Dân số Việt Nam già hóa với tốc độ phi mã

Công tác dân số trong tình hình mới cũng là một nội dung lớn được xem xét và cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) lần này. Sau giai đoạn “dân số vàng”, VN sẽ bước vào giai đoạn “dân số già” một cách nhanh chóng và điều này là nỗi lo của dân số VN.

 VN đang bắt đầu già hoá dân số với tốc độ nhanh

Tận dụng cơ hội vàng

Các con số của Tổng cục Dân số cũng như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra đều cho thấy, giai đoạn “dân số vàng” của VN ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm và hiện giờ chúng ta đã đi được 10 năm. VN chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007. Đáng ra thời kỳ “dân số vàng” còn kéo dài một thời gian nữa nhưng tại VN đã diễn ra thời kỳ “dân số vàng” và già hóa dân số cùng một lúc.

Với thế mạnh của “dân số vàng”, VN có khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động – nền tảng cơ hội vàng cho VN có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển

Bên cạnh những lợi thế của “dân số vàng”, còn nhiều thách thức như dân số trong độ tuổi lao động của nước ta chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân số. Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp….

TS Nguyễn Bá Thuỷ, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình VN cho rằng: Cơ hội của giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” là rất lớn nhưng nếu không có các chính sách phát triển kịp thời, đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là cải thiện được năng suất lao động thì sẽ có ảnh hưởng rất xấu, vì cơ hội vàng sẽ kết thúc sau năm 2040.

Giai đoạn vàng qua đi rất nhanh

Trong khi giai đoạn “dân số vàng” đang diễn ra thì thời kỳ già hoá dân số đã bắt đầu từ năm 2011. VN là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện VN có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. 

TS Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình – cho biết: hệ quả dân số già đã hiện hữu ngay trước mắt như cấu trúc gia đình thay đổi, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển; Thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu; Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... 

Theo LH/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều