Đã xác định được nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau đột quỵ

Các bệnh nhiễm khuẩn là nguyên nhân dẫn tới số ca tử vong cao thứ hai trên toàn thế giới, chiếm khoảng 1/8 số ca tử vong trong năm 2019. Đây là ước tính toàn cầu đầu tiên về nguy cơ các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong.

Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/11 trên tạp chí Lancet, trong đó xem xét các ca tử vong do 33 mầm bệnh vi khuẩn phổ biến và 11 loại nhiễm trùng tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy các mầm bệnh vi khuẩn trên liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong - chiếm 13,6% tổng số ca tử vong toàn cầu - trong năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo đó, nhiễm khuẩn trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai, sau bệnh tim thiếu máu cục bộ, trong đó có đột quỵ. Đáng chú ý, chỉ 5 trong số 33 loại vi khuẩn được nghiên cứu là nguyên nhân dẫn tới 50% số ca tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn, gồm Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa. S. aureus là một vi khuẩn phổ biến trên da và trong mũi người, có thể gây ra nhiều bệnh, trong khi khuẩn E. coli thường gây các ca ngộ độc thực phẩm.

Nghiên cứu còn cho thấy sự khác biệt khá lớn giữa các vùng giàu - nghèo. Đơn cử, tại khu vực Nam Sahara, số ca tử vong do nhiễm khuẩn là 230 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này là 52 ca trên 100.000 dân tại những nơi được xác định là “vùng có thu nhập cao và siêu cao”, như Tây Âu, Bắc Mỹ và Australia. 

Đồng tác giả nghiên cứu, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe, có trụ sở tại Mỹ, ông Christopher Murray, khẳng định dữ liệu trên lần đầu tiên cho thấy thách thức mà các bệnh nhiễm khuẩn gây ra đối với y tế công cộng toàn cầu.

Do đó, cần đưa những kết quả này vào các sáng kiến y tế toàn cầu để có thể nghiên cứu sâu hơn những mầm bệnh có khả năng gây tử vong, cũng như có sự đầu tư thích đáng để giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong. Các tác giả nghiên cứu cũng kêu gọi tăng quỹ, trong đó có tiền đầu tư cho các loại vaccine mới, nhằm giảm số ca tử vong, đồng thời cảnh báo việc “sử dụng kháng sinh tùy tiện”. Bên cạnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị người dân rửa tay thường xuyên để phòng ngừa nhiễm khuẩn. 

Nghiên cứu trên được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Gánh nặng bệnh lý toàn cầu - một chương trình nghiên cứu quy mô lớn do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, với sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều