Tăng cường vai trò của kiểm tra, giám sát trong phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng - thực trạng và những vấn đề đặt ra ​

Phát hiện, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng đang và sẽ là vấn đề nóng, được bàn luận nhiều trong Kỳ họp thứ 4 và các kỳ họp tiếp theo của Quốc hội khóa XIV, góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật trong Dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, được dư luận rất quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm (2016 - 2020).

Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Ảnh minh họa - Nguồn: phapluatplus.vn

Thực trạng phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng

Tham nhũng là một hiện tượng có tính lịch sử, có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để xử lý hành vi tham nhũng, trước tiên phải phát hiện được hành vi tham nhũng, thông qua các cách thức, biện pháp cụ thể nhằm kịp thời hạn chế những thiệt hại xảy ra, xác định mức độ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, áp dụng hình thức xử lý đúng quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể nội dung, cách thức, biện pháp tìm ra hành vi tham nhũng bao gồm: thông qua công tác kiểm tra của cơ quan, đơn vị; hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát; tố cáo và giải quyết tố cáo...

Thứ nhất, phát hiện hành vi tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là Đảng và cơ quan chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là ủy ban kiểm tra các cấp. Trong thời kỳ đổi mới, khi các quan hệ kinh tế, xã hội đang có sự biến đổi, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, càng đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các ban xây dựng đảng, với ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, nhiều nơi đã ban hành quy chế phối hợp hoặc tuy chưa có quy chế phối hợp, nhưng đã thực hiện việc “thỏa thuận” trong việc phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên đem lại hiệu quả thiết thực; góp phần làm rõ sự việc, giúp việc xem xét, kết luận được công minh, chính xác, kịp thời; xử lý vi phạm tham nhũng của cán bộ, đảng viên bảo đảm khách quan, dân chủ và nghiêm minh. 

Việc thực hiện sự phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua, luôn dựa trên nguyên tắc Đảng hợp tác chặt chẽ trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức, cơ quan, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, hoặc tổ chức đảng. Hình thức phối hợp, kết hợp cũng linh hoạt giữa hai tổ chức hoặc nhiều tổ chức với nhau, vừa trao đổi thông tin, vừa kết hợp thẩm tra, xác minh, phân công tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm chính; phối hợp giữa các tổ chức cùng cấp hoặc giữa tổ chức cấp trên với tổ chức cấp dưới để giải quyết một vụ việc cụ thể.

Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra được 55.250 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong đó kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu về tham nhũng, cố ý làm trái và kiểm tra 263 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm về tham nhũng và cố ý làm trái. Giải quyết tố cáo đối với 1.303 đảng viên về tham nhũng và cố ý làm trái và 6 tổ chức đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm; kiểm tra 7.825 tổ chức đảng, trong đó nội dung vi phạm gồm thất thoát do tham ô, tham nhũng, lãng phí là 1.113 tỷ đồng, để ngoài sổ sách kế toán 1.493 tỷ đồng, chi sai chế độ 970,145 tỷ đồng và xuất toán thu hồi trên 87 tỷ đồng và các vi phạm khác là 316, 903 tỷ đồng. Đề nghị xuất toán trên 87,312 tỷ đồng, hạch toán lại 991,607 tỷ đồng và giao đơn vị xử lý 205,552 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện xuất toán và thu hồi là 4,355 tỷ đồng. Qua kiểm tra có 267 đảng viên vi phạm về tài chính, trong đó phải thi hành kỷ luật 40 trường hợp và đã thi hành kỷ luật 11 trường hợp.

Sau khi kết luận kiểm tra, ủy ban kiểm tra các cấp không ban hành quyết định riêng biệt về thu hồi tiền vi phạm mà căn cứ vào văn bản kết luận để vận dụng nhiều hình thức quyết định thu hồi tiền vi phạm khác nhau, chủ yếu là các hình thức như: Đề nghị ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi tiền vi phạm có nguồn gốc ngân sách địa phương; cơ quan có thẩm quyền cấp trên của cơ quan vi phạm ra quyết định thu hồi đối với tiền vi phạm thuộc ngân sách Trung ương. Đề nghị cấp ủy, văn phòng cấp ủy quyết định thu hồi tiền vi phạm có nguồn gốc từ ngân sách Đảng...

Thứ hai, phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra.

Kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành, công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được tăng cường mạnh mẽ và bước đầu đã thu được những kết quả tốt, tạo ra một không khí mới, quyết tâm mới trong cuộc đấu tranh cam go này. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ trước Quốc hội thì trong 10 năm (2005 - 2015), toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 93.696 cuộc thanh tra hành chính và 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỷ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Riêng trong năm 2016, toàn ngành triển khai 6.732 cuộc thanh tra hành chính và 274.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 135.379 tỷ đồng, 14.613ha đất; kiến nghị thu hồi 53.282 tỷ đồng và 6.551 ha đất (đã thu hồi 11.646 tỷ đồng, 739ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 82.096 tỷ đồng, 7.310ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; ban hành 138.953 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 13.075 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 69 vụ, 107 đối tượng. Đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi, xử lý khác 3.471 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 75%) và xử lý 1.225ha đất.

Thứ ba, phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Trong giai đoạn 2005 - 2015, Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.530 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng); đóng góp nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước ban hành 306 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỷ đồng; trong đó: các khoản tăng thu: 9.018,4 tỷ đồng; các khoản giảm chi: 5.471,4 tỷ đồng; các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước: 3.479,4 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm: 2.260,7 tỷ đồng; các kiến nghị xử lý khác: 202,5 tỷ đồng. Kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản không phù hợp. Cung cấp 13 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đối với niên độ ngân sách năm 2013 thực hiện đến 15-8-2016 là 14.733 tỷ (đạt 64,3% tổng số kiến nghị).

Thứ tư, phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động điều tra, kiểm sát.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp có nhiều cố gắng trong hoạt động điều tra, tập trung các vụ án lớn, trọng điểm, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có chung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường...), nên đã làm tăng thêm sức mạnh và hiệu quả. Trong 10 năm (2005 - 2015), các cơ quan điều tra đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can. Đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cơ quan điều tra những năm qua.

Thông qua công tác điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân các cấp ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, các ngành hữu quan khắc phục những sai phạm, sơ hở trong công tác quản lý để xử lý và phòng ngừa vi phạm. Nhiều kiến nghị của viện kiểm sát nhân dân đã được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu và thực hiện, từ đó có tác động tích cực, giúp từng ngành, từng địa phương thấy được sai phạm, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội để đề ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm về tham nhũng. Trong giai đoạn 2005 - 2015, viện kiểm sát các cấp truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can về các tội phạm tham nhũng. 

Thứ năm, phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động xét xử.

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong những năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo). Năm 2016, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7% (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 12% (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt có 05 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm về tham nhũng.

Thứ sáu, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng.

Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng là quá trình trong đó tài sản có được do tham nhũng được truy nguyên, thu hồi và trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ nhà nước. Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Tuy nhiên, số tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, nhưng việc thu hồi với tỷ lệ rất thấp và đang còn gặp nhiều khó khăn. Trong 10 năm từ năm 2005 đến năm 2015, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400ha đất; số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219ha đất. Năm 2016, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng và 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng(1). Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua hoạt động của các cơ quan có chức năng trên phạm vi cả nước, song theo báo cáo chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%; năm 2014 có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt trên 22%. Riêng năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%) (2). Mặc dù tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua có chiều hướng tăng lên nhưng kết quả trên cũng phản ánh công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua còn chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân của những kết quả đạt được ít ỏi trên đây là do công tác phát hiện, thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng mà có ở nước ta hiện nay còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là cơ chế kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức thực tế khó thực hiện một cách chính xác, toàn diện và hiệu quả. Việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng như việc kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền hiện nay vẫn còn rất hình thức, hầu như không phát hiện được tham nhũng, mà mới chỉ dừng lại ở việc xác định việc kê khai có trung thực hay không mà thôi. Các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chưa chủ động sử dụng hoặc khai thác các dữ liệu về tài sản, thu nhập thông qua hoạt động kê khai để phục vụ cho việc phòng ngừa, phát hiện sớm dấu hiệu của hành vi tham nhũng. Số vụ án tham những bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm tham nhũng đã xảy ra trong thực tế. Việc điều tra làm rõ việc sử dụng, cất giấu tiền, tài sản tham nhũng hoặc che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản tham nhũng còn hạn chế, chưa đầy đủ so với thực tế, hoặc có xác định được số tài sản, tiền đã bị tham ô, chiếm đoạt nhưng không thu giữ được. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về tham nhũng thường gặp nhiều khỏ khăn hơn so với các tội phạm khác...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trong phát hiện, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng 

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, thường gắn liền với các loại tội phạm khác, ở nhiều cấp, nhiều ngành, thiệt hại gây ra rất lớn, hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trong phát hiện, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng nói riêng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng, bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy và ủy ban kiểm tra trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phòng chống tham những đối với vấn đề phát hiện và thu hồi tài sản do tham nhũng và tăng cường sự kiểm tra của ủy ban kiểm tra các cấp đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng. Thực hiện Kết luận số 115-KL/TW, ngày 10-8-2015, của Ban Bí thư, về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015, của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra đảng các cấp trong phòng, chống tham nhũng; trong đó có quyền yêu cầu phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, quyền cấm xuất cảnh hoặc tạm dừng công tác đối với đảng viên có vi phạm nghiêm trọng về tham những, tạo cơ sở, nền tảng cho hoạt động chống tham nhũng của ủy ban kiểm tra các cấp và Quy định về xử lý tiền và tài sản vi phạm thu được qua công tác kiểm tra của Đảng. Về cơ cấu tổ chức của ủy ban kiểm tra các cấp cũng cần có sự thay đổi để thích ứng trong thời kỳ mới, như cần có sự giám sát trực tiếp, thường xuyên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; thành lập Cục Giám sát trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tham mưu cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên v.v..

Thứ hai, tiếp tục nâng cao việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong những năm tới, cần có các biện pháp để nâng cao hơn nữa việc phát hiện tài sản tham ô, tham nhũng thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập đoàn công tác liên ngành để phối hợp xử lý vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Công khai hóa kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán phải xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ; phải bị xử lý trách nhiệm nếu để cấp dưới ra kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán không khách quan, trung thực hoặc bao che cho đối tượng sai phạm. Gắn kết quả kiểm toán, thanh tra, điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cho cấp ủy biết.

Thứ ba, tăng cường tiếp nhận, phát hiện tài sản tham nhũng qua đơn tố cáo của công dân.

Đơn thư tố cáo của đảng viên và công dân là một kênh quan trọng giúp các cơ quan có thẩm quyền phát hiện tham nhũng. Hiện nay, pháp luật phòng, chống tham nhũng quy định công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng thông qua 4 hình thức là: tố cáo bằng đơn; tố cáo trực tiếp; tố cáo bằng điện thoại, tố cáo thông qua các thông điệp dữ liệu. Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Về nguyên tắc, các quy định của Đảng và pháp luật Việt Nam không thừa nhận đối với tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, đối với tố cáo tham nhũng, trường hợp tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có.

Trước hết, từng bước phải bảo đảm tính minh bạch, công khai về tài sản của cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền trước tổ chức đảng, quần chúng nhân dân. Tạo cơ chế thích hợp để các tổ chức xã hội, cộng đồng các doanh nghiệp, báo chí, các hiệp hội ngành nghề tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nghiên cứu chế độ khen thưởng thích đáng đối với người có công phát hiện tham nhũng hoặc góp phần thu hồi tài sản tham nhũng. Khuyến khích báo chí phản ánh khách quan, trung thực, kịp thời về vụ án tham nhũng, đồng thời khắc phục tình, trạng thông tin một chiều, đưa tin có tính chất kích động, gây hoang mang hoặc có tính chất quy kết, định hướng dư luận về tội danh, mức án trước khi có phán xét của toà án. Tăng cường công tác giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác trong việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng.

Khi xử lý tham nhũng, nhân dân không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng, mà dư luận cũng rất quan tâm đến vấn đề thu hồi tiền, tài sản tham nhũng như thế nào. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng chưa đạt yêu cầu, chưa triệt để, chưa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như phản ứng của xã hội đối với loại tội phạm này. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Xây dựng và ban hành Quy định về tặng quà và nhận quà đối với cán bộ, đảng viên cho phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam và để đảng viên không vi phạm quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự liên quan đến thủ tục thu hồi tài sản và cơ chế hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, bao gồm các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án, hợp tác điều tra và áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt v.v..

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng các cơ quan tư pháp ở Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương cũng ban hành quy chế cho cấp mình. Tuy nhiên, sự phối hợp chỉ đang thực hiện ở bước cung cấp, trao đổi thông tin và chưa thực hiện được việc tăng cường phối hợp trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chủ yếu do các cơ quan pháp luật thực hiện; việc phối hợp mới chỉ dừng lại ở khâu phát hiện vi phạm về tham nhũng. Cần quy định khi đảng viên kê khai không trung thực tài sản thì ủy ban kiểm tra có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan bảo về pháp luật sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc của các tài sản đó; tiến dần đến việc xác định chuẩn xác nguồn gốc của tài sản của cán bộ, nếu nguồn gốc bất hợp pháp thì phải coi tài sản đó thuộc về của chung. Nâng cao thẩm quyền kiểm tra và kỷ luật của ủy ban kiểm tra các cấp trong nhiệm kỳ tới; giao cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp lập tài khoản tạm giữ để ủy ban kiểm tra chủ động, kịp thời và có trách nhiệm cao hơn trong việc kiểm tra và xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

--------------------

(1) Xem: Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ

(2) Xem: Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ

Tô Quang Thu

TS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều