Tỷ lệ gia tăng béo phì ở lứa tuổi học sinh đáng báo động. Ảnh: NG.TIẾN
10 tuổi đã bị tiểu đường vì quá béo
Mới đây, chị N.H.Hương (tỉnh Bình Thuận) đã phải lặn lội bắt xe đưa con trai 8 tuổi xuống một bệnh viện tại TPHCM để khám vì… không thấy dương vật của con đâu cả. Gia đình quá lo lắng khi dương vật của thằng cháu đích tôn chỉ có một lớp da. Tuy nhiên, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết cháu chỉ bị vùi dương vật giả do lớp mỡ phủ vùng mu quá dày. Nguyên nhân là vì bé quá mập. Quả thật, bé mới 8 tuổi nhưng đã nặng 40kg. Các bác sĩ khuyên cha mẹ cháu áp dụng một chế độ ăn uống và vận động hợp lý cho cháu.
Chị Hương cho biết vì cháu là đứa con đầu tiên của hai vợ chồng và cũng là đứa cháu trai đầu tiên của dòng họ nên được cưng chiều hết mực. Tất cả những món ngon bổ đều để dành cho cháu. Đặc biệt, cháu rất lười uống nước. Mỗi lần khát nước là cháu lại đòi uống sữa hoặc nước ngọt, khuya trước khi đi ngủ cũng phải ăn một món gì đó. Hậu quả là cậu bé tăng cân rất nhanh, cơ thể ngày càng mũm mĩm.
Cũng gặp vấn đề sức khỏe vì quá béo, bé gái P.T (ở huyện Hóc Môn, TPHCM) mới lên 10 tuổi nhưng cân nặng đã tới 42kg. Mới đây, mẹ của bé đã phải đưa con đi khám vì cháu T bỗng nhiên sút cân, hay tỉnh giấc vào ban đêm và đổ mồ hôi tay chân. Tại Bệnh viện Quận 12, bà T vô cùng bất ngờ vì bác sĩ cho biết con gái mắc đái tháo đường tuýp 2. Sau đó, gia đình đã đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để khám và theo dõi định kỳ. Cháu T được các bác sĩ khuyên ăn kiêng, ăn theo chế độ ngày 6 bữa và vận động hợp lý. Tuy nhiên, do bé đi học suốt ngày, việc ăn uống tại trường của cháu không kiểm soát được. Vì cháu vẫn chưa hiểu rõ bệnh của mình và thường xuyên ăn vặt bánh trái.
Không chỉ cháu T, tại khoa Thận – nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có hơn 100 trẻ mắc bệnh đái tháo đường theo dõi, điều trị định kỳ. Trong số đó, 10% bé mắc đái tháo đường tuýp 2. Theo các bác sĩ thì đây là căn bệnh liên quan đến di truyền và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ.
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, những người bị tăng cân và đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm.
Tỷ lệ gia tăng béo phì đáng báo động
Trẻ em thường được ví như “búp trên cành”, là những chồi non tương lai của đất nước. Thế nhưng, những phân tích gần đây của các bác sĩ dinh dưỡng khiến các chuyên gia lo lắng. Vì những chồi non tương lai của đất nước dường như đang trở nên mũm mĩm quá mức cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với gánh nặng bệnh tật liên quan đến tim mạch, huyết áp, rối loạn nội tiết, tâm sinh lý… ở một thế hệ sẽ là trụ cột của xã hội.
Mới đây, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đã thực hiện một nghiên cứu tỷ lệ thừa cân béo phì, cao huyết áp trên 11.072 học sinh được chọn ngẫu nhiên tại 30 trường học cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP. Các học sinh tham gia nghiên cứu được đo chiều cao, cân nặng, vòng bụng và huyết áp. Kết quả tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,4%, trong đó 19% ở mức độ béo phì.
Tỷ lệ béo phì trung tâm (mỡ có thể tập trung ở phần cao trên rốn) là 17,3%. Tỷ lệ thừa cân béo phì và béo phì trung tâm cao nhất ở học sinh cấp tiểu học với tỷ lệ lần lượt là 51,8 và 22,9%. Béo phì ở bé trai cao hơn bé gái (48,9% so với 33,8%). Tỷ lệ béo phì ở nội thành cao ngoại thành.
Bên cạnh béo phì thì tỷ lệ tăng huyết áp ở học sinh cũng đáng báo động, ở học sinh nam là 15,4% và ở học sinh nữ là 18,4%. Nghiên cứu cũng cho thấy, học sinh thừa cân béo phì, béo phì, béo phì trung tâm có tỷ lệ mắc cao huyết áp cao hơn học sinh bình thường.
Từ trước đến nay, thừa cân béo phì ở các nước phát triển có tỷ lệ cao là điều thường thấy. Thế nhưng khuynh hướng gần đây cho thấy dường như sự gia tăng đã đạt đỉnh. Số liệu năm 2009-2010 của điều tra dinh dưỡng và sức khỏe tại Mỹ (NHANES) cho thấy khoảng 1/3 trẻ 2-19 tuổi thừa cân béo phì. Số liệu không thay đổi đáng kể so với năm 2003. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân béo phì ở các nước đang phát triển không quá cao nhưng tỷ lệ gia tăng thừa cân béo phì thì lại…rất cao.
Với nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng, các chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa cân béo ở học sinh từ 6-18 tuổi ở TPHCM gia tăng đáng báo động. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã quan sát thấy các yếu tố nguy cơ tim mạch, tăng huyết áp tăng cao ở trẻ có thừa cân béo phì. Thừa cân béo phì, tăng huyết áp sẽ còn tồn tại đến khi trẻ trưởng thành. Tăng huyết áp xuất hiện sớm sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong sớm ở người trưởng thành.
Trẻ em nên tăng cường vận động, tập thể dục phù hợp để tránh bị béo phì, bệnh tật. Ảnh: M.QUÂN
Con béo phì, lỗi ở cha mẹ
Sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ béo phì ở trẻ em, nhất là trẻ em thành thị trong thời gian gần đây đặt ra một câu hỏi lớn về lối sống. Thay vì ăn cơm ngày 3 bữa với cơm nhà, canh rau, nhiều phụ huynh vì quá bận rộn đã dễ dãi cho con ăn các loại thức ăn nhanh.
Mặt khác, có điều kiện kinh tế, nhiều gia đình đã bồi dưỡng cho con bằng nhiều loại thức ăn bổ dưỡng, cho trẻ uống nước ngọt, thuốc bổ vô tội vạ. Trẻ đi học được đưa đón tận nơi, tới trường lại ngồi học ngày hai buổi. Trẻ trở nên lười vận động.
Rất nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi kiểm tra chỉ số cơ thể mới biết con mình đã thuộc diện quá béo. Trẻ không thể tự điều khiển việc ăn uống, hoạt động một mình. Vì vậy, phải chăng cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm về hậu quả này của con? Đã đến lúc, các cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng, lối sống của con mình bằng việc thay đổi bữa ăn và lối sống của con.
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đà Nẵng cho biết, thừa cân béo phì liên quan đến dinh dưỡng là một bệnh có thể phòng tránh được bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý song song với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp. Theo đó, trẻ cần được chăm sóc ngay từ trong bào thai để tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng khi sinh ra. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 năm và ăn bổ sung hợp lý giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và không bị thừa cân béo phì.
Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với trẻ lớn hơn thì ăn uống cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần năng lượng không nên vượt quá cao, giảm bớt chất béo, chất bột đường.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn rau và hoa quả để cung cấp chất xơ, hạn chế sử dụng thức ăn giàu năng lượng nghèo vi chất dinh dưỡng như đồ uống có đường, nước ngọt có ga, bánh kẹo, chocolate... Bên cạnh đó, để hạn chất béo, phụ huynh có thể chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc, giảm rán xào. Bữa ăn của trẻ cần được điều chỉnh hợp lý khoảng cách giữa các bữa ăn, không để trẻ quá đói.
Trẻ nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như: thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội... hạn chế xem vô tuyến, chơi điện tử và thức quá khuya. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
Theo khuyến nghị của Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS), khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ từ 1-3 tuổi có tỷ lệ các chất dinh dưỡng là 13,6% đạm; 37,5% béo; 48,9% đường và trẻ từ 4-6 tuổi là 13,5% đạm; 22,5% béo; 64% đường. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ đạm và béo phù hợp cho trẻ phải ở mức xấp xỉ cân bằng với tỷ lệ 1:1. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên bổ sung cho trẻ đầy đủ các vitamin như vitamin K2 , A, D, canxi và các men tiêu hóa cần thiết khác. Trong đó, K2 - loại vitamin ít được các bậc phụ huynh quan tâm nhưng lại đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hấp thụ canxi vào xương, làm tăng mật độ xương cho trẻ phát triển khỏe mạnh.
Theo Vũ Quỳnh/Báo Lao động