(Ảnh minh hoạ) |
(Ảnh minh họa) |
Không phải bệnh ung thư, tim mạch mới đang là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất hiện nay. Thế nhưng, nhiều người còn rất chủ quan, đến khi xảy ra tai biến thì đã quá muộn.
Thống kê cho thấy, bước sang thế kỷ 21, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu như trước năm 1900, nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch chiếm khoảng dưới 10% các nguyên nhân gây tử vong thì đến nay đã vượt 30%. Mỗi năm các bệnh lý tim mạch làm chết 18,6 triệu người, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và chiếm khoảng 31% tổng số người tử vong toàn cầu. Một thực tế đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng nhanh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Bên cạnh tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng, lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đã thay đổi rất nhanh, bên cạnh các bệnh truyền nhiễm vẫn lưu hành (mặc dù đã giảm) thì có sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, đái tháo đường...
Bệnh tim mạch cũng đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam. Theo GS, TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, trong nhóm các bệnh tim mạch, nếu như các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi thì tăng huyết áp, bệnh xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… lại đang tăng rất cao.
Kết quả một số điều tra, khảo sát cho thấy, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong cao nhất, chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp và trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động. Thế nhưng vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Từ tăng huyết áp rất dễ dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, 80% số ca mắc bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
GS, TS Nguyễn Lân Việt phân tích rõ hơn, do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh... dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng, đây là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi...
PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch học Việt Nam khẳng định, hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống, từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá; không lạm dụng rượu, bia... Mặt khác có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực.
Những người đã bị bệnh tim mạch hoặc người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và sử dụng thuốc phù hợp.
Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch học Việt Nam, số bệnh nhân bị tăng huyết áp đã gia tăng với mức ước tính trung bình xấp xỉ 1% mỗi năm, khoảng 25% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Điều đáng lo ngại là số người tăng huyết áp mà không biết bị bệnh lên tới 50% và số người xác định tăng huyết áp được điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 30%.
Để phòng bệnh tim mạch, Hội Tim mạch học Việt Nam đã, đang tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc thực hiện lối sống khỏe mạnh bao gồm ăn uống, luyện tập, tránh thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu, bia nhiều... cho đến khám sức khỏe định kỳ.
Tuyên truyền để người dân biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu... và đặc biệt phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác để có phương án điều trị kịp thời nhằm tránh các biến cố tim mạch cũng như tránh tái phát.
Theo Báo Nhân Dân