Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học “Đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay”.
Thực trạng nghiên cứu khoa học của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thời gian qua, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Phát huy vai trò của Hội đồng Khoa học cơ quan trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch, tuyển chọn nhiệm vụ khoa học hằng năm. Năm 2013, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, là đơn vị tham mưu cho Ban Thường trực tổ chức công tác quản lý và nghiên cứu khoa học. Ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy định về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Triển khai áp dụng thực hiện cơ chế khoán chi theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đổi mới và ngày càng hoàn thiện quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học của cơ quan bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm túc, mẫu hóa các nội dung, các khâu quản lý.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức triển khai nghiên cứu tổng số 46 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 32 nhiệm vụ cấp Bộ, 9 nhiệm vụ cấp cơ sở, 5 chuyên đề khoa học. Đến nay, có 20 nhiệm vụ cấp Bộ, 4 nhiệm vụ cấp cơ sở, 5 chuyên đề khoa học đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và tổ chức nghiệm thu xong, còn lại 12 nhiệm vụ cấp Bộ, 5 nhiệm vụ cấp cơ sở đang được triển khai nghiên cứu. Bên cạnh đó, tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm khoa học.
Công tác nghiên cứu khoa học đã cung cấp cơ sở lý luận luận và thực tiễn phục vụ việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; xây dựng và đề xuất với Quốc hội ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015). Đã nghiên cứu, biên soạn bộ sách: Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (1930-2014), Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (1930-2014), Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (1930-2014), mỗi tựa sách có 4 tập, trong đó 3 tập đã xuất bản. Bộ công trình này đã tổng kết những bài học kinh nghiệm về đường lối xây dựng lực lượng cách mạng, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận Dân tộc Thống nhất của Đảng ta.
Nhằm phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đã triển khai nghiên cứu 5 chuyên đề khoa học, là cơ sở đề xuất 5 chương trình hành động của Đại hội. Mảng đề tài đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong nghiên cứu khoa học. Hầu hết các công tác Mặt trận đều được triển khai nghiên cứu nhiều khía cạnh thực tiễn hoạt động đặt ra. Các đề tài đã tổng kết thực tiễn hoạt động, đề xuất những giải pháp và hoàn thiện các kỹ năng về công tác: tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài; đối ngoại nhân dân; biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp;...
Hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn mà công tác Mặt trận đặt ra. Chất lượng các nhiệm vụ khoa học ngày càng được nâng lên. Tiềm lực khoa học của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được củng cố. Nhiều đề tài, đề án đã trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều giải pháp có tính khả thi và được ứng dụng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Mặt trận.
Một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu
1. Dù hình thức, tên gọi nào đi chăng nữa, sứ mệnh xuyên suốt của Mặt trận là vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, “ngọn cờ dân tộc” của Mặt trận có sức lôi cuốn mạnh mẽ, hiệu triệu mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, giới tính, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, khuynh hướng chính trị,... đứng vào hàng ngũ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Căn cứ vào yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã khôn khéo đề ra sách lược với mục tiêu, phương pháp đấu tranh phù hợp, tập hợp lực lượng cách mạng thông qua hình thức liên minh chính trị trong tổ chức Mặt trận. Chính vì vậy, tổ chức Mặt trận có tính linh hoạt cao, có những giai đoạn tồn tại đồng thời 3 tổ chức Mặt trận1. Chính sách của mỗi hình thức tổ chức Mặt trận có nội dung khác nhau nhưng đều xoay quanh nhiệm vụ chiến lược là độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) đến nay, đất nước ta bước vào một thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta trở thành người lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và toàn xã hội. Nhiệm vụ lịch sử giành chính quyền về tay nhân dân đã hoàn thành. Việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã mang một ý nghĩa mới. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh khẳng định: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng vì thế cũng có nhiệm vụ mới. Chỉ thị số 17/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá V) ngày 18/4/1983 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới đã chỉ rõ: “Mặt trận đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân lao động, là sợi dây nối liền các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước”. Dân chủ trở thành ngọn cờ tập hợp các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết thành một khối vững chắc trong liên minh chính trị rộng lớn của Mặt trận. Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình thông qua tổ chức Mặt trận. Mặt trận đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Các quyền và trách nhiệm được quy định Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015) đều hướng tới việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận. Tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ dân chủ của Mặt trận trong tình hình mới là một trong những vấn đề lý luận căn cốt cần tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ trong thời gian tới.
2. Là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi thể hiện tập trung, thống nhất ý chí, nguyện vọng và hành động của các thành viên. Tính liên hiệp tự nguyện và vai trò tích cực của các thành viên luôn là sức sống của tổ chức Mặt trận. Tham gia Mặt trận, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các thành viên được bảo vệ, vị thế chính trị được nâng cao. Sức mạnh của một liên minh là tổng hòa sức mạnh của các thành viên được liên kết, phối hợp nhịp nhàng, thống nhất vì mục tiêu chung. Vì vậy, vai trò của các thành viên phải được thể hiện ở tất cả các khâu từ việc xây dựng điều lệ, chủ trương, chương trình hành động, phân công phối hợp và tổ chức thực hiện, cho đến việc thiết kế mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành,… Dân chủ, đồng thuận được xem như nguyên tắc trong hoạt động hiệp thương, phân công, phối hợp hành động giữa các thành viên. Cơ quan chuyên trách của Mặt trận các cấp phải được coi là bộ máy giúp việc ủy ban, ban thường trực thực hiện vai trò điều phối hoạt động của liên minh. Phát huy vai trò của các thành viên, trước hết là các tổ chức thành viên cần được xem là một định hướng trọng tâm trong công tác tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước có tổ chức tương đồng, xây dựng cơ sở lý luận phục vụ việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Đảng vừa là người sáng lập, lãnh đạo, vừa là thành viên tích cực của Mặt trận. Là người sáng lập Mặt trận, Đảng đề ra cương lĩnh chính trị, hoạch định mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng, đồng thời trực tiếp lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện thắng lợi những nội dung trong cương lĩnh chính trị. Trong đó, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Là người lãnh đạo, Đảng đề ra quan điểm, đường lối về Mặt trận; lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của Mặt trận; tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của Mặt trận; lãnh đạo thông qua đảng đoàn, các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong hệ thống Mặt trận. Là thành viên tích cực, Đảng tham gia xây dựng các chủ trương, chương trình hành động của Mặt trận và triển khai tổ chức thực hiện trong hệ thống của Đảng.
Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc, bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng được củng cố và mở rộng. Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận theo hướng tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi, tôn trọng và phát huy vai trò, tính độc lập về tổ chức, hoạt động sáng tạo của Mặt trận, thực hiện hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với đó, các chủ trương, chính sách của Mặt trận được Đảng thể chế hóa thành nghị quyết, chỉ thị để tổ chức triển khai thực hiện. Thực tế đã chứng minh, các chương trình hành động của Mặt trận được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc đều đạt được kết quả to lớn.
Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận ngang tầm với nhiệm vụ, trước hết người đứng đầu tổ chức Mặt trận các cấp phải là những người có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực và có vị trí cao trong tổ chức đảng. Đây là vấn đề hệ trọng có tác động lớn đến công tác xây dựng Đảng cần được nghiên cứu kỹ, đặt trong tổng thể yêu cầu về đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
4. Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, với mức bình quân giai đoạn 1991 - 2010 là 7,03%/năm và giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 6,08%/năm. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nước ta đã trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình (năm 2019 thu nhập bình quân 2.800 USD/người); đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm phát triển; phúc lợi xã hội được bảo đảm. Bên cạnh những thành tựu đó, quá trình đổi mới đất nước cũng bộc lộ những hạn chế, thách thức tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cơ cấu xã hội có sự biến đổi mạnh mẽ về cả số lượng, chất lượng các giai cấp, thành phần xã hội. Cùng với sự hình thành các nhóm xã hội vượt trội về thu nhập, mức sống, mức hưởng thụ văn hóa, địa vị kinh tế, chính trị và uy tín xã hội, là sự xuất hiện các nhóm yếu thế ở tất cả các giai cấp, tầng lớp, địa bàn. Cơ cấu tôn giáo, dân tộc cũng có sự thay đổi nhất định.
Các thế lực thù địch không từ các thủ đoạn thâm độc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng để tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn chống đối. Chúng thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm, lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Việc nhận diện đầy đủ những yếu tố thách thức nêu trên là cơ sở để xác định nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi các xung đột xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đây phải được xác định là một định hướng lớn trong nghiên cứu khoa học của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.
5. Hiểu dân không chỉ là nhiệm vụ, yêu cầu mà còn là tiền đề cho toàn bộ hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có biết được dân tâm, dân ý, dân nguyện, dân cầu thì mới có thể làm cho dân tin, dân theo. Chính điều này đã làm nên sức mạnh của tổ chức Mặt trận. Để hiểu dân, đòi hỏi Mặt trận phải thực sự hòa mình vào quần chúng nhân dân, tôn trọng, lắng nghe và làm cho dân nói lên tiếng nói của mình. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng và bức xúc của người dân không phải là một việc dễ dàng. Sự đa dạng về thành phần giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, lứa tuổi, giới tính, các điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa,... dẫn đến sự khác nhau về nhận thức, thái độ và hành vi giữa các cộng đồng người dân. Do vậy, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phải được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau.
Trong những năm qua, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, các tổ chức thành viên, các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, hoạt động tiếp công dân, các cuộc phối hợp tiếp xúc cử tri, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân, phản ánh trực tiếp của người dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng,... Từ đó, Mặt trận đã kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặc dù việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân được thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song để thực sự hiểu dân thì chỉ dừng lại ở công tác này là chưa đủ. Vì vậy, phải coi việc “sát dân”, “hiểu dân” là nền tảng, là phương châm để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian tới. Nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học là tổng kết hoạt động thực tiễn, xây dựng cở sở lý luận, hoàn thiện hệ thống phương pháp, kỹ năng, cơ chế, chính sách về công tác tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, góp ý của nhân dân. Đặc biệt coi trọng việc ứng dụng xã hội học, tâm lý học để nghiên cứu dư luận xã hội. Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống dữ liệu, phân tích, dự báo các xu hướng diễn biến tâm lý xã hội liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để kịp thời tiếp nhận các đóng góp ý kiến của người dân.
Không chỉ giúp người dân nói lên tiếng nói của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phải đưa tiếng nói đó đến với Đảng, Nhà nước; đôn đốc, thúc đẩy, giám sát việc giải quyết những góp ý, kiến nghị của người dân. Trong vấn đề này, công tác nghiên cứu khoa học cần xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật quy định về trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các cơ quan nhà nước đối với ý kiến góp ý, kiến nghị của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Những năm qua, việc nghiên cứu về từng khía cạnh trong các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nhiều đề tài tập trung giải quyết, song hầu như chưa có một công trình nào đi sâu tổng kết thực tiễn, khái quát thành hệ thống lý thuyết cho từng loại hình hoạt động của Mặt trận. Lỗ hổng này để lại nhiều câu hỏi về đặc trưng, ranh giới, dấu hiệu phân biệt giữa một số hoạt động của Mặt trận với các hoạt động có các dấu hiệu tương đồng về đối tượng, nội dung, phương pháp của các cơ quan Đảng, Nhà nước, như: công tác tuyên truyền, vận động, dân tộc, tôn giáo, kiều bào, tổ chức cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đối ngoại nhân dân,… Thiếu một khung lý thuyết cũng có nghĩa là thiếu cơ sở lý luận để xây dựng các kỹ năng nghiệp vụ. Chẳng hạn, nếu không trả lời được câu hỏi: cuộc vận động là gì, phong trào là gì, thì chúng ta sẽ không có cơ sở để xác định nội dung nào thì phát động phong trào, nội dung nào tổ chức cuộc vận động. Hoặc, nếu không xác định được đặc trưng, quy trình, các yếu tố tác động đến công tác tuyên truyền của Mặt trận thì không thể xây dựng được kỹ năng lập kế hoạch, huy động nguồn nhân lực, sử dụng các hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp. Thiếu hệ thống lý thuyết về công tác Mặt trận đã tác động trực tiếp đến chất lượng bồi dưỡng cán bộ. Các chuyên đề về công tác Mặt trận trong chương trình bồi dưỡng cán bộ hiện nay chủ yếu trình bày hệ thống quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở chính trị, pháp lý và nội dung cụ thể của từng lĩnh vực hoạt động. Do vậy, học viên chưa đạt được nhận thức sâu sắc và khó vận dụng kiến thức được học. Hơn nữa, điều học viên cần không phải là nội dung những văn bản đã được ban hành mà là tái nhận thức về những nội dung đó trên nền tảng tri thức lý luận và phương thức vận hành trong thực tiễn công tác. Khoảng trống này cần được lấp đầy trong định hướng nghiên cứu khoa học của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có phạm vi rất rộng. Điều này bắt nguồn từ nội hàm của khái niệm nhân dân. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, song cơ bản chúng ta hiểu nhân dân là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… đang sống trong một khu vực địa lý nhất định. Sự đa dạng, phong phú trong thành phần nhân dân đòi hỏi công tác Mặt trận phải được nghiên cứu, vận dụng phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Những nguyên tắc chung về tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo áp dụng với tôn giáo nào cũng đúng, nhưng chỉ có hiệu quả khi nó được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù của từng tôn giáo. Hoạt động Mặt trận thời gian qua cho thấy, việc vận dụng các nguyên tắc chung cho từng đối tượng chủ yếu vẫn được thực hiện bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, linh hoạt của cán bộ Mặt trận mà chưa có sự nghiên cứu bài bản, xây dựng hệ thống tri thức và kỹ năng nghiệp vụ. Đây là vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi các nhà khoa học sớm vào cuộc.
7. Nghiên cứu dự báo có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Dự báo các yếu tố tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến hoạt động thực thi quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, bao trùm trong công tác nghiên cứu dự báo. Đồng thời, đó cũng là cơ sở khoa học để đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng các chương trình hành động và định hướng phát triển của Mặt trận. Nghiên cứu dự báo phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, có hệ thống từ phân tích tình hình thế giới và trong nước, xu thế phát triển của nhân loại và tính đặc thù của Việt Nam, đến các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế,... Cần ứng dụng khoa học dự báo để xây dựng hệ thống cơ sở lý luận, phương pháp, mô hình, kỹ thuật phân tích dự báo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ khó và cần được xác định là một định hướng chiến lược đối với cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để hiện thực định hướng nghiên cứu trên trong bối cảnh các nguồn lực hạn chế như hiện nay thực sự là một thách thức lớn đối với cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một lộ trình và các giải pháp phù hợp, cộng với quyết tâm chính trị cao của Đảng đoàn, Ban Thường trực được xem là chìa khóa mở ra hướng phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian tới. Về lâu dài, việc thành lập Viện Khoa học Mặt trận là giải pháp căn cơ, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu ngày càng cao về tính chuyên nghiệp, hệ thống, bài bản trong nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, việc thành lập một tổ chức khoa học không thể thực hiện ngày một, ngày hai bằng quyết định hành chính, mà cần được chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về tổ chức, cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học, đặc biệt là nguồn nhân lực. Trong khi chưa có viện khoa học, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, trước hết là phát huy được đội ngũ cán bộ có năng lực tổ chức nghiên cứu trong cơ quan, những chuyên gia, nhà khoa học trong các hội đồng tư vấn. Liên kết với tổ chức khoa học có chức năng phù hợp để triển khai các đề tài đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên môn sâu và những phương pháp nghiên cứu khoa học đặc thù là phương án hợp lý và khả thi hiện nay. Nó không chỉ huy động được các nguồn lực bên ngoài cơ quan cho công tác nghiên cứu mà còn thông qua hợp tác để học hỏi kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học. Cuối cùng là hoàn thiện hệ thống văn bản, đổi mới công tác quản lý khoa học của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng hiệu quả, thiết thực.
Chú thích:
1. Trong thời gian từ tháng 4/1968 đến tháng 2/1977, ở nước ta có 3 tổ chức Mặt trận cùng tồn tại: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở miền Nam.
Chu Văn Khánh
ThS, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam