1.Tình hình công tác phòng, chống tham nhũng trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay
Tham nhũng từ lâu đã trở thành vấn nạn của toàn cầu. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc định nghĩa tham nhũng là: “Lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô”.
Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh đạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc trưng hành vi tham ô là biến “của công” thành “của tư” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, “của công” thành “của tư” tức là tài sản chung khi không nhằm phục vụ mục đích chung mà chỉ dành làm của riêng, quỹ riêng cho một tập thể, một địa phương[1].
Số tiền hối lộ lũy kế đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và các cơ quan khác ước tính từ 30 đến 45% ngân sách Nhà nước hằng năm ở một số nước châu Á[2]. Đây là số tiền dành cho các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, cải thiện nguồn nước và các cơ sở giáo dục cho người dân.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra[3].
Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) được Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, năm 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016[4]. Việc tăng điểm của Việt Nam, theo Tổ chức hướng tới minh bạch (Towards Transpanrency, viết tắt: TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho thấy sự tích cực trong các nỗ lực phòng, chống tham nhũng thời gian qua tại Việt Nam. Cùng với sự tích cực của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết tâm của người đứng đầu, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng và cơ quan báo chí nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện.
Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016. Tiến hành 6.845 cuộc thanh tra hành chính, thu hồi 46.268 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD), 5.008ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trên 2.057 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng[5].
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam liên tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn; lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đã đề ra, đạt tăng trưởng GDP 6,81% (năm 2017) là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới[6].
2. Những thành công về công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam
Fred Burke - hội viên quản lý tại hãng luật Baker & MacKenzie tại Việt Nam và hiện ông là đại diện Am Cham của Hội đồng Tư vấn Thủ tục hành chính của Chính phủ và đồng chủ tịch Nhóm Công tác Đầu tư & Thương mại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, cho biết: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là bộ máy của chính phủ Việt Nam coi ổn định xã hội là yếu tố hàng đầu và xã hội có thể lâm vào tình trạng hiểm nghèo nếu không thể kiểm soát tham nhũng... Nếu bạn hỏi người dân họ không hài lòng về điều gì nhất, họ sẽ nói đó là tham nhũng”.
Chỉ số VN Index đã tăng 43% trong năm và tăng tốt nhất kể từ 2010 với những nguồn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Chính phủ Việt Nam đang nhắm tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, nhanh nhất kể từ 2007. Nền kinh tế đã tăng trưởng 6,41% trong 9 tháng đầu năm[7].
Frederick Burke, đối tác trong công ty luật quốc tế Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đang giải quyết đúng mối quan tâm của mọi người”.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục có một năm kinh tế tăng trưởng mạnh và ổn định vĩ mô, nhiều tiến triển trong những cải cách chiến lược. Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới[8].
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, một công cụ giám sát chính sách đánh giá kinh nghiệm của công dân và sự hài lòng với hiệu quả của Chính phủ ở cấp quốc gia và trên thế giới, cung cấp dịch vụ công cộng.
PAPI 2017, một cuộc khảo sát của hơn 14.100 công dân trên toàn quốc, cho thấy những cải thiện đáng kể trong năm trong số sáu chỉ số PAPI so với năm 2016. Đây là “Minh bạch”, “Trách nhiệm theo chiều dọc”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”“và “Cung cấp dịch vụ công cộng”.
“Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là một điểm sáng đáng chú ý, với cả nhận thức và kinh nghiệm thực tế của người dân cải thiện đáng kể. Các điểm tăng đáng kể từ 5,8 năm 2016 lên 6,15 năm ngoái”, Kamal Malhotra, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam công bố. "Đây là một sự gia tăng đặc biệt đáng chú ý, cho rằng kích thước “Kiểm soát tham nhũng” đã giảm dần kể từ năm 2013".
33 trong tổng số 63 tỉnh và thành phố có sự cải thiện đáng kể trong chiều hướng này, bao gồm 4 giới hạn, đó là “giới hạn tham nhũng khu vực công”, “giới hạn tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công”, “công bằng trong việc làm của nhà nước” và “sẵn sàng chống tham nhũng”.
Cũng theo PAPI 2017, tỷ lệ đồng ý rằng cán bộ địa phương không chuyển quỹ công để sử dụng cá nhân tăng từ 54 trong năm 2016 lên 64% trong năm 2017. Ngoài ra, tỷ lệ đồng ý không yêu cầu hối lộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng từ 46 lên 55%.
Ngoài ra, đã có một sự gia tăng đáng kể - từ 79 % trong năm 2016 lên 86% trong năm 2017 - trong các ứng viên truy cập vào một cửa sổ cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, một sự gia tăng lớn từ 3,55 đến 3,78 điểm trên thang điểm 0-4 cũng được thấy trong chất lượng dịch vụ cho giấy phép xây dựng.
“Những con số này cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam để chống tham nhũng và cải cách hành chính. Họ đã đưa ra nhiều chiến dịch để tiêu diệt tham nhũng”, Malhotra nói. "Chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới"[9].
3. Tổng quan về Ban Chỉ đạo Trung ương và những thành công từ khi thành lập đến nay (1/2/2013 - 8/2018)
Ban Chỉ đạo được thành lập ngày 01-02-2013 theo Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị do Đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. Hiện tại trên Thế giới chia ra làm 3 mô hình phòng, chống tham nhũng khác nhau, bao gồm: Cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, Tổ chức đặc biệt có chức năng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, Không thành lập cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan có thẩm quyền riêng về chống tham nhũng [10]. Việt Nam đang thực hiện tốt mô hình “Tổ chức có chức năng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Với quyết tâm của người đứng đầu, “Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Đấu tranh để mọi người đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội. Không thể đánh cho một đòn chết tươi mà kỷ luật cốt để họ sửa để trưởng thành”[11] và “Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực”[12], trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có những bước phát triển đáng kể.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, trong đó có cả những người nguyên ủy viên Trung Ương Đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị và một số tướng lĩnh nhưng cũng rất nhân văn (10 bị cáo với 11 án tử hình, 19 bị cáo với 20 án tù chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn từ 12 tháng đến 30 năm,...).
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 31%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng, điển hình như: Vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín trên 10.000 tỷ đồng, vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (giai đoạn I) trên 6.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng, vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ trên 1.400 tỷ đồng...
Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” và nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Đây là điểm sáng trong cuộc đấu tranh PCTN, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong cuộc đấu tranh PCTN vừa qua, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 đồng chí Ủy Viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm để phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Từ năm 2013 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật[13].
Trong 7 tháng đầu năm 2018 đã thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 1 tổ chức đảng và 14 đảng viên diện Trung ương quản lý; khẩn trương kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm đối với 5 dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao.
Về nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2018, tiếp tục chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm 8 vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo[14].
4. Vai trò của ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, phát hiện và trừng trị tham nhũng
Từ những thành công trong 5 năm thành lập của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ta có thể nhận ra vai trò to lớn trong việc phát hiện và trừng trị tham nhũng. Những vụ việc từ nhỏ đến lớn đều được giám sát, kiểm tra và trừng trị. Tiến độ thanh tra, xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đẩy nhanh. Đã hoàn thành xét xử sơ thẩm đối với 4/6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với những mức án nghiêm khắc được áp dụng, có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 8 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết thúc việc giải quyết 2 vụ án, 3 vụ việc, 16 kiến nghị thuộc giai đoạn 2 các vụ án lớn.
Điều này cho thấy sự nhất quán, không có vùng cấm trong Đảng và bất kể cán bộ ở cấp nào, cương vị nào, ngành nào nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Đã là một cuộc đấu tranh, chúng ta đương nhiên không mong chỉ nhìn thấy toàn hoa. Cần phải có đòn roi, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Khi đòn roi thực thi đúng nhiệm vụ của nó, chúng ta coi đó là một điều tốt lành, vì nó cần thiết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Việt Nam “quyết tâm phòng, chống tham nhũng” và cần “đảm bảo tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông hệ thống chính trị”.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm nay Việt Nam xử 220 vụ án tham nhũng tăng 21% số vụ xử so với năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu vào tháng 10 nêu rõ đã thanh tra, phát hiện khởi tố điều tra 190 vụ án tham nhũng[15].
Phát biểu tại phiên họp chiều 4/9 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thêm về công tác phòng, chống tham nhũng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định: "Luật pháp vừa bảo đảm nghiêm minh về xử lý nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người."[16].
Thứ hai, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán
Không chỉ Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mà cả bộ máy cũng đang vào cuộc. Ban Chỉ đạo Trung ương đã và đang tạo ra nền tảng để các bộ phận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra vào cuộc. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý Nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thứ ba, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa có hiệu quả.
Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; khắc phục một bước những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Có thể nói, đến nay các chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng cơ bản đã tương đối đủ, cái cần nhất bây giờ là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện.
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền
Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Thực tế cho thấy, báo chí Việt Nam không chỉ có công lớn trong việc phát hiện tham nhũng mà nó còn là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền vận động nhân dân, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng. Những thông tin của báo chí bao gồm việc tuyên truyền luật pháp, quy định về phòng, chống tham nhũng, tuyên truyền những hình mẫu về chống tham nhũng, những gương điển hình, cách làm hay trong chống tham nhũng. Báo chí Việt Nam luôn thông tin kịp thời, khách quan tình hình tham nhũng, chống tham nhũng, phản ánh trực tiếp những vụ, việc tham nhũng, kể cả những vụ, việc chưa được làm sáng tỏ, tạo sức ép dư luận xã hội, hình thành các phong trào chống tham nhũng.
Thứ năm, lấy lại niềm tin của nhân dân vào công tác chống tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tháng 5 năm 2016, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại những bài học được Nguyễn Trãi đúc rút. Ngay từ thế kỷ XV, từ thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại.
Trước khi có sự vào cuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, người dân vẫn có nhiều dấu hỏi với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều thành tích, nhân dân đã có niềm tin nhiều hơn vào công tác lãnh đạo của Đảng, thực tế cho thấy, các chỉ số niềm tin người dân có xu hướng tăng những năm trở lại đây. Chính vì vậy, vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương thực chất đang mang lại những lợi ích và lấy lại niềm tin của người dân.
5. Kết luận
Từ những tìm hiểu và vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ta có thể nhận ra:
Thứ nhất, vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Trung ương đã và đang là nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương trong suốt 5 năm vừa qua từ lời nói đến hành động đã khẳng định thêm sự cần thiết thành lập và sự quan trọng của tổ chức này với cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam. Ban chỉ đạo Trung ương đã khiến cả xã hội phải vào cuộc với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tất cả các cơ quan đơn vị đều nêu cao ngọn cờ trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, vị thế của Việt Nam từ đó cũng không ngừng tăng lên, Việt Nam được quốc tế đánh giá tốt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chiến dịch chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt nam đã được giới đầu tư rất hoan ngênh. Ông Hoàng Thạch Lân – trưởng phòng phân tích cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt phát biểu: “Điều này thúc đẩy lòng tin về kinh doanh tại Việt Nam và giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng”[17].
Đề cập cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam trong hai năm qua, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định: "Chống tham nhũng không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức sai phạm. Nó còn là giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền và một nền văn hóa “chung chi” đã ăn sâu".
Theo ông Thayer, người dân phải chịu đựng những tác động trực tiếp của tham nhũng vặt hằng ngày như “chung chi” cho quan chức hay cán bộ. Ưu tiên hàng đầu là người dân muốn thấy trong tương lai những thói nhũng nhiễu này sẽ chấm dứt.
Đồng quan điểm này, giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, giới đầu tư nước ngoài có thể tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, nhưng những quan ngại của họ về môi trường đầu tư chỉ có thể được gỡ bỏ khi mà môi trường làm ăn hằng ngày không còn nhũng nhiễu, hối lộ. Đây là những điều cốt lõi công cuộc chống tham nhũng cần nhắm tới[18].
Thứ ba,thay đổi cái nhìn của người dân về Đảng và Nhà nước.
Người dân từ khi có các vụ án lớn về tham nhũng, nhận thấy quyết tâm của người đứng đầu và từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì đã có thái độ tích cực hơn trong việc phòng, chống tham nhũng. Những câu chuyện hằng ngày, sự quan tâm của người dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ các buổi tiếp xúc cử tri đã và đang cho thấy sự quan tâm của người dân với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Đây thật sự là cái “phúc” đối với một dân tộc, nó thực sự thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.Cùng với sự đồng lòng của người dân, cùng với tư duy “Giới: chính là “chỉ ác phòng phi” (Biết đủ, biết dừng, đánh bại tâm tham)Định: chính là “định lực” (Kiên trì, không có sân hận), Tuệ: chính là “trí tuệ” (Người có trí tuệ được gọi là “sự lai tắc ứng, sự khứ tắc tịnh”, việc gì đến thì tùy thuận theo đó mà làm, xong việc, hết việc rồi thì để cho tâm được rảnh rang)” mà Ban chỉ đạo PCTN đang thực hiện, chắc chắn cuộc đấu tranh PCTN của Việt Nam sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Bùi Mạnh Cường
Phó viện trưởng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam
(Nguồn: Tạp chí chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế)
[1] Tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng, Ban nội chính, http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201405/tu-tuong-chi-dao-cua-ho-chi-minh-ve-phong-chong-tham-nhung-294583/
[2] Vấn đề tham nhũng trên thế giới, tạo chí Mặt trận, http://tapchimattran.vn/the-gioi/van-nan-tham-nhung-tren-the-gioi-9271.html
[3] Kinh nghiệm thế giới trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, Tạp chí mặt trận, http://tapchimattran.vn/the-gioi/kinh-nghiem-the-gioi-trong-cuoc-chien-phong-chong-tham-nhung-7119.html
[4] Việt Nam cải thiện 6 bậc về chỉ số cảm nhận tham nhũng, báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/viet-nam-cai-thien-6-bac-ve-chi-so-cam-nhan-tham-nhung-20180222142109562.htm
[5]Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, báo An ninh Thủ đô, https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung/747095.antd
[6]http://cafef.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-20180625212622046.chn
[7]https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-12-21/vietnam-mimics-china-in-embarking-on-sweeping-corruption-purge
[8]https://vov.vn/kinh-te/xep-hang-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-bat-tang-14-bac-689807.vov
[9]https://www.vir.com.vn/vietnam-commended-on-fight-against-corruption-57977.html
[10] Ba mô hình tổ chức cơ quan phòng chống tham nhũng, Thế giới Luật, https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Ba-mo-hinh-to-chuc-co-quan-phong-chong-tham-nhung-6303/
[11] Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 4, ngày 12/10/2017 tại Hà Nội, (https://baomoi.com/tong-bi-thu-dau-tranh-de-doan-ket-hon-chu-khong-phai-de-do-vo/c/23544846.epi)
[12]https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/chong-tham-nhung-khong-phai-chi-co-bat-bo-va-xu-an-761815.vov
[13]https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-5-nam-nhin-lai-801429.vov
[14]https://laodong.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-xu-ly-tham-nhung-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-625698.ldo
[15]http://quochoi.org/chong-tham-nhung-thanh-cong-lon-cua-viet-nam-nam-2017.html
[16]http://reatimes.vn/chong-tham-nhung-hai-vo-si-ngang-ngua-thi-danh-nhau-den-cung-28897.html
[17]http://quochoi.org/chong-tham-nhung-thanh-cong-lon-cua-viet-nam-nam-2017.html
[18]https://news.zing.vn/cuoc-chien-chong-tham-nhung-o-viet-nam-qua-goc-nhin-quoc-te-post839407.html