V.I.Lênin, Hồ Chí Minh và chuyện dân chủ hóa báo chí hôm nay

Ngày nay, báo chí nước ta đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả đội ngũ lẫn loại hình, đặc biệt là các loại hình báo chí hiện đại gắn liền với công nghệ số và Internet, nhưng có một vấn đề trong sáng tạo và tiếp nhận báo chí tưởng như bất biến, đó là dân chủ hóa thông tin.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962). (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)
V.I. Lênin là nhà báo vĩ đại - một người làm báo thực thụ với nhiều cương vị khác nhau: là Tổng biên tập báo Người vô sảnĐổi mới; là thành viên của nhiều tờ báo; là người quan tâm rất mực đến việc làm thế nào để in ấn, phát hành rộng rãi báo chí giá rẻ đến với công nhân, binh lính và nông dân. Một trong những tư tưởng lớn của Lênin về báo chí được Hồ Chí Minh thường dẫn lại với báo giới Việt Nam là: “Tờ báo là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể”. Trong những điều kiện lịch sử của thời kỳ kinh tế mới (NEP) một câu hỏi được đặt ra bức thiết cho chính quyền Xô viết trên nhiều bình diện, trong đó có báo chí, được Lênin nêu lên: “Chúng ta thiếu gì?” và vị lãnh tụ cách mạng trả lời: “Tính văn hóa. Sự hiểu biết quản lý...”. Vậy tính văn hóa trong báo chí nằm ở đâu? Trước hết là ở quá trình dân chủ hóa báo chí đối với toàn dân.

Ngày nay báo chí đã trở thành nơi hội tụ một khối lượng khổng lồ những kiến thức, những thông tin có giá trị trong xã hội đang làm giàu trí tuệ loài người, trực tiếp tham gia vào sản xuất cho xã hội. Ở bất cứ nước nào cũng vậy, báo chí là một biểu hiện vừa cập nhật, vừa bền vững của văn hóa dân tộc, là tài sản tinh thần của toàn dân. Tri thức trên báo chí là cội nguồn có tính chất dân chủ hơn cả. Nếu biết định hướng đúng thì ngay cả “sự thật thấp hèn”, sự thật màu xám cũng có giá trị phản biện hơn “sự giả dối cao thượng”, sự thổi phồng thành tích. Khi nói sự hiểu biết quản lý, trong đó có quản lý báo chí, thì ngoài các công cụ quản lý như việc hoạch định chiến lược báo chí, chính sách, luật báo chí và các luật hữu quan.v.v.. còn tính đến sự ủng hộ của công chúng. Muốn được sự ủng hộ của công chúng thì chí ít phải chú ý hai khâu khó nhất trong quản lý. Đó là: quản lý cái vô hình ở công chúng (tâm trạng, tâm lý, tình cảm, nguyện vọng...) và quản lý chất lượng báo chí tức là việc phát hiện cái mới, cái sáng tạo, cái nhạy cảm của nhân dân. Người tốt, việc tốt, người mới, việc mới được Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1958 là một hiện tượng mới; nó không phải là khẩu hiệu treo tường mà là một triết lý nhân sinh, mang tính nhân văn.

Tuyên truyền chưa đủ, phải biết tổ chức, hướng dẫn về mặt thực tiễn. Nhiều nghị quyết của Đảng, trong đó có những nghị quyết về xây dựng, phát huy đời sống văn hóa, dân chủ đã đi vào mọi “ngõ ngách” của cuộc sống; có những phong trào, tiêu biểu như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được người dân quan tâm, chủ động tham gia thực hiện chính là bắt nguồn từ cái đúng của chủ trương phù hợp với tâm trạng xã hội, muốn có đời sống tinh thần ổn định và phong phú hơn. Trái lại, lễ hội vốn là một biểu hiện văn hóa hỗn dung giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời để tôn vinh các giá trị truyền thống ngưỡng vọng hồn thiêng sông núi, khí phách của các bậc anh hùng, nhưng ở nhiều nơi đã bị thương mại hóa là do nhận thức hời hợt, tổ chức yếu kém, quản lý buông lỏng... Trong những cái được và chưa được từ những ví dụ nêu trên, đều có vai trò hoặc “đúng tầm đúng hướng” hoặc “coi nhẹ buông lỏng” trong tuyên truyền, phản ánh, giáo dục, định hướng văn hóa của báo chí.

Nói đến tính văn hóa trong báo chí, Lênin nói ngay đến văn hóa chính trị tức là tính văn hóa của toàn dân. Mục đích của văn hóa chính trị, của giáo dục chính trị là rèn luyện những người cộng sản chân chính chiến thắng cái giả dối, những thành kiến giúp nhân dân lao động chiến thắng trật tự cũ - những cái cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời. Muốn vậy, trên báo chí, theo Lênin hãy bớt “nói huyên thuyên về chính trị”(1), hãy bớt “bàn suông, tán nhảm về chính trị”, hãy bớt “những nghị luận kiểu trí thức”, hãy gần đời sống hơn nữa, hãy nói thêm về kinh tế, về văn hóa buôn bán, văn hóa lao động, văn hóa ứng xử. Chính trị trên báo chí mà Lênin không thiện cảm là loại chính trị “nói mà không làm”, thường lặp đi lặp lại ở một số thuật ngữ cũ mèm, sáo mòn, với giọng hành chính, quan liêu, thiếu sức sống của cây đời. Thật đúng chỗ khi nhắc đến báo giới, Hồ Chí Minh đã gặp Lênin ở quan niệm tính văn hóa của báo chí. Là một nhà báo vĩ đại với hàng vạn bài báo (từ một số bài viết về thuộc địa Pháp), Hồ Chí Minh chỉ có một đề tài duy nhất: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay từ sớm, người đã rất quan tâm đến tính đa dạng của cách viết, của phương thức diễn đạt, bởi báo chí cách mạng là diễn đàn của nhân dân, ở Đảng không có sự ban ơn, mà là cuộc đối thoại giữa người viết với người đọc. Có khi đề tài là đúng, nội dung không sai, nhưng cách thực hiện nhàm chán, tầm thường... dễ dẫn đến sự thờ ơ của bạn đọc. Năm 1959, tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, sau khi nhấn mạnh người làm báo phải lấy chính trị là chủ, Hồ Chí Minh chỉ ra hai khuyết tật lớn của báo chí: Một là, “Viết về chính trị thì khô khan, rập khuôn”(2), phải viết cho văn chương người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc. Hai là, bệnh nói chữ, bệnh dùng chữ nước ngoài quá nhiều làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. Người cũng rất quan tâm đến việc cải tiến chữ quốc ngữ và tiếng Việt, đặc biệt trên báo chí, văn chương. Người dặn hai điều cần tránh là tránh “bám theo lối sống các ông hàn lâm cãi nhau mà không giải quyết được gì”, “đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lúc đầu cũng lạ”. Đó là bài học về tầm nhìn văn hóa khoáng đạt cho giới văn nghệ sĩ và báo giới hôm nay.

Dân chủ hóa trong quá trình đưa tin, xử lý thông tin nhằm phục vụ đại đa số nhân dân. Cả Lênin và Hồ Chí Minh đều gặp nhau ở một điểm. Lênin nói, đối với công nhân, binh lính, nông dân thì phải “cố gắng làm sao cho sách bán được, phát không cho các thư viện, các phòng đọc sách để phục vụ người đọc trong cả nước, Sách được in với giá rẻ, số lượng lớn”. Còn đối với “những tên quan liêu Xô viết, nhưng kẻ đang mượn nhiều cớ khác nhau để chiếm hữu báo chí, thì phải giảm bớt phần báo của họ, chứ như hiện nay có tới 600.000 tờ bị chiếm đoạt vô ích, phung phí”. Chủ nghĩa quan liêu trong bộ máy nhà nước Xô viết là hiện tượng chính trị thiếu văn hóa sinh ra do hậu quả của sự tha hóa quyền lực, ngay cả trong lĩnh vực báo chí. Ở Hồ Chí Minh, khi nói tới sự sáng tạo của văn nghệ sĩ và của nhà báo, Người thường nêu hai câu hỏi Viết cho ai? Và viết để làm gì? Câu trả lời không hoàn toàn khó. Đó là nhân dân và phục vụ cách mạng, nâng cao trình độ dân trí cho hàng chục triệu người, một hình thức dân chủ hóa trực tiếp bằng tri thức, trí tuệ. Có điều khi làm thì không phải tờ báo nào cũng thực hiện tốt, nhất là khâu phát hành, khâu công tác bạn đọc, việc tìm hiểu thị hiếu đa dạng của người đọc, người nghe. Người dặn: “Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem”; “Giá tiền bán cũng cần phải đúng mức”. Còn về cách viết thì tránh lăng nhăng “tràng giang đại hải”, “chớ ham dùng nhiều chữ”. Viết ngắn, viết dễ hiểu mà Hồ Chí Minh nhắc không có nghĩa là tầm thường hóa nội dung, làm mất đi sự sâu sắc, giàu trí tuệ. Trái lại, Người muốn cảnh báo, ngăn ngừa cách viết cốt để khoe chữ, cố tình phức tạp hóa những vấn đề vốn đơn giản. Đó là bài học cho hôm nay, bởi có một số người cầm bút trẻ nông nổi nghĩ rằng “thơ của tôi không dành cho bạn” hoặc thảm hại hơn là do nội lực văn hóa yếu nên dễ tắc tị, rối loạn ngôn ngữ và bóp méo hình tượng. Thực chất của hiện tượng trên là do họ thoát ly đời sống, hẫng hụt lý tưởng, thậm chí vô cảm trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Nói dân chủ hóa trong hoạt động báo chí, không thể quên những điều dạy của Hồ Chí Minh. Người thường khuyên các cán bộ giúp việc ba điều khi đọc sách, xem báo: Có cái gì để học, để giáo dục người đọc không? Phải có tính lôgích của vấn đề nêu ra; phải tôn trọng sự thật, nhất là tính chính xác của sự kiện.

Cách đây khoảng 20 năm, trong một lần đến thăm đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, chúng tôi được bác Kỳ kể lại mẩu chuyện nhỏ để chứng minh một số sự việc của báo nêu chưa thật lôgích và thiếu chính xác. Có tờ báo viết, đại ý: Một hôm, có chú lính bảo vệ khu nhà sàn nơi Bác Hồ ở, bị rơi xuống hố. Nghe tiếng động Bác hỏi và biết sự việc không may, Bác chạy xuống cầu thang, chân đi guốc, chân không, bóp tay, chân cho người lính, hỏi han chuyện vừa xảy ra và nói: Bác gác thay cho chú...

Đọc đoạn nội dung trên của bài báo, Bác Hồ ngạc nhiên hỏi người xung quanh: Chú lính gác là để bảo vệ Bác, còn Bác thì phải bảo vệ ai? Chả lẽ bảo vệ cái nhà sàn à? Như vậy là thiếu lôgích!

Nhiều lần Bác nhắc cán bộ giúp việc là không nên thần thánh hóa Bác, bởi Bác cũng là con người bình thường; nhưng cũng cần tránh tầm thường hóa khi “cường điệu” quá về những sinh hoạt thường ngày của Người, chẳng hạn như việc Bác ăn cơm nguội, hay Bác thường ăn cơm với cà, cá kho xứ Nghệ.v.v.. có lẽ nói Bác thích thì chính xác hơn.

Ngày nay, báo chí nước ta đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả đội ngũ lẫn loại hình, đặc biệt là các loại hình báo chí hiện đại gắn liền với công nghệ số và Internet, nhưng có một vấn đề trong sáng tạo và tiếp nhận báo chí tưởng như bất biến, đó là dân chủ hóa thông tin. Nhiệm vụ của báo chí là tạo ra số lượng người đọc, người nghe, người xem được thông tin nhiều. Họ được thông tin sẽ tạo ra nền dân chủ thực sự. Ngay cả trong những chừng mực nhất định, “liều lượng phù hợp”, đúng định hướng  thì những thông tin xấu, thông tin tiêu cực được đưa đúng cách cũng có tính phản biện, góp phần bổ sung, minh họa, làm nổi bật cái tốt, cái đẹp, cái tích cực. Một khi thiếu thông tin, người dân sẽ “cầu viện” đến những “vùng tối tâm linh”, chạy theo “miền hoang dại” của siêu thực, tin theo “những lý lẽ phản động”, thậm chí khủng hoảng niềm tin. Như vậy thật có hại. Bưng bít thông tin, che giấu sự thật, dù bất cứ dạng nào cũng là hành vi phản dân chủ, là cách đánh tráo nhận thức./.

Theo GS. Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh/Tạp chí Tuyên giáo
________________

(1) Những câu của Lênin đặt trong ngoặc kép từ đây trở đi đều trích dẫn từ cuốn Lênin bàn về vấn đề báo chí, Nxb. Sự thật, H, 1970, các trang 225 - 228, 259, 261.

(2) Những câu của Hồ Chí Minh đặt trong ngoặc kép từ đây trở đi đều trích dẫn từ cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập văn học, Nxb. Văn học, H, 1995, các trang 280, 287, 458, 284.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều