Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7/1954). Ảnh tư liệu.
Quyết định mọi vấn đề đúng đắn trước những khó khăn
Đây là phẩm chất đặc biệt hàng đầu của đồng chí Trường Chinh trong vai trò của một nhà lãnh đạo, đã góp phần to lớn trong hoạch định đúng đắn và chính xác đường lối, chính sách của Đảng trước những chuyển biến cực kỳ phức tạp của tình hình cách mạng Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng là nhà tổ chức tài năng đã lãnh đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi đường lối giải phóng dân tộc, bảo vệ, phục hưng và phát triển đất nước trong thế kỷ XX.
Từ sau khi Đảng ta ra đời đến cuối năm 1940, trước sự khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo của thực dân Pháp, hầu hết các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở bị phá vỡ, bốn Tổng Bí thư của Đảng và các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch bắt đã chết trong tù ngục hoặc bị hãm hại. Là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ tham gia Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940), được cử giữ trọng trách Quyền Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã kiên cường lãnh đạo khôi phục, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng và các lực lượng cách mạng trong cả nước, đồng thời cử người sang Quảng Tây (Trung Quốc) đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước...
Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước (tháng 1/1941), đồng chí Trường Chinh đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng vượt qua sự truy sát của kẻ thù lên Cao Bằng để gặp Người. Cuộc gặp gỡ và thống nhất quan điểm giữa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 ở Pác Bó, Cao Bằng (tháng 5/1941) đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển mọi mặt của cách mạng Việt Nam, mà trước hết là sự ra đời của Nghị quyết của Hội nghị. Nghị quyết Hội nghị do đồng chí Trường Chinh chuẩn bị theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là sự “thay đổi chiến lược”, với “chính sách mới” của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai cấp trong xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam khi xác định phải giải quyết mâu thuẫn chủ yếu lúc này là giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược. Nhờ sự “thay đổi chiến lược” với “chính sách mới” đó, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết được rộng rãi mọi lực lượng yêu nước vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, để khi thời cơ tới, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Tại Hội nghị lịch sử này, đồng chí Trường Chinh được cử là Tổng Bí thư của Đảng.
Với chủ trương đúng đắn đó và sự linh hoạt trong quá trình chỉ đạo thực tiễn của Tổng Bí thư Trường Chinh đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của lực lượng chính trị và vũ trang của cách mạng nước ta với sự ra đời trên thực tế của Mặt trận Việt Minh (1941) và Việt Nam Tuyên tuyền Giải phóng quân (1944), là sự chuẩn bị hoàn chỉnh lực lượng cách mạng để đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Là linh hồn của cách mạng Việt Nam, nhưng vì những nhiệm vụ quốc tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hai lần phải vắng mặt ở trong nước1 nên trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng nước ta đặt lên vai đồng chí Trường Chinh. Ngay sau Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định về hoạt động ngay sát Hà Nội để trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng. Những hoạt động bám sát thực tiễn này của đồng chí đã góp phần nhanh chóng mở ra sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng chính trị với sự ra đời của các đoàn thể Cứu quốc rộng rãi trong Việt Minh, sự hình thành của các an toàn khu với sự phát triển của lực lượng vũ trang. Nhờ đó, trên cơ sở bám sát sự vận động của tình hình thế giới và trong nước, Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời phát hiện tình hình để lập tức ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (ngày 9/3/1945). Ngay sau đó, đồng chí lại triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4/1945), chỉ đạo thống nhất các lực lượng vũ trang, kiện toàn các chiến khu đã có, lập thêm các chiến khu mới ở cả ba miền của đất nước, cử ra một Ủy ban quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kịp thời khi thời cơ tới tiến lên Tổng khởi nghĩa trên cả nước.
Tháng 5/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Dưới sự chỉ đạo của Người, Tổng Bí thư Trường Chinh đã lãnh đạo gấp rút chuẩn bị và góp phần tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 - 15/8/1945), tiến hành Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (ngày 16 - 17/8/1945) và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí trực tiếp phụ trách. Với sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng và tổ chức đó, chỉ trong vòng hơn mười ngày, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước mới ở nước ta ra đời nhưng đứng trước muôn vàn khó khăn trước thù trong, giặc ngoài. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo thực hiện các sách lược mới của Đảng, đưa Đảng vào hoạt động bí mật và lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi qua các ghềnh thác hiểm nghèo, vượt qua cam go của tình thế "ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ thành công nhà nước dân chủ mới, tạo cơ sở pháp lý để động viên, tổ chức toàn dân tộc chuẩn bị và tiến lên chiến đấu giữ vững nền độc lập non trẻ.
Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến toàn quốc, trên cơ sở tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã nhanh chóng vạch ra chiến lược chiến tranh ái quốc thể hiện qua tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" (1947), chỉ ra con đường phát triển của cách mạng Việt Nam qua báo cáo "Bàn về cách mạng Việt Nam" (được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951). Dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh cũng là người trực tiếp chỉ đạo góp phần tổ chức tiến hành thành công cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược.
Đảng ta đã đánh giá: "Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng".
Trong chỉ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp lớn lao vào việc xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững chắc, chuẩn bị và đưa ra các quyết sách chiến lược lớn, dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Là người hoạt động nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp quan trọng và nổi bật đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Là thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1959), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981), đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ đạo soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Sớm nhận thức được xu thế của thời đại, trước thực tế khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước (giai đoạn 1979 - 1986), đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp tổ chức thâm nhập thực tế để nghiên cứu, tập hợp sáng kiến của Nhân dân, tổng kết kinh nghiệm, tìm tòi lý luận và trên cương vị là Tổng Bí Thư của Đảng, đồng chí đã dành toàn bộ trí lực, tâm huyết góp phần xây dựng Cương lĩnh của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đề nghị với Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo xây dựng là một sự đổi mới vĩ đại, đánh dấu phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng trong xây dựng chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kịch sử mới.
Những người cộng sản và Nhân dân Việt Nam luôn nhớ câu nói nổi tiếng của đồng chí Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại. Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta. Thành công của công cuộc đổi mới ở nước ta đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mà đồng chí Trường Chinh là người đề xướng công cuộc đổi mới2, là “Tổng Bí thư đổi mới”3.
Nhà lý luận và chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của Đảng
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về lý luận khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân - kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; lý luận và tổ chức về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, thêm bạn, bớt thù; lý luận và chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước và pháp luật; về công tác tư tưởng, công tác văn hóa - văn nghệ...
Những cống hiến lý luận và hoạt động thực tiễn đó thể hiện năng lực tư duy sáng tạo và sắc bén của đồng chí Trường Chinh trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ với sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới. Vì vậy, những vấn đề chiến lược, sách lược do đồng chí đề xuất và thực tiễn cách mạng do đồng chí tổng kết đã trở thành lý luận và những bài học lớn của Đảng ta, có tác dụng to lớn đối với các dân tộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Những người cộng sản Việt Nam luôn nhớ di huấn của đồng chí Trường Chinh: “Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm, trên cơ sở đó mà đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn và tiếp tục vững bước tiến lên”.
Ba bài học lớn mà đồng chí đã tổng kết là tài sản trí tuệ cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy:
Một là, “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân. Để thật sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc. Cha ông ta từ xưa đã nghĩ và làm như vậy. Trong thời đại ngày nay, từ tiền khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng, bá quyền, Đảng ta đều làm như vậy. Đi lên chủ nghĩa xã hội ngày nay lại càng phải làm như vậy”4. “Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trước đây rất quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta”5.
Hai là, Đảng ta là người lãnh đạo, do vậy bài học lớn thứ hai cần phải nắm vững là: trong công tác lãnh đạo, phải tôn trọng quy luật khách quan, phải vận dụng nó một cách đúng đắn vào thực tế, phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta.
Từ lịch sử cách mạng và từ những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, đồng chí Trường Chinh đã lưu ý chúng ta rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên những nguyên lý chung có tính phổ biến. Song vận dụng những nguyên lý đó vào hoàn cảnh Việt Nam như thế nào là việc của chúng ta phải làm; không ai có thể làm thay chúng ta được. Muốn vậy, phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, với những con người Việt Nam cụ thể, với điều kiện phát triển cụ thể của lịch sử, của nền kinh tế, của điều kiện xã hội, của những truyền thống Việt Nam”6.
Đồng chí cho rằng, chúng ta phải vận dụng đúng đắn, trải qua sự kiểm nghiệm của thực tế mà điều chỉnh các chính sách nhằm vận dụng ngày càng nhuần nhuyễn và đúng đắn hơn cả hệ thống các quy luật đó, không chỉ vận dụng riêng một quy luật nào.
Rất chính xác và thực tế khi đồng chí Trường Chinh chỉ ra rằng: tiêu chuẩn đánh giá một chính sách, tiêu chuẩn xác định “trình độ và khả năng vận dụng đúng đắn hệ thống quy luật, thông qua các chính sách của chúng ta là sản xuất phải phát triển, giao lưu thông suốt, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân phải ổn định và từng bước được cải thiện, xã hội phải lành mạnh, văn minh, các giá trị đạo đức và tinh thần ngày càng được nâng cao, quốc phòng, an ninh vững mạnh. Mọi chính sách làm giảm nhiệt tình lao động của quần chúng, gây trở ngại, thậm chí làm đình đốn sản xuất, bế tắc lưu thông, làm cho đời sống khó khăn, tiêu cực phát triển, xã hội rối loạn, là biểu hiện của sự vận dụng không đúng đắn các quy luật khách quan, đều phải bãi bỏ hoặc sửa đổi”7.
Đồng chí khẳng định: “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác. Đó là bài học thứ hai của chúng ta”8.
Ba là. Để bảo đảm huy động được đầy đủ sức mạnh của Nhân dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho việc tự giác vận dụng các quy luật, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tác dụng tích cực của chúng, đồng chí Trường Chinh căn dặn chúng ta: “nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”9.
Đảng lãnh đạo phải nắm vững hệ thống quy luật tác động lên xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Trên cơ sở nhận thức đúng hệ thống quy luật đó, sự lãnh đạo của Đảng phải nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, hướng họ vào việc tự giác hành động theo quy luật. Lực lượng hùng hậu của chuyên chính vô sản, tiềm năng to lớn của Nhân dân lao động có được phát huy đầy đủ hay không chính là ở chỗ lực lượng đó, tiềm năng đó có được hướng vào việc hành động hợp quy luật hay không.
Làm đúng quy luật chính là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Vì vậy, làm đúng quy luật thì nhất định sản xuất sẽ phát triển, giao lưu sẽ thông suốt, tình hình sẽ ổn định dần và từng bước đi lên.
Đồng chí Trường Chinh cho rằng, quá trình lãnh đạo cách mạng dày dạn của Đảng ta trong những năm qua đã chứng minh tính đúng đắn và sáng tạo trong việc kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế, các yếu tố truyền thống và thời đại, các yếu tố chủ quan và sức mạnh của Nhân dân với yếu tố khách quan về sự vận động của hệ thống quy luật. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phải tăng cường đoàn kết trong Đảng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng. Trước tình hình khó khăn phức tạp, có những ý kiến khác nhau là lẽ bình thường. Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn, có thái độ xây dựng trong khi thảo luận để tìm ra chân lý, nhằm đạt tới nhất trí cao; hết sức tránh vội vàng truy chụp. Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải có bước đổi mới trong phong cách làm việc theo tác phong của Bác Hồ, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ. Phải giữ vững tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng cũng như trong lãnh đạo kinh tế - xã hội.
Đồng chí kết luận: Chúng ta đang đứng trước tình hình đặc biệt, bên cạnh những thuật lợi, có rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Để bảo đảm hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, việc củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định. Đó là bài học thứ ba của chúng ta.
Ba bài học này vẫn hoàn toàn có giá trị hiện thực với Đảng ta ngày nay.
Tầm cao văn hóa
Quyết tâm chiến đấu cho độc lập dân tộc với tư cách của một nhà chính trị cộng sản, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã không ngừng kế thừa và luôn hoàn thiện, nâng cao vốn văn hóa của mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để kết thành một nhân cách văn hóa lớn. Bởi vậy, đồng chí không chỉ là nhà hoạt động chính trị cộng sản xuất sắc với tư cách 3 lần trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng ở những thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng nước ta mà còn là một nhà văn hoá lớn, một nhân cách văn hoá đã có những đóng góp to lớn vào việc hình thành đường lối lãnh đạo của Đảng về văn hóa, hình thành quan điểm tư tưởng lý luận của Đảng về văn hóa - văn nghệ.
Từ trong vận động Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hoá mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng.
Các tác phẩm "Đề cương văn hóa Việt Nam", "Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này", "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam" được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng của Việt Nam. Các quan điểm của đồng chí Trường Chinh về văn hoá - nghệ thuật, thông qua các hoạt động chỉ đạo thực tiễn đã được đề cập đến hầu hết các vấn đề thuộc lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật: từ tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, phương pháp sáng tác... cho đến các vấn đề đào tạo và bồi dưỡng lực lượng sáng tạo kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng chí thực sự là hiện thân của công tác tư tưởng và công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người ở nước ta trong thế kỷ XX.
Là nhà báo cách mạng nổi tiếng, đồng chí vừa là người tổ chức, chỉ đạo, trực tiếp viết cho các tờ báo lớn của Đảng và là linh hồn của báo Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản, báo Sự Thật, báo Nhân Dân...
Đồng chí là tác giả của nhiều bài báo nhằm chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng với tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục mạnh mẽ và cổ vũ cách mạng rộng lớn. Đó là những bài báo có ảnh hưởng sâu rộng đã làm sống lại tinh thần quật cường của dân tộc từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trong xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Với bút danh Sóng Hồng, đồng chí Trường Chinh là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ thể hiện sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Đồng chí căn dặn thế hệ sau: “Nhiệm vụ của khoa học nói chung và các ngành sử học, địa lý, văn học nói riêng rất nặng nề. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu nắm vững những đặc điểm và quy luật phát triển của xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong quá trình tiến lên làm chủ đất nước mình. Cần chú trọng nghiên cứu các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam, nhằm làm sáng tỏ tình hình kinh tế - xã hội và những di sản lịch sử do quá khứ để lại, để chúng ta cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng tốt chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cần tổng kết những bài học lịch sử của sự nghiệp dựng nước và giữ nước, giáo dục truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất, lao động cần cù và sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt cần tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để giáo dục rộng rãi trong nhân dân; nghiên cứu và giáo dục lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng...”10.
Là nhà chính trị, nhà lãnh đạo cộng sản, đồng chí Trường Chinh luôn luôn đứng ở tầm cao văn hoá của dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo.
Là nhà văn hoá lớn, đồng chí đã hiến dâng toàn bộ trí tuệ và tài năng cho mục tiêu chính trị cao cả nhất: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam.
Những người cộng sản luôn nhớ di huấn của đồng chí Trường Chinh: “Công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm. Điều cốt yếu là Đảng ta tránh được những sai lầm về đường lối cách mạng, và một khi phạm sai lầm dù lớn dù nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa... Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng ta và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để sửa sai và tiến lên”11.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng ở những thời đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử nước nhà trong thế kỷ XX, đồng chí Trường Chinh không chỉ có những cống hiến đặc biệt xuất sắc, toàn diện cho cách mạng Việt Nam, được Đảng và Nhân dân ta đã tôn vinh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn để lại cho những người cộng sản Việt Nam một mẫu hình chuẩn mực về phẩm chất của nhà lãnh đạo cần phải học tập và làm theo để đưa sự nghiệp cách mạng tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Chú thích:
1. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi công tác lần thứ nhất và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt ở Trung Quốc từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1944. Từ tháng 2 - 5/1945, Người đi Côn Minh để liên lạc với quân Đồng minh.
Trong thời gian này, Thường vụ Trung ương có 3 đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt tháng 12/1943 và bị địch xử bắn tháng 5/1944; đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng được cử đi công tác nước ngoài từ tháng 12/1944 đến cuối tháng 4/1945.
2,3. Đỗ Mười: Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam (Hồi ký nhiều tác giả), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.26, 38.
4,5,6,7,8,9,11. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.10-18, 23.
10. Báo Nhân Dân, số 10753, ngày 6/12/1983, tr.1, 4.
Phạm Hồng Chương
PGS,TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh