Hoạt động thể chất được biết đến có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khác. Tuy nhiên, giới khoa học đến nay vẫn chưa xác định được cường độ tập luyện như thế nào để đạt được hiệu quả. Vì vậy, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã tổng hợp kết quả từ 196 nghiên cứu đối với 30 triệu người để đưa ra một trong những kết luận toàn diện nhất về vấn đề này.
Nghiên cứu cho thấy cứ 6 ca tử vong sớm sẽ có 1 ca có thể được ngăn chặn nếu những người tham gia nghiên cứu vận động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải. Đây là cũng là mức khuyến nghị của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS).
Thậm chí, mức độ tập luyện bằng một nửa thời gian trên - 75 phút một tuần hoặc chưa đến 11 phút mỗi ngày - có thể ngăn ngừa 10% số ca tử vong sớm. Điều này cũng giúp tỷ lệ mắc bệnh tim giảm 17% và bệnh ung thư giảm 7%. Đối với người rất ít hoặc không vận động thể chất, tập thể dục 11 phút mỗi ngày giúp giảm 23% nguy cơ tử vong sớm.
Chuyên gia Soren Brage của Đại học Cambridge (Anh) - đồng tác giả của nghiên cứu trên - đánh giá kết quả của nghiên cứu là hết sức hữu ích. Ông khuyến nghị dành ra hơn 10 phút mỗi ngày để vận động thể chất. Theo ông, việc tập luyện không nhất thiết phải đến phòng gym, mà có thể thực hiện linh hoạt như xuống trước một trạm xe buýt để đi bộ hoặc đi xe đạp về nhà.
Ông Brage cũng giải thích rằng cần phải mất nhiều năm để đưa ra đánh giá về ảnh hưởng của việc tập luyện đối với nguy cơ mắc các bệnh nêu trên, do đó nhiều nghiên cứu được tiến hành cách đây cả thập niên. Điều này đồng nghĩa kết quả nhận được từ những người tham gia có thể ít chính xác hơn những gì thu được từ công nghệ hiện đại ngày nay, ví dụ các thiết bị theo dõi sức khỏe. Ông thừa nhận kết quả nghiên cứu trên vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ đã gây ra 17,9 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019, trong khi số ca tử vong do bệnh ung thư là 10 triệu ca vào năm 2020.
Theo Đức Trung (TTXVN/Báo Tin tức)