Từ khát vọng dân tộc đến tầm nhìn 100 năm của Đảng: Sự hội tụ của ý Đảng - lòng dân vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Trên chặng đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam chín thập niên qua, Đảng ta đã dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua những thách thức khắc nghiệt nhất, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Chuẩn bị bước vào chặng đường mới hướng tới 100 năm thành lập Đảng, trên cơ sở cơ đồ của đất nước hiện nay, Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045. Chặng đường trước mắt của đất nước ta có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Hơn lúc nào hết, việc vận dụng sáng tạo bài học về sự hội tụ giữa ý Đảng - lòng dân sẽ tạo ra sức mạnh vô địch để cách mạng Việt Nam và cuộc trường chinh của dân tộc Việt Nam đi đến mục tiêu cao đẹp của toàn Đảng và toàn dân tộc. Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản.

 

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (19-9-1954) _Nguồn: http://hochiminh.vn

Sự hội tụ về lợi ích của lực lượng lãnh đạo với lợi ích của nhân dân là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi

Trong chiều dài lịch sử Việt Nam, đặc biệt là khi Tổ quốc đối mặt với thách thức to lớn, yếu tố quyết định cho thắng lợi cuối cùng chính là sự hội tụ về lợi ích của lực lượng lãnh đạo với lợi ích của nhân dân. Nếu chỉ để bảo đảm an ninh quốc phòng cho triều đại mới, nhà Lý sẽ duy trì kinh đô tại Hoa Lư. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, Lý Công Uẩn nhận thấy mong muốn của nhân dân về một Đại Việt phát triển thịnh trị, qua đó bảo đảm được nền độc lập lâu bền. Hoa Lư không đáp ứng được mong muốn đó. Do đó, với chủ trương “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”, Chiếu dời đô là nhằm bảo đảm vững chắc sự cầm quyền vững bền của nhà Lý trên cơ sở phục vụ lợi ích nhân dân, để cho “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Trước kẻ địch mạnh nhất thế giới đương thời là đế chế Mông - Nguyên, nhà Trần có hai sự lựa chọn: Hoặc đầu hàng để nhận phong vương, giữ được lợi ích của dòng họ hoặc là quyết đánh để bảo vệ cơ đồ dân tộc dù cho có thể hy sinh lợi ích riêng. Trong giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”, yếu tố then chốt để nhà Trần đưa ra quyết định cuối cùng chính là hỏi ý dân. Sự đồng lòng của toàn dân với lòng yêu nước nồng nàn thể hiện tại Hội nghị Diên Hồng là nguyên nhân cốt yếu để nhà Trần lãnh đạo dân tộc chiến thắng kẻ thù hung bạo nhất đương thời. Từ một cuộc khởi nghĩa của vùng núi Thanh Hóa, Lê Lợi thu hút được nhân tài, có được sự ủng hộ của nhân dân cả nước là bởi nêu cao ngọn cờ yêu nước giành độc lập, tự do cho dân tộc và bởi “tướng sĩ một lòng phụ tử”. Nguyễn Trãi nhận định: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ đều bị thất bại. Triều Hậu Trần thất bại là do “bỏ mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”(1). Nhà Hồ với thành cao hào sâu, vũ khí hiện đại, lực lượng quốc phòng hùng hậu cả về chất lượng và số lượng, nhưng vẫn để mất nước chỉ vì “lòng dân không theo”. Mặc dù có công không nhỏ trong việc mở rộng bờ cõi, song vì không hội tụ được lòng dân, nên nhà Nguyễn để mất nước trong bối cảnh tương quan lực lượng vẫn còn có lợi.

Trước khi có Đảng, nhiều cuộc khởi nghĩa cứu nước đã nổ ra, mặc dù vẫn giương cao ngọn cờ giành độc lập dân tộc, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thiết thân của nhân dân và đều bị thất bại. Khi tiếp cận Bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy con đường giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Người đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc phù hợp hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Nói cách khác, với nhận định “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2), Người đã kết hợp hài hòa lợi ích của giai cấp và lợi ích dân tộc để khơi dậy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhấn mạnh, chỉ đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản thì mới giải quyết được đúng đắn vấn đề dân tộc. Khẳng định mối quan hệ giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, nếu xóa bỏ được nạn người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ; khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp không còn nữa thì sự đối kháng giữa các dân tộc cũng sẽ mất theo. Theo đó, C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và nhân loại và ý nghĩa then chốt của cuộc đấu tranh giai cấp. Với thực tiễn cách mạng nước Nga, V.I. Lê-nin đã bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Trong “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, V.I. Lê-nin nhấn mạnh phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng ở “chính quốc” với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa; các nước làm cách mạng vô sản thành công phải giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa, nhất là các nước kinh tế lạc hậu, còn nhiều tàn tích phong kiến. Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã đề cập đến vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng vô sản, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, giải phóng hoàn toàn con người. Tuy nhiên, do đặc thù của các điều kiện lịch sử - xã hội ở châu Âu, nơi mà vấn đề dân tộc đã cơ bản được giải quyết, nên các luận điểm này chủ yếu chỉ tập trung vào vấn đề giai cấp, mà chưa chú trọng đến vấn đề dân tộc, đặc biệt là vấn đề dân tộc thuộc địa.

Trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng vô sản, trong đó có lý luận về việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đặc biệt là với đặc thù của một nước thuộc địa nửa phong kiến Đông Á. Một mặt, Người thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc”, quyết định mọi thành bại trong lịch sử Việt Nam; mặt khác, Người hiểu rõ đặc thù của vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam rất khác với đặc điểm lịch sử - xã hội ở Tây Âu. Trong đó, tính dân tộc luôn nổi trội trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam và mâu thuẫn chủ yếu đương thời là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp. Do đó, để giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong điều kiện đặc thù Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và coi đây là nguyên tắc tối cao trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Ngay từ khi thành lập Đảng, “Chánh cương vắn tắt của Đảng” đã chỉ rõ tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3). Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(4). Theo đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bởi lẽ, đây là nguyện vọng lớn nhất, xuyên suốt nhất của toàn dân tộc và Người hiểu rõ chủ nghĩa xã hội (CNXH) chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng độc lập, tự do của dân tộc.

Có thể nói, đặt vấn đề lợi ích dân tộc lên trên hết không chỉ là một sáng tạo lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện đặc thù Việt Nam, mà đây còn là sự phát triển vượt bậc so với truyền thống chính trị Việt Nam, bởi Người đã thực sự biến “dân vi bản” trở thành “dân làm chủ”. Với tầm nhìn xa và trí tuệ siêu việt, Người nhận thức sâu sắc lợi ích của nhân dân là cao nhất; đồng thời, chỉ có phục vụ lợi ích của nhân dân thì Đảng mới huy động được sức mạnh toàn dân để thực hiện thành công mục tiêu cách mạng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, Người khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Trọn cuộc đời mình, Người luôn kiên định một mục đích: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(5). Đây cũng chính là sự hòa quyện cao nhất lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp mà toàn Đảng, toàn dân luôn hướng tới.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam là sự thống nhất giữa lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân, Đảng đã đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi thách thức to lớn nhất, giành được những thắng lợi vẻ vang. Chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Cũng với sự hội tụ giữa ý Đảng và lòng dân, dân tộc ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu trong sự ngỡ ngàng của thực dân Pháp, làm rung động hệ thống thực dân kiểu cũ. Đặc biệt, trước kẻ thù hung bạo nhất của thế giới hiện đại, Đảng huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối. Trước những thách thức có tính tồn vong với Đảng và đất nước, trên cơ sở đổi mới tư duy, nhìn nhận thực tế nhu cầu của nhân dân, Đảng dũng cảm và sáng tạo thực hiện công cuộc đổi mới với chủ trương vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Như vậy, trong suốt 90 năm qua, trên cơ sở xử lý hài hòa lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, kiên trì giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng luôn thống nhất lợi ích của mình với lợi ích của toàn dân. Chính vì vậy, Đảng đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc để giành được những thắng lợi vẻ vang trên các chặng đường cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) rút ra các bài học lớn trong quá trình Đảng lãnh đạo đất nước, trong đó nhấn mạnh: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc” và “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(6).

 

Đảng, Nhà nước ta và cộng đồng luôn chăm lo cho cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa (Trong ảnh: Lễ cưới tập thể 50 cặp vợ chồng khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21-12-2018) _Ảnh: TTXVN

Để vững vàng đi lên chặng đường phía trước

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta cũng nhấn mạnh bài học “dân là gốc” và “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”(7). Trên thực tế, sự thành công của công cuộc đổi mới không chỉ cho thấy bài học kinh nghiệm về lợi ích quốc gia - dân tộc, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo, sứ mệnh lịch sử của Đảng; đồng thời, tạo nên cơ đồ, nền tảng để hướng tới mục tiêu mới, nâng tầm lợi ích quốc gia - dân tộc trong điều kiện mới. Kiên trì đổi mới trong gần 35 năm qua trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đi qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của khu vực và thế giới, để có được cơ đồ đất nước và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Điều này càng có ý nghĩa khi bất ổn, suy thoái, mất an ninh,... đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trên cơ sở thành tựu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, nhân dân càng khát khao và kỳ vọng vào mục tiêu Việt Nam phát triển hùng cường. Từ ngàn đời nay, dân tộc ta luôn có khát vọng về hòa bình, độc lập tự do và phát triển thịnh trị. Khát vọng dân tộc hiện nay là sự tiếp nối truyền thống của cha ông từ ngàn xưa. Khát vọng ấy dựa trên cơ đồ đang có, khi đất nước đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đang trên đà tăng trưởng cao, có môi trường hòa bình, chính trị ổn định. Khát vọng ấy cũng đến từ những cơ hội lớn mà xu thế thời đại đang tạo ra, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, khát khao và kỳ vọng cần phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn phù hợp, đồng thời phải bảo đảm hòa bình, ổn định và độc lập, tự do, những giá trị mà cả dân tộc phải hy sinh biết bao xương máu mới có được. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng đối với tiến trình phát triển của dân tộc.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với dân tộc, hiểu rõ lợi ích của nhân dân và khát vọng của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn, vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải xây dựng Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go nhất, Người vẫn giữ vững mục tiêu “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tiếp nối di nguyện của Người, trên cơ sở phát triển nhận thức lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta, Đảng ta khái quát tám đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm xây dựng. Cụ thể hơn, với cơ đồ đất nước sau gần 35 năm đổi mới, Đảng xác lập định hướng nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây thực chất là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Tính tất yếu của vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được chứng minh thông qua việc Đảng bảo vệ và thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Vai trò của Đảng trong việc hiện thực hóa khát vọng dân tộc là định ra và lãnh đạo dân tộc đi trên con đường phát triển có cơ sở khoa học, hợp quy luật, vừa phù hợp với điều kiện đặc thù đất nước, vừa phù hợp với xu thế thời đại. Trên bình diện giai cấp, lợi ích của Đảng là giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta và lợi ích này nằm trong lợi ích dân tộc, hòa quyện với lợi ích dân tộc. Chính vì vậy, Đảng khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” và “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao”(8).

Mục tiêu của Đảng và của toàn dân tộc được đề ra và hiện thực hóa trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Thế giới đang diễn ra cuộc chuyển giao sang trật tự mới với cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, tạo ra các hệ lụy nhiều chiều đối với nước ta. Chính trị đối ngoại cường quyền, chủ nghĩa đơn phương đang nổi trội ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của suy thoái, lại thấp thoáng nguy cơ suy thoái mới do hậu quả đại dịch COVID-19. Các vấn đề toàn cầu diễn ra ngày càng gay gắt, đặc biệt là biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, dịch bệnh,... Xu thế toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế vấp phải những cản trở nhất định. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc, bảo hộ... đang tạm thời nổi trội ở một số nước phương Tây và ngay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại. Bối cảnh này đặt ra cơ hội và thách thức to lớn, đan xen nhau cho đất nước ta. Để vững vàng đi lên trên chặng đường phía trước, đòi hỏi phải có được sự đồng thuận sâu sắc về lợi ích quốc gia - dân tộc, sự hội tụ cao nhất giữa ý Đảng và lòng dân, qua đó mới có thể huy động ở mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc.

 

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ sau gần 35 năm đổi mới _Ảnh: Tư liệu

Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, qua quá trình nhận thức lý luận và tổng kết thực tiễn, Đại hội XII của Đảng làm rõ thêm nội hàm lợi ích quốc gia - dân tộc, khẳng định lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Theo đó, lợi ích quốc gia - dân tộc trong thời gian tới được cụ thể hóa như sau:

Một là, bảo đảm hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ, thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đây là lợi ích thiêng liêng và trường tồn của dân tộc, cũng là lợi ích của Đảng. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một quốc gia hòa bình, là điểm đến thân thiện, an toàn, là điểm sáng trong bối cảnh phức tạp của khu vực và thế giới với nhiều đổ vỡ, đứt gãy, bất ổn trong xã hội nhiều nước. Yếu tố then chốt để làm nên điểm sáng Việt Nam chính là sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng phải là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hòa bình, ổn định, độc lập tự chủ. Lịch sử cũng đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, chỉ khi có sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta mới giành được những thắng lợi to lớn, giành được độc lập, tự do và giữ vững toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng mà các bậc tiền nhân để lại. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, điều có ý nghĩa quan trọng là cần tăng cường nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu sâu sắc đường lối và chủ trương của Đảng. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng chính là bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Hai là, hướng tới một Việt Nam hùng cường với mục tiêu rất cụ thể là trở thành nước phát triển trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045. Đây là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, Đảng cũng làm rõ, đây là mục tiêu không đơn giản bởi lẽ trên chặng đường 10 năm và 25 năm tới có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất to lớn. Do đó, việc huy động tối đa nguồn lực của nhân dân, vận dụng hiệu quả bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là rất cần thiết. Với bề dày kinh nghiệm 90 năm qua, hơn ai hết, Đảng ta đủ bản lĩnh để lãnh đạo sự nghiệp ấy. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Đảng đã đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững, tiếp tục đề ra các chủ trương, chính sách giải phóng nguồn lực đất nước và tăng cường hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, chủ động và tích cực. Đây là những định hướng đúng đắn, được sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong các thập niên tới. Bài học lịch sử cho thấy, khi ý Đảng và lòng dân hội tụ, nhân dân sẽ hết lòng ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy mọi nguồn lực, giải phóng mọi tiềm năng. Xét đến cùng, công cuộc đổi mới nói riêng và sự nghiệp đi lên CNXH nói chung do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất là bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện.

Ba là, nâng cao vị thế của đất nước, định vị Việt Nam trong trật tự thế giới mới và trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách vững chắc. Với tiềm lực kinh tế, quốc phòng, với các giá trị sức mạnh mềm truyền thống và hiện đại, với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa đạng hóa, Việt Nam đang ngày càng có vị trí cao hơn trên trường quốc tế. Đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, khởi đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép chưa từng có, vừa là Chủ tịch ASEAN năm 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Điều này chứng tỏ cơ đồ, vị thế xứng đáng của đất nước và là cơ hội quý báu để tăng cường hơn nữa tầm vóc của Việt Nam trong chặng đường sắp tới. Đáng chú ý là, bối cảnh quốc tế và khu vực đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng giúp cho vị thế chiến lược của đất nước có giá trị cao hơn. Với kinh nghiệm đối ngoại dày dặn, đường lối đối ngoại nhất quán, vừa phù hợp lợi ích quốc gia, vừa đóng góp vào lợi ích chung của nhân loại, Đảng sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử trong việc đáp ứng nguyện vọng và khát vọng của nhân dân về một nước Việt Nam có vị trí đàng hoàng trên bản đồ thế giới.

Các mục tiêu trên, xét cho đến cùng, đều nhằm hướng tới lợi ích tối thượng là tạo dựng và củng cố không gian sinh tồn và phát triển bền vững của dân tộc, bảo đảm tốt nhất về an ninh và phát triển của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo dân tộc thành công trong việc thực hiện mục tiêu trên cũng đồng thời là sự khẳng định vai trò duy nhất không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc. Đồng thời, đó cũng là sự khẳng định hùng hồn về sức sống của CNXH khoa học trong điều kiện mới, là sự đóng góp cụ thể và giá trị của Đảng ta vào phong trào đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, phát triển của nhân loại tiến bộ. Như vậy, mục tiêu này sẽ không chỉ là sự hội tụ về lợi ích của Đảng với dân tộc, mà còn phù hợp với lợi ích chung của nhân loại tiến bộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khát khao đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Người là biểu hiện rõ ràng nhất, điển hình nhất của sự hội tụ giữa ý Đảng và lòng dân. Người cũng để lại “chìa khóa” cho việc hiện thực hóa khát vọng dân tộc và mục tiêu của Đảng: Đó là ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, “mọi việc thành công bởi chữ đồng”, là “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam cho thấy, mỗi khi lợi ích của Đảng trùng khớp, thống nhất với lợi ích dân tộc, với xu thế thời đại và khát vọng của nhân loại tiến bộ, thì khi ấy Đảng ta huy động được sức mạnh vô địch, dẫn dắt dân tộc vượt qua mọi thách thức to lớn nhất, chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo nhất. Trên chặng đường hướng tới tầm nhìn 2030 và 2045, một mục tiêu thể hiện rõ nét sự hội tụ của ý Đảng và lòng dân, việc vận dụng sáng tạo bài học đó là nhân tố then chốt, có ý nghĩa quyết định cho thành công.

------------------------

(1) Lê Văn Thắng, Nguyễn Văn Tuân (đồng chủ biên): Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 33
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 9
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 1
(4) Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 113
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 187
(6) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528
(7) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600
(8) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528

                                                        LÊ HẢI BÌNH

                                                   Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều