|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Anh hùng Núp ra Bắc. Ảnh: Tư liệu
|
Tôi được biết ông qua “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Nhưng thực sự “tay bắt, mặt mừng” cùng nhau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Hơn 20 năm cùng sinh hoạt trong Mặt trận Trung ương, đặc biệt là hơn 3 tháng “tháp tùng” Chủ tịch Hoàng Quốc Việt “nằm vùng” trên Tây Nguyên để vận động đồng bào dân tộc chống Fulro theo phân công của Trung ương Đảng vào năm 1977, được “cùng ăn, cùng ở, cùng công tác” với Đinh Núp, chúng tôi hiểu biết ông nhiều hơn so với những gì đã thu hoạch được qua “Đất nước đứng lên”.
Đinh Núp sinh ngày 2/5/1914 tại làng Sơtơr, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai - một tỉnh Tây Nguyên sớm có phong trào yêu nước. Hưởng ứng phong trào N’Trang Long, trong những năm 1930-1935, đồng bào các dân tộc Gia Lai nổi dậy chống các cuộc hành quân chinh phục của Pháp, chống sưu cao, thuế nặng liên tiếp xảy ra. Nhiều nơi, đồng bào nổi dậy, tổ chức bố phòng cắm chông, đặt bẫy, lập chướng ngại vật trên các tuyến đường, thành lập những tổ phục kích, tiến công các cuộc hành quân đàn áp của địch, cắt phá các đường dây điện thoại làm gián đoạn thông tin của địch. Song, như Đinh Núp từng kể lại: “Do lực lượng của địch đông, quá mạnh, nhiều vũ khí nên dân ta bị bắt, bị giết khá nhiều. Hơn nữa, thời đó chưa có Đảng, phong trào là do căm thù giặc mà tự phát”.
Không chịu nổi cảnh áp bức của thực dân Pháp, năm 1935 trong một lần quân Pháp về làng bắt phu, dân làng kéo nhau trốn vào rừng, một mình Núp ở lại dùng nỏ bắn Pháp bị thương để chứng minh với dân làng là: “Với tinh thần thượng võ, đồng bào ta từ già đến trẻ đều thạo cung tên, đi đâu cũng mang vũ khí theo người để săn bắn thú rừng đã trở thành tập quán truyền thống của buôn làng. Bà con ta lại thạo các loại vũ khí thô sơ, bắn cung ná, đào hầm, gài bẫy để chống thú dữ và chống kẻ thù xâm nhập vào lãnh thổ cư trú của mình. Nếu ta trụ lại ở buôn làng, cùng nhau hợp lực thì ta sẽ thắng”.
Và Núp đã làm đúng như vậy. Ông tổ chức rào làng chiến đấu, tự tạo vũ khi để giết giặc, đào hầm để tránh đạn pháo địch, đặt chông để ngăn cản bước tiến của kẻ thù.
Năm 1945, Núp tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Từ đấy, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ông vận động đồng bào thành lập các tổ du kích, xây dựng buôn, làng chiến đấu chống những cuộc càn quét của quân viễn chinh Pháp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Trong chiến đấu, tình yêu đôi lứa nảy nở, theo phong tục của người Bana, H'Liêu đã xin cưới Núp làm chồng và đã sinh cho anh một cậu con trai tên là H'Ruk. H'Liêu chết sớm, dòng họ bên vợ đã làm lễ “nối dây” với người em gái của H’ruk là Ch’ro lúc ấy mới 13 tuổi.
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, Núp phải cùng cậu con nhỏ ra Bắc. Cảnh “gà trống nuôi con” gặp biết bao khó khăn. Ông kể lại: “Đó là những năm tháng vất vả nhất trong đời tôi. Ngày học tập khi là bổ túc văn hóa, lúc là bồi dưỡng chính trị; khi kể lại hoạt động quân sự của mình để Ban Tổng kết chiến tranh ghi lại. Con tôi những năm đó hầu như cả ngày sống trong nhà trẻ, mẫu giáo của quân đội”.
Cuộc sống “gà trống nuôi con” của người anh hùng nổi tiếng đất nước thời đó đã lay động trái tim người đẹp - chị H'Ben - nữ văn công đoàn Tây Nguyên trên đất Bắc. Và hai người cùng quê kết thành vợ, thành chồng và giúp Đinh Núp nuôi đứa con của người vợ quá cố là cháu H’Muk.
Năm 1955, tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, Đinh Núp được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bản báo cáo của anh được đại biểu đánh giá cao và được coi là “mở đầu cho ý tưởng bám trụ, một tấc không đi, một ly không dời”.
Năm 1963, theo yêu cầu của chiến trường, Bộ Quốc phòng điều anh trở lại Tây Nguyên. Hơn 4 tháng trèo đèo, lội suối vượt Trường Sơn, anh trở lại “chôn nhau, cắt rốn” nhưng không dám về quê mình, sợ bị lộ. Anh được phân công làm cán bộ cơ sở “nằm vùng” tại thị trấn Dân Chủ thuộc huyện Khang. Tuy gần quê, nhưng không được lộ diện. Mãi tới năm 1967, tổ chức mới móc nối được với người vợ trẻ mà 13 năm trước, gia đình người vợ quá cố đã “bù” cho anh và đưa hai người ra “cứ” chung sống và công tác cho đến khi “non sông thu về một mối”, đất nước đã hòa bình, thống nhất.
Sau giải phóng, khi biết người vợ trẻ “nối dây” của Núp còn sống, chị H'Ben - người vợ ngoài Bắc đã chủ động chia tay và đi tìm hạnh phúc mới nhằm gỡ khó cho anh.
Viết về anh hùng Núp, không thể không nói đến sự kết nghĩa huynh đệ giữa ông với Fidel Castro - nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước Cuba anh em.
Khi cuốn tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc được dịch sang tiếng Tây Ban Nha và phát hành ở Cuba, Fidel đọc, biết tiếng anh hùng Núp, cảm phục nhân vật lịch sử của Việt Nam, qua đường ngoại giao, Lãnh tụ Fidel đã mời anh hùng Núp sang thăm Cuba và chính thức kết nghĩa anh em.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Núp được phân công chuyên trách công tác Mặt trận ở Gia Lai - Kon Tum. Là người trọn đời gắn bó với quê hương, lớn lên từ quê hương, ông có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc Gia Lai - Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sau ngày giải phóng, bọn Fulro do các thế lực thù địch nước ngoài nuôi dưỡng đã gây khó khăn không ít cho nhân dân ta trên vùng đất đầy sóng, đầy gió này. Song, với chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, được những người tiêu biểu của các dân tộc như cụ I-Bích Ale ô, anh hùng Núp và nhiều vị khác đã góp sức cùng quân dân đập tan âm mưu của địch.
Ông mất ngày 10/7/1999.
Ghi nhận công lao đóng góp của anh hùng Núp đối với đất nước, với dân tộc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng Ba và Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; truy tặng Huân chương Đại Đoàn kết. Tên ông được đặt cho một con đường ở Đà Nẵng và nhiều trường học.
Nguyễn Túc
Theo Báo Đại biểu Nhân dân