Cách đây vừa tròn 88 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Trong chiều sâu thẳm nhất - chiều sâu văn hóa - sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam là vì các giá trị làm người chân chính, tạo ra xung lực diệu kỳ giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người theo hướng tiến bộ và văn minh.
Sự lãnh đạo của Đảng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong khoảng hai tuần cuối tháng Tám năm 1945, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa có một không hai, giành chính quyền về tay để tự mình quyết định vận mệnh của dân tộc. Từ thân phận nô lệ, Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do có quyền tự quyết, nhân dân Việt Nam trở thành người chủ và làm chủ trong một chế độ dân chủ cộng hòa, nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước”: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Từ đây, dân tộc ta bắt đầu có những thay đổi lớn lao: Xác lập một chủ thuyết phát triển mới; tạo lập một thể chế dân chủ mới và kiến tạo một nền văn hóa mới chưa từng có trong lịch sử.
Có được thành quả to lớn ấy, công đầu phải thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận. Để có được thắng lợi vĩ đại ấy, Hồ Chí Minh đã phải bôn ba năm châu bốn biển, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam. Người đã nắm chắc thời cơ và khi thời cơ chín muồi cũng chính Người đã “chớp lấy” kịp thời nhất cùng toàn thể dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vĩ đại.
Sự ra đời của Đảng đã tạo nên bài học cực kỳ quý báu về quy tụ dân tâm, quy tụ lòng người; bài học về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân thành một như là quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại.
Tuy vậy, đoàn kết trên cơ sở đồng lòng, đồng thuận không phải là điều hiển nhiên, cho dù đã trở thành một quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa gây trở ngại lớn cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là trong lòng một dân tộc Việt Nam thống nhất đã bao gồm đa sắc tộc, với không ít các sắc tộc xuyên biên giới, luôn hàm chứa những nguy cơ phân biệt, chia rẽ, mất đoàn kết. Thực tế lịch sử ấy đã chỉ ra rằng để đạt được sự kết nối quy tụ dân tộc và thống nhất đất nước là không dễ. Nhưng từ thần thoại Thánh Gióng đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung... đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam quy luật phát triển: chỉ khi nào lòng dân quy về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy tốt, đất nước mới trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử dân tộc ấy, ngay từ năm 1942, trong cuốn sách nổi tiếng, “Lịch sử nước ta” Hồ Chí Minh đã viết rằng: Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta bài học khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập nước ta có nguy cơ bị xâm phạm.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp dựng Đảng - Cứu nước vĩ đại. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thống nhất các tổ chức Cộng sản, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930, điểm thứ nhất trong “Năm điểm lớn” được Người đưa ra coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào Cộng sản Việt Nam là: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm Cộng sản Đông Dương”.
Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 của Đảng họp vào 5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”; xác định chủ trường hoàn toàn mới: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Trong thư “Kính cáo đồng bào” năm 1941, Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”1.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Kể từ đây, chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên Mặt trận dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực và phát huy vai trò mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt là sự lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo tỉ mỉ của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên một trình độ mới, một chất lượng mới - Đại đoàn kết quy tụ dân tâm có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ khoảng hai tuần, được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã diễn ra một cách mau lẹ, đầy bản lĩnh và sáng tạo, thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.
Nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”2. Sự thắng lợi này cũng chính là sự thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, vượt qua thử thách và kiên định con đường đã chọn. Đồng thời là sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có Đảng nào biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình thì mới đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đến thành công”.
Nhiều năm, tháng đã trôi qua, nhưng ký ức hồi sinh của cả một dân tộc thì không bao giờ được quên lãng. Trong đáy lòng mỗi người dân Việt, sự ra đời của Đảng vẫn là một sự kiện diệu kỳ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ở đó, có một sự thực thống nhất, lịch sử không thể phủ nhận với sự ra đời của Đảng, Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Và ở đó, dân tộc Việt Nam, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình lại càng vô cùng yêu quý, khâm phục, tôn vinh thiên tài lãnh đạo và tổ chức thực hiện cách mạng của Hồ Chí Minh vĩ đại.
Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam càng cần phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, thấm nhuần và thực hiện đường lối đại đoàn kết, bài học lịch sử “Việc cương thường muôn thủa là ở dân tâm”, bài học nắm vững quy luật lòng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, cao hơn nữa nhằm khơi dậy tinh thần tự hào tự tôn dân tộc. Xác định chủ nghĩa yêu nước chân chính là động lực vĩ đại trong tiến trình thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì một quốc gia Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như khát vọng cháy bỏng và mong muốn tột cùng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Phạm Ngọc Anh
PGS, TS, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng