Tổ 5 cụm 3A, 3B (ngõ 271 phố Bùi Xương Trạch), Đầm Chuối, Đồng Chàm (cuối ngõ 354 phố Khương Trung và ngõ 1 phố Bùi Xương Trạch), Tổ 2 cụm 4 và tổ 9 cụm 5 (ngách 29/70 phố Khương Hạ) là những “điểm nóng” về vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại phường Khương Đình.
Đã từ lâu, dư luận không còn xa lạ về những tai tiếng liên quan “khu chợ” mua bán đất nông nghiệp trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Với quỹ đất nông nghiệp “dồi dào” nhưng bị buông lỏng công tác quản lý trong suốt thời gian dài, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê”, “chống lưng”, “tiếp tay” của cán bộ sở tại “thả cửa” cho hành vi vi phạm, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp rồi xây dựng công trình không phép, trái phép khiến hàng trăm ngàn m2 nguồn lực đất đai bị chiếm dụng, “xẻ thịt” theo cách không thể đau đớn hơn.
Vấn đề này diễn ra ngang nhiên ngay giữa “thanh thiên bạch nhật”, gây bức xúc, bất bình trong cử tri và nhân dân, dù đã có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, thế nhưng việc xử lý các công trình xây dựng tồn tại trên đất công, đất nông nghiệp tại phường Khương Đình rất chậm chuyển biến, như “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển đối với quận Thanh Xuân nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Với 19 khu đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn, những gì đã được công luận phơi bày từ trước đến nay về thực trạng xây dựng không phép, trái phép tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân như phần nổi của “tảng băng chìm”.
Bản đồ hiện trạng, cắm mốc ranh giới các ô đất công, đất nông nghiệp xen kẹt Tổ 2 cụm 4 và tổ 9 cụm 5 (ngách 29/70 phố Khương Hạ) được lập vào tháng 9/2017.
Theo tìm hiểu, trong năm 2017, quận Thanh Xuân đã thuê Công ty Cổ phần Khảo sát đo đạc HCGC Hà Nội tiến hành đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, cắm mốc ranh giới các ô đất công, đất nông nghiệp xen kẹt của quận Thanh Xuân theo Hợp đồng số 419/2017/HĐTV (92-2017) ngày 16/8/2017. Thời gian đo vẽ trong tháng 9/2017.
Tại địa điểm đo vẽ là Tổ 2 cụm 4 và tổ 9 cụm 5 (ngách 29/70 phố Khương Hạ) gồm có 11 tờ bản đồ tỷ lệ 1/200 từ tờ số 1 đến số 11, cán bản đồ hiện trạng đều có chữ ký đóng dấu xác nhận của lãnh đạo địa phương và phòng, ban chuyên ngành: Ông Vũ Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Khương Đình (nay ông Trung là Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân), xác nhận ngày 08/12/2017; ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân, xác nhận ngày 15/12/2017; ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, xác nhận 15/12/2017.
Theo đó, chỉ tính riêng 4 khu đất nông nghiệp ở Tổ 5 cụm 3A, 3B (ngõ 271 phố Bùi Xương Trạch), Đầm Chuối, Đồng Chàm (cuối ngõ 354 phố Khương Trung và ngõ 1 phố Bùi Xương Trạch), Tổ 2 cụm 4 và tổ 9 cụm 5 (ngách 29/70 phố Khương Hạ) với tổng diện tích gần 30 ha đã có tới hơn 4.000 công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.
Ngoài ra, các lô đất thuộc khu Đầm San giáp E26 Phòng Không (tổ 9 cụm 2B), Đầm Hồng, Đầm Ông Đô có quy mô đất vào khoảng 6,5ha thì số công trình trái phép cũng lên tới trên 200 công trình.
Đáng nói hơn, sau thời điểm kết thúc đo vẽ vào tháng 9/2017, tính đến tháng 9/2018, UBND phường Khương Đình vẫn để phát sinh mới thêm 154 trường hợp xây dựng không phép tại Tổ 5 cụm 3A, 3B (ngõ 271 phố Bùi Xương Trạch), Đầm Chuối, Đồng Chàm (cuối ngõ 354 phố Khương Trung và ngõ 1 phố Bùi Xương Trạch), Tổ 2 cụm 4 và tổ 9 cụm 5 (ngách 29/70 phố Khương Hạ) và 12 trường hợp xây dựng không phép tại thuộc khu Đầm San giáp E26 Phòng Không (tổ 9 cụm 2B), Đầm Hồng, Đầm Ông Đô.
Trước mức độ và số lượng những công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp khiến bạn đọc không khỏi “giật mình”, “choáng váng”. Dù có thể nói ngược, nói xuôi cho đây là những công trình đã tồn tại từ lâu, từ thời tiền nhiệm đi chăng nữa thì việc để phát sinh các công trình mới ngay sau thời điểm kết thúc đo vẽ là điều không thể chấp nhận được.
Thêm nữa, khu vực đất có hoạt động xây dựng trái phép này đều thuộc quỹ đất nông nghiệp, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, xây dựng các công trình ở kiên cố. Vậy mà, chính quyền nơi đây bị “vô hiệu hóa”, “nhắm mắt làm ngơ” cho hàng loạt ngôi nhà kiên cố, nhà tạm cao ngang nhiên “mọc” lên.
Như để “lấp liếm” cho tình trạng “bết bát” cho việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn do mình quản lý, ngày 22/8/2018, tại văn bản số 817/UBND gửi UBND quận Thanh Xuân, ông Vũ Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Khương Đình khi đó cho rằng, sau khi phối hợp với Phòng TN&MT quận rà soát lại hiện trạng, kết quả có 314 trường hợp sai số, sai khác giữa bản đồ so với hiện trạng thực tế cần điều chỉnh, đồng thời xin ý kiến của UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo điều chỉnh xác nhận lại bản đồ.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tại bản vẽ thực trạng có đầy đủ chữ ký đơn vị đo đạc; Chủ tịch UBND phường Khương Đình; Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Xuân Nguyễn Hồng Quân; Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đăng Hồng Thái mà ông Vũ Quang Trung vẫn xin đề nghị điều chỉnh? Phải chăng, bằng văn bản số số 817/UBND, ông Vũ Quang Trung có đang có “lấp liếm”, hợp thức hóa các sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng mới phát sinh? Bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sai phạm nghiêm trọng tại các công trình, vậy tại sao UBND phường Khương Đình dễ dàng bị “qua mặt”? Liệu có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng” cho tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan mà không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý “trên giấy”? Tại sao thay vì phải chịu trách nhiệm vì các sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, ông Vũ Quang Trung lại được cất nhắc lên quận để giữ chức Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị? Trách nhiệm lãnh đạo quận Thanh Xuân ở đâu khi chỉ tại một phường mà số lượng các công trình xây dựng sai phạm lên đến hàng nghìn công trình như vậy? Thử hỏi, với việc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng thì tới đây công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án làm đường giao thông (đường vành đai 2,5; đường từ Kim Giang đến Đầm Hồng, đường từ Vũ Tông Phan đến Đầm Hồng); dự án an sinh xã hội (nhà tang lễ…) sẽ khó khăn đến mức độ nào?
Rõ ràng thực trạng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, quy hoạch - kiến trúc tại quận Thanh Xuân hiện nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém. Để xảy ra tình cảnh bi đát nêu trên không thể tách rời trách nhiệm chính của các lãnh đạo quận Thanh Xuân. Cụ thể là trách nhiệm của ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.
Ông Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: KTĐT
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân lại tỏ ra “hụt hơi”, “đuối sức” trước lời tuyên bố mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo thành phố khi để xảy ra hàng loạt các vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng nhan nhản khắp các phường trên địa bàn quận.
Trước đó, tháng 9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chuẩn y ông Nguyễn Xuân Lưu, sinh năm 1969, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020.
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Lưu tái đắc cử Bí thư quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với nhiều vấn đề “nhức nhối” trong quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn phường Khương Đình nói riêng, quận Thanh Xuân nói chung, người dân và dư luận đang mong chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội có ý kiến chỉ đạo, vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ và công khai xử lý dấu hiệu sai phạm, đặc biệt xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, cá nhân có liên quan.
Hai là, cần tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội. Các cơ quan chức năng cần tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án có nguy cơ tác động lớn đến quy hoạch, môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
Ba là, cần công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình.
Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng sai phạm xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích tràn lan trên địa bàn quận Thanh Xuân trong suốt thời gian dài vừa qua, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe doạ tính mạng, tài sản của người dân mà cử tri hết sức lo lắng!
Bài 2: Bộ mặt đô thị bị “băm nát”, đất đai bị “xẻ thịt” và lời hứa suông của Bí thư, Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu
(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Hàng loạt công trình xây dựng “khủng” tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có dấu hiệu...
(Mặt trận) - Vụ cháy quán Karaoke tại số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người...
(Mặt trận) - Kể từ khi “lò” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bắt đầu “nổi lửa”, hàng loạt các...