Vai trò và thách thức đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam - Một số hàm ý chính sách

Tốc độ già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là việc bảo đảm quyền và phát huy tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi. Thực trạng này đòi hỏi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để người cao tuổi có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam_Ảnh: TTXVN
Vấn đề già hóa dân số, “chủ nghĩa tuổi tác” và định kiến xã hội về người cao tuổi

Già hóa dân số dẫn đến biến đổi cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội trong ngắn hạn hoặc dài hạn, nên việc thiết kế chính sách cần chú ý nhiều hơn đến các vấn đề phúc lợi xã hội cho người cao tuổi(1) (phụng dưỡng, chăm sóc, bảo đảm đời sống, thu nhập, bảo hiểm y tế, giải trí cho người cao tuổi...). Ngoài ra, già hóa dân số đặt Việt Nam trước những thách thức liên quan đến nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Các chính sách tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục lao động không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn tận dụng kinh nghiệm, lợi thế và tiềm năng của lực lượng lao động này đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi(2), dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số(3). Như vậy, với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số của Việt Nam, cần nhận thức rõ các tiềm năng, lợi thế của nhóm đối tượng này trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đi đôi với việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người cao tuổi.

Có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau về người cao tuổi bên cạnh tuổi đời (chronological age) của một người và quá trình sinh học khi người ta già đi. Cụ thể, khi phân tích tuổi tác, cần phân biệt và nhận định các khía cạnh riêng biệt, độc lập nhưng vẫn có sự liên kết với nhau như sau: 1- Tuổi đời (chronological age), dựa trên ngày, tháng, năm sinh; 2- Tuổi sinh học (biological age), liên quan đến các thay đổi thể chất; 3- Tuổi tâm lý (psychological age), liên quan đến thay đổi tinh thần, tính cách trong các giai đoạn sống của cá nhân; 4- Tuổi xã hội (social age), liên quan đến những thay đổi về vai trò và mối quan hệ xã hội của cá nhân khi già đi(4). Bốn khía cạnh này của quá trình già hóa thường phát triển với nhịp độ khác nhau, phụ thuộc vào sự trải nghiệm cá nhân, môi trường văn hóa, lịch sử, xã hội... Điều này có nghĩa, khi một người được coi là “cao tuổi” (tuổi đời) không đồng nghĩa là suy giảm về thể chất, tâm lý và các quan hệ xã hội. Các cá nhân có sự đa dạng về đặc điểm thể chất, tâm sinh lý và sự tham gia xã hội, kể cả khi họ đã lớn tuổi và sự đóng góp của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội được thể hiện ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau, đều rất đáng được ghi nhận, trân trọng. 

Cách thức nhìn nhận về vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, vị thế và quyền của người cao tuổi cũng như nguồn lực đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Một số quan điểm cho rằng, suy giảm sự liên kết, năng lực ở tuổi già là phổ biến, tất yếu và không thể tránh khỏi(5), do đó, người cao tuổi thường được xem là gánh nặng của xã hội nên phản ứng chính sách chủ yếu chỉ tập trung vào hướng cứu trợ, trợ giúp, chăm sóc, phụng dưỡng xã hội, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò, sự đóng góp của người cao tuổi đối với sự phát triển quốc gia. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, người cao tuổi được coi là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội, vì vậy, khi tiếp cận chính sách theo hướng tạo việc làm, môi trường giải trí, tận dụng kinh nghiệm, tri thức, năng lực của người cao tuổi sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước(6)

Thuật ngữ “chủ nghĩa tuổi tác” lần đầu tiên được chuyên gia Robert N. Butler sử dụng để mô tả định kiến đối với người cao tuổi, coi nó như là “một quá trình định kiến có hệ thống và phân biệt đối xử chống lại mọi người bởi vì họ cao tuổi”(7). Các chuyên gia khác là T. N. Iversen, L. Larsen, P. E. Solem(8) định nghĩa “chủ nghĩa tuổi tác” là định kiến tiêu cực hoặc tích cực, thành kiến hoặc phân biệt đối xử (hoặc có lợi cho) những người được xem là “già” hoặc “có tuổi”. Chủ nghĩa tuổi tác thường được ngầm hiểu hoặc được thể hiện rõ ràng cả trên cấp độ vi mô, trung bình hay vĩ mô liên quan đến các khía cạnh đã được xã hội thừa nhận, chẳng hạn, các thành phần tâm lý xã hội (nhận thức, tình cảm và hành vi) và các khía cạnh vô thức, biểu hiện ở những định kiến, khuôn mẫu tồn tại lâu dài trong xã hội. Thái độ là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy “chủ nghĩa tuổi tác”, do vậy, cần có chiến lược để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong thái độ, phổ biến thông tin chính xác để xóa bỏ nhận thức không đúng về người cao tuổi. Những biểu hiện của phân biệt đối xử tiêu cực đối với người cao tuổi thường xảy ra trong các lĩnh vực việc làm, cơ quan chính phủ, nhà ở gia đình và chăm sóc sức khỏe,...

Những khó khăn, thách thức

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khi nói đến khởi nghiệp, nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thực tế, tại nhiều nước, như Mỹ, Israel, Hàn Quốc..., người cao tuổi khởi nghiệp là vấn đề luôn được quan tâm, bởi họ coi nhóm người cao tuổi là nguồn lực quý báu của quốc gia. Có rất nhiều người cao tuổi còn sức khỏe, trí lực, nhất là từ tuổi 60 đến 75, vẫn giữ khát vọng cống hiến, muốn được tạo điều kiện làm việc. Người cao tuổi là nhóm người có kiến thức, kinh nghiệm, nhiều người là những chuyên gia, người lao động trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực; có khao khát, nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội; muốn có cuộc sống chủ động, tích cực, không muốn nghỉ ngơi, thụ động, phụ thuộc vào con cái. Tuy vậy, việc sử dụng lực lượng lao động là người cao tuổi còn không ít khó khăn, thách thức trên các khía cạnh sau:

Một là, tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi 60 - 69 hiện nay ở nước ta đang tiếp tục làm việc chiếm khoảng 60%(9), trong đó, tồn tại một số tương đồng về tỷ lệ làm việc, tạo nguồn thu nhập của người cao tuổi theo tuổi, giới tính và khu vực, nhưng có sự khác biệt trong từng nhóm, cụ thể: Càng cao tuổi thì tỷ lệ làm việc càng thấp; phụ nữ có tỷ lệ làm việc thấp hơn nam giới; người cao tuổi thành thị có tỷ lệ làm việc thấp hơn nông thôn. Phần lớn người cao tuổi là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương thấp, họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương (lao động tự làm và lao động gia đình)(10). Định kiến xã hội về khởi nghiệp đã ngăn cản họ tham gia vào thị trường việc làm (trong khi nhu cầu làm việc của người cao tuổi còn rất lớn), ảnh hưởng đến việc tạo thu nhập và đóng góp sức lực, trí tuệ của người cao tuổi cho sự phát triển xã hội. 

Hai là, tuy nước ta có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi (chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội…), nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình(11). Trong tổng số gần 11,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu, như vậy, hơn 8 triệu người cao tuổi còn lại không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội; khoảng 6 triệu người không có bất kỳ một khoản thu nhập nào thường xuyên và ổn định(12). Khi so sánh tương quan với các độ tuổi khác, người cao tuổi chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Hệ thống chính sách chưa có nhiều hiệu quả trong khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người cao tuổi để bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, học tập, giải trí, rèn luyện sức khỏe, một môi trường thân thiện... Việc lồng ghép người cao tuổi, chính sách người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò của người cao tuổi vào sự phát triển của đất nước.

Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau_ Ảnh: TTXVN 
Ba là, Luật Người cao tuổi mang lại nhiều quyền lợi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, nhưng một số quy định của Luật vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, bộc lộ nhiều bất cập, cần được điều chỉnh, sửa đổi. Mặc dù cả Pháp lệnh Người cao tuổi trước đây và Luật Người cao tuổi hiện nay đều có một chương quy định về phát huy vai trò của người cao tuổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, pháp luật,… nhưng các quy định này chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, hiện nay, phần đông người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần(13), đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ pháp lý cho người cao tuổi.

Bốn là, mặc dù hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã bước đầu hình thành, phát triển khắp các địa phương trong cả nước, tuy nhiên, vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa, vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Việc chăm sóc người cao tuổi không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý. Còn tình trạng các bác sĩ xử lý một cách “đại khái” đối với tình trạng bệnh tật của người cao tuổi hoặc sử dụng các hướng dẫn chăm sóc dành cho những người trẻ tuổi(14). Nguyên nhân là do chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về mặt chính sách cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng và hệ thống y tế với nguồn lực còn eo hẹp mới chỉ tập trung vào lực lượng dân số trẻ. Mặt khác, quá trình chuyển từ quan niệm “người cao tuổi là gánh nặng” thành “người cao tuổi là tài sản” còn chậm, chưa có các giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Họ lại là nhóm dễ bị tổn thương, cả về sức khỏe, tinh thần và thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh của hậu đại dịch COVID-19 hiện nay.

Một số giải pháp nhằm sử dụng hợp lý lao động người cao tuổi

Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”(15). Từ việc nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của người cao tuổi đối với sự phát triển chung của đất nước, sự bền vững của gia đình, bảo đảm quyền của người cao tuổi, Nhà nước và xã hội cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận, góc nhìn đối với vấn đề người cao tuổi, đồng thời, thực hiện một số giải pháp thu hút, khai thác nguồn lực quan trọng này một cách hiệu quả như sau:

Thứ nhất, ban hành các chính sách pháp luật thực thi, cụ thể hóa Luật Người cao tuổi; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số hạn chế, bất cập, trong đó có hướng dẫn về các quy định liên quan đến việc phát huy vai trò của người cao tuổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện các chương trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về người cao tuổi và tác động của các chính sách hiện hành đến đời sống của người cao tuổi để có cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung và thực thi chính sách được tốt, sát thực tiễn. Các nghiên cứu về người cao tuổi cần toàn diện, không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà cần bao hàm nhiều khía cạnh khác, như nhu cầu và phát huy năng lực…; trong đó, cần lấy ý kiến của các cán bộ thực thi chính sách, các nhà khoa học có chuyên môn về lĩnh vực này, các nhà hoạt động về người cao tuổi và ý kiến của người cao tuổi đối với các đặc điểm về sức khỏe, kinh tế, nơi cư trú và trình độ... Có như vậy, việc điều chỉnh, bổ sung chính sách mới phản ánh đúng thực tiễn và thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, để người cao tuổi có đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển đất nước.

Việc “phát huy vai trò của người cao tuổi” là sự thay đổi cách nhìn nhận quan trọng trong định hướng chính sách về người cao tuổi, có tác động đến việc thụ hưởng các quyền và sự đóng góp nhiều hơn của họ vào sự phát triển của đất nước. Để cụ thể hóa định hướng này, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã và đang đối mặt với già hóa dân số, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức…, kết hợp với thực tiễn thực hiện chính sách trong nước và các nghiên cứu toàn diện về người cao tuổi hiện nay. 

Thứ hai, chú trọng đến các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Thực tế cho thấy, không phải tất cả những người có tuổi đời cao đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực; có nhiều trường hợp người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75 tuổi, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Vấn đề ở đây là cần có sự bố trí thời gian, nguồn lực và môi trường làm việc phù hợp. Ngoài ra, người cao tuổi có khả năng đóng góp cho xã hội ở các mức độ và điều kiện khác nhau, do đó, các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ, bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng. 

Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa trong y học, các chính sách hướng đến tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19… Các chính sách này là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi, bao quát từ lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, giao thông, xây dựng… Cụ thể, người cao tuổi cần được bảo đảm sức khỏe, có môi trường xã hội thân thiện; trong các thiết kế xây dựng, đi lại cần tính đến các điều kiện thuận lợi cho họ. 

Thứ tư, trong giáo dục và tuyên truyền, nhất là truyền thông chính thống, cần thay đổi các khuôn mẫu tiêu cực về người cao tuổi, tránh “gắn nhãn” họ với các khuôn mẫu, hình ảnh như run rẩy, yếu đuối, cô đơn…, thay vào đó là hình ảnh toàn diện, tích cực của người cao tuổi trong gia đình và trong các hoạt động xã hội. Thay đổi quan niệm nhận thức “người cao tuổi là gánh nặng” sang thành “tài sản” của gia đình và xã hội, chú ý tuyên truyền, khẳng định các quyền, vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi đối với xã hội. Chỉ khi người cao tuổi thực sự được tôn trọng, được nhìn nhận khách quan, đúng với thế mạnh, tiềm năng của mình thì họ mới có điều kiện phát triển bản thân, phát huy đầy đủ năng lực, đóng góp cho gia đình và xã hội. Thay đổi các khuôn mẫu tiêu cực về người cao tuổi là điều kiện cần thiết tạo sự chuyển biến trong thay đổi thái độ và hành vi của xã hội. Đi đôi với các biện pháp giáo dục, truyền thông, cần có chế tài, xử lý nghiêm, có tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về người cao tuổi, xâm phạm quyền của người cao tuổi và phổ biến thông tin rộng rãi, mang tính giáo dục để thay đổi quan niệm và hành vi tiêu cực đối với người cao tuổi.

Theo PGS, TS. ĐẶNG THỊ ÁNH TUYẾT - VŨ THÁI HẠNH/Tạp chí Cộng sản

 

------------

(1) Theo Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ
(2) Xem: Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, https://www.gso.gov.vn/su-kien/2019/12/thong-cao-bao-chi-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-vanha-o-nam-, ngày 19-12-2019
(3) Xem: Tổng cục Thống kê: “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”, Hà Nội, 2021, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/Dan-so-gia-hoaVI.pdf
(4) Xem: European union agency for fundamental rights: “Fundamental Rights Report 2018”, 2018, tr. 10, https://fra.europa.eu/sites/default/files/fra_uploads/fra-2018-fundamental-rights-report2018_en.pdf
(5) Xem: Cumming, E. and Henry, W.: Growing Old: The Process of Disengagement, Basic Books, New York, 1961
(6) Walker, A.: “A strategy for active ageing”, International Social Security Review, Volume 55, Issue 1, tháng 3 - 2002, tr. 121 - 139
(7) Robert N. Butler: R.N. Why Survive? Being Old in America, Harper and Row, New York, NY, USA, 1975
(8) Xem: Iversen T. N.; Larsen L. and Solem P. E.: “A conceptual analysis of ageism”, Nord Psychol, 2009, tr. 61, 4 - 22
(9) Xem: Cục Bảo trợ xã hội: Diễn đàn “Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi”, http://btxh.gov.vn/danh-muc-tin/chinh-sach-btxh/sinh-ke-va-khoi-nghiep-doi-voi-nguoi-caotuoi_t114c37n1519, ngày 4-11-2020
(10) Xem: Tổng cục thống kê, “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”, Hà Nội, 2021, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/Dan-so-gia-hoaVI.pdf
(11) Xem: Trịnh Thị Thu Hiền: “Xu thế già hóa dân số ở nước ta và vấn đề chăm sóc sức khỏe, sử dụng lao động người cao tuổi”, Tạp chí Cộng sản điện tửhttps://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinhmuc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suckhoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx, ngày 11-9-2019
(12), (13) Xem: Nguyễn Thị Minh Nguyệt: “Chính sách đối với người cao tuổi Việt Nam”, Tạp chí   Quản lý nhà nước điện tửhttps://www.quanlynhanuoc.vn/2020/12/15/chinh-sach-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-viet-nam/, ngày 15-12-2020   
(14) Xem: Hà Phương: “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi”, báo Sức khỏe và đời sốnghttps://suckhoedoisong.vn/dau-tranh-chong-phan-biet-tuoi-tac-nang-caosuc-khoe-cho-nguoi-cao-tuoi-169123006.htm, ngày 28-9-2016
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 232

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều