Kháng thuốc kháng sinh - Mối lo ngại của toàn thế giới

(Mặt trận) - Thuốc kháng sinh là loại thuốc dùng để phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn. Kháng thuốc kháng sinh (kháng kháng sinh) xảy ra khi một loại vi khuẩn tiến hóa theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc kháng sinh. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là thảm họa chung đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Kháng kháng sinh - mối lo ngại của toàn thế giới (Ảnh: Shutterstock)

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), mỗi năm ở Hoa Kỳ có ít nhất 2.049.442 bệnh do kháng kháng sinh được kê để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Hơn 23.000 người tử vong mỗi năm khi các loại thuốc này không phát huy tác dụng.

Kháng kháng sinh dẫn đến chi phí y tế cao hơn, thời gian nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng. Thế giới đang khẩn trương khắc phục tình trạng này. Ngay cả khi các loại thuốc mới được phát triển mà con người không thay đổi hành vi thì kháng kháng sinh sẽ vẫn là một mối đe dọa lớn.

Dữ liệu từ WHO công bố vào đầu năm nay cho thấy sự lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh và một số những trường hợp mức độ kháng kháng sinh cao trên toàn cầu trong các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất.

Trong báo cáo đầu tiên của Hệ thống giám sát kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) của WHO căn cứ vào dữ liệu từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 500.000 chủng phân lập cho thấy Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumonia và Salmonella spp là các vi khuẩn kháng thuốc được báo cáo phổ biến nhất. Dữ liệu kháng kháng sinh (AMR) do 22 quốc gia cung cấp chủ yếu cho thấy các tác nhân gây bệnh phân lập từ máu, nước tiểu, phân, cổ tử cung và mẫu niệu đạo với kết quả là tỷ lệ cao vi khuẩn không nhạy cảm với một hoặc nhiều loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị chúng. Ví dụ như đề kháng với Pencillin dao động từ 0-51%, trong khi đề kháng với Ciprofloxacin trong nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra bởi E coli dao động từ 8-65%. Ciprofloxacin là thuốc được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Trong số những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng máu, tỷ lệ vi khuẩn không nhạy cảm với kháng sinh thường được sử dụng dao động từ 0 ở một số quốc gia và lên đến 82% ở những quốc gia khác. Nhiễm trùng máu do vi khuẩn, đặc biệt là những vi khuẩn kháng thuốc là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân.

Mức độ kháng thuốc cao cũng được tìm thấy ở loại vi khuẩn mà WHO gọi là “tác nhân gây bệnh hàng đầu”. Ở Hàn Quốc, gần 75% các chủng Acinetobacter tìm thấy trong máu có khả năng kháng các kháng sinh nhóm Carbapenem Imipenem và Meropenem. Baumannii kháng Carbapenem đã được WHO phân loại là ưu tiên hàng đầu cho nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới.

Các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất hiện nay (Ảnh: Longitude Prize)

Một số quốc gia được báo cáo có mức độ kháng thuốc cao ở các vi khuẩn gây bệnh lậu. Ở Malawi, gần 100% các chủng lậu Neisseria gonorrheae không nhạy cảm với Ceftriaxone và khoảng 15% không nhạy cảm với Azithromycin. Những loại thuốc này hiện đang được dùng để điều trị bệnh lậu. WHO đã ra cảnh báo sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc điều trị bệnh lậu và phân loại lậu cầu khuẩn N là một mầm bệnh ưu tiên cao.

Trước tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học đã chỉ ra những nguyên nhân gây ra “thảm họa” này.

Thứ nhất, đây là một sự đột biến tự nhiên của vi khuẩn nằm trong quá trình tiến hóa của chúng và cho phép chúng liên tục thích ứng. Khi một trong số các vi khuẩn đó tự kháng thuốc một cách tự nhiên thì nó sẽ tồn tại trong khi số khác bị tiêu diệt.

Nguyên nhân thứ hai là do một cơ chế chống lại kháng sinh của vi khuẩn. Một số protein được mã hóa trong loại gen có tên gọi “mar” có thể chuyển sang các gen khác. Đây chính là cơ chế mà vi khuẩn sử dụng để tự bảo vệ mình khỏi kháng sinh.

Nguyên nhân thứ ba đó là việc lạm dụng và thiểu dụng kháng sinh. WHO đã cảnh báo đến tất cả người dân trên thế giới về việc sử dụng kháng sinh không phù hợp làm cho tình trạng kháng thuốc trở nên tồi tệ hơn. Điều này bao gồm cả việc lạm dụng và thiểu dụng thuốc.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, khả năng kiểm soát nhiễm trùng kém trong quá trình chăm sóc sức khỏe, vệ sinh kém và sự hạn chế của các loại kháng sinh mới.

Lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây kháng kháng sinh (Ảnh: Thenatpath)

Tại Việt Nam - quốc gia thuộc nhóm kháng kháng sinh cao nhất thế giới, 5 nguyên nhân chính được chỉ ra bao gồm: Việc người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh nhưng người dân vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc. Việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể được giải thích là bệnh nhân lười tái khám, tự dùng thuốc của người bệnh. Nguyên nhân thứ ba là do nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn ở môi trường này cũng trở nên kháng kháng sinh. Nguyên nhân thứ tư, tình trạng lây chéo do quá tải tại các bệnh viện, dẫn tới một bệnh nhân có một vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác. Và nguyên nhân thứ 5 là do chất lượng tư vấn, chẩn đoán và bán thuốc của nhiều dược sĩ còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm thực tế.

Dược sĩ cần bán thuốc theo đơn, tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách (Ảnh: Phunulife)

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần phải xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh để sử dụng đúng loại kháng sinh. Mặc dù, không phải trường hợp nào có cũng có được kết quả vi sinh nhưng bác sĩ có thể căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn, vi khuẩn thường gặp tại vị trí đó và tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đó đối với kháng sinh định lựa chọn. Thứ hai, các bác sĩ tuân thủ nguyên tắc: chỉ kê kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn; tối ưu hóa dược lâm sàng; khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Thứ ba, dược sĩ cần bán thuốc theo đơn, tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách cho người bệnh, bao gồm: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách. Dược sĩ phải biết về kháng sinh từ phổ tác dụng, dược động học, dược lực học, khả năng thấm tới vị trí nhiễm khuẩn, tác dụng không mong muốn và giá thành. Đối với bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không nên tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi, tránh sao chép đơn thuốc của người khác... Và bên cạnh đó, các hãng dược cũng cần nghiên cứu không ngừng để đưa ra các loại kháng sinh mới và ngành dược cũng cần tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hoặc thay thế để hạn chế phụ thuộc vào kháng sinh, ví dụ như văcxin.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều