Giới Công giáo tham gia hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

(Mặt trận) -  Bài viết giới thiệu một số hoạt động nổi bật của giới Công giáo tại Việt Nam trong việc tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, không phân biệt lương - giáo. Các cơ sở chữa bệnh quy mô nhỏ của Công giáo có đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên, tình nguyện viên có chứng chỉ hành nghề phù hợp, được đào tạo từ các trường chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, mang lại lợi ích cho người dân.

Các tôn giáo tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, lan tỏa giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đất nước, góp phần làm giàu thêm đạo đức, văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp nên các sinh hoạt tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện; các tôn giáo đã tích cực tham gia công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, các hoạt động bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe; khám chữa bệnh cho người dân.

Hiện nay trên toàn quốc có 60.000 cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức và cá nhân tôn giáo, trong đó bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền. Các cơ sở này đã phục vụ ước tính 710.261 lượt người khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và hầu hết là miễn phí. Các cơ sở khám chữa bệnh do tôn giáo thành lập tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh…

Các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo nhìn chung trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, đảm bảo các điều kiện để phục vụ, chăm sóc người bệnh. Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên trong các cơ sở này là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia. Nhiều y sĩ, bác sĩ, lương y, nhân viên nhiều kinh nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước cũng tự nguyện tham gia. Đội ngũ bác sĩ, y sĩ hành nghề tại các cơ sở đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn khám chữa bệnh, các y sĩ, bác sĩ Tây y được đào tạo từ các trường chuyên môn, có bằng cấp đảm bảo quy định.

Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế một cách nghiêm túc và đúng tôn chỉ, mục đích. Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư, trang bị và quản lý khá tốt. Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên, tình nguyện viên có chứng chỉ hành nghề phù hợp, được đào tạo từ các trường chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc bệnh nhân, vì vậy tạo dựng được niềm tin của người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ và đóng góp công sức và tài chính cho các hoạt động đầy ý nghĩa này. Những hoạt động đã góp phần chăm lo khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân và thực hiện tốt an sinh xã hội, qua đó đã thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Đạt được những thành công này, là do chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo không ngừng được hoàn thiện và được triển khai mạnh mẽ trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho các tổ chức tôn giáo hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, bao gồm tham gia vào giáo dục, đào tạo và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và tạo được sự đồng thuận và ủng hộ trong xã hội.

Công tác khám, chữa bệnh từ thiện của các tôn giáo mỗi khi được triển khai đều được Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động khám chữa bệnh và cấp thuốc từ thiện tại các địa phương đúng quy định và đem lại hiệu quả. Các tổ chức tôn giáo không chỉ phát triển về cơ sở vật chất, số lượng tín đồ, các sinh hoạt tôn giáo tổ chức trang trọng, mà còn khích lệ được các tôn giáo cùng tín đồ tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội.

Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động các chương trình, cuộc vận động thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo, qua đó phát huy được các nguồn lực tôn giáo tham gia xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, đặc biệt là chăm lo sức khỏe người dân và từ thiện - bác ái1. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là điều kiện thuận lợi để các tôn giáo khẳng định và phát huy tốt hơn vai trò của mình trong quá trình gắn bó, đồng hành cùng dân tộc chung tay xây dựng và phát triển đất nước.

Vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm với xã hội trên tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phát động, xây dựng mối quan hệ Đạo - Đời hòa hợp, chung tay cùng chính quyền các cấp và Nhân dân xây dựng đất nước.

Đóng góp của tôn giáo với xã hội hiện nay không chỉ về mặt đạo đức mà còn ở nhiều lĩnh vực xã hội khác, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo. Công giáo là tôn giáo tham gia tích cực vào trong các lĩnh vực này để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người khó khăn, làm chứng cho giá trị yêu thương, bác ái của Kitô giáo.

Đồng bào Công giáo hiện có 7 triệu tín đồ, 7.434 chức sắc, trên 18 ngàn tu sĩ, khoảng 7.700 nhà thờ, 7 đại chủng viện, 1 học viện, 130 tu viện và trên 1.100 cơ sở từ thiện; thuộc 3 tổng giáo phận, 27 giáo phận, trên 3 ngàn giáo xứ, 6 ngàn giáo họ. Đồng bào tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, có 3 loại hình chăm sóc người bệnh của giới Công giáo đang triển khai trên phạm vi cả nước, bao gồm: (1) Chăm sóc người bệnh phong, (2) Khám chữa bệnh đa khoa, (3) Chăm sóc người bệnh hiểm nghèo.

Các chương trình, hoạt động y tế vì cộng đồng thường xuyên qua các Phòng khám ngoại trú (cả Đông y và Tây y). Các cơ sở lưu trú cho các bệnh nhân nghèo từ các tỉnh về thành phố để chữa bệnh: Mái ấm Chí Hòa, Mái ấm Hà Ðông của Caritas Sài Gòn; có thể thấy, các hoạt động này được triển khai rất đa dạng, đa dạng về quy mô, đa dạng về nhân sự, đa dạng về cơ quan chủ quản… nhưng có một điểm chung là ưu tiên phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 27/27 Tổng giáo phận, giáo phận Công giáo ban hành văn bản, thông báo, hướng dẫn các giáo xứ, dòng tu, các linh mục và tín hữu liên quan đến việc tổ chức các thánh lễ, các sinh hoạt tôn giáo. Đồng bào Công giáo trong cả nước đã có những cách thức “chống dịch như chống giặc” khác nhau, hiệu quả và lan tỏa trong khắp cộng đồng dân cư.

Ủy ban Bác ái - Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giáo phận đã tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức nhiều hoạt động phát quà, cơm, cháo miễn phí cho người nghèo; người có hoản cảnh khó khăn; người bán vé số, lượm ve chai; người lang thang, cơ nhỡ... bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tích cực vận động giáo dân tham gia quyên góp ủng hộ Nhân dân khẩu trang y tế, nước diệt khuẩn, vitamin C... Tiêu biểu như tại Sơn Lôi, nơi bùng phát tâm dịch cần phải cách ly cả một xã, Tòa Giám mục Bắc Ninh đã đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý để linh mục Giuse Hoàng Trọng Hữu, từng học ngành y, tình nguyện đến làm mục vụ tại hai giáo họ Bảo Ngọc và Bá Cầu, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với Nhân dân trong vùng cách ly. Linh mục đã ở lại trong vùng tâm dịch Sơn Lôi để chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ người dân Sơn Lôi phòng, chống dịch cho đến khi hết phong tỏa.

Caritas Hải Phòng đã kịp thời tập huấn cho các tình nguyện viên về ứng phó với dịch bệnh và cứu trợ khi cần và rất nhiều giáo phận đã triển khai các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho những người gặp khó khăn do đại dịch…

Người Công giáo thể hiện trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa tình thương khi các linh mục, nữ tu đang trực tiếp phục vụ tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV, nhà hưu dưỡng với “Nồi cháo tình thương”; “Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo”; “Tủ thuốc miễn phí”, sữa uống cho người già, giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, người khuyết tật, trẻ em đường phố… góp phần vào gìn giữ và phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa tại tỉnh Đồng Nai là hội dòng thánh hiến chuyên về lĩnh vực y tế, phục vụ chăm sóc bệnh nhân người nghèo không phân biệt tôn giáo. Hiện nay, Hội dòng này đang hoạt động phục vụ tại 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Quảng Nam với các phòng chẩn trị y học cổ truyền vật lý trị liệu. Ngoài ra, Hội dòng tham gia điều hành phòng khám nhân đạo Xuân Hòa, tham gia huấn luyện kỹ năng chăm sóc bệnh nhân cơ bản...

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe những người có hoàn cảnh khó khăn được giới Công giáo rất quan tâm. Hiện nay, cả nước có 144 trạm xá, phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, tu sĩ phụ trách; 56 cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp đăng ký hoạt động trên tổng số 113 cơ sở của các tổ chức tôn giáo (chiếm 49,55%) tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 5.000 người cao tuổi, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác, trong đó chủ yếu là trẻ em mồ côi và người khuyết tật. Nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu tổ chức các hoạt động thiện nguyện trên lĩnh vực y tế, xây dựng tủ thuốc từ thiện, tủ thuốc cơ sở bác ái, mua bảo hiểm y tế, khám bệnh phát thuốc cho những bệnh nhân nghèo không phân biệt tôn giáo; liên kết với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Giới Công giáo có nhiều tiềm lực, khả năng về nhân sự, về cơ sở vật chất… và nhất là có nền tảng giáo lý về lòng bác ái để thực hiện tốt các chương trình y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Trong xu hướng “xã hội hóa” của Nhà nước, những tiềm lực này cần được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện hơn nữa (về cơ chế, chính sách, pháp luật và về cách thức phối hợp…) để các tiềm lực ấy được phát huy hơn nữa, để giới Công giáo có thể chung tay, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích của mỗi người dân và lợi ích chung của toàn xã hội.

Các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo nhìn chung trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, đảm bảo các điều kiện để phục vụ, chăm sóc người bệnh. Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên trong các cơ sở này là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ hành nghề tại các cơ sở đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn khám, chữa bệnh.

Việc các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động chăm sóc người bệnh, thể hiện trách nhiệm, triết lý từ bi, bác ái, tuyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Điều này cũng đồng thời là nhu cầu tự thân của các tôn giáo, phù hợp với đường hướng hành đạo, biểu hiện chức năng xã hội mà tôn giáo dang dấn thân tham gia, chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đem lại sức khỏe cho Nhân dân.

Các hoạt động từ thiện xã hội, y tế, giáo dục của giới Công giáo nhận được ủng hộ, quan tâm của các vị Giám mục, linh mục, tu sĩ định hướng hoạt động bác ái xã hội theo đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam; sự đồng thuận và hướng dẫn của các linh mục, tu sĩ các giáo xứ, hội dòng… ngày càng có thêm nhiều người biết, tham gia, quan tâm, trợ giúp cho các hoạt động từ thiện, bác ái.

Nguồn lực của giới Công giáo trong các lĩnh vực này tạo ra một sự liên kết và huy động các nguồn lực xã hội mạnh mẽ, góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Chú thích:

1. Đến nay, cả nước đã có 300 trường mầm non và hơn 1.000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các tôn giáo thành lập. Các cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo thành lập đã chăm sóc trên 130 nghìn trẻ đến trường, chiếm 3,06% tổng số trẻ mầm non toàn quốc, gần 20% số trẻ mầm non ngoài công lập; có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo tập trung chủ yếu ở phía Nam, hằng năm đào tạo hơn 2.000 học viên và khi ra trường họ đều tìm được việc làm. Các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nói trên hoạt động không vì lợi nhuận kinh tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, giúp đỡ.

Về chăm sóc sức khỏe, tổng số cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283 cơ sở, trong đó tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám chữa bệnh là 13.027 người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở phòng chẩn trị y học cổ truyền của tôn giáo là trên 14 triệu lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở bệnh xá của tôn giáo là 179.025 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm 2015 - 2020 là 6.890,873 tỷ đồng.

NGUYỄN VĂN THUYÊN - Báo Người Công giáo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều