Thực hiện chính sách đối với cán bộ xã trên địa bàn Hà Nội - Thực tiễn và kinh nghiệm

(Mặt trận) - Đội ngũ cán bộ xã có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị ở cơ sở - là hình ảnh thu nhỏ của Đảng và chính quyền trong mắt nhân dân, cán bộ xã là người trực tiếp quản lý địa giới hành chính, dân cư và nhân khẩu, là người trực tiếp tuyên truyền, triển khai và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Thấy rõ được vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ xã, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, thực hiện nhiều chính sách đối với đội ngũ cán bộ này.

Dân quân huyện Thạch Thất phối hợp tham gia chống tràn tại địa bàn xã Cần Kiệm. Ảnh QĐND

Hà Nội có tổng số 4.263 cán bộ xã, trong đó: đảng viên là 4.176 (chiếm 97.96%); nữ là 741 (chiếm 17,38%); dân tộc thiểu số là 114 (chiếm 2,67%)[1]. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hà Nội rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với cán bộ xã trên địa bàn, và đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

Một là, đã thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ xã.

Để chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, ngoài việc xây dựng quy hoạch cán bộ, thành phố đã chủ động xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế nhằm tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại các cơ quan của thành phố, như: Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 24/9/2013 về đào tạo cán bộ nguồn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020 đối với 5 lớp cán bộ nguồn khối Đảng, đoàn thể và 5 lớp cán bộ nguồn xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ trẻ được tạo nguồn và đào tạo theo vị trí công việc đảm nhận trong tương lai là 1.000 người; Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND, ngày 27/7/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Thành phố đã có thực hiện chính sách thu hút và sử dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học đạt danh hiệu thủ khoa xuất sắc các ngành, lĩnh vực phù hợp với công việc của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố; sinh viên tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy đạt loại giỏi thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng thành phố đang cần, phù hợp với công việc của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố; người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ các ngành, chuyên ngành quan trọng thành phố đang cần, phù hợp với công việc của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố. Ưu tiên tuyển dụng thẳng, không qua thi tuyển vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đối với các đối tượng: sinh viên tốt nghiệp đại học đạt danh hiệu thủ khoa xuất sắc các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài; ngành đào tạo phù hợp với với vị trí cần tuyển; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học nước ngoài hoặc các trường đại học công lập, hệ chính quy trong nước, ngành đào tạo thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng thành phố đang cần; người có bằng thạc sỹ tuổi đời dưới 30, tiến sĩ tuổi đời dưới 35 có chuyên ngành đào tạo thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng thành phố đang cần, được cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nhu cầu tiếp nhận. Phần lớn trong số này đã được thành phố điều động, tăng cường đào tạo thực tiễn tại địa bàn các xã, là nguồn cán bộ bổ sung quan trong cho hoạt động của hệ thống chính trị tại các xã của thành phố.

Hai là, thành phố luôn quan tâm thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường xuyên quan tâm, tập trung lãnh đạo, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng; một số loại hình đào tạo mới được tổ chức, nhất là đào tạo cán bộ nguồn, công chức nguồn, chú trọng đến việc đào tạo cán bộ tại chỗ thông qua thực tiễn công tác, đào tạo kỹ năng. Kết quả cụ thể tính đến 01/10/2017: Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ là 94 (chiếm 2,21%); Cử nhân là 2635 (chiếm 61,81); Cao đẳng là 309 (chiếm 7,25); Trung cấp là 708 (chiếm 16,61%); Sơ cấp là 228 (chiếm 5,35%) và vẫn còn 213 cán bộ chưa chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 5,00%). Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân chính trị là 8 (chiếm 0,19%); Cao cấp lý luận chính trị là 169 (chiếm 3,96%); Trung cấp lý luận chính trị là 3.347 (chiếm 78,51 %); Sơ cấp lý luận chính trị là 399 (chiếm 9,36%); chưa qua đào tạo, bồi dưỡng là 171 (chiếm 4,01%)[2].

Đội ngũ cán bộ xã từng bước được nâng lên về trình độ, kiến thức, kỹ năng công tác, đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tuỵ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; hiệu quả, điều hành quản lý xã hội, có nhiều tiến bộ, khắc phục được biểu hiện đùn đẩy, né tránh khi giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, đạt hiệu quả khá rõ, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của các địa phương.

Hàng năm, Ban Thường vụ Thành uỷ duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố; trung bình thành phố đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; mở khoảng 3.500 lớp. Từ năm 2009 đến nay, đã có 1.180 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo chủ trương, chính sách về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao...[3]

Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 24/9/2013 về đào tạo cán bộ nguồn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020, đã tuyển chọn 485 học viên đi lớp nguồn công chức các cơ quan Đảng; 669 học viên đi đào tạo lớp nguồn công chức xã, phường, đạt 97% mục tiêu đề ra. Sau đào tạo, hầu hết các học viên đều tốt nghiệp loại khá trở lên, trúng tuyển và được phân công công tác phù hợp. Nhiều cán bộ đã phát huy được năng lực, sở trường, có kiến thức thực tiễn từ cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ xã

Thành ủy Hà Nội xác định luân chuyển cán bộ là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị. Công tác luân chuyển cán bộ trong thành phố được tổ chức thực hiện một cách thận trọng, có kế hoạch rõ ràng, công khai, khách quan và có sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp cả luân chuyển dọc và luân chuyển ngang; luôn coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan đơn vị thông suốt, nhờ đó mối quan hệ giữa luân chuyển ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ được giải quyết tốt. Kết quả công tác luân chuyển cán bộ của thành phố trong những năm qua thể hiện rõ nét quyết tâm của Thành ủy, cấp ủy các cấp trong thực hiện đột phá về công tác cán bộ, được Trung ương đánh giá cao, tạo được dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bốn là, thực hiện nghiêm chính sách đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ xã

Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, cán bộ chuyên trách ở cơ sở có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước: được hưởng chế độ lương do ngân sách nhà nước cấp; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế bắt buộc, được hưởng chế độ hưu trí. Nhờ có chính sách đãi ngộ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ xã đã nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Kỷ cương hành chính được bảo đảm; phong cách, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở có chuyển biến tiến bộ theo hướng sát dân và có trách nhiệm với dân hơn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa luật. Nổi bật là việc ban hành, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của thành phố như: Danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”, “Công dân Thủ đô ưu tú”. Thực hiện khen thưởng thành tích đột xuất; tổ chức cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt… thông qua cách làm mới và sáng tạo này, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng đã thiết thực, hiệu quả, hơn 90% người được khen thưởng là lao động trực tiếp (cấp trưởng phòng, sở, ban, ngành và tương đương trở xuống).

Thành phố đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua đặc thù theo ngành, theo lĩnh vực. Tiêu biểu như phong trào “Năm trật tự và văn minh đô thị" của năm 2015 và 2016; “An toàn thực phẩm”, “Năm kỷ cương hành chính 2017”… thông qua đó đã xuất hiện gần 5.000 mô hình thi đua. Sự đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những khâu yếu, việc khó của các cấp, các ngành, thúc đẩy mọi lĩnh vực của thành phố phát triển. Tính từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố có gần 16.000 trường hợp khen thưởng thành tích thường xuyên; hơn 24.000 trường hợp được khen thưởng thành tích theo chuyên đề; gần 2000 trường hợp được khen thưởng đột xuất cấp thành phố. Thành phố đã xét, công nhận 738 sáng kiến cấp thành phố và hơn 60.000 sáng kiến, giải pháp cấp cơ sở.

Công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng đã được cấp uỷ, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét giải quyết kịp thời, đồng bộ, xử lý kỷ luật về Đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về chính quyền, bảo đảm nghiêm minh, bảo đảm đúng quy trình, quy định.

Từ 2010 đến hết tháng 9 năm 2017, có 5.184 cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật phải xem xét xử lý. Trong đó: khiển trách là 3.302, cảnh cáo 1.245, cách chức 135, khai trừ 502 cán bộ[4].

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau:

Một là, việc xác định tiêu chí người có tài năng hiện nay còn nặng về bằng cấp. Chính vì coi trọng quá mức bằng cấp nên hiện nay một số nơi chỉ tuyển những người có bằng cấp đào tạo hệ chính quy, hoặc chỉ tuyển người có bằng đại học đạt loại giỏi trở lên. Qua thực tế cho thấy, đối với nhiều người có bằng tại chức (hệ vừa học vừa làm) chưa hẳn có sự hiểu biết thấp hơn những người theo học hệ chính quy. Bên cạnh đó, việc căn cứ vào xếp loại bằng cấp của sinh viên vừa tốt nghiệp cũng thật sự chưa khách quan vì giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo có những cách thức, hình thức đánh giá khác nhau, nên sẽ có trường hợp bằng cấp được xếp loại tốt nhưng chất lượng lại không đáp ứng yêu cầu công việc thực tế. Vì vậy, sẽ có trường hợp một số sinh viên ra trường có bằng loại giỏi nhưng khi về làm việc tại địa phương chưa mang lại kết quả công việc như mong muốn.

Hai là, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở một số nơi còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, chưa phản ánh đúng thực chất. Công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ còn hạn chế dẫn đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng nguồn quy hoạch cán bộ ở cơ sở thiếu tính chủ động, chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thực hiện các khâu trong công tác cán bộ thiếu đồng bộ; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ có nơi còn thiếu kịp thời.

Ba là, công tác luân chuyển chưa được thực hiện đồng bộ, toàn diện. Chính sách luân chuyển của Hà Nội đa số mới chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ các phòng ban chuyên môn của huyện chuyển về xã, ít luân chuyển cán bộ xã lên huyện do đó rất khó khăn cho công tác luân chuyển cũng như sắp xếp cán bộ xã.

Mặt khác, việc sử dụng luân chuyển trong nội bộ cán bộ xã cũng gặp quá nhiều khó khăn, bất cập về con người và vị trí việc làm. Đặc biệt là luân chuyển cán bộ, công chức sang bầu cử vào các vị trí lãnh đạo hoặc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thì được, nhưng luân chuyển cán bộ lãnh đạo hoặc Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, trưởng đoàn thể sang cán bộ chuyên môn, công chức là hết sức khó khăn, chưa kể đến không đúng bằng chuyên môn thì không thể chuyển được.

Nhiều trường hợp cán bộ xã có trình độ năng lực, làm việc rất hiệu quả, nhưng bầu cử không trúng cử do cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ phải nghỉ việc dở dang, dẫn đến nhiều cán bộ có tư tưởng “Quan nhất thời”, “nay làm, mai nghỉ” tâm lý làm việc cầm chừng, né tránh, khó sắp xếp.

Bốn là, về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ xã hiện nay, mặc dù đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, bất cập. Về số lượng cán bộ, công chức xã, việc quy định số lượng cán bộ, công chức xã từ 17 đến không quá 25 là không phù hợp.

Về khen thưởng, còn nhiều bất cập, nhất trong công tác đánh giá cán bộ, bởi còn nể nang né tránh, chưa có phương pháp đánh giá sát thực tiễn, thường xuyên, khoa học và minh bạch, chưa áp dụng công nghệ thông tin và cơ chế cụ thể vào đánh giá cán bộ cho hội đồng thi đua khen thưởng cấp cơ sở, nên chất lượng khen thưởng thiên về người lớn tuổi hoặc lãnh đạo quản lý.

Qua thực tiễn công tác thực hiện chính sách đối với cán bộ xã ở Hà Nội vừa qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, cụ thể các chính sách liên quan đến cán bộ, làm cho mọi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đồng thuận và thực hiện nghiêm túc.

Thực tiễn cho thấy, muốn thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, trước hết phải tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ nội dung, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thực hiện chính sách để mọi cán bộ, đảng viên biết, tạo sự đồng thuận cao, để đối tượng hiểu được mục đích, ý nghĩa, tránh được những vi phạm, lợi dụng chính sách cán bộ.

Hai là, phải công khai, dân chủ, minh bạch, nghiêm minh, công bằng trong thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Công khai, dân chủ không chỉ là nguyên tắc mà còn là biện pháp rất quan trọng trong thực hiện chính sách cán bộ. Trong thực tế, nếu không công khai, dân chủ thì rất dễ bị lợi dụng, cán bộ, đảng viên và nhân dân không có thông tin để kiểm tra giám sát. Trong thực tế cũng cho thấy, nhiều khi vì thiếu công khai, dân chủ cho nên nhiều vụ việc gây thắc mắc, hoài nghi… Vì vậy, thực hiện chính sách cán bộ phải thực sự công khai, dân chủ.

Ba là, thực hiện chính sách cán bộ phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng phải bảo đảm tính nguyên tắc.

Chính sách là những quy định chung của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ xã. Khi đi vào thực hiện, mỗi địa phương, mỗi cán bộ lại có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, một mặt phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhưng đồng thời phải vận dụng linh hoạt, không cứng nhắc, máy móc, trên cơ sở nguyên tắc, quy định. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm”, trong việc thực hiện chính sách cán bộ cũng vậy.

Bốn là, phải tạo được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo trong thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Thực hiện chính sách cán bộ không phải chỉ là công việc của riêng Đảng hay chính quyền, mà rất cần sự chung tay giúp sức của toàn bộ hệ thống chính trị, của bản thân những người cán bộ. Cán bộ công tác trong các tổ chức của hệ thống chính trị xã nên thực hiện tốt chính sách cán bộ, đồng thời cũng là trách nhiệm của các tổ chức đó. Mặt khác, cán bộ xã gắn bó trực tiếp, thường xuyên với gia đình, họ hàng, làng xóm, cùng sống và làm việc với dân làng, bởi vậy phải biết tuyên truyền, động viên nhân dân trong xã ủng hộ, tham gia quá trình thực hiện chính sách đối với cán bộ.

 



[1] Nguồn: Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

[2] Nguồn: Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

[3] Nguồn: Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

[4] Nguồn: Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

Đặng Văn Võ - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều