|
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Văn học đương đại Việt Nam hơn ba chục năm qua, không thể không nói tới nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt truyện ngắn đưa tên tuổi ông lên hàng các tác gia kiệt xuất của văn chương Việt Nam cuối thế kỷ XX. Trong đó, các truyện "Tướng về hưu", "Không có vua"... được coi là dấu mốc mở đầu cho thời kỳ văn học đổi mới.
Nguyễn Huy Thiệp - người tạo ra bước ngoặt trong văn chương Việt Nam sau 1975
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Vì thế, nông thôn và những người lao động để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong những sáng tác của ông.
Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có nhiều năm là một thày giáo ở miền núi.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ. Tuy nhiên chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông.
Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một "hiện tượng hiếm" của văn đàn Việt Nam. Các thể loại của ông đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến cả kịch mang hơi hướng huyền thoại, cổ tích và những góc nhìn táo bạo và đa chiều về làng quê, người lao động.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như: “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Sang sông”… và bộ ba truyện ngắn lịch sử gồm: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”… Ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản gồm: “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, “Tuổi 20 yêu dấu”. Các tác phẩm “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê” của ông đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và cũng đã gây tiếng vang… Truyện ngắn của ông cũng được dịch sang nhiều ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia...
Năm 2007, 2008, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp liên tục nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp và giải thưởng Premio Nonino của Italy. Năm 2015, ông hoàn thành tiểu thuyết “Vong bướm” và quyết định dừng nghiệp sáng tác ở tuổi 65.
Nguyễn Huy Thiệp cũng là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”.
|
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi sau một năm chống chọi với tai biến. Ảnh từ trái qua phải: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Hai An/Vietnam+ |
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khiêm tốn tự nhận ông “là một dạng ăn may, may mắn gặp thời” nhưng ông rất xác tín về “phẩm chất của một nhà văn”. Tác giả “Tướng về hưu” dẫn lại “lời của các cụ ngày xưa” mà ông tâm ý chính là lời nói của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784): “Văn học không phải trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”.
Đánh giá về vai trò của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương Việt Nam từ 1975-1991, nhà phê bình La Khắc Hòa nhận định: “Nguyễn Minh Châu mở đường đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 với truyện ngắn Bức tranh. Còn Nguyễn Huy Thiệp là người đầu tiên tạo ra bước ngoặt quan trọng của đổi mới”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã nhận định rằng, một mình Nguyễn Huy Thiệp không làm nên được diện mạo của nền văn học Việt Nam sau 1975 đến nay, nhưng một mình ông lại có thể đào xới lên nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, tạo nên sức bật khỏi ảnh hưởng văn học trước 1975, từ đó đưa văn học Việt Nam sau 1975 đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình đổi mới văn học dân tộc, hòa nhập vào biển cả văn học hiện đại của thế giới.
Thấm đượm trên ngòi bút sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là tư tưởng triết học tự nhiên, một thứ triết học nguyên sơ, bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực sâu xa của nền văn hóa cổ Đông Nam Á. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp một mặt là sự tiếp nối, bảo lưu nguồn mạch văn học dân gian, mặt khác lại tiếp thu tính hiện đại, đánh dấu bước ngoặt của văn học Việt Nam thời đổi mới, khai phá những chủ đề như cái phi lý, sự cô đơn, tha hóa của xã hội… hòa vào dòng chảy của chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỷ XX. Bằng ngòi bút đầy bản lĩnh và tài năng sáng tạo, Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật so với truyền thống. Những tác phẩm của ông mang lại cho độc giả một cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Nét cá tính và phóng khoáng, không bị gò bó bởi khuôn mẫu đã khiến cho văn chương của ông có sức hút một cách kỳ lạ khó có thể diễn tả.
Nguyễn Huy Thiệp - “ông vua truyện ngắn”
Có sự nghiệp văn chương đồ sộ, được xem là “của hiếm”, là “hiện tượng độc đáo” (thậm chí đến mức gây tranh cãi) với các thể loại sáng tác gồm truyện ngắn, kịch, tiểu luận, phê bình văn học, song nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thành công nhất là truyện ngắn.
Trong các tác phẩm nổi tiếng của ông, nổi bật nhất với "Tướng về hưu" (phổ biến lần đầu vào tháng 6-1987 trên Báo Văn nghệ - lúc bấy giờ Nguyễn Huy Thiệp còn là nhân viên Công ty Sách - thiết bị trường học thuộc Bộ Giáo dục và “chưa có tên tuổi gì ở trên văn đàn” như ông tự nhận).
Với tác phẩm “Tướng về hưu”, điều độc đáo mà bao nhà nghiên cứu phê bình văn học, giới mộ điệu văn chương và công chúng thưởng thức từng bình phẩm, tranh luận suốt hơn 30 năm qua đó chính là câu chuyện, dòng văn độc đáo, khó ai bắt chước trên một cốt truyện lẫn nhân vật bình thường. Thật vậy, những câu đơn với giọng kể chắt lọc, súc tích của ông đi sâu vào tâm trí người đọc dẫu cho nó có chua chát hay nhẹ nhàng. Hiện thực cuộc sống, số phận con người trong xã hội sau chiến tranh từ đó được phản ánh rất mạnh mẽ bằng thủ pháp văn chương rất riêng của Nguyễn Huy Thiệp.
Không có cái gì là đơn giản, một chiều trong thế giới nhân vật trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận định: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng” (hay là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hằng năm, thì trong năm 1987 - và cả nửa đầu năm 1988 - người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp. Nhắc tới anh, người ta nhớ “Tướng về hưu" gây xôn xao một dạo, bởi cách viết rạch ròi, trần trụi; nhớ Muối của rừng tưởng như không đâu, hóa ra lại đượm nhiều ngụ ý âm thầm; nhớ "Một thoáng Xuân Hương" lịch duyệt mang đậm phong vị kẻ sĩ Bắc Hà; nhớ "Con gái thuỷ thần" lẫn lộn hư thực, và liều lĩnh đến tùy tiện”.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ những người nghèo khổ, hay những người mang hình dạng kì dị... tuy mang dáng dấp cổ tích, nhưng lại chất chứa những cảm giác thời hiện đại. Họ luôn luôn dấn thân trên con đường đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối, để rồi nhận được những bài học cay đắng, xót xa. Với tuyên ngôn “Tôi căm ghét sâu sắc những kết thúc có hậu”, những truyện ngắn “giả cổ tích”, “giả truyền kỳ” của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều kết thúc không có hậu. Nó mở ra những dự cảm, những cảm xúc tái tê đằng sau khối cô văn lạnh lùng của một cây bút tỉnh táo, sắc nhạy, khiến cho người đọc cứ thế ngấm dần, ngấm dần và xoáy theo luồng xúc cảm cùng những nhân vật.
Với giọng văn “lạnh", tác giả đã thể hiện một thái độ dửng dưng tuyệt đối đối với nội dung tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm. Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, nội dung câu chuyện luôn hiện ra một chất trung thực, khách quan trước mắt người đọc. Người đọc được tách biệt hoàn toàn so với thiên kiến của tác giả. Độc giả được tự do phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.
Trong nhiều truyện ngắn ("Không có vua", "Những bài học nông thôn", "Tướng về hưu"…) tác giả cũng nhập vào vai người kể chuyện (nhân vật xưng “tôi”) nhưng vẫn cố ý tách ra khỏi câu chuyện để đảm bảo tính khách quan.
Để tạo ra được giọng văn “lạnh”, Nguyễn Huy Thiệp dùng nhiều câu trần thuật ngắn gọn, súc tích, mang đậm tính liệt kê. Nguyễn Huy Thiệp rất chuộng dùng câu đơn. Đối với loại câu đơn có xuất hiện thành phần phụ thì thành phần phụ thường được tách ra bằng dấu phẩy. Riêng câu ghép, các vế cũng được tách ra rạch ròi. Điển hình: “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…” ("Tướng về hưu"); hay: “Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông” ("Không có vua")... Những câu văn sắc lạnh dửng dưng như thế có mặt khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Nó tạo cho tác giả một nét riêng độc đáo về phong cách.
Có thể thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Trước đây, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp – phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” ("Chút thoáng Xuân Hương"), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” ("Giọt máu"), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” ("Giọt máu").
Những triết lý đó đã phá vỡ cái khuôn mẫu, từ đó chính ông đã dùng ngòi bút và con mắt tinh tường của mình khiến huyền thoại hóa giải huyền thoại, dùng cổ tích để hóa giải cổ tích. Tinh thần “tự phê”, “tự nghiệm”, ý thức phản tỉnh và tra vấn đã làm nên sức mạnh và giá trị của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Cái tâm của nhà văn, không gì khác hơn, chính là sự thức nhận về sứ mệnh “khơi gợi chân lý”, tra vấn nhân tâm của người nghệ sĩ. Đồng thời, tinh thần nghệ thuật hiện đại cũng không cho phép một sự ban phát chân lý cuối cùng, một tư thế độc thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang màu sắc dân chủ và hiện đại bởi đó là những tác phẩm “mở”, ở đó, cả người viết và người đọc đều được đẩy vào một cuộc đối thoại lớn và nhà văn “để ngỏ cuộc đối thoại đó mà không đánh dấu chấm hết”.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại một khoảng trống rất lớn đối với văn đàn Việt Nam. Đối với nhà văn Nguyễn Văn Thọ: "Nguyễn Huy Thiệp mất, tôi mất đi một bạn văn lớn - người chia sẻ với tôi rất nhiều về bút pháp, về vị trí và vai trò của nhà văn trong xã hội. Đồng thời, sự ra đi của anh, tạo ra một lỗ thủng đối với văn đàn Việt Nam”.
Còn theo nhà phê bình Văn Giá: “trước Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam khác. Từ Nguyễn Huy Thiệp trở đi, văn học Việt Nam khác. Ông đã cắm một dấu mốc rất ghê gớm và quan trọng vào đời sống văn học Việt Nam. Trong đổi mới, có những đổi mới từ từ, từ người này đến người kia. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện năm 1987, đã gây nên một dấu ấn đậm nét. Ông tạo ra một cảm quan, cái nhìn mới về đời sống, dẫn đến một hướng viết mới, một ngôn ngữ mới, một cách biểu đạt mới trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có sứ mệnh đổi mới văn học; và ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng rất đau buồn khi nền văn học nước nhà mất đi một cây đại thụ. Theo ông “thời kỳ 1985-1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng văn của ông có chất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài. Điều mừng là cuối đời ông có tên trong danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước. Đó là ghi nhận xứng đáng cho tài năng của ông".
Theo Diệp Ninh (TTXVN)