Sự phát triển giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29/2013/NQ-TW "Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", giáo dục và đào tạo cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi với tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tăng dần hàng năm. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 72,6%, trong đó tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ đạt 34,6%, huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,6% đã triển khai thực hiện quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục Mầm non. Năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.129 cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích (đạt tỷ lệ 99,2%), 14,274 cơ sở nhóm trẻ, nhóm mẫu giáo độc lập đạt tiêu chuẩn trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích (đạt tỷ lệ 81,8%). Các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ em.
|
Việt Nam xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. ẢNH: NGUYỄN DUNG
|
Về giáo dục phổ thông: Năm học 2023 - 2024 cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông với tổng số 18.463.481 học sinh. Trong đó cấp tiểu học là 8.919.198 học sinh, cấp trung học cơ sở là 6.550.552 học sinh, cấp trung học phổ thông là 2.993.731 học sinh, tỉ lệ bình quân có 4,25 cơ sở giáo dục trung học phổ thông/đơn vị hành chính cấp huyện; 1,03 cơ sở giáo dục trung học cơ sở và 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/ đơn vị hành chính cấp xã. Hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu nội dung hình thức giáo dục hướng nghiệp. Năm 2023 - 2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên và các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác.
- Phát triển các phương thức giáo dục để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đảm bảo số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
- Hội nhập quốc tế trong giáo dục được tăng cường, góp phần thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục.
Về giáo dục Đại học: Hiện đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học và sư phạm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng thiết lập một hệ thống giáo dục Đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Đã tổ chức triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia của giáo dục Đại học giai đoạn 2020 - 2023, thực hiện nâng cao năng lực quản trị Đại học tự chủ về tài chính, tài sản toàn diện, tự chủ trong quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế của các trường Đại học Việt Nam ngày càng tăng, nhiều công trình sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Số lượng các cơ sở giáo dục Đại học được kiểm định ngày càng tăng, các cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết luận của Bộ Chính trị cũng vạch ra một số hạn chế bất cập trong việc thể chế hóa chính sách, pháp luật phục vụ đổi mới, giáo dục và đào tạo chậm được ban hành. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, triển khai chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn bất cập.
Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao, trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh cho lao động qua đào tạo còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. Chính sách, cơ sở tài chính cho giáo dục còn bất cập, tỷ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu nhất là ở khu vực miền núi khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, công tác tuyên truyền về đổi mới giáo dục và đào tạo, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế chưa thu hút nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Những tồn tại trên, ngoài vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội nghề nghiệp trong hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền về đổi mới giáo dục và đào tạo, xã hội hóa giáo dục hay sự tham gia của xã hội vào công tác giáo dục trong nhà trường, trong xã hội và tại gia đình. Chúng ta thường nói đến giáo dục. Bản thân thuật ngữ đó có thể hiểu Giáo là dạy và Dục là nuôi hay còn gọi là Giáo dưỡng. Giáo và Dục phải tích hợp với nhau “Giáo bất Dục tắc vong Dục bất giáo tắc đãi”. Có nghĩa là, Dạy mà không nuôi thì uổng phí, Nuôi mà không Dạy chu đáo thì nguy hiểm. Ngày nay, phạm trù Giáo được mở rộng, định vị trong 4 nhân tố: Kiến thức; Thái độ; Kỹ năng; Hành vi. Phạm trù Dục được định vị 3 mặt: Tâm lực; Trí lực; Thể lực. Các trào lưu trên thế giới quan niệm về sứ mệnh của giáo dục: 1) Phục vụ sự ổn định của xã hội; 2) Phục vụ cho phát triển cá nhân; 3) Trung Dung: Hài hòa cả 2.
Nhiệm vụ của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: 1) Thông minh trí tuệ; 2) Thông minh cảm xúc; 3) Năng lực tư duy đúng đắn về trạng thái đang sống, đó là: Tư duy logic; Tư duy hình tượng; Tư duy biện chứng; Tư duy ngôn ngữ; Tư duy thuật toán; Tư duy khoa học công nghệ; Tư duy kinh tế; Tư duy chính trị; Tư duy quản lý. Trong đó, người Thầy là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục. Albert Einstein đã khẳng định: "Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ, bởi bằng cách đó anh ta có thể trở thành cái máy khả dụng, nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Anh ta cần phải học để được hiểu những động cơ của con người, hiểu những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như đối với cộng đồng”.
Dạy chữ, dạy người từ bao đời nay luôn là sứ mệnh thiêng liêng của người thầy. Ba sứ mệnh của người thầy:
- Sự truyền dạy (truyền bá một hệ giá trị cao quý cho người học).
- Sự giải hoặc (gạt đi những nghi hoặc nhảm nhí giúp cho người học niềm tin và đức tin trong sáng vào lối sống đúng đắn).
- Sự thụ nghiệp (giúp người học lập chí, lập thân, lập nghiệp trong cuộc đời). Tất cả, đó là cung cấp sự hiểu biết (tri) cho người học, người có trách nhiệm với chính sách dạy học phải thúc đẩy triết lý (sứ mệnh) thì dạy học mới đem lại hiệu quả tích cực.
Có ba kết luận cho người thực hiện việc dạy học phải chú ý:
- Từ "Tri" tổng thể của nhân loại, thầy chọn ra được các thông tin cơ bản hiện đại, thực tiễn (trong hoàn cảnh của Thầy - Trò và bối cảnh xã hội).
- Từ lý luận dạy học tổng quát và đặc thù môn học, Thầy xác định được phương thức giáo dục sao cho Tri đến được với Trò có tính tổ chức/ tính mục đích/ tính kế hoạch.
- Từ quan hệ "người - người", Thầy và Trò là hai chủ thể bình đẳng trước tư cách công dân, Thầy chọn được sự giao tiếp bảo đảm "kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm".
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có lời dạy về quan hệ Thầy - Trò: Thầy siêng dậy, trò siêng học. Thầy quý trò, trò quý thầy, thầy dạy tốt, trò học tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu nội dung giáo dục đạo đức bằng 5 chữ (ngũ thường): Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm... Nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không có tà Tâm, không làm điều bậy. Trí là giữ đầu óc trong sạch, sáng suốt, biết xem người, biết xét việc. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Liêm là không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Ngày nay còn phải giáo dục cho Trò biết sợ: sợ trời đất - làm việc sai trời biết đất biết, sợ luật pháp, sự nghiêm minh trừng trị của luật pháp khi làm sai, sợ thầy giáo, sợ bố mẹ, sợ sự lên án của xã hội.
Bốn tầng giáo dục "Lễ" cho thế hệ tư duy nhà trường là:
- Trẻ biết tuân thủ và phục tùng theo lễ tiết quan trọng mà nhà trường và gia đình tổ chức.
- Trẻ rèn luyện thói quen chấp hành nội quy của nhà trường, gia pháp của gia đình và tiến tới luật pháp của xã hội.
- Trẻ được bồi dưỡng thái độ đúng đắn trước các phong tục tập quán tốt, các giá trị cao quý mà gia đình nhà trường kiến tạo được.
- Trẻ có ý thức tự giác thực hiện kỷ luật tinh thần của cuộc sống.
Giáo dục là một hoạt động có tính chuyên môn cao, song cũng có tính xã hội rộng lớn, bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Điều đó đòi hỏi công tác truyền thông từ sớm, từ xa, kịp thời, đầy đủ của ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều này chưa thực hiện được đầy đủ. Vì vậy trong kết luận của Bộ Chính trị "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu là các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc, quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân, bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo. Kết luận của Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện kết luận. Mặt trận và các thành viên Mặt trận quan tâm hơn nữa đến giáo dục ở tầm vĩ mô về cả ở tầm vi mô, ở địa phương và cơ sở giáo dục để như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dạy: "Trường ra Trường, Thầy ra Thầy, Trò ra Trò, Dạy ra Dạy, Học ra Học" để có một nền giáo dục quy củ, hiện đại, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà trong đó vai trò của xã hội là rất quan trọng trong tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục. Tiếp cận giáo dục trên quan điểm vừa là chủ thể vừa là khách thể để có trách nhiệm nhiều hơn đối với giáo dục.
NGUYỄN MẬU BÀNH - Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học,
Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam