Bác Hồ với anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam (tháng 11/1965). Ảnh: TL
Ngày 2/1/1947, Người viết thư gửi các nam nữ chiến sỹ bị thương. Người biểu dương các nam nữ chiến sỹ “thật xứng đáng với Tổ quốc. Và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Người khen ngợi thày thuốc và các hộ lý đã hết lòng chăm sóc chu đáo thương binh. “Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến, cứu quốc”1. Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi (11/1946), Bác viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".
Ngày 7/1/1947, khi được tin bác sỹ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc bộ có con trai đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Người đã viết thư chia buồn. Bức thư có đoạn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ đã luôn sống mãi với non sông Việt Nam”2. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh”3 để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu Mặt trận Việt Minh cùng các cơ quan, ngành ở Trung ương, Khu và tỉnh đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày thương binh liệt sĩ” lần đầu tiên trong cả nước. Tháng 7/1947, Người gửi thư cho Ban Thường trực Ban Tổ chức ''Ngày 27 tháng 7 - Ngày thương binh toàn quốc'', Người kêu gọi đồng bào, nhường cơm xẻ áo giúp thương binh. Thư có đoạn viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy. Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương”. Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Người gửi một chiếc áo lụa, một tháng lương, góp một bữa ăn cùng các nhân viên trong cơ quan với số tiền 1.127 đồng để giúp các thương binh4. Ngày 27/7/1947, Người viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển lời thăm hỏi của Người tới thương binh, gia đình liệt sĩ. Người gửi tặng một số khăn mặt và quần áo mà đồng bào các nơi gửi biếu Người cùng một tháng lương là 1.000 đồng.
Tháng 7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thương, bệnh binh động viên và khuyên nhủ anh em yên tâm điều trị cho hồi phục sức khoẻ, đồng thời nên tranh thủ học tập để sau này có thể tiếp tục tham gia công tác, giúp ích cho Tổ quốc, “trở nên người công dân kiểu mẫu ở địa phương cũng như các đồng chí làm chiến sỹ kiểu mẫu ở mặt trận”5.
Năm 1950, Người ra lời kêu gọi nhân ngày Thương binh - Tử sỹ 27/7. Lời kêu gọi có đoạn: ''Thương binh và tử sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ thương binh và gia đình tử sỹ. Tôi cũng rất mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần''6.
Tháng 2/1951, trong thư gửi các thương binh tại mặt trận Trung du và Đông Bắc, Người căn dặn: “Các chú đã anh dũng xung phong giết giặc. Nay bị thương tạm nghỉ ít lâu, Bác gửi lời thân ái chúc các chú mau khoẻ, để đánh giặc nữa và dặn các chú cứ yên lòng dưỡng bệnh cho mau lành mạnh, chớ vội xin trở ra Mặt trận”7. Ngày 26/7/1951 trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh, Người nhắc nhở chính quyền các cấp, các đoàn thể và đồng bào phải có những biện pháp lâu dài, thiết thực để đền đáp lại cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của anh em thương binh, đó là: mỗi xã trích một phần ruộng công, hoặc mượn ruộng của người hằng tâm, hằng sản hay vỡ hoang để tổ chức cày cấy, chăm nom, gặt hái, thu hoa lợi để nuôi thương binh. Người cũng nhắc lại: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả... Song đối với những người con trung hiếu ấy. Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?... Mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số anh em thương binh... Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ao ước báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”8.
Ngày 27/7/1952, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh9, Người chuyển lời thăm hỏi ân cần đến thương bệnh binh và hoan nghênh chủ trương giúp đỡ thương bệnh binh bằng cách đón về xã, giúp gây cơ sở làm ăn như bà con ở Thanh Hoá, Phú Thọ đã làm. Về việc này Người nhắc nhở đồng bào nên coi đó là một “nghĩa vụ” chứ không phải là việc “làm phúc”. Còn anh em thương binh, bệnh binh phải hòa mình với dân, tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; chớ bi quan chán nản. Đồng thời Người gửi một tháng lương và hai phiếu Công trái quốc gia trị giá 2 tấn thóc làm quà cho anh em.
Năm 1953, Người gửi một tháng lương và 50 chiếc khăn tay do phụ nữ Thái biếu Người tới anh em thương binh. Trước ngày 27/7/1954, Người gửi thư thăm hỏi anh em thương binh, bệnh binh, thăm hỏi gia đình các liệt sĩ, cảm ơn đồng bào những nơi đã đón thương binh, bệnh binh về xã. Người căn dặn: ''Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào, cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ công thần''10. Người mong Bộ Thương binh cần nêu thành tích, kinh nghiệm của những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ gương mẫu để mọi người noi gương. Người gửi 70.600 đồng của nhiều tháng lương tiết kiệm để ''làm quà cho anh em''.
Trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sĩ ngày 31/12/1954, Người đã bày tỏ: “Các liệt sĩ hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm đỏ thắm. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh”11.
Trong thư gửi anh em thương binh, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam tháng 6/1957, Người căn dặn: “... Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy, các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em thương bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân dân giúp việc ở Trại, giữa thương, bệnh binh trong Trại với đồng bào chung quanh”12.
Ngày 27/7/1959 trong bức thư gửi anh chị em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ13, Người thăm hỏi và khen ngợi những thành tích mà anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ đạt được và nhắc các địa phương, các ngành cần quan tâm chăm sóc giúp đỡ anh chị em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong cuộc sống và sản xuất. Bác viết: “... Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương binh, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhiều gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia Tổ đổi công và Hợp tác xã nông nghiệp và đã đạt được thành tích khá trong việc sản xuất và tiết kiệm. Tôi chúc các gia đình ấy trở thành những gia đình cách mạng gương mẫu...”.
Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (5/1/1960), đoạn nói về thương binh liệt sĩ, Bác Hồ đã nhắc lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Người nhấn mạnh: “... Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”.
Năm 1963, nhân ngày Thương binh liệt sĩ, Người thưởng huy hiệu cho đồng chí Trương Viết Hùng quê ở Bạc Liêu, thương binh bị mù cả hai mắt vẫn tham gia công tác và có thành tích. Ngày 27/7/1964, Người ký Lệnh số 30/LCT thưởng Huân chương Chiến công cho cán bộ, chiến sỹ, thương binh, liệt sĩ có thành tích trong việc hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt 14. Ngày 26/7/1966, Người ký Lệnh số 65 thưởng Huân chương Lao động cho các địa phương có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động 2 năm 1964-1965 thực hiện tốt chính sách đối với gia đình thương binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 7/1967 Người ký Lệnh số 75/LCT truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Ủy viên Hội đồng Quốc phòng đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc...
Trước khi đi xa chúng ta mãi mãi, trong Di chúc thiêng liêng của Người (Bản viết tay tháng 5/1968, Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị khóa VI do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký), Bác Hồ đã căn dặn biết bao điều hệ trọng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Bác viết: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Bác Hồ là Người đầu tiên khẳng định thương binh ''tàn nhưng không phế''. Người thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà cho thương binh. Người nhiều lần yêu cầu các địa phương, ban ngành, đoàn thể và kêu gọi đồng bào cả nước chăm sóc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời Người căn dặn thương, bệnh binh phải giữ gìn truyền thống, phẩm chất người chiến sỹ cách mạng tuỳ theo khả năng mà tham gia công tác, không được đòi hỏi đãi ngộ quá đáng, đặc biệt không được công thần chủ nghĩa. Tấm lòng của Bác, những lời dạy của Bác đối với việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là bài học cho tất cả chúng ta noi gương, học tập và làm theo.
----------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Nxb.CTQG, H. 1994, tập 4, tr. 22.
2. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 4, tr.24.
3. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 4, tr.110.
4. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 4, tr.111.
5. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 4, tr.233.
6. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 4, tr.447.
7. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 5, tr.29.
8. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 5, tr.84.
9. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 5, tr.247.
10. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 5, tr.147.
11. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 5, tr.589 - 590.
12. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 6, tr.485.
13. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 7, tr.334 - 335.
14. Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện, Sđd, tập 8, tr.439.
Nguyễn Tuấn Anh
Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam