Hà Nội: Du khách đội mưa khai hội chùa Hương xuân Giáp Thìn

(Mặt trận) - Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) xuân Giáp Thìn 2024  diễn ra tại sân Thiên Trù. Dù trời mưa,  nhưng đã có hàng nghìn du khách thập phương đổ về nơi đây, thành tâm chuẩn bị lễ vật, hành hương chiêm bái nhằm cầu mong một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào. 

Theo ghi nhận của PV, lễ khai hội Chùa Hương năm 2024 diễn ra vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cho nên số lượng người hành hương về đất Phật Hương Sơn giảm so với ngày trước khi khai hội. Tại các tuyến đường dẫn vào khu di tích thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng ách tắc giao thông cơ bản không xảy ra. Trong không gian diễn ra khai hội, lượng khách tuy đông hơn, song các hoạt động vẫn diễn ra trong an toàn, trật tự.

 Du khách xếp hàng ra đò đi Suối Yến rạng sáng ngày ngày khai hội. Ảnh: Hoàng Dương

Điểm nhấn đáng chú ý của lễ hội Chùa Hương năm 2024 là việc thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch chùa Hương nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo, tự phát không theo quy định gây bất cập cho hoạt động phục vụ du khách. Hệ thống thuyền đò phục vụ cho Lễ hội năm 2024 sẽ do Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương cung cấp, quản lý và thực hiện do UBND xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chỉ đạo. Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra Lễ hội, Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử.

 Không còn cảnh chèo kéo khách đi đò tại Lễ hội Chùa Hương 2024. Ảnh: Hoàng Dương

Trao đổi với PV, Ông Đặng Văn Cảnh - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024 nhấn mạnh: "Trước đây, ở lễ hội chùa Hương, nhân dân tự đóng đò chở khách, làm ăn manh mún, tranh giành. Suốt nhiều năm, lễ hội này gây nhức nhối với nạn lái đò mời chào, chèo kéo, ép khách, không đảm bảo điều kiện an toàn, rồi "xin" thêm tiền của khách ngoài tiền vé khiến nhiều du khách không hài lòng. Việc thành lập HTX và mời gọi toàn bộ các hộ gia đình làm dịch vụ này vào hợp tác xã chính là nỗ lực của địa phương để đưa hoạt động chèo đò đi vào quy củ. Hợp tác xã sẽ thực hiện điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định (5h - 20h vào các ngày trong tuần, 4h - 20h hai ngày cuối tuần) xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách. Những người lái đò trong hợp tác xã có trang phục nhận diện và thẻ, được tập huấn ứng xử văn minh với du khách".

Ông Đặng Văn Cảnh - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức phát biểu tại Lễ khai hội chùa Hương 2024. Ảnh: Hoàng Dương

Thông tin thêm với PV, Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban QL di tích chùa Hương cho biết: "Đến nay đã có 696 người tham gia hợp tác xã, góp 33 tỉ đồng cả tiền mặt và tài sản, gồm hơn 4.000 thuyền, đò. Có trên 2.500 lao động lái đò đăng ký với hợp tác xã để lái đò phục vụ khách. Nhân lực và số thuyền, đò này đảm bảo đủ vận chuyển khách những ngày cao điểm nhất (5 vạn khách)".

 Du khách đội mưa khai hội chùa Hương xuân Giáp Thìn. Ảnh: Hoàng Dương

Được biết, Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương cũng đưa vào chạy xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến, với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe Đường số 1 - bến đò Chùa Tuyết Sơn và được niêm yết giá công khai.

Lễ hội Chùa Hương năm 2024 diễn ra từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn).  

Lễ khai hội tổ chức vào sáng nay 15/2 (tức mùng 6 Tết Giáp Thìn). Mùa lễ hội chùa Hương năm nay, giá vé thắng cảnh sẽ được nâng từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng/người/lượt; với những đối tượng ưu tiên thì giá vé 60.000 đồng/người/lượt.

Bạn Thanh Tùng sinh viên Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường du khách lần đầu tiên đi Khai hội Chùa Hương 

Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người/2 lượt vào - ra; giá vé đò 2 chiều tuyến Thanh Sơn - Long Vân 65.000 đồng/người.

 

Các đoàn nghệ thuật di chuyển để vào biểu diễn tại lễ khai hội chùa Hương

Di tích lịch sử và danh thắng cảnh quần thể Hương Sơn là quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo đạo tràng. Trải qua gần 6 thế kỷ, danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử và danh thắng.

Theo Ban tổ chức, từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã đón trên 10 vạn du khách, trong đó riêng ngày khai hội đón khoảng gần 4 vạn lượt khách.

 

 

Thanh Tùng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều