Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nhấn mạnh: “bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.
Các phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền những đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ của các tổ chức Đảng các cấp. Đảng không ngừng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ: “trong những năm qua, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thời gian qua, các thế lực thù địch liên tục chống phá Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận với mục đích làm cho Đảng và nhân dân ta xa rời, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, đảng viên ta từ bỏ nền tảng tư tưởng - vũ khí tinh thần, từ bỏ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Dã tâm của chúng càng ngày càng thể hiện rõ, ngày càng tỏ ra thâm độc hơn, thông qua nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là trên internet và mạng xã hội. Việc chủ động sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để nắm bắt tình hình diễn biến tâm trạng, tư tưởng của công chúng, nắm bắt dư luận xã hội, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội là việc làm hoàn toàn cần thiết và cấp bách, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Vai trò của nghiên cứu dư luận xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nắm bắt nhận thức, thái độ và xu hướng hành động của công chúng trước các thông tin sai trái, thù địch
Một trong những nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội là hình thức thông tin độc thoại, không tính toán đến phản ứng của người nghe. Hiệu quả tác động của thông điệp thông tin, tuyên truyền sẽ là con số không, thậm chí là con số âm (phản tác dụng), nếu người nghe không tin vào những điều mà người nói đưa ra.
Nguyên nhân khác, chủ thể thông tin tuyên truyền (người nói) có thể hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin phản hồi (về suy nghĩ, thái độ của người nghe) và trên thực tế, rất coi trọng việc nắm bắt thông tin này, nhưng do không có các phương pháp nắm bắt khoa học, nên những suy nghĩ, thái độ của người nghe mà người nói nắm được có thể hoàn toàn không khách quan, trung thực. Để nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải coi trọng việc nắm bắt phản ứng của công chúng trước các thông tin.
Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, các “điểm nóng” trong xã hội do các thông tin sai trái, thù địch gây ra
“Điểm nóng” trước khi xuất hiện, bao giờ cũng được thể hiện trong dư luận xã hội dưới hình thức những băn khoăn, thắc mắc, ý kiến phản đối, yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân. Sự nắm bắt dư luận xã hội một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện (bao gồm tất cả các loại ý kiến, thái độ, chủ thể của mỗi loại ý kiến...) cho phép chúng ta đi sâu phân tích các nguyên nhân nhận thức và xã hội của mỗi luồng dư luận, trên cơ sở đó có các giải pháp phù hợp để loại bỏ nguy cơ “điểm nóng” bùng nổ.
Qua phân tích nguyên nhân nhận thức và nguyên nhân xã hội của công chúng, chủ thể của mỗi luồng dư luận xã hội, nếu thấy ý kiến, các đòi hỏi, nguyện vọng của công chúng thực sự xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn và lợi ích chính đáng của họ hoặc của quốc gia, dân tộc thì chính quyền phải tiếp thu các ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết, đáp ứng các đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của họ.
Nếu kết quả phân tích dư luận xã hội cho thấy dư luận xã hội là sai trái, do công chúng thiếu thông tin hoặc đặt lợi ích cục bộ của mình lên trên lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc thì chính quyền phải kịp thời có các giải pháp thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ để cải chính, định hướng dư luận xã hội.
Định hướng dư luận xã hội chống lại các thông tin sai trái, thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Định hướng dư luận xã hội để ngăn chặn các thông tin sai trái, thù địch ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua uy tín của người lãnh đạo. Việc sử dụng phương pháp này để định hướng dư luận xã hội là quy luật nhân cách hóa quan hệ. Cùng một nội dung phát ngôn nhưng nếu đó là phát ngôn, của một giáo sư, một nhà khoa học hay một chính khách (có uy tín) thì người ta tin tưởng. Trong một cơ quan, một tập thể, một nhóm xã hội, họ chính là người lãnh đạo, quản lý, nhà hoạt động xã hội có uy tín. Trong các tôn giáo, họ là các chức sắc tôn giáo (cha cố, nhà tu hành). Trong các dân tộc thiểu số miền núi họ là già làng, trưởng bản còn ở nông thôn họ có thể là các trưởng họ tộc, người cao tuổi... Những người thủ lĩnh này có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội diễn ra tại cơ quan, đơn vị hoặc trong nhóm xã hội, trong tập thể. Vai trò, tác dụng định hướng dư luận xã hội tỷ lệ thuận với phẩm chất, năng lực và uy tín của họ. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý có uy tín lớn, có trình độ cao, sự đánh giá của họ sẽ được công chúng tin cậy, noi theo và dư luận xã hội trong trường hợp đó phát triển theo hướng tích cực. Đặc biệt, khi định hướng dư luận xã hội về những vấn đề quan trọng, nhạy cảm cần cử những người có địa vị cao, có uy tín lớn phát ngôn để công chúng nhanh chóng có sự chấp nhận.
Định hướng dư luận về để ngăn chặn các thông tin sai trái, thù địch ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức. Cuộc họp của các tổ chức bao gồm (tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp...) là một kênh truyền thông, một phương tiện tác động tư tưởng cho nên, chúng cũng là một kênh, một phương tiện có thể sử dụng để định hướng dư luận xã hội. Định hướng dư luận xã hội qua kênh này có ưu thế nổi trội là có thể định hướng dư luận một cách nhanh chóng và trực tiếp đến từng nhóm đối tượng sinh hoạt trong cùng một tổ chức. Để định hướng dư luận xã hội kịp thời, trực tiếp, trong sinh hoạt, hội họp của các tổ chức cần thực hiện tốt quá trình mang tính hai chiều sau: Thứ nhất, truyền đạt, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, những thông tin chính thức, chính thống, những thông tin đã được chọn lọc kỹ; Thứ hai, đấu tranh, phản bác những quan điểm, tư tưởng, ý kiến lệch lạc, tin đồn nhảm, luận điểm phản tuyên truyền, sai trái, xuyên tạc…
Định hướng dư luận xã hội để ngăn chặn các thông tin sai trái, thù địch ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng. PGS, TS Nguyễn Văn Dững (năm 2011) cho rằng, một trong những vai trò quan trọng cơ bản hàng đầu của các phương tiện thông tin đại chúng là định hướng dư luận xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng định hướng dư luận xã hội là thể hiện yêu cầu thống nhất giữa yêu cầu từ bên trên - của lãnh đạo quản lý và nhu cầu từ bên dưới - của quần chúng nhân dân. Với các chức năng và ưu thế vốn có của mình, các phương tiện truyền thông đại chúng, chủ yếu là báo chí, tham gia định hướng dư luận xã hội với các phương thức sau:
+ Tham gia tuyên truyền về ngăn chặn các thông tin sai trái, thù địch ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng để đông đảo mọi tầng lớp xã hội được biết và bày tỏ thái độ. Cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, sâu sắc về thông tin sai trái, thù địch ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng giúp quá trình đánh giá của công chúng đối với sự kiện, hiện tượng mang tính khách quan nhiều hơn.
+ Định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội để ngăn chặn các thông tin sai trái, thù địch, chúng ta phải tăng cường phổ biến các thông tin chính thống trên mạng xã hội bằng các việc cụ thể như: tăng cường viết bài định hướng dư luận xã hội tích cực, các bài viết thể hiện quan điểm dư luận xã hội đúng đắn, các tấm gương người tốt việc tốt, tấm gương điển hình trong xã hội, tạo bầu không khí tích cực trên môi trường mạng xã hội.
+ Cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, định hướng đến quá trình hình thành, thay đổi thái độ của con người. Tác động đến yếu tố nhận thức của chủ thể dư luận bằng cách cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời.
Dư luận xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu, sai trái, thù địch, cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thông qua thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chúng ta cần phải nắm bắt nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhận thức, thái độ và xu hướng hành động của công chúng về các thông tin sai trái, thù địch, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và xu hướng hành động của công chúng để kịp thời có các biện pháp để can thiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dư luận xã hội còn có vai trò giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, các điểm nóng trong xã hội do các thông tin sai trái, thù địch gây ra; giáo dục luân thường, đạo lý trong xã hội, góp phần đẩy lùi các thông tin sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; định hướng dư luận xã hội chống lại các thông tin sai trái, thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua uy tín của người lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm xã hội; thông qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức; các phương tiện truyền thông đại chúng; phổ biến các thông tin chính thống trên mạng xã hội; định hướng dư luận xã hội bằng dư luận xã hội.
Vương Toàn Thắng
ThS, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
2. Nguyễn Đình Gấm: Những vấn đề tâm lý xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.16
3. Trần Văn Phòng (2019), Nhận diện các loại quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.