Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương ngời sáng của người cộng sản kiên trung

Năm 2022 kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1-2-1902 - 1-2-2022). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc(1) là một chiến sĩ thuộc lớp tiên phong của thời kỳ dựng Đảng, một tấm gương người cộng sản kiên trung đã góp phần tổ chức đưa cách mạng nước ta đi theo con đường cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

1. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sinh ngày 1-2-1902 trong một gia đình yêu nước(2) ở làng Bạch Mai(3), tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, thành phố Hà Nội. Mặc dù học tập trong môi trường giáo dục của chế độ thực dân và trở thành một viên chức cao cấp của nhà nước bảo hộ(4), nhưng với tinh thần yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã nhanh chóng tiếp nhận tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để từng bước tham gia và góp phần quan trọng đưa công cuộc giải phóng dân tộc ở nước ta đi theo con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ, lãnh đạo phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh; những bài báo của Xứ ủy Trung Kỳ cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh_Ảnh: tuyengiao.vn 
Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tích cực tham gia vào việc phát triển Hội tại Hà Nội. Tháng 6-1927, đồng chí là một trong ba thành viên lãnh đạo của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội(5). Tháng 9-1928, Nguyễn Phong Sắc được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền của Kỳ bộ. Đầu năm 1929, đồng chí là Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội.

Trong những năm tháng hoạt động sôi nổi này, cùng với hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào yêu nước và công nhân Việt Nam; đồng thời, thông qua phong trào “vô sản hóa”, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn thúc đẩy quá trình chuyển hóa mạnh mẽ phong trào yêu nước ở Việt Nam theo con đường cách mạng mới của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đẩy nhanh tiến trình chuyển biến của giai cấp công nhân từ “tự phát” sang “tự giác” với sự hình thành những tổ chức cộng sản ở nước ta. Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên của cả nước ở Hà Nội tại số nhà 5D, phố Hàm Long (ngày 7-3-1929) đánh dấu quá trình đó, mà Nguyễn Phong Sắc là một trong những thành viên sáng lập và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên của cả nước đã thúc đẩy nhanh quá trình vận động thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam, thông qua kiến nghị của Đại hội đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (28-3-1929) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1-5-1929) và đưa tới việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929) mà Nguyễn Phong Sắc là một thành viên sáng lập, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (lâm thời) của tổ chức này.

Trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (lâm thời) của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung được phân công là đại diện của Đảng ở miền Trung với nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Cuối tháng 7-1929, đồng chí và Trần Văn Cung đã lãnh đạo vận động thành lập Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng và trực tiếp là Bí thư Kỳ bộ. Tuy nhiên, khi đồng chí Trần Văn Cung bị địch bắt vào tháng 8-1929, nhiệm vụ xây dựng Kỳ bộ ở miền Trung trở nên khó khăn và đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai Nguyễn Phong Sắc. Nhưng với sự nỗ lực cao độ, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã hoàn thành việc lãnh đạo thành lập các chi bộ cộng sản trên cơ sở các chi bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; đồng thời, trên cơ sở đó tiến tới thành lập tỉnh bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng của các tỉnh này.

2. Những đóng góp to lớn của Nguyễn Phong Sắc đối với tiến trình vận động thành lập đảng cộng sản duy nhất ở nước ta được thừa nhận khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành Đảng Cộng sản Việt Nam: đồng chí trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và là Bí thư Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ. Trên cương vị này, từ tháng 3-1930, đồng chí lãnh đạo tiến hành việc tổ chức Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản ở Trung Kỳ, trên cơ sở thống nhất giữa Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với những người lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ và trở thành đặc phái viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ. Với trọng trách này, đồng chí đã đóng góp quan trọng vào tiến trình hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, để thành lập tổ chức đảng các cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam ở các tỉnh miền Trung.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí (1-2-1902 - 1-2-2022)_Ảnh: TTXVN
Cùng với các hoạt động lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở miền Trung, là các hoạt động, nỗ lực không ngừng nghỉ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong lãnh đạo xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng cho Đảng trên cơ sở liên minh công nông ở đây. Các tổ chức, như Tổng công hội, Tổng nông hội, Tổng sinh hội với các cấp của các tổ chức này được lần lượt ra đời, là cơ sở chính trị cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động của Đảng ở Trung Kỳ. Đây chính là những tổ chức chính trị của quần chúng, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta chống đế quốc, phong kiến dưới sự lãnh đạo của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.  

Bản lĩnh chính trị, trí tuệ và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với Đảng và phong trào cách mạng nước ta đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10-1930 xác nhận và đánh giá cao, với việc Hội nghị bầu vắng mặt đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường trực Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trước sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp điên cuồng tiến hành "khủng bố trắng" rất tàn bạo, hòng bóp chết Đảng còn non trẻ và dập tắt ngọn lửa cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để chống lại cuộc tàn sát của kẻ thù, yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải nhanh chóng củng cố hệ thống tổ chức đảng và đánh giá đúng sự phát triển của phong trào cách mạng; do vậy, tháng 12-1930, Nguyễn Phong Sắc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị cán bộ mở rộng Phân cục Trung ương Trung Kỳ để nghiên cứu các văn kiện của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, đồng thời đánh giá và nhận định tình hình phong trào cách mạng Trung Kỳ trước “khủng bố trắng” của kẻ thù. Hội nghị cũng bầu Xứ ủy Trung Kỳ, kết quả, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy và là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau khi tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai họp tại Sài Gòn (từ ngày 12 đến ngày 31-3-1931), Nguyễn Phong Sắc trở về Nghệ An triệu tập Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ (từ ngày 24 đến ngày 29-4-1931) để phổ biến nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai. Tại hội nghị này, đồng chí phân tích rõ tư tưởng “ấu trĩ” tả khuynh đã dẫn tới chủ trương thanh đảng của Xứ ủy Trung Kỳ theo khẩu hiệu “Thanh trừ trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” và quán triệt những biện pháp để sửa chữa; đồng thời, chống khủng bố của địch, giữ vững phong trào cách mạng.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tìm hiểu cuốn sổ truyền thống của gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc_Ảnh: hanoimoi.com.vn 
Sau Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ và thực hiện nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai cho Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hải Phòng, trên đường trở về Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn, khủng bố dã man đối với gia đình và bản thân đồng chí nhưng không lung lạc được tinh thần kiên trung bất khuất của Nguyễn Phong Sắc. Biết rõ vai trò quan trọng và thấy không thể khuất phục được đồng chí, thực dân Pháp quyết định hèn hạ thủ tiêu đồng chí mà không cần xét xử. Đêm ngày 25-3-1931, chúng bí mật bắn đồng chí và 22 chiến sĩ khác tại đồn Song Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

3. Thuộc lớp người đặc biệt của cách mạng nước ta, Nguyễn Phong Sắc đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản thông qua sự giác ngộ theo tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như một lẽ đương nhiên(6). Đây là một quá trình phát triển tự nhiên của một trí thức yêu nước, vì căm thù đế quốc xâm lược, nên đã giác ngộ lý tưởng cách mạng một cách rất nhanh chóng, sâu sắc. Đó là căn nguyên mà Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ lợi ích bản thân để dấn thân vào con đường tranh đấu cho dân tộc và rất kiên cường, trung thành khi bước vào con đường đầy gian khổ, hy sinh của thời dựng Đảng cũng như trong những năm tháng đầu tiên khi Đảng mới ra đời, với một bản lĩnh chính trị, trí tuệ, nhiệt huyết cách mạng vô song và hiệu quả với những cống hiến rất to lớn:

Đồng chí là một trong những người đi đầu có đóng góp to lớn vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh ở trong nước, góp phần làm chuyển biến phong trào yêu nước theo con đường cách mạng vô sản và thông qua phong trào “vô sản hóa” đã thúc đẩy nhanh tiến trình đi từ tự phát tới tự giác của giai cấp công nhân Việt Nam. 

Là một trong những người cách mạng tiên phong nhận thấy sự cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên ở nước ta để đáp ứng sự phát triển mau chóng của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đồng chí đã góp phần xây dựng chi bộ cộng sản hạt nhân đầu tiên ở nước ta tại Hà Nội để tiến tới xây dựng Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đồng chí cũng là lớp người đầu tiên nhận thức đúng để ủng hộ và góp phần tích cực vào tiến trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, tiến hành thực hiện thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam trên thực tế và thúc đẩy xây dựng, phát triển các tổ chức chính trị của quần chúng ở trong nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Là người có vị trí trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và Ban Chấp hành Trung ương chính thức đầu tiên của Đảng ta, đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng với tư cách là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí có đóng góp to lớn trong việc xây dựng, củng cố và phát triển Đảng ta trên mọi phương diện trong những tháng ngày đầu tiên sau khi Đảng ra đời.

Là người trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh đầu tiên của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng - phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn trên thực tiễn vào việc khẳng định vị trí độc quyền lãnh đạo cách mạng nước ta cũng như vai trò chính trị hàng đầu của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 Phòng lưu niệm nơi đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các chiến sĩ cộng sản họp bàn thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, tháng 3-1929_Ảnh: TTXVN
Anh dũng hy sinh cho Đảng và dân tộc khi còn rất trẻ (mới 29 tuổi) và hoạt động cách mạng chỉ mới 6 năm (1926 - 1931), nhưng đặt trong điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn, phức tạp với sự khủng bố điên cuồng của chế độ thực dân, phong kiến của thời kỳ vận động thành lập Đảng và những năm tháng cam go đầu tiên sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, với những cống hiến trên, Nguyễn Phong Sắc thực sự là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong đã góp phần quan trọng thúc đẩy, đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới về chất theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra - con đường đưa tới mọi thắng lợi trong gần một thế kỷ qua của dân tộc ta. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một tấm gương tiêu biểu của một chiến sĩ vô sản, một nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng, luôn trung thành với Tổ quốc và hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam./.

Theo PGS, TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG/Tạp chí Cộng sản

--------------------------

(1) Đồng chí Nguyễn Phong Sắc có tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc. Khi tham gia phong trào yêu nước và hoạt động cách mạng, đồng chí lấy tên là Nguyễn Văn Sắc với các bí danh Thanh, Thịnh.
(2) Cha Nguyễn Phong Sắc - ông Nguyễn Đình Phúc - là một trí thức từng tham gia tích cực vào phong trào Đông Kinh nghĩa thục (3-1907 - 11-1907) ngay ở làng Bạch Mai. Sau khi phong trào này bị đàn áp, ông lại tham gia vào vụ “Hà thành đầu độc” nên bị thực dân Pháp kết án 10 năm tù lưu đày nơi ngục tù Côn Đảo. Khi mãn hạn tù trở về, sức yếu, ông vẫn quyết chí rửa nhục cho non sông bằng cách đào tạo thế hệ trẻ, trong đó có con mình là Nguyễn Phong Sắc, tiếp tục ý chí chống thực dân Pháp.
(3) Nay là số nhà 152, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
(4) Nguyễn Phong Sắc đỗ đầu kỳ thi Thành chung của Trường Bưởi năm 1924 nhưng đã từ chối đi Pháp học mà vào làm việc cho Sở Tài chính Đông Dương. Cuối năm 1924, ông đã trở thành tham biện tài chính.
(5) Gọi là Tỉnh bộ Hà Nội nhưng phạm vi hoạt động gồm cả các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Hưng Yên và huyện Gia Lâm (lúc này thuộc tỉnh Bắc Ninh).
(6) Nguyễn Phong Sắc không phải là người bị đuổi học, hay bị sa thải công việc mới chống lại chế độ đương thời và bước vào con đường cách mạng, mà được giác ngộ bởi lý tưởng cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá và nguyện đi theo cách mạng với tấm lòng sắt son.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều