Đó là hiện tượng lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, được toàn dân biết đến và được suy tôn như một bậc thầy, một giáo sư ngoại hạng về triết học và nhân văn. Ông là Anh hùng lao động, nhà văn hóa, nhà khoa học, Giáo sư Vũ Khiêu.
Ngày 30/9/2021, Giáo sư Vũ Khiêu đã mãi mãi ra đi ở tuổi 105, để lại cho nền văn hóa Việt Nam một khoảng trống không thể lấp đầy.
|
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Giáo sư Vũ Khiêu - tấm gương lao động sáng tạo không ngừng
Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng của tỉnh Nam Định. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, ông học chữ, đọc thơ chữ Hán từ khi 5 tuổi. Gia đình nghèo khó nhưng với tinh thần ham học hỏi, ông đã vượt mọi gian nan để tìm đến với tri thức.
Tốt nghiệp tú tài trường Bonnal tại Hải Phòng, với lòng yêu nước nồng nàn, Giáo sư Vũ Khiêu tham gia hoạt động cách mạng và hoạt động trên các lĩnh vực: công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
|
Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2), ngày 15/9/2010. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Không chỉ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, Giáo sư Vũ Khiêu còn là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành khoa học xã hội nước nhà. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học và ngành mỹ học ở Việt Nam.
Những ai chứng kiến cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu đều biết, những năm sung sức nhất, viết nhiều công trình quan trọng nhất là những năm tháng Giáo sư sống kham khổ trong ngôi nhà cấp 4 chỉ hơn 20m2 ở sau nhà Viễn đông Bác Cổ. Tại đây, với sức làm việc 16-20 tiếng mỗi ngày, Giáo sư đã cho ra đời nhiều trước tác giá trị, như: Đẹp, Mỹ học, Đạo đức học, Lịch sử tư tưởng, Văn hiến Việt Nam (3 tập, 1.500 trang), Anh hùng và nghệ sĩ, soạn các giáo trình giảng dạy trường sân khấu, điện ảnh…
Từ nghiên cứu học hỏi của mình, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời hàng trăm bộ sách đồ sộ, bề thế về giáo dục, kinh tế, tôn giáo, trang phục, hàng hóa, lễ hội, công trình văn hóa, truyện kể dân gian, thần tích, văn chương của vùng đất Thăng Long từ thời Văn Lang-Âu Lạc, Lý, Trần, Lê-Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn tới nay. Giới học giả kính trọng xưng tặng Giáo sư là nhà “Thăng Long học”. Số lượng tác phẩm, công trình Giáo sư đã viết, chủ biên, biên tập, cố vấn khiến giới khoa học phải kính nể.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với Giáo sư Vũ Khiêu (chống gậy) và các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam, tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 - 15/9/2010). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Đặc biệt, Giáo sư Vũ Khiêu còn là bậc thầy về tài viết phú, văn tế, văn bia. Đây là những thể cổ văn rất khó, thế nhưng Giáo sư thể hiện vừa tề chỉnh niêm luật mà vẫn phóng khoáng, nhịp điệu trầm hùng đầy mỹ cảm, ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, văn hóa mà vẫn thanh tao, hào hoa, nhã tiệp. Chứng kiến nhân dân ta chết đói hơn 2 triệu người năm Ất Dậu 1945, Giáo sư đã chấp bút viết Truy điệu những lương dân chết đói đầy xúc động. Tiếp đến là Văn tế anh hùng liệt sỹ của Cách mạng Tháng Tám, Chúc văn Lễ hội đền Hùng… Nhiều đền thờ anh hùng liệt sỹ, như: Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Đài liệt sỹ Tây Ninh, Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ (Hoa Lư)… cho tới bài minh trên chuông xã Bát Tràng, tất cả đều nhờ Giáo sư chấp bút. Có thể nói, Giáo sư là hiện thân của sự hòa quyện uyển chuyển chính trị và văn hóa.
Không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc, Giáo sư Vũ Khiêu còn là một nhà ngoại giao giỏi. Ông chính là thành viên sáng lập Hội Xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa; giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…
Với những cống hiến không mệt mỏi của mình, Giáo sư đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I năm 1996), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tỏa sáng một nhân cách lớn
|
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, sáng 16/2/2015, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết Giáo sư Vũ Khiêu. Trong ảnh: Giáo sư Vũ Khiêu tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu đối Tết. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vầng trán cao, đôi mắt tinh anh, nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là mỗi lần Giáo sư xuất hiện trước công chúng với bộ quần áo trắng, thanh lịch, tao nhã.
Là một học giả nổi tiếng về nghiên cứu văn hoá Việt Nam, ông từng là người được các cơ quan, tập thể và cá nhân trân trọng, chào đón; coi sự xuất hiện của ông tại sự kiện là một vinh dự. Song, ông không vì thế mà tỏ ra kiêu ngạo, luôn nhẹ nhàng, từ tốn, nho nhã; ăn nói chừng mực, đúng chuẩn của một kẻ sĩ.
Là một nhà nghiên cứu, làm việc từ 10-12h mỗi ngày kể cả khi không còn giữ vị trí quản lý. Khi đã trên 90 tuổi, ông vẫn thực hiện những chuyến bay hàng nghìn km, trải qua những chuyến xe vài trăm cây số để đến với những nơi cần ông lan toả tình yêu văn hoá Việt và truyền tải tinh thần lao động, sáng tạo say mê, dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu khoa học.
Đọc nhiều, hiểu rộng, kiến thức uyên thâm nên các tác phẩm của ông đều chuẩn mực. Không những thế, còn thấm đẫm hồn cốt dân tộc, nhất là ở mảng câu đối. Chính vì vậy, đi đâu cũng thấy câu đối của Giáo sư. Và Giáo sư, cũng rộng rãi mà chia sẻ sự học cao hiểu rộng của mình tới mọi người, bất kể giàu sang hay nghèo khó, miễn là có lòng với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Không hổ danh là một lão thành cách mạng, một nhân sỹ trí thức tiêu biểu, một nhà khoa học lớn của đất nước, càng tuổi cao ông càng ấp ủ và biên soạn nhiều tác phẩm nặng ký. Trước là các tác phẩm: Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm ( 1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980)... Khi bước vào tuổi trường thọ, ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long (4 tập, nặng gần 27kg).
|
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú cho 10 cá nhân, trong đó có Giáo sư Vũ Khiêu (ngoài cùng, bên phải), ngày 28/8/2010. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Ngoài ra, ông còn dồn tâm sức tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang.
Chưa kể Giáo sư Vũ Khiêu còn trực tiếp tham gia hàng trăm hội thảo về Hà Nội-Thăng Long cùng nhiều đề tài văn hoá xã hội khác. Ông còn được Đảng, Nhà nước và các địa phương tin tưởng, đặt hàng soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối... tại nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; hoặc trong các đền đài, các công trình văn hoá, ca ngợi, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.
Thực sự, nếu không miệt mài làm việc, coi lao động như mục tiêu của cuộc đời thì làm sao ông có thể hoàn thiện từng ấy tác phẩm, từng ấy trọng trách khi thân thể và trí óc đã trải qua hơn một thế kỷ với đất trời.
Không phải ai cũng có được nguồn năng lượng như Giáo sư Vũ Khiêu. Và không phải ai cũng làm được kỳ tích như Giáo sư Vũ Khiêu - một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay.
Theo Ngọc Lan/TTXVN (tổng hợp)