Tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội thăm cây đa tại thị đội Quảng Trị. Ảnh: Báo Tin tức
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông từng trồng 367 cây trải dài từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, có 7 “cây đồng đội” ông trồng tại Quảng Trị để tưởng nhớ đến những người anh em, đồng đội, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường.
Cây Đa trồng ở Thành Đội Quảng Trị
Năm 1977, Anh hùng quân Giải phóng Nguyễn Huy Hiệu được cử đi trong Đoàn của Việt Nam để thăm và cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Tướng Hiệu cùng phái đoàn Việt Nam sang thăm Cách mạng Xanh Ấn Độ. Trong một cuộc gặp gỡ giữa đoàn Việt Nam, bà Grandi tặng mỗi đại biểu một loại cây. Có người nhận cây hồng, cây hoa cúc, riêng ông chọn cây Đa, cao khoảng 20cm.
Trở về Việt Nam, ông trồng ở trong khuôn viên vườn của gia đình, tưới tắm và chăm sóc cẩn thận. Sau một thời gian cây cứng cáp hơn, ông mang về trồng ở Thành Đội Quảng Trị. Khi được hỏi về lý do chọn cây Đa và chọn vị trí trồng cây, ông cho biết: “Cây Đa biểu tượng cho sự trường tồn, có sức sống hàng trăm năm. Hôm nay chỉ là trồng một cây nhỏ bé, nhưng mai sau cây sẽ cho bóng xum xuê, giang cành, xoè lá toả bóng mát một khoảng không gian rộng. Trong tâm linh người Việt, cây Đa tôn vẻ cổ kính thiêng liêng, gắn bó với làng quê bao đời. Tại đây, ở nơi mà trước đó bị quân Mỹ tàn phá màu xanh. Thành cổ có rất nhiều chiến sỹ, đồng bào hy sinh trong các trận chiến với giặc. Vì thế, có gì thích hợp hơn là trồng cây Đa, tại chính nơi mà đồng đội của tôi đã ngã xuống”.
Kể từ ngày đó, cây Đa được bà con làng xóm gần đó chăm chút ra cành lá xum xuê. Mỗi lần các cựu chiến binh về đây thăm Thành cổ cũng đều ghé thăm cây Đa, thắp nén nhang như một sự tưởng niệm đồng chí của mình đã ngã xuống. Có một nhà sư ở Huế qua đây thấy được vẻ đẹp của cây, bèn cho khắc nội dung: Cây do tướng Hiệu trồng năm 1977. Cây được bà Grandi tặng trong Cách mạng Xanh.
Trong một sự kiện di dời trạm xá của phân viện và Thành đội, người ta thuê người xê dịch trạm xá ra khoảng 4m, bất ngờ phát hiện ra hài cốt của 4 liệt sỹ ở gần gốc cây Đa. Tiếng đồn vang xa về sự linh thiêng của cây. Họ xem đó là cây huyền thoại, là nơi trú ngụ linh hồn của các liệt sỹ. Kể từ đó, mọi người có vẻ e dè với cây hơn. Tuy nhiên, cây Đa cứ ngày một xanh tốt, cổ thụ và vô cùng đẹp mắt. Sau này người ta lập bát hương lớn, bất cứ ai đi vào Thành cổ Quảng Trị cũng đều qua đây.
Tôi thắc mắc về điều này thì được tướng Hiệu cho biết “Mọi người đừng sợ. Các chiến sỹ của ta rất lành. Họ là những người con của đồng bào, hy sinh cho Tổ quốc thì sẽ không bao giờ có ý làm hại ai. Chỉ cần thắp nén nhang, khấn vài lời chân thành thì mọi chuyện sẽ bình an”.
Đoạn ông quay sang tôi, giọng ông trầm xuống, nghẹn lại: “Với tôi, mỗi khi có dịp về đây, tôi lại thấy vô vàn thân thương như được sống lại tháng ngày cùng bao đồng đội hành quân, chiến đấu. Bao nhiêu ký ức dội về. Bên ta chiến đấu quật cường đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, chúng buộc phải lùi bước nhưng phía ta cũng hy sinh, mất mát lớn. Hàng ngàn chiến sỹ đã ngã xuống, chỉ riêng chiến sỹ hy sinh mà tôi chứng kiến lên đến con số hàng trăm, có người được chính tôi và đồng đội băng bó rồi đau xót đem đi mai táng. Thương lắm!…”. Tôi bị cuốn vào dòng chảy xúc động cùng ông, rồi lặng đi một lúc, tôi chuyển chủ đề để xua đi dòng nước mắt “Vâng, dẫu thế nào chăng nữa, tất cả chỉ nhằm mục đích tôn trọng và bảo tồn cây”.
Cây Bồ đề trồng ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, Quảng Trị
Năm 2003, tướng Hiệu dẫn đoàn của Bộ Quốc phòng sang thăm Ấn Độ. Trong chuyến đi đó có sự kiện thăm chùa Phật tổ. Tại đây, nguyện vọng của ông là xin cây Bồ đề mang về Việt Nam. Một vị sư đón tiếp nói: “Theo phong tục, phải gặp sư trụ trì để sư quyết định”.
Ông kể, lúc bấy giờ ông không mặc quân phục, mà mặc thường phục. Sau khi người phiên dịch giới thiệu và nói với nhà sư trụ trì ý nguyện của ông. Sư trụ trì dừng lại một hồi, quan sát rất nhanh tổng thể, sau đó nhìn thẳng vào mắt ông, nói rằng: “Ngài có tâm Phật!”. Dừng lại mấy giây ngạc nhiên, ông chắp tay, xin lĩnh hội lời nhận xét ấy. Khi ra về, nhà sư nói: “Cho ta gửi lá Bồ đề và sách Phật về kính tặng tướng Giáp”, đoạn sư ra hiệu đồng ý chấp thuận lời ước nguyện xin cây Bồ đề.
Trở về Việt Nam, tướng Hiệu ươm cây tại vườn. Khi ấy, cây chỉ cao độ 20cm. Sau một thời gian chăm sóc tại vườn nhà, ông mang cây tới trồng ở Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 ở tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông kể: “Khi cúi xuống đào những nhát đất, tôi khấn thầm “Thưa đồng đội, thưa chiến sỹ, thưa đồng bào! Tôi chắp tay thành tâm trước tất cả. Bây giờ đất nước hòa bình, tôi may mắn còn sống, các đồng chí không may ngã xuống. Vì đất nước hy sinh, vì Nhân dân phục vụ. Nay tôi trồng cây Bồ đề này xem đó là sự tri ân đồng đội. Xin mọi người hãy an nghỉ! Chúng tôi những người còn sống không bao giờ quên sự hy sinh của đồng đội, đồng chí, đồng bào”.
Sau khi trồng xong, ông có nhờ cán bộ địa phương rào xung quanh bằng tre nứa để bảo vệ. Tỉnh cho làm biển “Cây Bồ đề thỉnh từ Ấn Độ năm 2003 do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng”. Năm tháng trôi qua, cây Bồ đề lớn nhanh và từ lúc nào chẳng hay, người ta cũng lại dấy lên tin đồn “đêm đêm có nhiều chiến sỹ rủ nhau về đây thăm”.
Tôi lại gặng hỏi ông, với vẻ mặt hơi nghiêm, ông quay sang nghẹn ngào: “Một lần về thăm, vẫn tâm trạng nhớ thương đồng đội, tôi khấn mộc mạc: Anh em ơi, tôi đến thăm anh em đây. Đất nước ta hòa bình rồi. Bà con làng xóm và đồng đội không ai quên anh em đâu. An tâm yên nghỉ, siêu thoát nhé! - Dứt lời, nắm hương trong tay tôi cháy bùng bùng…”.
Phải chăng lời khấn như chạm đến sự rung động của những người đã khuất, cơn gió thoảng nhẹ nhàng du dương từ cây phát ra. Sau này, mỗi lần về đây, đứng trước cây Bồ đề này, ông không quên thầm nhắc lại kỷ niệm của một thời máu lửa.
Cây Đa búp đỏ trồng ở Gia Bình, Gio Linh, Quảng Trị
Ngày đó, cây Đa góc làng Gia Bình có một giai thoại bi hùng. Truyện kể rằng, nơi đây có hàng trăm đồng đội đã nằm lại. Tiêu biểu là sự hi sinh anh dũng của liệt sỹ Cao Như Thiêm. Trong trận đánh ngày 26/3/1968, Cao Như Thiêm bắn đến viên đạn cuối cùng và sa vào tay địch. Sau khi tra khảo dụ dỗ không được, giặc Mỹ đã cột anh vào gốc Đa Gia Bình và xả đạn. Trước lúc ngã xuống, anh lấy hết sức mình hô vang: “Đảng Lao động muôn năm, Bác Hồ muôn năm”. Giặc bắn chết và đốt xác ngay dưới gốc cây. Sau này, chiến sỹ Cao Như Thiêm được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng.
Vào một ngày đầu Xuân năm 1996, tướng Hiệu cùng một số đồng đội đi quanh gò đất phía Bắc làng Gia Bình để tìm kiếm cây Đa cổ thụ năm xưa, nhưng lúc ấy chỉ còn lơ thơ cây dại... Năm đó, ông là Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu Trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về thăm lại chiến trường xưa, thăm cây Đa ở nơi chứng kiến sử làng. Tướng Hiệu trầm ngâm: “Máu và xương đồng đội hòa vào mảnh đất kiên cường này, ký ức đậm sâu đã khiến chúng tôi cứ vào dịp 27/7 là tìm về chiến trường xưa để thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại vùng đất này. Cây Đa cổ thụ ở góc làng Gia Bình năm xưa khắc vào tâm khảm những chiến sỹ của Trung đoàn chúng tôi với hoài niệm bi tráng của những trận đánh sau mùa Xuân Mậu Thân. Chính vì vậy tôi đau xót khi cây mất đi”.
Vào năm 1996, ông đã mang một cây Đa búp đỏ đến trồng tại đây thay thế cho cây Đa Gia Bình năm xưa. Mục đích của ông là khôi phục dấu ấn, tưởng nhớ câu chuyện bi hùng, tri ân những người chiến sỹ một thời cùng ông sát cánh chiến đấu, đồng cam cộng khổ và thân xác đã hòa vào với đất, với nước của Quảng Trị anh hùng.
Cây Bồ đề trồng ở Thành cổ Quảng Trị
Lần thứ 2 sang Ấn Độ, nhà chùa tặng tiếp cây Bồ đề nho nhỏ. Tướng Hiệu mang về Việt Nam và cũng giống như lần trước, ông nâng niu gìn giữ và ươm tại vườn nhà. Đợi cây cứng cáp, ông có ý định trồng ở một nơi mà trái tim ông nghĩ về.
Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Từ năm 1970 - 1972, có tới hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội phải xếp nghiên bút để lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng... Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Họ hầu hết đều là những người con ưu tú, có ước mơ được trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo... Nhưng đất nước có chiến tranh, hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng và thực hiện lệnh Tổng động viên, họ không ngần ngại cầm súng ra chiến trường chiến đấu. Sinh viên lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Có biết bao con người đã ngã xuống gần ngày, thậm chí gần giờ giải phóng.
Nghẹn đi một hồi lâu, tôi cảm nhận sự xúc động mạnh trong lời kể của vị tướng: "Tôi trồng cây Bồ đề ở Thành cổ Quảng Trị, bên cạnh bia sinh viên là để ghi công những người thầy, sinh viên từng phải rời bỏ ước mơ để ra chiến trận. Họ đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Máu xương của họ là một phần trầm tích sâu dày Quảng Trị. Lịch sử không bao giờ quên những đóng góp của họ vào chiến thắng dân tộc. Ngày nay, tinh thần bất khuất đó chính là tấm gương sáng cho tầng lớp tri thức thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Cây Đa trồng ở Cao điểm 31, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị
Đầu năm 1968, sau khi bị quân ta giáng đòn đau ở Huổi San - Tà Mây, cứ điểm Làng Vây bị đánh và sân bay Tà Cơn bị khống chế, buộc địch phải sinh tử dựa vào con đường vận chuyển tiếp tế hậu cần từ cảng Cửa Việt. Đến mùa Thu, địch âm mưu mở một chiến dịch càn quét ra bờ Nam sông Bến Hải. Trung đội 6 được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 21, tiêu hao sinh lực địch ở điểm cao 31 đối diện.
Cay cú vì bị bắn tỉa chết nhiều, địch điên cuồng tìm cách xóa sổ lực lượng của ta. Chúng đổ bộ hai đại đội bộ binh Mỹ từ điểm cao 31 tấn công điểm cao 21. Trung đội 4 chiến đấu dũng cảm, địch bị thiệt hại nặng nề.
Chúng quay ra, đồng loạt nã ĐKZ và cho xe tăng càn lên. Trung đội 6 với những chiến sỹ quả cảm, lao lên từ các hầm cát, bắn B41, quăng thủ pháo, điểm xạ AK giáng trả quân địch. Nhưng với lực lượng quân địch trang bị xe tăng thiết giáp, còn lực lượng chiến sĩ ta quá mỏng, xe tăng địch quần nát toàn bộ công sự.
Để tưởng nhớ sự hy sinh ấy, vào năm 2010, tướng Hiệu đã lập đền thờ và trồng cây Đa ở Cao điểm 31, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. Đồi cát trắng là nơi rất khó trồng cây nhưng cây Đa ông trồng lại xanh tốt. Người ta lại truyền nhau “Cây Đa ấy thiêng lắm!”. Họ đồn đại rằng tại nơi mà có cây xanh tốt thì ở dưới là những xương cốt của chiến sỹ.
Mỗi khi có dịp là ông cùng đồng đội tìm về đây thắp nén nhang tưởng niệm sự kiện năm xưa. Bất cứ lúc nào nhắc đến đồng đội, giọng của vị tướng như chậm lại, ánh mắt rực sáng “Ký ức như mới hôm qua, chiến tranh thật thảm khốc, sự sống chỉ tày trong gang tấc, biết bao đồng đội vừa mới đây thôi mà tích tắc đã rời xa vĩnh viễn”. Giọng ông đanh thép nhưng nghẹn ngào như đẩy ngược vào trong hàng nước mắt trên khuôn mặt phúc hậu. Thế nhưng, tôi vẫn cảm nhận được những thương nhớ đồng đội của vị tướng này.
Cây Đa trồng ở Cao điểm 82, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị
Vào buổi sáng ngày 1/7/1967, trực thăng bay rợp trời Nam giới tuyến. Chúng đổ quân xuống Cao điểm 82 Gio An. Chiều ngày 1/7, quân địch phát hiện thấy quân giải phóng trên Cao điểm 82. Ngày hôm sau, trực thăng nối nhau kéo đến Cao điểm 82, đổ xuống hai tiểu đoàn lính Mỹ. Tại đây, tiểu đoàn quân giải phóng xông lên đánh giáp lá cà, tinh thần chiến đấu của lính Mỹ đã hoàn toàn tê liệt. Phía ta nhanh chóng làm chủ trận địa, bắt sống 46 tù binh. Đưa tù binh về điểm tập kết đã chuẩn bị sẵn ở An Xuân, An Hướng. Vừa xuống hầm thì máy bay bay tới. Chúng ném bom nhằm hủy diệt dấu vết còn lại của thất bại Gio An. Trận Gio An, hai tiểu đoàn lính Mỹ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trung Đoàn 812, Sư đoàn 324 của ta đã áp dụng phương pháp tác chiến và giành thắng lợi lẫy lừng.
Sau những chiến công lừng lẫy ở Gio An của quân dân Quảng Trị, Nhân dân khắp hai miền Nam - Bắc được nghe những ca khúc vừa trữ tình vừa hùng tráng, “Tiếng đàn Ta lư” ra đời có xuất xứ từ đó. Trong đó, có một đoạn viết về Gio An: "Từ Gio An vọng tới, rừng núi ta ơi cất tiếng ca vang lừng núi rừng mừng thắng trận Gio An".
Kể đến đây, mắt ông sáng rực, mặt hồng hào, miệng tươi cười. Phải chăng ông đang được sống lại thời khắc huy hoàng, chiến thắng tuyệt vời của toàn quân và dân. Tôi nhìn thấy ở ông, lúc này là hình ảnh của anh chiến sỹ xông pha, đạp trên súng đạn gian nan khổ ải, một lòng quyết thắng.
Tuy nhiên, vị tướng ngừng một lát, rồi tiếp: “Để có được chiến thắng lẫy lừng ấy, biết bao chiến sỹ hy sinh vô danh, biết bao bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố”. Năm 2012, một trong những hoạt động tri ân những người chiến sỹ đã ngã xuống, ông đã trồng cây Đa tại Cao điểm 82, Giao Linh, Quảng Trị. Tại đây, ông cũng không quên cầu khấn cho linh hồn những người đã khuất an nghỉ trong hòa bình và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình.
Cây Sala trồng ở chùa Gio An, Quảng Trị
Hồi ấy, ngôi chùa Gio An ở Quảng Trị bị bom Mỹ làm hư hại, đổ nát. Trong một lần viếng thăm chùa, tướng Hiệu rất đau xót và thầm nhủ “phải làm gì đó để giúp nhà chùa có được ngôi chùa mới?”. Trở về nhà, ông đau đáu trăn trở, tìm cách. Sau nhiều ngày cân nhắc, ông huy động các mạnh thường quân xây lại ngôi chùa từng bị bom Mỹ vùi dập. May mắn thay, lời kêu gọi của ông được đáp lại, ông cùng với nhiều người bạn hảo tâm góp công của xây dựng ngôi chùa trong 3 năm.
Ngôi chùa xây xong, ông lựa chọn cây Sala để trồng tại đây. Đối với Phật giáo, hoa Sala biểu trưng cho sự thấu hiểu, nhìn nhận cuộc sống với cái nhìn thuần khiết. Ông muốn trồng cây Sala ở đây với hy vọng mọi người sống chan hòa, vô ưu, hướng thiện. Trồng cây Sala để nhắc người ta tìm về bản tính hiền lành và yêu thương hết thảy.
Sala ngày nào nhỏ bé giờ đã to lớn. Cây có nhiều đợt hoa. Sư cô Tuệ Phương là người biết rõ mọi chuyện, cho biết: “Tướng Hiệu là người có công lao lớn trong việc xây dựng ngôi chùa này. Cây Sala ngày nào nhỏ bé, giờ đã rất cao lớn rồi”.
Đó là 7 cây mà tướng Hiệu đã trồng để tri ân đồng đội tại Quảng Trị. Mỗi khi có dịp về Quảng Trị, bao giờ ông cũng dành thời gian qua trở lại nơi đây, thắp nén nhang, khấn câu nôm na, tưởng nhớ những người đồng đội, đồng bào một thời oanh liệt.
Trong thời chiến thì luôn thương đồng đội, đồng chí. Trong thời bình thì luôn đau đáu làm gì đó cho “những người anh em” đã ngã xuống. Từ những việc nho nhỏ như trồng một cái cây cho tới xây một ngôi đền, tượng đài… dường như chưa một phút giây người lính ấy thôi ngừng nhớ nhung đồng đội, đồng chí, đồng bào của một thời thiên sử ca.
Nhà văn Khánh Phương