Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm Norovirus gây viêm dạ dày ruột ở 19–21 triệu người ở Mỹ. Virus này cũng là nguyên nhân gây ra 56.000–71.000 ca nhập viện và 570–800 ca tử vong ở nước này mỗi năm.
Mặc dù Norovirus thường lây lan nhanh và phát triển mạnh trong những tháng mùa đông, nhưng loại virus này vẫn có thể gây bệnh vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
|
Vệ sinh tay và làm sạch thực phẩm có vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây truyền của Norovirus (Ảnh minh họa: Nguồn Peter Dazeley/Getty Images)
|
Tìm hiểu về Norovirus
Norovirus lây lan thông qua phân, bãi nôn và chất thải của người và động vật bị nhiễm bệnh. Mọi người có thể bị nhiễm virus khi tiêu thụ thực phẩm, uống nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người hoặc bề mặt có Norovirus mà không vệ sinh sạch sẽ.
Rất khó để loại bỏ Norovirus vì chúng có thể tồn tại ở cả hai nhiệt độ nóng và lạnh, đồng thời chúng có khả năng chống lại nhiều chất khử trùng.
Norovirus liên tục trải qua nhiều đợt biến đổi gen. Vì lý do này, con người có xu hướng bị nhiễm Norovirus nhiều hơn một lần trong đời, mặc dù sau mỗi lần các triệu chứng thường ít nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng khi nhiễm Norovirus
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Nôn mửa
- Co thắt hoặc đau ở bụng
- Tiêu chảy ra nước hoặc lỏng
- Sốt và ớn lạnh
- Nhức mỏi toàn thân
- Nhức đầu
Trong thời gian ngắn khi các triệu chứng này xuất hiện, người bệnh có thể cảm thấy rất không khỏe và nôn mửa nhiều lần trong ngày, dữ dội và thường không có dấu hiệu báo trước.
CDC lưu ý rằng các dấu hiệu và triệu chứng thường kéo dài 1–3 ngày và xuất hiện trong khoảng từ 12 đến 48 giờ sau khi lây nhiễm virus. Trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể kéo dài hơn 3 ngày.
Đáng lưu ý, một khi các triệu chứng đã hết, virus vẫn có thể lây lan qua phân và chất thải của người bệnh trong vòng 2 tuần kế tiếp.
Phòng ngừa lây nhiễm Norovirus
Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Norovirus từ thực phẩm là tuân thủ quy trình xử lý thực phẩm đúng cách. Vệ sinh tay và làm sạch thực phẩm có vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây truyền của Norovirus.
Norovirus có thể tồn tại ở nhiệt độ đóng băng, cũng như nhiệt độ cao tới 140°F hoặc 60°C. Một số người thậm chí có thể bị nhiễm bệnh sau khi ăn các loại động vật có vỏ được hấp như hàu, ngao… Hơn nữa, Norovirus cũng có thể tồn tại trong nước có nồng độ Clo tiêu chuẩn trong các hệ thống nước công cộng hiện tại.
Bất chấp những đặc điểm sinh tồn này, các chuyên gia cho biết các biện pháp vệ sinh thực phẩm và cá nhân tương đối đơn giản có thể làm giảm đáng kể sự lây truyền Norovirus từ thực phẩm.
Rửa tay: Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước ấm có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ và trước khi chuẩn bị bữa ăn.
Làm sạch các bề mặt: Nên làm sạch bằng chất tẩy rửa gia dụng có chất tẩy trắng và để thuốc tẩy trên bề mặt trong khoảng 10 phút. Những người bị nhiễm Norovirus thường có thể nôn dữ dội mà không có dấu hiệu báo trước. Vì vậy, nên làm sạch bất kỳ bề mặt nào mà chất nôn tiếp xúc ngay lập tức, tránh làm lây lan virus.
Tránh sử dụng thực phẩm có nguy cơ: Nên cố gắng tránh ăn những động vật có vỏ đến từ vùng nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, cũng nên loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào mà một người nhiễm Norovirus có thể đã ăn hay chế biến. Nên rửa kỹ tất cả các loại trái cây và rau củ quả trước khi ăn.
Loại bỏ phân và chất thải bị nhiễm bệnh: Cần đảm bảo đã xả sạch những chất bẩn này và làm sạch khu vực nhà vệ sinh xung quanh ngay lập tức bằng chất tẩy rửa gia dụng có chất tẩy trắng.
Giặt quần áo và khăn trải giường: Nếu những vật dụng này có thể đã bị nhiễm bẩn, mọi người nên giặt chúng bằng nước xà phòng nóng.
Hạ bệ bồn cầu: Khi dội nước bồn cầu, nên hạ bệ bồn cầu xuống để ngăn vi khuẩn, virus truyền nhiễm xâm nhập vào không khí.
Ở nhà: Tránh tiếp xúc nơi đông người có thể làm giảm sự lây lan của Norovirus. Lời khuyên này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân đang bị nhiễm Norovirus.
Sử dụng khăn dùng một lần: Những người có nguy cơ đặc biệt dễ bị lây nhiễm, chẳng hạn như những người chăm sóc người bị nhiễm bệnh, nên sử dụng khăn giấy dùng một lần thay vì khăn vải để lau khô tay. Virus có thể tồn tại một thời gian trên các đồ vật.
Cẩn thận khi đi du lịch: Những người đi du lịch đến một địa điểm có hệ thống vệ sinh kém phát triển chỉ nên sử dụng nước đóng chai, kể cả để đánh răng. Cũng nên tránh tiệc tự chọn và thức ăn chưa nấu chín.
(Nguồn https://www.medicalnewstoday.com)
Theo Minh Hiếu/Báo Đại biểu Nhân dân