Bên cạnh gỡ vướng bằng cơ chế, chính sách của Chính phủ, Quốc hội, nhiều bệnh viện đã “tự mình cứu mình”, nỗ lực cao nhất để có nguồn thuốc, vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, sau dịch Covid-19 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế, với khối lượng lớn vấn đề tồn đọng cần giải quyết sau gần ba năm tập trung chống dịch.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ y tế từ Trung ương xuống địa phương nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc, chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, là đơn vị tuyến cuối, nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng nhất, khó nhất ở tất cả tỉnh, thành phố phía bắc và Hà Nội, lại có một số vụ việc liên quan đến vấn đề pháp lý, cho nên nếu các bệnh viện khác khó một thì Bạch Mai khó mười.
Nhưng trong khó khăn, tập thể bệnh viện xác định luôn đặt mục tiêu phải luôn cố gắng vì người bệnh, nên những khó khăn được bệnh viện báo cáo cơ quan có thẩm quyền để cùng tháo gỡ.
Đến nay, nhờ những nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế mà những khó khăn của hệ thống bệnh viện trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã cơ bản được tháo gỡ.
Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã đấu thầu thành công với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh; riêng đối với thiết bị, vật tư là hơn 1.700 tỷ đồng và thuốc là 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều gói thầu giảm được từ 15-30% giá thành so với giá kế hoạch. Gói thiết bị cho 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT đã đấu thầu xong. Cùng với các máy đang sửa chữa đến năm 2024, bệnh viện có gần mười máy cộng hưởng từ để phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh.
Bệnh viện cũng đấu thầu mua sắm được 2 gói thiết bị hệ thống nội soi đường tiêu hóa, máy siêu âm X quang; hoàn thành mua sắm bảy hệ thống phẫu thuật nội soi... Từ nay đến cuối năm, các thiết bị này được lắp đặt xong thì người bệnh đến Bạch Mai không phải chờ đợi khi phải chụp chiếu.
Sau dịch Covid-19, số người bệnh đến khám, phẫu thuật ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tăng tới 200%, trong khi quy định về mua sắm, đấu thầu chỉ được vượt 130%.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung; nhiều vật tư y tế, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có một đến hai nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện.
Nhằm bảo đảm nguồn cung, ban lãnh đạo bệnh viện đã cùng các đơn vị liên quan tập trung rà soát, nếu những nội dung nào có thể rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ mua sắm, phải rút ngắn ngay. Bệnh viện cũng lập các nhóm chuyên môn cụ thể (nhóm dược, nhóm vật tư) để thực hiện các công đoạn của việc đấu thầu, mua sắm.
Bệnh viện xác định, việc xây dựng hồ sơ, tiêu chí kỹ thuật là trí tuệ tập thể, là cả Hội đồng khoa học, trong quá trình triển khai, nếu khâu nào còn vướng mắc, băn khoăn sẽ kết nối để nhờ chuyên gia tư vấn, giải đáp thêm. Nhờ đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số chủng loại vào một số thời điểm.
Để có đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ thăm khám và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhi trong điều kiện sau dịch Covid-19, nguồn cung ứng nhiều mặt hàng bị gián đoạn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nỗ lực, tổ chức kịp thời việc mua sắm khi có các nghị quyết, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.
Bệnh viện xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm; lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm có liên quan.
Cùng với đó là các hội đồng nhỏ như Hội đồng mua sắm thuốc, Hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; Hội đồng mua sắm vật tư-sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập song song để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế...
Sau đó, bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng. Bệnh viện cũng chia ra nhiều gói thầu khác nhau. Riêng về trang thiết bị, vật tư sẽ chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.
Tính đến đầu tháng 11/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu để tiến hành đấu thầu, mua sắm thành công hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám, chữa bệnh, điều trị những trường hợp khó.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải chia sẻ, để phục vụ cho công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế, ban lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải lập kế hoạch sát với nhu cầu khám, chữa bệnh của đơn vị. Điều cốt lõi nhất để bảo đảm các hoạt động của bệnh viện nói chung, công tác mua sắm, đấu thầu nói riêng là phải tuân thủ các quy định và sự đoàn kết, nhất trí và đồng lòng của tập thể; nỗ lực cùng giải quyết những vướng mắc liên quan công tác khám, chữa bệnh để hướng về mục tiêu chung là làm sao phục vụ tốt nhất cho bệnh nhi.
Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang dần được giải quyết, đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. Thống kê của Bộ Y tế tại 1.076 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023, có 67,41% số đơn vị báo cáo đã cung ứng đủ thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh. Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng trình cấp có thẩm quyền cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề bảo đảm nguồn cung cho thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ; đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 kỳ vọng sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên thực tế, lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao, cho nên để mua được máy móc, thuốc, vật tư cần các quy định mua sắm có tính chất đặc thù. Nếu cứ áp dụng hình thức mua sắm thông thường cho vật tư, hóa chất có tính chất đặc thù thì không tránh khỏi bất cập.
HƠN 22 NGHÌN LOẠI THUỐC CÓ GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH CÒN HIỆU LỰC
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội (đợt 9).
Tính từ đầu năm đến nay, sau 9 đợt công bố đã có 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vắc-xin sinh phẩm được Bộ Y tế gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành.
Đến nay cũng đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược năm 2016.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết hơn 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.
Đến thời điểm hiện tại có hơn 22 nghìn loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, bảo đảm được nguồn cung thuốc trên thị trường.
|