quan trong của Tuyên ngôn là C.Mác và Ph.Ăngghen đã tiến hành luận chứng cho sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Theo các ông, trong thời đại ngày nay, với tư cách là “sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”, giai cấp vô sản không chỉ trở thành “giai cấp đang nắm tương lai trong tay”, mà còn là “giai cấp thực sự cách mạng” nhất và chính nền sản xuất TBCN đã đưa họ lên địa vị đó, lên vũ đài lịch sử với tư cách lực lượng cách mạng hùng hậu và không điều hòa với toàn bộ chế độ lao động làm thuê. Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản phải do chính giai cấp vô sản thực hiện. Song, giai cấp vô sản tiến hành cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và CNTB không chỉ vì sự nghiệp giải phóng mình, mà còn thực hiện một sứ mệnh cao cả nữa, mang đậm tính nhân văn cộng sản chủ nghĩa là giải phóng toàn thể nhân loại cần lao vĩnh viễn thoát khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.

Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và CNTB, giai cấp vô sản cần phải có phương pháp cách mạng đúng đắn và thực thi những giải pháp tình thế một cách hợp lý, đúng đắn, “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”(4). Với quyền thống trị chính trị của mình, giai cấp vô sản, theo các ông, cần phải từng bước giành lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, tập trung tất cả các công cụ sản xuất chủ yếu vào tay nhà nước vô sản để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Không chỉ thế, các ông còn cho rằng, thông qua con đường đấu tranh cách mạng, việc giai cấp vô sản “tự tổ chức thành giai cấp”, “trở thành giai cấp thống trị” và thiết lập chính quyền vô sản - một chính quyền dân chủ do chính ngay bản chất của nó, thể hiện lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân và dựa vào sự ủng hộ của nhân dân - phải được coi là vấn đề đầu tiên, then chốt và mang ý nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư sản và CNTB, xây dựng thành công chế độ xã hội mới.

Ngay khi C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra tư tưởng này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của các học giả tư sản và giai cấp tư sản. Họ cho rằng những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là “không tưởng”, “xuất phát từ sự tư biện chủ quan”(5). Tuy nhiên, lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cho thấy, những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của Tuyên ngôn thực sự là “vũ khí lý luận” sắc bén để giai cấp vô sản từng bước bước lên vũ đài chính trị và khẳng định sứ mệnh lịch sử của mình.

2. Mặc dù đã ra đời cách đây 173 năm nhưng Tuyên ngôn vẫn thể hiện ý nghĩa thời đại rất sâu sắc, đặc biệt trong việc đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay.

Thời gian qua, có ba xu hướng phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân:

Thứ nhất, gần đây, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện đại, các học giả của thuyết kỹ trị cho rằng, sự xuất hiện ngày càng nhiều “robot thông minh”, “trí tuệ nhân tạo” khiến người máy đang dần thay thế con người. Điều đó khiến người lao động vốn từ chỗ là chủ thể của quá trình sản xuất đang bị gạt ra bên lề quá trình sản xuất ấy, trở thành nhân tố đóng vai trò thứ yếu. Biểu hiện của sự thay đổi này là thay về cần đến nhiều nhân công để lao động, sản xuất thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp chỉ cần ít nhân công. Thay vì trả lương cho nhân công, các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, công nghệ. Do đó, các nhà kỹ trị cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm của C.Mác về vai trò, vị trí trung tâm, có ý nghĩa quyết định của người lao động trong hoạt động sản xuất vật chất. Theo quan điểm của C.Mác, người lao động trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không ai khác chính là giai cấp công nhân, giai cấp vô sản nên mục đích sâu xa của quan điểm này là nhằm phủ nhận vai trò của giai cấp công nhân.

Thứ hai, có một số luận điệu cho rằng, giai cấp công nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng KHCN, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể làm chủ được xã hội, đưa đất nước phát triển hiện đại, văn minh.

Thứ ba, có quan điểm cho rằng, trong xã hội tư bản hiện đại, đời sống của giai cấp công nhân không còn cơ cực như trước. Ở nhiều công ty, người công nhân đã có cổ phần, cổ phiếu nên họ không còn là giai cấp vô sản nữa. Vì thế, mẫu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản cũng không còn mang tính chất đối kháng như trước đây. Vì thế, giai cấp công nhân cũng không còn cần đến sứ mệnh lịch sử của mình là “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khẳng định trong Tuyên ngôn.

Có thể nhận thấy, cả ba xu hướng trên đều căn cứ vào sự phát triển của xã hội hiện đại mà thời của C.Mác và Ph.Ăngghen chưa có được để phủ nhận tính đúng đắn trong quan điểm về vai trò quyết định của người lao động trong hoạt động sản xuất vật chất cũng như sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Không thể phủ nhận được ngày nay những thành tựu của KHCN hiện đại với sự ra đời của người máy đã thay thế không chỉ những công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp, mà còn có thể thay thế cho cả những hoạt động tinh vi, phức tạp của con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực chất, KHCN trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Do yêu cầu của sản xuất mà con người đã sáng tạo và quyết định khuynh hướng, tốc độ phát triển của KHCN, đồng thời quyết định việc sử dụng KHCN vào sản xuất theo mục đích của mình. Thực tế cho thấy, kỹ thuật, công nghệ hiện đại dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Do đó, dù trí tuệ nhân tạo dẫu được mệnh danh là tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, đã cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Vì vậy, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của KHCN hiện đại, người lao động hay nói cụ thể hơn là giai cấp công nhân vẫn đóng vai trò quyết định hoạt động sản xuất vật chất.

Ngoài ra, ngày nay, mặc dù tầng lớp trí thức đang gia tăng nhanh chóng về số lượng, ngay cả bản thân giai cấp công nhân cũng diễn ra xu hướng trí thức hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng điều đó không có nghĩa là tầng lớp trí thức thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. C.Mác, Ph.Ăngghen và cả V.I.Lênin sau này cũng nhận thấy vai trò to lớn của tầng lớp trí thức trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân nhưng do phương thức lao động quy định và vai trò trong hệ thống sản xuất xã hội, tầng lớp trí thức không có hệ tư tưởng nên không thể giữ vai trò lãnh đạo xã hội. V.I.Lênin cho rằng: “So với giai cấp công nhân thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức”(6).

Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của cách mạng vô sản, phần lớn những người trí thức đứng về phía giai cấp tư sản, bảo vệ những quan điểm, lập trường tư sản, phản ánh những lợi ích của giai cấp tư sản. Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, tầng lớp trí thức ngày càng nhận rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung đó. Vì thế, ngày càng nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân, ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tuy nhiên, trí thức tồn tại với tư cách không phải là một giai cấp, mà là một tầng lớp (đội ngũ) trung gian trong xã hội, hoạt động trong lĩnh vực lao động trí óc (sản xuất tinh thần là chủ yếu), trí thức không có hệ tư tưởng độc lập mà phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp mà họ phục vụ. Đúng như V.I.Lênin nhận xét: “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(7).

Hơn nữa, trong lòng xã hội tư bản, đời sống của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng số người bị “hất” ra hè phố, số người nghèo khổ vẫn ngày càng tăng. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản xuyên quốc gia cùng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước thuộc thế giới thứ ba; các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hay nội chiến do các nước đế quốc phát động là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hơn 500 triệu người bị đe dọa chết đói, 1,6 tỷ người sống trong cảnh khốn cùng, 600 triệu người thất nghiệp, hơn 800 triệu người mù chữ(8). Đó là một bằng chứng không gì thuyết phục hơn để khẳng định CNTB sẽ không bao giờ thay đổi bản chất của họ nên giai cấp công nhân cũng sẽ vẫn còn sứ mệnh lịch sử to lớn trong việc đấu tranh giải phóng giai cấp mình và tiến tới giải phóng toàn xã hội.

Trong những năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng gia tăng về số lượng, trưởng thành về trình độ, ý thức, kỹ năng... Giai cấp công nhân nước ta lãnh đạo xã hội qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Tuy nhiên, nhìn chung, trình độ, tay nghề của công nhân nước ta còn nhiều hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, để giai cấp công nhân nước ta tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, đúng như Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần phải “phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(9).

Cho đến nay, quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân qua “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Nó không chỉ là vũ khí lý luận sắc bén cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để giải phóng giai cấp mình và toàn xã hội, mà hiện nay, nó còn là cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhìn lại những quan điểm của các nhà kinh điển để chúng ta càng thêm vững tin vào con đường đã chọn, vững tin vào giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

___________________________________

(1) (2) (3) (4) C.Mác và PhĂngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t.4 tr.595, 599, 601, 603, 605, 626.

(5) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị - Hành chính, H, 2014, tr.76.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.39, tr.18.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1974, t.4, tr.552.

(8) Nguyễn Văn Oánh: Diện mạo của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - lý luận và thực tiễn, 2019, số 4, tr.22.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), Lưu hành nội bộ, 2020, tr.31.

Theo TS. Lê Thị Chiên/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều