Qúa tải phương tiện giao thông cũng gây ra ô nhiễm tiếng ồn. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức chiều 20/7, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chỉ rõ, ô nhiễm tiếng ồn hiện là vấn đề mang tính cấp thiết, nhất là tại các đô thị và ngành công nghiệp. Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chính gồm: tiếng ồn giao thông, tiếng ồn trong xây dựng, tiếng ồn trong sinh hoạt, tiếng ồn trong công nghiệp và sản xuất.
Phó giáo sư Hải phân tích, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi. Tiếng ồn không tích luỹ trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cơ quan thính giác như: ù tai, giảm sức nghe.
Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…
Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA).
Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn.
Về việc đưa ra các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, thạc sỹ Hà Lan Phương - Phó Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) cho rằng, tại các khu đô thị cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông, đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn.
Để giảm thiểu tiếng ồn tại các khu công nghiệp, các công ty trong sản xuất phải thay thế, sửa chữa thiết bị cũ để giảm nguồn gây ồn. Ngoài ra, tăng cường trang thiết bị bảo hộ chống ồn cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn cao.
Hằng năm, các công ty cần tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo thính lực cho số công nhân thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có nguy cơ gây bệnh điếc nghề nghiệp.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)