Văn hóa phi vật thể Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế

Hệ giá trị văn hóa có tính ổn định và bền vững, tồn tại lâu dài theo thời gian, đặc biệt là văn hóa phi vật thể. Ngày nay, trước sứ mệnh hội nhập trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ giá trị văn hóa bền vững và thống nhất đó trở thành cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghệ thuật chèo đang được gửi hồ sơ để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO_Ảnh: Tư liệu 

Nhìn về ngọn nguồn lịch sử hình thành cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, có thể nhận thấy hệ thống các phong tục, tập quán và các hình thức sinh hoạt thực hành văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, hoạt động của hàng nghìn làng nghề truyền thống đã có quá trình tích lũy, tạo thành kho tàng tri thức văn hóa bản địa khổng lồ của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương). Tất cả các nguồn vốn văn hóa này chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân, sùng bái sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân, xây kết nên những giá trị văn hóa mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ tâm thức hướng tâm và tâm lý sùng bái, tri ân, tôn vinh quá khứ lịch sử đó, trong các cộng đồng dân tộc, tộc người đã hình thành/sáng tạo nên “sản phẩm” tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác(1). Trong đó, hiện tồn một cách sinh động các phong tục, tập quán và vô vàn những cách thức thực hành nghi lễ, lễ hội, tín ngưỡng, thể hiện nhận thức, quan điểm ứng xử của cộng đồng với môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn và môi trường văn hóa - xã hội. Đó là “bệ đỡ” cho sự ra đời của hàng loạt các di tích lịch sử - văn hóa, các hình thức thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên bản sắc và truyền thống văn hóa của từng cộng đồng người trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. “Dòng chảy” của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, bồi đắp qua các thế hệ đã hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ, tạo cơ sở cho sự hình thành văn hóa làng, bản, từ đó vươn tới một cộng đồng lớn (vùng - miền - quốc gia), trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Tiếp bước các thế hệ tiền nhân, hàng chục các dân tộc, tộc người xuống từ phương Bắc hoặc ngược dòng hội tụ từ phương Nam đến cùng đồng tâm cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm, cùng hướng tới sự đồng thuận trong quá trình cùng tồn tại, cùng gắn bó với vận mệnh của một quốc gia, một cộng đồng đa dân tộc. Từ đó, góp phần sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa và định hình/xây đắp/tôn tạo nên các giá trị văn hóa, làm cho hệ thống kho tàng văn hóa dân tộc ngày càng đa dạng, sinh động, dù rằng mỗi dân tộc, tộc người vẫn giữ gìn được những nét văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc mình.

Kho tàng văn hóa phi vật thể Việt Nam hiện tồn phong phú, đa dạng các loại hình văn hóa ngôn từ thành văn và các loại hình nghệ thuật, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh hiện đại, các hình thức biểu đạt văn hóa khác nhau của cuộc sống đương đại. Sự hiện diện tồn tại song hành di sản văn hóa dân gian bên cạnh di sản văn hóa chính thống, thành văn và đặc biệt là sự nở rộ của kho tàng văn hóa phi vật thể đương đại đã làm cho nền văn hóa đa dạng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam càng thêm phong phú, khởi sắc, đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại những giá trị vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, tộc người, vừa đồng thuận hòa nhịp với giá trị văn hóa chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh giao lưu, hội nhập.

Hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa phi vật thể Việt Nam là một bộ phận đa dạng và phong phú của các dân tộc, tộc người đã bước vào quá trình giao lưu, hội nhập từ rất sớm. Ngay từ chặng đường tiền sử ban đầu của quá trình hình thành nhà nước Văn Lang thời đại các vua Hùng, qua các di vật tìm thấy trong lòng đất cùng so sánh sự hiện tồn của các nếp sống, phong tục, tập quán, thực hành tín ngưỡng và tri thức địa phương, giới khảo cổ học đã khẳng định văn hóa Việt Mường từ cách nay trên dưới ba, bốn ngàn năm đã có sự giao lưu, hội nhập, thậm chí lan tỏa ra các vùng, miền thuộc phía nam sông Dương Tử của Bách Việt hoặc du nhập vào một số quốc gia phía nam Đông Nam Á. Đến những năm trước và sát sau Công nguyên, sự giao lưu, du nhập văn hóa giữa cư dân vùng đất Âu Lạc với ngoại bang càng lộ rõ. Đó trước hết là sự du nhập của văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ qua đường biển vào vùng đất Giao Châu (miền Bắc hiện nay), là bước đường du nhập qua Trung Quốc trước khi vào Việt Nam bên cạnh sự du nhập của Đạo giáo với các hình thái vừa mới lạ, vừa hấp dẫn và có điều kiện hội nhập với văn hóa phi vật thể bản địa, đặc biệt là các thực hành tín ngưỡng ở các vùng, miền. Mặc dù phải chịu sự tác động của văn hóa ngoại lai nhưng với sự hiện tồn của “thành lũy” văn hóa làng và văn hóa các dân tộc…, văn hóa nước ta vẫn đứng vững, được bảo tồn, được sáng tạo, trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ. Cho đến cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tộc người Việt Nam tiếp tục tiếp biến, đón nhận những nét tích cực từ văn hóa phương Tây với sự hiện diện của chữ viết, báo chí, nếp sống đô thị và các sản phẩm văn hóa khác của quá trình công nghiệp hóa. Đến nửa sau thế kỷ XX là sự du nhập, hội nhập của văn hóa phương tây (từ đế quốc Mỹ) và văn hóa xã hội chủ nghĩa (trọng tâm là từ văn hóa Liên Xô và Trung Quốc hiện đại).

Trong khoảng trên dưới hai chục năm trở lại đây, văn hóa phi vật thể Việt Nam đã và đang hòa vào dòng chảy và từng bước hội nhập sâu rộng với nền văn hóa nhân loại, tạo đà ở mọi cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau để từng bước hội nhập sâu rộng vào văn hóa thế giới. Song hành với quan hệ kinh tế mang tính toàn cầu, sự mở rộng quan hệ hợp tác văn hóa cũng đã và đang phát triển sâu rộng. Hàng loạt Tuần văn hóa song phương giữa các nước có quan hệ đối tác chiến lược hoặc quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam đã được tổ chức. Nhiều hiệp định quan hệ phát triển văn hóa và du lịch giữa Việt Nam với các nước đã được ký kết, hiệu quả thể hiện ở số lượng khách du lịch Việt Nam đi các nước và ngược lại. Nhiều hội thảo khoa học quốc tế về di sản văn hóa Việt Nam đã được tổ chức trong nước và một số nước. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của nhiều dân tộc, tộc người ở Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa của nhân loại.

Du khách học chơi nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa, văn hóa phi vật thể Việt Nam đã và đang là nguồn lực và năng lượng quan trọng giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong nước, tạo nên sức mạnh mềm thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch ở hầu khắp các tỉnh, thành. Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tiếp thu những giá trị tinh hoa từ nhiều nền văn hóa như hiện nay, và cũng chưa bao giờ môi trường văn hóa Việt Nam chịu sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực như hiện nay. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, mà khi nhắc lại sự hiện tồn hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa tổ chức tại Hà Nội, tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của Dân tộc, làm nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại”(2); và yêu cầu mọi người muốn hướng đến một dân tộc có văn hóa cần phải chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; xây tạo và phát triển “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia../.

-------------------------

(1) Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979, tháng 12-2021, tr. 4

GS, TS BÙI QUANG THANH - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Theo Tạp chí Cộng sản 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều